- Căn cứ chỉ thị 06 của Ban thường vụ Thị ủy Hội An ngày 26/3/1993 về cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh - gia đình văn hóa mới và vai trò đóng góp của các tộc họ trong công cuộc này.
- Căn cứ bản dự thảo hướng dẫn soạn thảo tộc ước ban xây dựng NSVM - GĐVH thị xã nhằm giữ gìn phát huy những nét đẹp về văn hóa truyền thống của tộc họ trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay...
- Để giữ gìn phát huy những mỹ tục, quy ước tốt đẹp của Tộc đã được lưu truyền nhằm giáo dục con cháu noi gương học tập, sống và giữ gìn thanh danh của tộc đã để lại nhằm góp phần lớn trong công tác xây dựng nếp sống văn minh - gia đình văn hóa mới...
Nay Hội đồng Gia tộc Trần Trung Tộc soạn thảo và chỉnh lý lại tộc ước nhau sau:
Chương 2
NỘI DUNG CỦA TỘC ƯỚC
A. TRUYỀN THỐNG - ĐẠO ĐỨC - KỶ CƯƠNG
* Đối với mỗi thành viên
1. Tôn trọng giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của tộc. Chăm lo vun đắp hạnh phúc gia đình, quan hệ dòng họ hòa thuận, đoàn kết thương yêu đùm bọc giúp đỡ nhau cả về tinh thần lẫn vật chất.
2. Luôn nêu cao thanh danh của Tộc, tự trau dồi đạo đức phẩm hạnh. Chấp hành tốt pháp luật nhà nước. Có mối quan hệ với thân tộc, láng giềng và thực hiện tốt nghĩa vụ công dân với cộng đồng xã hội cũng như đối với Tộc.
3. Luôn lễ phép tôn trọng kỷ cương thứ bậc trong tộc họ, cung kính với người trên, khoan hòa với người dưới. Trung thực, hướng thiện biết nghe lời khuyên bảo tốt đẹp của dòng họ. Tích cực sửa chữa lỗi lầm để trở thành người tốt, nêu gương cho lớp trẻ học tập.
4. Thực hiện tốt việc kết hôn ngoài dòng tộc và xem đây như là một biểu hiện đạo đức truyền thống của tộc nói riêng và của dân tộc nói chung. Tự giác thông báo sớm với gia đình khi có quan hệ tình ái hay kết hôn với người mà mình chưa rõ về quan hệ huyết thống.
5. Phải trung thực góp ý hoặc báo cáo với gia đình, phái hoặc tộc khi phát hiện có thành viên trong phái, vi phạm về truyền thống đạo đức, kỷ cương để gia đình, hay phái tộc kịp thời phê phán, uốn nắn, giáo dục.
* Đối với gia đình
1. Thực hiện tốt các quy ước về nếp sống văn minh - gia đình văn hóa mới, chăm lo dạy bảo con em giữ vững truyền thống gia tộc, sống đạo đức nhân ái.
2. Cùng với phái, tộc có trách nhiệm dạy dỗ giúp con em thực hiện tốt Tộc ước.
3. Phải thông báo sớm với phái, tộc về việc chọn vợ, gả chồng cho con em mình để phái, tộc sưu tra về mối quan hệ huyết thống, tránh vi phạm việc kết hôn sai trái với đạo lý.
4. Thực hiện tốt chủ trương về dân số kế hoạch hóa gia đình trong việc sinh con đẻ cháu.
1. Các bậc trưởng thượng phải sống mẫu mực về đạo đức, phẩm hạnh để con cháu học tập. Luôn nhắc nhở con cháu nói lời hay ý đẹp làm việc tốt để tôn cao thanh danh, uy tín của tộc. Cùng con cháu bàn bạc các việc hệ trọng của Tộc - Phái với tinh thần khoan dung, nhân ái, đoàn kết và phù hợp với sự tiến bộ của xã hội.
2. Tộc họ có trách nhiệm giáo dục lối sống đạo đức cho con cháu. Răn dạy chỉ bảo, giúp đỡ cho con cháu khi bị lầm lỗi, biểu dương những gương sáng của con cháu.
3. Khuyến khích con cháu thực hiện kết hôn đúng với truyền thống đạo lý và Luật hôn nhân gia đình, Luật Dân sự... Xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ, trọng già khinh trẻ...
4. Vận động con cháu trong phái - tộc thực hiện chủ trương về dân số - kế hoạch hóa gia đình.
5. Chăm lo gìn giữ các giềng mối kỷ cương của tộc - phái. Đoàn kết giữa chi phái tộc với tình cảm huyết thống. Tôn trọng các tộc họ láng giềng. Giữ gìn mối đoàn kết giữa các tộc họ. Đặc biệt về quan hệ với tộc Trân Văn (theo di ngôn của ông bà) để xứng đáng với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
B. THỜ PHỤNG - CÔNG ÍCH
* Đối với mỗi thành viên
1. Luôn luôn coi trọng việc thờ phụng tổ tiên ông bà là nghĩa cử biểu hiện đạo đức cao quý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", "Cây có cội, nước có nguồn" của dân tộc.
2. Có bổn phận và trách nhiệm thờ phụng tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Tự nguyện tham gia và chấp hành nghiêm túc các sinh hoạt gia tộc, phái theo nề nếp quy định. Luông giữ gìn thuần phong mỹ tục trong các lễ nghi. Cùng gia đình, phái, tộc tổ chức viếng mộ, dâng hương, lễ bái vào các ngày Tết, Xuân Kỳ thu tế, giỗ Tổ, chạp hàng năm, kỳ.
3. Có trách nhiệm góp phần tôn tạo, giữ gìn các công trình thờ tự của phái tộc (nhà thờ, mồ mả...), Tộc phả, Tộc ước... Tham gia đầy đủ việc đóng góp xây dựng quỹ công đức vì những công việc tốt đẹp, tiến bộ mà phái - tộc vận động (quỹ tôn tạo đền tờ, mồ mả, quỹ tương trợ thân tộc, quỹ khuyến học...).
4. Kịp thời thông báo với phái - tộc khi có người thân qua đời để phái, tộc tổ chức phúng điếu, lễ tang đưa đám, không được tự ý làm theo ý muốn của mình.
* Đối với tộc:
1. Có bổn phận chăm lo việc thờ tự tổ tiên, thực hiện nghi lễ truyền thống nhưng phải phù hợp với điều kiện xã hội, văn hóa, văn minh hiện nay.
2. Quy định kịp thời lẽ lệ của phái tộc hàng năm, kỳ. Kịp thời thực hiện đúng tập tục tang lễ cho người thân trong tộc do Hội đồng Gia tộc quy định và chịu trách nhiệm (triệu tập ban lễ tang, sắm lễ phúng điếu, lễ nghi đưa đám...).
Tích cực chăm lo việc công ích cho dòng họ, tránh xa hoa, lãng phí tiền của... Chú trọng việc tương trợ giúp thân tộc không rơi vào diện đói kém, nợ nần dây dưa, giúp đỡ khi thân tộc gặp hoạn nạn, khó khăn, bần hàn hoặc ốm đau dài hạn...