Mức độ hiệu quả sử dụng vốn có thể xác định bằng 2 chỉ tiêu chính là tỷ suất lợi nhuận trên vốn và tỷ suất doanh thu trên vốn. Ngoài ra, xét về quyền lợi của nhà đầu tư, người ta có thể dùng chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu để đánh giá khả năng sinh lời trên một đồng vốn của người góp vốn vào doanh nghiệp.
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn cho biết mức độ sinh lời của đồng vốn dùng trong kinh doanh. Tỷ lệ này cần bù đắp được chi phí cơ hội của việc sử dụng vốn. Thông thường, đồng vốn được coi là sử dụng có hiệu quả nếu tỷ lệ nói trên cao hơn mức sinh lời khi đầu tư vào các cơ hội khác, hay ít nhất phải cao hơn lãi suất tín dụng ngân hàng.
Tỷ suất doanh thu trên vốn cho thấy mức doanh thu tạo ra trên một đồng vốn, ngoài ra nó còn cho biết mức quay vòng vốn. Tỷ suất này còn phụ thuộc vào đặc điểm kinh tế – kỹ thuật của ngành và chu kỳ sản xuất kinh doanh.
Tình trạng hiệu quả thấp so với phí tổn sử dụng vốn sẽ làm cho các doanh nghiệp rơi vào vòng luẩn quẩn. Hiệu quả thấp cộng với thiếu vốn làm giảm sức cạnh tranh (về giá cả và chất lượng), từ đó thị phần bị thu hẹp, thậm chí mất thị trường, năng lực sản xuất không được tận dụng và hiệu quả sử dụng vốn lại càng thấp.
Có nhiều người cho rằng cứ đạt được lợi nhuận là coi như có hiệu quả và có thể duy trì hoạt động kinh doanh. Điều đó là đúng nếu như không tính đến chi phí cơ hội sử dụng vốn, hoặc xét đến lợi ích xã hội của các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, xét về sức mạnh canh tranh của doanh nghiệp thì kinh doanh có lãi chưa đầy đủ mà cần đạt được một tỷ lệ lãi nhất định.