Giải pháp từ phía doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc sau khi gia nhập WTO (Trang 88 - 96)

3.2.2.1. Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm xuất khẩu, đảm bảo tính bền vững của các mối liên kết

Đây là giải pháp quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp kinh doanh hàng xuất khẩu, các giải pháp khác chỉ có thể thực hiện có hiệu quả khi doanh nghiệp thực sự coi trọng việc thực hiện giải pháp này. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản. Nếu các hộ nông dân tiếp tục tình trạng sản xuất nhỏ lẽ, tự phát, các doanh nghiệp không có hiệp đồng dài hạn với hộ nông

dân và các hợp tác xã, tách rời giữa khâu sản xuất, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ … thì tình trạng sản xuất manh mún, giá thành cao, khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế nói chung và thị trường Trung Quốc nói riêng vẫn không thể được khắc phục. Tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu phải bao gồm tất cả các chủ thể có liên quan đến quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ. Chừng nào những liên kết trên đây còn chưa chặt chẽ thì những khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu sẽ không thể giải quyết được một cách triệt để.

Các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa xuất khẩu cần đóng vai trò là “đầu tầu” – nhân vật trung tâm điều phối và vận hành hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp cần chủ động động đặt hàng với các nguồn cung ứng nguyên liệu, đồng thời phải là chủ thể có vai trò trực tiếp trong việc nghiên cứu thị trường, định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường xuất khẩu và hướng dẫn hoặc đặt hàng các chủ thể có liên quan triển khai các hoạt động một cách phù hợp nhất nhằm hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động kinh doanh xuất khẩu của doanh nghiệp đạt hiệu quả cao.

Điểm mấu chốt để đảm bảo tính bền vững của các mối liên kết này là “hài hòa hóa lợi ích của các bên trong liên kết”, đó cũng là cơ sở để doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu của mình cũng như thương hiệu các mặt hàng xuất khẩu của doanh nghiệp trên thị trường Trung Quốc.

3.2.2.2. Nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc, đời sống của người dân Trung Quốc không ngừng được nâng cao. Nhu cầu tiêu dùng cũng từ đó mà tăng lên cả về quy mô lẫn chất lượng. Do vậy, việc nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu là cơ sở, tiền đề để hàng hóa Việt Nam chiếm được chỗ đứng

vững chắc trên thị trường Trung Quốc. Đặc biệt đối với hàng nông sản – mặt hàng chủ lực, mặt hàng chịu nhiều áp lực về rào cản chất lượng khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Yêu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản xuất khẩu là phải nâng cao chất lượng mặt hàng của mình.

Để làm được điều này, các doanh nghiệp nông sản cần tạo được nguồn cung nông sản ổn định trên cơ sở phát triển các chuổi cung ứng nông sản, trong đó doanh nghiệp cần đặt ra các yêu cầu cụ thể đối với người sản xuất trong việc thực hiện nghiêm chỉnh các công đoạn trong toàn bộ quy trình sản xuất, từ khâu chọn giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, chế biến nông sản theo các mô hình quản lý chất lượng hiện đại, tuân thủ tiêu chuẩn mà thị trường xuất khẩu đặt ra.

Vấn đề hiện đại hóa công nghệ chế biến nông sản cũng là một yêu cầu tất yếu và cấp bách để các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường Trung Quốc, giảm thiểu việc xuất khẩu nông sản thô hoặc mới qua sơ chế, tăng tỷ trọng xuất khẩu nông sản chế biến và giá trị gia tăng cho nông sản xuất khẩu.

3.2.2.3. Tăng cường công tác nghiên cứu thị trường và các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu

Hiện nay, nhận thức về tầm quan trọng của công tác xúc tiến thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của các doanh nghiệp chưa cao, việc giới thiệu quảng bá sản phẩm vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Khả năng thu thập thông tin, phân tích thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp còn rất hạn chế. Các nghiên cứu sâu về thị trường xuất khẩu được triển khai có tính đơn lẻ, chưa được tập hợp thành tài liệu tham khảo. Vì vậy, các

doanh nghiệp hàng hóa của Việt Nam cần nhận thức đúng và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và quảng bá cho sản phẩm của mình, tham gia nhiều hơn vào các hội chợ, triển lãm để tiếp tục thiết lập các mối quan hệ làm ăn trực tiếp với các nhà nhập khẩu Trung Quốc, đồng thời tạo ra sự liên kết, gặp gỡ thường xuyên giữa các đối tác đã có quan hệ buôn bán với nhau.

Thực hiện chiến lược “vết dầu loang”. Việt Nam có một điều kiện là có truyền thống buôn bán lâu đời trong quan hệ láng giềng hai nước. Thương nhân Trung Quốc luôn chủ động tìm kiếm nguồn hàng từ các nước láng giềng để mua bán trao đổi tạo thông thương biên giới hai bên. Chỉ cần hàng hóa có mặt tại các dịp hội chợ triển lãm hoặc tại khu thương mại biên giới là thương nhân Trung Quốc đã tìm mua về bán lại. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam nên tranh thủ điều kiện đó theo cách thẩm thấu dần và hỗ trợ tích cực cho bạn hàng để có được kênh phân phối với một thị phần nhất định tại Trung Quốc.

3.2.2.4. Nâng cao tính linh hoạt, thích ứng của doanh nghiệp xuất khẩu khi điều kiện thị trường thay đổi

Điều này liên quan mật thiết đến khả năng quản trị doanh nghiệp, trong đó cơ chế điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Khi nghiên cứu thị trường Trung Quốc, ngoài việc nắm bắt và cập nhật các thông tin về nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần tìm hiểu kỹ chính sách, pháp luật, tập quán của các quốc gia đối với việc nhập khẩu và tiêu dùng hàng hóa của mình. Nhằm để bảo hộ sản xuất trong nước, Trung Quốc thường xuyên dựng lên những rào cản kỹ thuật, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần nắm bắt kịp thời và linh hoạt trong điều chỉnh cơ cấu, quy trình sản xuất sao cho phù hợp.

3.2.2.5. Đổi mới nhận thức và liên kết lại để tạo lợi thế cạnh tranh tổng hợp

Để ACFTA thực sự có ý nghĩa, doanh nghiệp nước ta cần chủ động đổi mới bắt đầu từ nhận thức về cung cách kinh doanh: sản xuất theo định hướng thị trường, làm tốt công tác phân loại sản phẩm, nâng cấp hệ thống bảo quản, tiếp thị và quảng bá thương hiệu. Doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm rõ để đáp ứng những quy định của Trung Quốc về kiểm dịch, tiêu chuẩn chất lượng, cơ chế cấp phép, thủ tục thanh toán, bảo hiểm. Các doanh nghiệp cần có sự thay đổi theo hướng tích cực trong tư duy, không nên có thái độ ỷ lại, chờ đợi sự hỗ trợ của các cơ quan chủ quản, chủ động tìm hiểu nhu cầu thị hiếu, hệ thống pháp luật, tiếp cận, tiếp cận, thâm nhập thị trường để tránh tình trạng bị động trong quan hệ trao đổi hàng hóa.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nếu chỉ hoạt động đơn lẻ thì chỉ dừng lại ở thị trường biên giới, khó có thể tiến sâu vào thị trường nội địa, không những thế còn bị ép cấp, ép giá dẫn tới xuất khẩu thu được hiệu quả thấp. Để khắc phục tình trạng này, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới nhận thức, liên kết, đồng tâm hiệp lực để tạo lợi thế cạnh tranh tổng lực trên thị trường Trung Quốc. Để có thể liên kết các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là nhóm hàng nông sản thực phẩm, chúng ta nên thành lập một ủy ban tăng cường cạnh tranh quốc gia và phát huy sức mạnh các Hiệp hội. Nhiệm vụ chính của ủy ban là liên kết các doanh nghiệp lại thống nhất trong kinh doanh xuất khẩu.

Đặc biệt, với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc cần đăng ký và bảo hộ thương hiệu kịp thời.

3.2.2.6. Nghiên cứu tìm ra “ngách” thị trường

Thị trường Trung Quốc quá rộng lớn, do vậy muốn thâm nhập, các doanh nghiệp cần thiết phải nghiên cứu tìm cho mình một “ngách” thị trường để “len” vào dựa trên những lợi thế so sánh. Ví dụ như đối với doanh nghiệp BITI’S – một doanh nghiệp sản xuất giày dép của Việt Nam đã khá thành công trong việc thâm nhập và tìm cho mình một chỗ đứng vững trên thị trường Trung Quốc, ngách thị trường mà BITI’S phát hiện là ở hai điểm:

- Vị trí địa lý: Việc vận chuyển giao thương buôn bán giữa các tỉnh phía đông có kinh tế phát triển và các tỉnh phía tây, đặc biệt là các tỉnh Tây Nam của Trung Quốc diễn ra không thuận do điều kiện về giao thông, xa xôi cách trở. Trong khi đó thì hàng hoá của Việt Nam, mặc dù từ thành phố Hồ Chí Minh đưa ra nhưng vẫn tỏ ra có ưu thế hơn nhiều trong vấn đề giao thương, vận chuyển.

- Sản phẩm và công nghệ: Trung Quốc là nước sản xuất và xuất khẩu giày dép lớn nhất thế giới. Do vậy, việc đổi mới công nghệ diễn ra rất nhanh. Từ công nghệ sản xuất dép bằng chất liệu PU, TPR. Chính điều này đã làm các nhà sản xuất Trung Quốc bỏ qua nhu cầu của người tiêu dùng trong nước mà đặc biệt là các tỉnh Tây Nam Trung Quốc đang có mức sống thấp hơn, nhưng lại cần những sản phẩm có chất lượng cao. Những sản phẩm có chất lượng thấp cho dù là giá rất rẻ không còn chiếm ưu thế như trước đây.

Nhu cầu này hoàn toàn phù hợp với sản phẩm xuất trên chất liệu EVA mà công ty BITI'S đang có thế mạnh. Do vậy BITI'S nhắm đến mục tiêu chất lượng, với sản phẩm phù hợp với điều kiện khí hậu và địa lý ở đây để dần chinh phục được người tiêu dùng các tỉnh Tây Nam Trung Quốc.

3.2.2.7. Chú ý đặc điểm và tâm lý kinh doanh của thương nhân Trung Quốc

Với một thị trường hàng tỉ dân và có hàng triệu thương hiệu lớn nhỏ, thì doanh nghiệp cũng không nên đặt tham vọng là sẽ dễ dàng chiếm lĩnh ngay một thị phần lớn mà cần biết lượng sức mình và tranh thủ vào các "ngách" thị trường, sự ủng hộ của khách hàng lập mạng lưới kinh tiêu. Mỗi nhà phân phối sẽ tự chọn khu vực thị trường cho mình rất hợp lý. Khi làm việc với đối tác, doanh nghiệp cần tôn trọng quyết định về thị trường của bạn hàng nhưng không bỏ qua mục tiêu tìm kiếm thị trường mới cho công ty. Các thương nhân Trung Quốc có kinh nghiệm sẽ biết nơi nào tiêu thụ tốt sản phẩm của doanh nghiệp và sẽ tập trung đầu tư, làm hết sức để đạt đến thành công như dự tính.

Tuy vậy, doanh nghiệp phải biết kiên trì thuyết phục khách hàng một chính sách kinh doanh thống nhất. Thương nhân Trung Quốc luôn muốn có một sự quan tâm đặc biệt, được hưởng những ưu đãi hơn hẳn người khác và ngược lại họ càng không muốn thua thiệt bất kỳ ai. Do vậy, khi giao dịch với họ, doanh nghiệp phải luôn thể hiện sự công bằng, kiên định và có một quan điểm chính kiến thống nhất. Chính điều đó làm cho doanh nhân Trung Quốc tôn trọng và tin tưởng hơn vào sự ổn định lâu dài trong quan hệ hợp tác.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải biết đón nhận góp ý của họ. Khi đã hợp tác họ luôn có những góp ý chân tình và có trách nhiệm với nhau. Nghe những góp ý, có khi là chê trách sản phẩm của các kinh tiêu Trung Quốc sẽ giúp đôi bên cùng có lợi trong việc chinh phục người tiêu dùng.

Ngoài ra, trước khi đi đến quyết định hợp tác, để giúp các doanh nhân Trung Quốc quyết định nhanh, chúng ta phải tạo điều kiện cho họ có niềm tin bằng cách so sánh giữa cái lợi và hại, đưa họ đi thăm một số nơi đang kinh doanh sản phẩm của doanh nghiệp.

KẾT LUẬN

Việt Nam – Trung Quốc núi liền núi, sông liền sông, cùng có quan hệ gần gũi và thân thiết. Điều đáng tự hào là hai bên đã giữ gìn tình hữu nghị truyền thống và duy trì tiếp xúc buôn bán với nhau từ rất lâu. Kể từ năm 1991 đến nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc liên tục tăng, đã có sự chuyển dịch cơ cấu hàng hóa theo chiều giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu chưa qua chế biến. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần phải nhanh chóng khắc phục, giải quyết. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi mà những quy định trong WTO đã đi vào thực tiễn, buộc hai phía Việt Nam – Trung Quốc phải tuân thủ một cách nghiêm chỉnh.

Nắm bắt được thực trạng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc trong giai đoạn từ 1991 đến nay, chuyên đề đã đánh giá, phân tích được những thành công, hạn chế cũng như những nguyên nhân chủ quan, khách quan của những hạn chế đó. Từ đó, chuyên đề đã đưa ra một số giải pháp nhằm tăng cường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc trong bối cảnh Việt Nam là thành viên của WTO.

Do thời gian nghiên cứu và hiểu biết của em có hạn nên chuyên đề còn gặp nhiều thiếu sót. Em rất mong được sự đóng góp ý kiến của các thầy cô giáo.

Cuối cùng, em xin chân thành cảm ơn các anh chị, các cô, các chú trong ban Tổng hợp – Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã rất nhiệt tình hướng dẫn và giúp đỡ em trong thời gian thực tập tại Ban.

Em xin chân thành cảm ơn cô giáo: Th.S. Nguyễn Quỳnh Hoa đã giúp đỡ em hoàn thành chuyên đề tốt nghiệp!

Một phần của tài liệu Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc sau khi gia nhập WTO (Trang 88 - 96)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(98 trang)
w