Quan hệ thương mại Việt – Trung thời gian qua khá là đa dạng và được thông qua những hình thức chủ yếu sau:
- Thương mại chính ngạch - Thương mại tiểu ngạch
- Buôn bán của cư dân biên giới.
Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, trong thời gian đầu thực hiện trao đổi thương mại, các chính sách của nhà nước chưa theo kịp với xu thế phát triển của hàng hóa, nhiều mặt hàng của Việt Nam phải xuất khẩu qua đường biên mậu (gồm buôn bán tiểu ngạch và buôn bán chợ biên) vì xuất khẩu qua đường chính thức còn nhiều khó khăn. Do vậy, hàng hóa xuất khẩu qua lại giữa hai nước chủ yếu thông qua con đường tiểu ngạch và buôn bán dân gian, tức là qua các tuyến đường mòn biên giới trên bộ, phương thức hàng đổi hàng được áp dụng chủ yếu trong thương mại hai nước. Theo số liệu của Tổng cục hải quan Việt Nam, trong thời gian này buôn bán tiểu ngạch chiếm khoảng 80% tổng thương mại hai nước. Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu theo các hình thức xuất khẩu trong giai đoạn này như sau:
Bảng 2.6: Cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc theo hình thức buôn bán. Giai đoạn 1991-1995
XK chính ngạch
XK tiểu ngạch
Buôn bán của cư dân
biên giới Hàng nguyên liệu (Than đá, dầu thô,
cao su tự nhiên,quặng kim loại,…) 20% 78% 2%
Nhóm hàng nông sản (Lương thực, chè,
rau quả, hạt điều,…) 8% 85% 7%
Nhóm hàng thủy sản tươi sống, thủy
sản đông lạnh (tôm, cua, cá,…) 15% 80% 5%
Nhóm hàng tiêu dùng (Hàng thủ công, mỹ nghệ, giày dép, đồ gia dụng cao
cấp,…)
35% 57% 8%
Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam
Sau đó, qua quá trình hợp tác, thương mại chính ngạch ngày càng tăng phù hợp với tình hình chung. Hình thức buôn bán chính ngạch phải tuân thủ theo Hiệp định Thương mại được ký kết giữa hai Chính phủ ngày 07/11/1991. Giai đoạn nửa cuối những năm 90, xuất khẩu chính ngạch đã có bước phát triển mạnh. Nếu như giai đoạn 1991-1995, xuất khẩu chính ngạch chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ hơn 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc thì đến giai đoạn 1996-2000, hoạt động xuất khẩu chính ngạch đã vượt lên và chiếm tỷ trọng áp đảo trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc là 60,2% (bằng 1,5 lần so với xuất khẩu tiểu ngạch). Các mặt hàng thuộc nhóm hàng tiêu dùng hầu hết chuyển sang buôn bán chính ngạch, đối với mặt hàng thuộc các nhóm hàng còn lại cũng dần dần chuyển dịch theo xu hướng này. Nhưng chính sách của hai nước đối với các loại hình thương mại có những điểm khác nhau. Phía Trung Quốc khuyến khích phát triển tiểu ngạch thông qua những chính sách giảm thuế ưu
đãi, hoàn thuế xuất khẩu cho những mặt hàng thực hiện thông quan bằng tiểu ngạch. Còn phía Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp xuất biên mậu dễ gặp phải rủi ro ở khâu đánh giá chất lượng hàng hóa, giao dịch và thanh toán không thông qua ngân hàng, không theo tập quán quốc tế, qua trung gian. Vì thế dễ bị ép giá, không có kế hoạch và không nắm được nhu cầu thị trường nên bấp bênh và không chắc chắn.
Trong giai đoạn 2001-2006, sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, nước này phải thực hiện những cam kết với tổ chức Thương mại thế giới, chính vì vậy mà những ưu đãi trong việc thực hiện chính sách biên mậu nhằm phát triển các khu vực miền núi dần dần được điều chỉnh sao cho phù hợp với những quy định quốc tế. Xuất khẩu chính ngạch phát triển nhanh chóng, với 75,4% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc và gấp 3 lần so với xuất khẩu tiểu ngạch. Tuy nhiên trong giai đoạn này, chính sự thay đổi các chính sách thương mại của Trung Quốc đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới doanh nghiệp tận dụng được một số thuận lợi như: giảm 50% thuế nhập khẩu, tiết kiệm một số chi phí về bao bì, không đòi hỏi cao về chất lượng và thậm chí còn tránh được kiểm dịch về an toàn vệ sinh... Khi Trung Quốc chấm dứt các ưu đãi buôn bán tiểu ngạch qua biên giới (chỉ trừ cửa khẩu Lào Cai) làm cho doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khó khăn, đẩy các doanh nghiệp vào thế bị động vì trong khi đó, sự chuẩn bị cho buôn bán chính ngạch của các doanh nghiệp là chưa sẵn sàng; do vậy, kim ngạch xuất khẩu đã bị sụt giảm nhanh chóng. Đây cũng là bài học cho chúng ta về sự thiếu hiểu biết cũng như sự chậm chạp trong việc cập nhật thông tin văn bản pháp luật thương mại của Trung Quốc của cơ quan nhà nước cũng như bản thân các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Tôn Quyền - Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản cho rằng: các doanh nghiệp mới chú trọng vào lợi ích nhỏ trước mắt mà chưa nghĩ tới việc chuẩn bị để buôn bán chính ngạch lâu dài. Đồ gỗ từ các làng nghề Việt Nam mang lên biên giới bán được giá hơn trong nội địa, nhưng các doanh nghiệp không biết rằng cũng sản phẩm đó mang về trung tâm đồ gỗ tại Thượng Hải được bán với giá cao gấp 5-10 lần.
Trước tình trạng này, ông Nguyễn Duy Luật - tùy viên thương mại thường trú tại Côn Minh cho rằng: các doanh nghiệp có thói quen buôn bán tiểu ngạch, kinh doanh chính ngạch đang còn hạn chế, vẫn chưa có văn phòng đại diện tại các thị trường mình có thị phần, đồng thời chưa tiến hành các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng hệ thống phân phối cho riêng mình. Nếu tiếp tục tình trạng này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì khi các chính sách ưu đãi biên mậu bị bãi bỏ, hoặc khi thuế các mặt hàng hạ xuống 0% thì cạnh tranh không phải bằng các ưu đãi thuế mà bằng chất lượng, hệ thống đại lý phân phối... nhưng đây lại đang là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam.
Đã có những thành công của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường Trung Quốc như: Thanh Long Hoàng Hậu, giày dép Bitis, kẹo dừa Bến Tre... cho thấy doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển buôn bán chính ngạch hiệu quả trên thị trường Trung Quốc. Do các doanh nghiệp chưa đoàn kết chặt chẽ với nhau, chúng ta vẫn làm ăn đơn lẻ, chưa có cộng đồng, có tập thể nên rất khó có thể đứng vững trên thị trường Trung Quốc và cạnh tranh được với đối thủ chính là Thái Lan trên thị trường này.