Những thành tựu

Một phần của tài liệu Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc sau khi gia nhập WTO (Trang 71 - 74)

Vốn có nhiều thuận lợi, đặc biệt về vị trí địa lý của hai nước có chung tới 1.643km đường biên giới trên bộ và cùng chung Vịnh Bắc bộ, hai dân tộc lại có quan hệ láng giềng ngàn đời, có sự tương đồng về văn hóa, đều là những quốc gia thuộc khối Trung Hoa nên có phong tục tập quán và thói quen tiêu dùng có nhiều nét giống nhau. Điều này đã dẫn đến những nét tương đồng về thị trường, cơ cấu tiêu dùng và cơ cấu sản xuất. Ngoài ra, Trung Quốc đất rộng, người đông nên trình độ sản xuất và tiêu dùng của các vùng và tầng lớp dân cư ở Trung Quốc rất đa dạng và khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam khi lựa chọn cơ cấu mặt hàng xuất khẩu. Mặt khác, Việt Nam và Trung Quốc còn có nhiều điểm tương đồng về hệ thống chính trị, mô hình phát triển kinh tế và hệ thống xã hội. Hai nước đều là nước xã hội chủ nghĩa, đều kiên trì sự lãnh đạo của Đảng, đều trong giai đoạn tiến hành công cuộc đổi mới, cải cách và mở cửa, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Điều đáng

nói ở đây là cả hai quốc gia có một nền chính trị ổn định, ít có sự biến động. Việt Nam và Trung Quốc đều quan tâm thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới, đều coi trọng việc giữ vững môi trường hòa bình, tranh thủ các điều kiện bên ngoài thuận lợi để thực hiện mục tiêu phát triển. Chính những thuận lợi đó, trong thời gian qua quan hệ thương mại đã trở thành điểm sang trong bức tranh quan hệ hai nước.

Có thể thấy rằng, quan hệ thương mại hai nước thời gian qua đã đạt được những bước tiến tương đối khả quan. Hợp tác thương mại song phương mang những đặc điểm riêng thể hiện rõ sự phong phú, đa dạng trong trao đổi hàng hóa, sự tham gia của nhiều thành phần khác nhau. Tại nhiều cuộc hội nghị cấp cao, lãnh đạo hai nước đã khẳng định sự thành công và những kết quả đầy khởi sắc trong quan hệ thương mại hai nước. Đặc biệt, trong bối cảnh quốc tế, cả hai nước đểu là thành viên của tổ chức thương mại thế giới, cả ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất thành lập khu mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc, và bản thân hai nước đều có nhu cầu mong muốn tăng cường hợp tác qua các chương trình như hai hành lang, một vành đai v.v…Các chính sách thương mại của hai nước sẽ dần được quy phạm, phù hợp với thông lệ quốc tế. Chính những điều này đã làm cho quan hệ thương mại của Việt Nam và Trung Quốc ngày càng sôi động hơn. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã trở thành bạn hàng, đối tác chiến lược lớn nhất của Việt Nam.

Nếu tính từ thời điểm bắt đầu khôi phục và phát triển mạnh mẽ quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc, năm 1991 đến nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng lên một cách khá mạnh, từ chỗ mới chỉ đạt 19,3 triệu USD năm 1991, lên hơn 1500 triệu USD năm 2000 và gần 3500 triệu USD vào năm 2007, dự kiến sẽ tăng lên 4 tỷ USD năm

2008.Với những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã góp phần không nhỏ, nâng cao tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Khối lượng các loại hàng hoá xuất khẩu mà nước ta có tiềm năng như dầu thô, than đá, cà phê, hải sản, rau quả, giày dép đều tăng đáng kể. Đáng chú ý là cơ cấu hàng xuất khẩu đang ngày càng thay đổi theo chiều hướng tích cực. Hàng xuất khẩu của Việt Nam tuy phần lớn vẫn là nông, lâm sản chưa qua sơ chế nhưng chất lượng đã được cải thiện rõ rệt; một số mặt hàng tiêu dùng và thực phẩm đã mở rộng đáng kể thị phần trên thị trường Trung Quốc như giày dép, rau quả, hải sản.

Tình trạng buôn bán tiểu ngạch qua biên giới tồn tại từ bao năm nay trong quan hệ thương mại hai nước do đặc điểm “núi liền núi, sông liền sông”, từng gây nhiều bất lợi cho việc quản lý, nay đang được đưa vào nền nếp để phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu. Bên cạnh đó, tỷ trọng buôn bán chính ngạch tăng lên đáng kể, mở rộng sang nhiều loại mặt hàng mà trước đây chỉ được trao đổi qua biên giới bằng đường tiểu ngạch.

Việc áp dụng một số cơ chế thông thoáng trong nghiệp vụ thanh toán tại các chi nhánh ngân hàng hai nước ở khu vực biên giới, bước đầu đã thu hút các doanh nghiệp thanh toán qua ngân hàng, giảm đáng kể rủi ro, tranh chấp thương mại qua biên giới.

Quan hệ kinh tế đối với Trung Quốc đang dần đi vào chiều sâu hơn với sự thay đổi tích cực về thành phần, tính chất và phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp chuyển mạnh từ chỗ chỉ buôn bán với các tỉnh có chung đường biên giới sang vươn sâu tới các tỉnh ven biển như Phúc Kiến, Hải Nam và các đặc khu kinh tế của Trung Quốc.

Với những kết quả trên, Trung Quốc hiện đang là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam, đứng thứ 3 về xuất khẩu và đứng thứ nhất về nhập khẩu.

Một phần của tài liệu Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc sau khi gia nhập WTO (Trang 71 - 74)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(98 trang)
w