Về mặt lý thuyết, mức giá gia tăng có thể do một số các nguyên nhân:
1. Nhu cầu tiêu dùng tăng cao hơn mức cung ứng, với nguyên nhân này (nếu cung ứng tiền không tăng thêm), thì giá cả sẽ tăng đến mức độ khi cầu hàng hóa được hạn chế bằng mức cung do giá tăng.
2. Do chi phí sản xuất tăng làm giá thành sản phẩm tăng cao, qua đó làm tăng mức giá bán.
3. Do cung tiền của NHTW quá mức và mức quản lý ngoại hối của nền kinh tế Đô la hóa và Baht hóa cũng là một điều kiện quan trọng gây ra lạm phát. Về nguyên nhân của lạm phát trong giai đoạn này ta có thể nhận xét như sau:
* Nguyên nhân khách quan:
1. Do nền kinh tế Lào là nền kinh tế nhập khẩu nên chịu tác động nhất định bởi sự biến động giá cả trên thị trường thế giới. Trong 8 tháng đầu năm 2003 - 2004, giá cả một
số mặt hàng trên thế giới có biến động mạnh, như giá sắt thép, xăng dầu, phân bón, nhựa... nên có tác động nhất định đến sự tăng giá thành sản phẩm một số mặt hàng sản xuất tại Lào, nhất là chi phí vận chuyển hàng hóa, giá thành sản phẩm nông nghiệp, giá vật liệu xây dựng v.v...
2. Xu hướng giảm lãi suất, và sự giảm giá của đồng USD trên thị trường quốc tế, đã có tác động tích cực giảm chi phí khoản vay bằng ngoại tệ của các doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi để NHNN Lào bình ổn tỷ giá, qua đó góp phần giảm áp lực lạm phát.
* Nguyên nhân chủ quan:
+ Nguyên nhân từ điều hành chính sách tài khóa:
1. Trong năm tài khóa 2001 - 2002, nhu cầu xây dựng cơ bản của Nhà nước tăng quá lớn: Chi xây dựng cơ bản ngoài và vượt kế hoạch khoảng 1.798 tỷ Kíp. Đây là nguyên nhân chính làm tăng nhu cầu về vật liệu xây dựng, qua đó đã đẩy chỉ số giá xây dựng nhà ở tăng 89,47% trong năm này. Để thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản này ngân sách đã phát hành séc khống để thanh toán (thực chất là phát hành thêm tiền vào lưu thông ngoài mức tính toán về cung ứng tiền hàng năm của NHNN Lào căn cứ vào tốc độ tăng trưởng và lạm phát dự kiến 1 con số), đã làm tăng mức lạm phát trong năm 2001 - 2003 do độ trễ tác động của tiền cung ứng. Nguyên nhân này vừa xuất phát từ phía cầu vừa xuất phát từ phía cung tiền tệ. Theo số liệu thống kê về việc đầu tư xây dựng cơ bản quá mức dẫn đến phá vỡ các cân đối lớn của nền kinh tế, từ đó tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Sự mở rộng đầu tư quá mức không những không thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vững chắc mà còn góp phần đẩy lạm phát lên cao. Đến nay hậu quả đã tương đối rõ nét, việc đầu tư quá mức trong các năm qua đã thực sự trở thành nhân tố cản trở mức tăng trưởng kinh tế, gây ra sự mất cân đối lớn trong ngân sách và hoạt động ngân hàng cũng như các ngành kinh tế khác.
2. Việc thất thu thuế và nguồn thu ngân sách: Trên thực tế, ba năm qua ngân sách hụt thu so với kế hoạch 390 tỷ Kíp, song chi không giảm, khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản vượt và ngoài kế hoạch 1.798 tỷ, làm cho mất cân đối ngân sách ngày càng trầm trọng (9% GDP). Đây là nguyên nhân quan trọng tăng nhu cầu chi tiêu trong xã hội (thất thu thuế sẽ làm tăng thu nhập khu vực phi chính phủ, qua đó tăng nhu cầu chi tiêu khu vực này; chi vượt tăng nhu cầu chi khu vực chính phủ), qua đó gây áp lực lạm phát.
+ Nguyên nhân từ điều hành CSTT
1.Về điều hành tỷ giá: Từ năm 2000 đến nay, việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN Lào về cơ bản đã kiểm soát được tỷ giá. Tỷ giá đã không còn là nhân tố làm gia tăng lạm phát như những năm trước đây.Từ năm 2003 đến 2004 tỷ giá và CPI có sự biến động không cùng chiều, nhất là tỷ giá giữa đồng Kíp với Đô la Mỹ. Từ năm 2000 - 2002, tỷ lệ mất giá của đồng Kíp so với ngoại tệ ở mức 2 con số là tương đối cao, nhất là đối với đồng Baht nên có tác động nhất định làm gia tăng giá thành sản phẩm (do nền kinh tế của Lào chủ yếu là nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu hàng tiêu dùng từ Thái Lan chiếm tỷ trọng cao đến 95% tổng giá trị nhập khẩu hàng tiêu dùng). Tuy nhiên, từ năm 2003 đến nay giá trị đồng Kíp giảm giá không nhiều, song lạm phát vẫn tiếp tục ở mức cao hơn mức độ giảm giá của đồng Kíp so với ngoại tệ, nên thực chất là đồng Kíp lên giá (tốc độ mất giá của đồng Kíp so với Đô la Mỹ năm 2001 là 10,91%, năm 2002 là 11,4%, năm 2003 là 4,5%; năm 2004 là 0,7% và đến 6/2005 là 0,6%, tốc độ mất giá của đồng kíp so với đồng Baht năm 2001 là 1,11%, năm 2002 là 14,7%; năm 2003 là 7,6%; năm 2004 là 0,9% và đến 6/2005 là 0,9%). Do vậy, lạm phát trong năm 2003 đến nay không chịu tác động bởi yếu tố tỷ giá.
2. Về cung ứng tiền và lãi suất: Mức trả lãi suất huy động cao từ tín phiếu của NHNN Lào phát hành năm 1999 và kéo dài cho đến tận 3/2004 là hình thức tăng thêm tiền phát hành mới vào lưu thông (mức lãi suất tuy có giảm dần từng năm từ 60%/năm còn 24%/ năm vào 2002). Ngoài ra, năm 2002 NHNN Lào đã thanh toán khoảng 150 tỷ tín phiếu phát hành trong năm 1999 cũng đã cung ứng thêm lượng tiền vào lưu thông. Thêm vào đó, việc trả lãi suất huy động cao (tỷ lệ lãi suất thực trên 10%/năm) của các NHTM cho các khoản tiền huy động làm tăng thêm thu nhập kích thích tiêu dùng. Do vậy, việc cung ứng tiền và trả lãi suất cao là một trong những nguyên nhân tác động làm tăng mức giá trong năm 2002 -2004 nhất là chỉ số giá lương thực, thực phẩm tăng mạnh (18,76%) trong năm tài khóa 2002 - 2003 chịu tác động một phần bởi tăng mức thu nhập từ lãi suất và tín phiếu đến hạn.
3. Mức độ Đô la hóa của nền kinh tế theo tiêu chí đánh giá của IMF (tỷ trọng tiền gửi ngoại tệ/ tổng tiền gửi và tỷ trọng tiền gửi ngoại tệ/M2) có xu hướng giảm mạnh từ mức 78,24% và 64,4% năm 2000 xuống mức 66,49% và 52,6% tháng 5/2004. Tuy nhiên, việc dùng ngoại tệ thanh toán mua bán hàng hóa với nhau trên thị trường không suy giảm,
mặc dù cơ chế quản lý ngoại hối có thắt chặt việc thanh toán này, song hiệu lực áp dụng thấp. Thực tế NHNN Lào chưa kiểm soát được việc thanh toán với nhau bằng ngoại tệ của các doanh nghiệp cũng như của dân cư. Do vậy, việc kiểm soát lạm phát qua việc khống chế mức tăng tiền tệ của NHNN Lào rất hạn chế. Nguồn kiều hối tăng mạnh hàng năm từ mức 0,6 triệu USD năm 2000 lên tới 14,8 triệu USD năm 2003 cũng phần nào giải thích việc tăng tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế ngoài tầm kiểm soát NHNN Lào ngày càng tăng và có tác động nhất định đến sự tăng giá.
4. Nợ quá hạn lớn và gia tăng liên tục từ năm 2000 đến nay (năm 2000 tỷ lệ nợ xấu so với tổng dự nợ là 38%, năm 2001 là 35,7%, năm 2002 là 41,9%, năm 2003 là 48%). Tính đến 12/2003 nợ quá hạn tăng 205% so với mức nợ xấu cuối năm 2000. Tình trạng nợ quá hạn gia tăng liên tục trong hệ thống ngân hàng, phản ánh chất lượng tín dụng cho tăng trưởng kinh tế không có hiệu quả, một lượng tiền lớn được đưa ra nền kinh tế đã không tạo ra sản phẩm, mà tạo ra sức ép lạm phát.
+ Nguyên nhân từ phía cung hàng hóa và nhân tố khác:
1. Cung hàng hóa về lương thực, thực phẩm giảm mạnh, tỷ trọng trong tổng hàng hóa nhập khẩu giảm từ 32,6% năm 2000 xuống còn 9,9% năm 2002 và khoảng 4% năm 2003, trong khi đó sản lượng lương thực, thực phẩm sản xuất trong nước tuy có tăng, nhưng mức tăng chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước, do vậy cũng có tác động đẩy giá lương thực thực phẩm tăng mạnh trong năm 2003 và 8 tháng đầu năm 2003 - 2004 ta có thể xem bảng sau đây:
Bảng 2.12: Chỉ số giá tiêu dùng từ năm 2001-2004
(Tính theo mức giá năm 1999= 100 tính theo năm dương lịch)
Đơn vị tính: %
Năm 2001 2002 2003 2004
Chỉ số bình quân, trong đó 7,81 10,66 15,46 12,39
- Lương thực, thực phẩm 6,69 9,62 15,23 14,6
- Chỉ phí xây dựng nhà cửa 24,28 58,85 42,84 21
- Đồ dùng gia định 7,97 11,54 13,43 6,25
Nguồn: Báo cáo thường niên Ngân hàng Nhà nước Lào năm 2004.
2. Giá điện điều chỉnh tăng liên tục từ năm 2000 đến nay để đảm bảo kinh doanh không bị lỗ của ngành điện, do vậy cũng có tác động tăng giá trong hơn 3 năm qua.
Tóm lại, từ phân tích trên cho thấy, lạm phát của Lào giai đoạn 2000 - 2004 đã
giảm nhiều so với thời kỳ trước năm 2000, tuy nhiên từ năm tài khóa 2001 - 2002 đến nay luôn ở mức trên 2 con số vượt với chỉ tiêu lạm phát đề ra và còn cao so với mức tăng trưởng kinh tế dưới 6%. Nguyên nhân sâu xa là do nền sản xuất hàng hóa còn yếu cùng với tiềm lực tài chính quốc gia và cơ chế quản lý tài chính ngân sách, điều hành CSTT còn quá nhiều bất cập, đặc biệt là cơ chế quản lý ngân sách. Nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu dẫn đến lạm phát trên 14% trong hai năm tài khóa 2001 - 2003, chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan trong điều hành chính sách tài khóa [38].