Nguyên nhân của những thành công

Một phần của tài liệu Tác động của FDI tới mục tiêu phát triển bền vững của việt nam (Trang 48 - 50)

I. TỔNG QUAN VỀ FDI VÀO VIỆT NAM THỜI GIAN QUA

4.Nguyên nhân của những thành công

4.1 Việt Nam – vị trí chiến lược cho các nhà đầu tư

Việt Nam là một quốc gia nằm trên bán đảo Đông Dương, ven biển Thái Bình Dương. Việt Nam có ba mặt Đông, Nam và Tây-Nam giáp biển với bờ biển dài 3.260 km, từ Móng Cái ở phía bắc đến Hà Tiên ở phía Tây- Nam. Phần biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam mở rộng về phía Đông và Đông Nam, có thềm lục địa, các đảo và quần đảo bao bọc. Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm của Đông Nam Á, có thể dễ dàng qua lại cả Trung Quốc lẫn các nước ASEAN và có thể trở thành một đối tác sản xuất chặt chẽ cho cả hai. Đặc biệt, miền Bắc tiếp giáp với biển đông và có tiềm năng liên kết được với nhịp độ phát triển của khu vực năng động này. Đây là một ưu thế vượt trội của Việt Nam so với các nước ASEAN trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

4.2 Tình hình chính trị- xã hội ổn định

Nhìn chung, Việt Nam được đánh giá là nước có môi trường chính trị và xã hội ổn định so với các nước khác trong khu vực. Tổ chức Tư vấn rủi ro Kinh tế và Chính trị (PERC) tại Hồng Kông xếp Việt Nam ở vị trí thứ nhất về khía cạnh chính trị và xã hội sau sự kiện 11 tháng 9. So với các nước ASEAN khác như Indonesia, Malaysia, Philippine và Trung Quốc, Việt Nam có ít các vấn đề liên quan đến tôn giáo và mâu thuẫn sắc tộc hơn. Sau khi đưa ta chính sách đổi mới, Việt Nam đã và đang đạt được mức

tăng trưởng GDP ổn định, sự ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô đang được duy trì. Việt Nam được đánh giá là nơi an toàn để đầu tư. Đảng cộng sản Việt Nam đã điều hành đất nước trong nhiều thập kỷ qua và không ai mong muốn có những thay đổi trong môi trường chính trị. Trong khung cảnh của những sự kiện diễn ra trong vài năm liên quan đến chủ nghĩa khủng bố, Việt Nam được biết đến như là một trong những nước an toàn nhất xét về các tội ác chống con người và quyền sở hữu.

4.3 Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định

Trải qua hơn 20 năm đổi mới nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng. Tăng trưởng GDP liên tục tạo nên những con số hết sức ấn tượng. Mặc dù gặp nhiều điều kiện không thuận lợi như hạn hán, lũ lụt, bão,dịch cúm gia cầm, và gần đây nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008.Tăng trưởng GDP trung bình trong giai đoạn 2000 - 2007 đạt 7,6%. Năm 2007, tăng trưởng 8,48%, đây cũng là mức tăng cao nhất từ sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm gần đây khá ấn tượng. Dù đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhưng đây không phải là một hiện tượng thần kỳ vì theo tính toán của các nhà kinh tế thì tăng trưởng của Việt Nam đang ở dưới mức tiềm năng.

4.4 Tiềm năng thị trường dồi dào

Với dân số hơn 80 triệu người, Việt Nam có và có thể trở thành một thị trường hấp dẫn đối với các công ty tập trung vào bán hàng trong nước. Tỉ lệ FDI trong các ngành định hướng vào thị trường trong nước như công nghiệp hàng tiêu dùng, công nghiệp nặng , bất động sản, sản xuất nguyên vật liệu xây dựng … đạt ở mức tương đối cao. Tuy nhiên, chính sách bảo hộ do chính phủ Việt Nam áp dụng đã khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trong các lĩnh vực được bảo hộ của chính phủ để hưởng lợi ích từ chính sách bảo hộ của chính phủ hơn là đầu tư vào các ngành mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh

4.5 Nguồn nhân lực dồi dào, giá nhân công rẻ

Việt nam là quốc gia có dân số đông và có cơ cấu dân số trẻ với tỷ lệ dân số trong đội tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao và tăng qua các năm. Đây là nhân tố tạo ra đội ngũ lao động đông đảo đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp

Ngoài ra, giá nhân công của Việt Nam rất thấp so với giá nhân công đang tăng lên ở các nước trong khu vực. Năm 2008, sau khi trở thành điểm gia công phần mềm hấp dẫn, Việt Nam tiếp tục được Hãng nghiên cứu thị trường Gartner công bố nằm trong tốp 10 quốc gia châu Á – Thái bình dương có giá nhân công rẻ.

4.6 Chính sách đầu tư ngày càng thông thoáng

Kể từ lần ban hành đầu tiên(1987) đến nay, luật đầu tư nước ngoài đã từng bước được hoàn thiện nhằm phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước trong từng thời kỳ nằm trong tổng thể tiến trình xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quy định của luật đầu tư nước ngoài ngày càng thông thoáng và thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, xóa bỏ dần sự cách biệt giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài để tiến tới xây dựng một khung pháp luật đầu tư thống nhất, phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Một phần của tài liệu Tác động của FDI tới mục tiêu phát triển bền vững của việt nam (Trang 48 - 50)