QUẢN TRỊ CÔNG TY CỔ PHẦN Ở VIỆT NAM
Quy định của pháp luật, hiệu lực thực tế và vấn đề
Hiện nay, cơ quan, tổ chức được giao đại diện quyền chủ sở hữu nhà nước là khá đa dạng, bao gồm: các bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và một số sở chuyên ngành trực thuộc, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, công ty mẹ các tập đoàn, các tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước khác. Tuy nhiên, quyền của cổ đông nhà nước tại các công ty cụ thể được thực hiện thông qua các cá nhân được chỉ định làm người đại diện phần vốn nhà nước. Số người đại diện phần vốn nhà nước tại từng công ty phụ thuộc vào tỷ lệ cổ phần sở hữu của Nhà nước tại công ty đó. Kết quả điều tra thực tế cho thấy tại phần lớn các công ty (khoảng gần 60% số các công ty được điều tra) có một người được cử làm đại diện; và ở gần 40 số công ty có 2 đến 3 người; và số còn lại có từ 4 đến 5 người.
Về nơi làm việc của người đại diện phần vốn nhà nước, thì khoảng gần 26% làm việc tại cơ quan, tổ chức là cổ đông của công ty; gần 63% người đại diện phần vốn nhà nước trực tiếp làm việc tại công ty cổ phần; và số còn lại làm việc tại Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố hoặc sở trực thuộc. Hầu hết họ đều có trình độ đại học hoặc trên đại học, trong đó hơn 50% chuyên ngành Kỹ thuật và gần 40 chuyên ngành Kinh tế, Luật, Tài chính và Kế toán.
Phần lớn người đại diện phần vốn nhà nước đều giữ chức chủ tịch HĐQT (hơn 60% tổng số doanh nghiệp điều tra); trong đó, chủ tịch HĐQT kiêm cả giám đốc, tổng giám đốc chiếm tới gần 36%, và phó chủ tịch kiêm giám đốc chiếm hơn 9% số doanh nghiệp được điều tra. Số người đại diện còn lại làm việc trực tiếp tại công ty thường là TV HĐQT, trưởng các phòng, ban trong công ty; và chỉ có gần 7% làm thành viên Ban kiểm soát. Như vậy, có thể nói phần lớn người đại diện phần vốn nhà nước tham gia trực tiếp vào việc quản lý, điều hành hơn là giám sát các hoạt động quản lý và kinh doanh tại công ty. Những người đại diện phần vốn nhà nước cũng có thể bị thay đổi Tuy nhiên, thực tế cho thấy phần lớn sự thay đổi (hơn 81%) là do nghỉ hưu, chuyển công tác khác hoặc chuyển đổi chủ sở hữu nhà nước sang Tổng công ty và Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước; chỉ một số rất ít (khoảng 3%) là do không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
QUẢN TRỊ CÔNG TY CỔ PHẦN Ở VIỆT NAM
Quy định của pháp luật, hiệu lực thực tế và vấn đề
Một vấn đề quan tâm nghiên cứu là người đại diện thường làm gì, và làm công việc đó bằng cách nào để thực hiện quyền sở hữu nhà nước tại công ty. Chúng tôi nhận được không nhiều câu trả lời về vấn đề này; và cụ thể là có khoảng 62% số doanh nghiệp được điều tra không trả lời câu hỏi này. Nội dung trả lời của số còn lại thường phụ thuộc vào vị trí quản lý điều hành mà người đại diện phần vốn nhà nước trực tiếp đảm nhận tại công ty. Ví dụ, người đại diện phần vốn nhà nước, kiêm chủ tịch HĐQT và giám đốc thường trả lời thiên về các công việc của người điều hành; người đại diện chỉ kiêm thành viên HĐQT trả lời thiên về công việc thường thấy của thành viên HĐQT như tham dự họp HĐQT, giám sát giám đốc, bảo toàn và phát triển vốn. Từ thực tế nói trên, có thể đưa ra hai giả thiết. Giả thiết thứ nhất là câu hỏi phỏng vấn không được thiết kế một cách rõ ràng; do đó, những người được phỏng vấn đều không hiểu và trả lời được như mong muốn. Giả thiết thứ hai là trên thực tế, chưa xác định cụ thể và “chuẩn hoá” được công việc mà một người trong vai trò là người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty; do đó, họ không thể trả lời cụ thể được hoặc chỉ nói lên được phần nào mà trên thực tế đang làm. Xem xét các câu trả lời hiện có về câu hỏi này, chúng tôi thiên về giả thiết thứ hai.
Mối quan hệ giữa người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước và cơ quan tổ chức bổ nhiệm người đại diện đó thường được thực hiện qua báo cáo định kỳ và xin ý kiến về việc biểu quyết tại ĐHĐCĐ và HĐQT. Gần như 100% các trường hợp đã thực hiện theo cả hai hình thức nói trên. Cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước cũng là người trực tiếp đánh giá hiệu quả hoạt động của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Kết quả điều tra cho thấy hiệu quả hoạt động của người đại diện phần vốn nhà nước được đánh giá căn cứ vào hiệu quả tài chính trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là nếu công ty kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận cao, đạt mức kế hoạch đề ra, thì hoạt động của người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty đó cũng được đánh giá là đạt được kết quả tốt. Tuy vậy, nhìn chung vẫn chưa có thước đo chung, thống nhất có thể sử dụng để đánh giá hợp lý, khách quan và công bằng về hiệu quả hoạt động của người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
QUẢN TRỊ CÔNG TY CỔ PHẦN Ở VIỆT NAM
Quy định của pháp luật, hiệu lực thực tế và vấn đề
Như trên đã trình bày, về nguyên tắc, các quyền của cổ đông trong các công ty cổ phần đã được thực hiện thông qua những cơ chế, hình thức và công cụ theo quy định của pháp luật; và phù hợp với thông lệ quốc tế phổ biến. Do đó, các quyền nhà nước với tư cách là cổ đông trong các công ty cổ phần đã được thực hiện theo hình thức, cách thức và công cụ phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan. Điều này chưa thực hiện được với các doanh nghiệp nhà nước chưa chuyển đổi thành công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn.
Thực vậy, đại bộ phận doanh nghiệp nhà nước hiện nay chưa chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty cổ phần. Vì vậy, các quyền tương ứng của chủ sở hữu và cách thức thực hiện các quyền đó vẫn chưa thể áp dụng được như quy định của Luật. Cho đến nay, vẫn chưa xác định được cơ quan chuyên trách thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp; vẫn chưa tách biệt được chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu ra khỏi chức năng quản lý hành chính của các cơ quan nhà nước. Hầu hết các bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đang vừa làm ”chủ sở hữu” nhà nước, vừa thực hiện quản lý hành chính nhà nước. Vì vậy, quyền chủ sở hữu nhà nước vẫn được thực hiện theo phương thức hành chính, phân tán; không minh bạch, không công khai, thiếu trách nhiệm giải trình và kém hiệu lực. Việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước vẫn rất kém hiệu quả đến mức, 62% số ý kiến18cho rằng ”Doanh nghiệp nhà nước không có chủ sở hữu thực sự”. Trong khi đó, quản lý hành chính nhà nước lại chưa công bằng và khách quan đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Trong một số chính sách cụ thể, doanh nghiệp sở hữu nhà nước vẫn được đối xử ưu tiên và thuận lợi hơn so với doanh nghiệp tư nhân.
Đối với các doanh nghiệp nhà nước chưa chuyển đổi, thì Nhà nước với tư cách là cổ đông, thành viên hay chủ sở hữu công ty vẫn chưa thực hiện các quyền tương ứng của chủ sở hữu theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Như vậy, việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước chưa phù hợp không những với quy định của pháp luật, mà còn cả nguyên tắc phổ biến về thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước theo khuyến cáo của OECD.