Đổi mới chính sách đối với cán bộ chủ chốt cấp cơ sở tỉnh Thái Nguyên hiện nay chủ yếu nói đến việc tiêu chuẩn hoá lựa chọn cán bộ, kế hoạch đào tạo sao cho phù hợp và chế độ chính sách thoả đáng để thúc đẩy cán bộ nâng cao chất lượng hoạt động của mình.
Hiện nay, ở nước ta nói chung và ở tỉnh Thái Nguyên nói riêng đang trong thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Điều đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ nói chung và đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở nói riêng có đức, có tài, năng động, sáng tạo, tiếp tục thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. Vì vậy, việc tiêu chuẩn hoá trong lựa chọn cán bộ cơ sở là một khâu quan trọng, một mặt đảm bảo yêu cầu của sự nghiệp đổi
mới, mặt khác tạo động lực kích thích cán bộ cơ sở tự giác phấn đấu trong rèn luyện học tập để nâng cao trình độ và năng lực công tác. Căn cứ tiêu chuẩn cán bộ được quy định trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khoá VIII, Nghị quyết hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII và kết luận Hội nghị Trung ương 6 khoá IX đã đề ra tiêu chuẩn của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Với điều kiện, hoàn cảnh hiện nay, cán bộ chủ chốt cấp cơ sở phải đảm bảo được các tiêu chuẩn chung đó là: có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ lý luận chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn; có phẩm chất đạo đức cách mạng và lối sống lành mạnh, trung thực, gương mẫu, có tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí; không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng; có ý thức tổ chức kỷ luật; có tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; về phong cách, lối làm việc biết xử lý đúng mối quan hệ xã hội ở tổ dân phố trong xã, phường, thị trấn; lời nói đi đôi với việc làm; biết làm việc tập thể, có khả năng tập hợp quần chúng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Nói tóm lại, các tiêu chuẩn trên gồm hai mặt đức và tài.
Cùng với việc xây dựng tiêu chuẩn cán bộ chủ chốt cấp cơ sở thì cũng cần nghiên cứu, tiếp tục xây dựng những chính sách ưu đãi nhằm thu hút, động viên, khuyến khích những người có trình độ, cán bộ trẻ, sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác gắn bó với cơ sở. Cần đổi mới chính sách để cán bộ chủ chốt cấp cơ sở được hưởng mọi chế độ, chính sách của nhà nước như công nhân viên chức để tạo sự phấn khởi, sự an tâm công tác, tạo động lực để kích thích sự rèn luyện nỗ lực trong học tập và hăng say, sáng tạo trong công tác. Đây cũng có thể coi là một giải pháp quan trọng và cần thiết mà Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Thái Nguyên phải đặc biệt quan tâm. Mặc dù nguồn ngân sách của Tỉnh còn hạn hẹp, nhưng không vì thế mà không có chính sách thu hút nhân tài một cách đúng đắn, vấn đề là phải có cách làm và bước đi cụ thể.
Bên cạnh đó, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thích hợp cán bộ chủ chốt cấp cơ sở là một trong những biện pháp chủ yếu nhất để nâng cao thế giới quan duy vật biện chứng và chất lượng của đội ngũ này. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khoá VIII) về chiến lược cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước chỉ rõ: Học tập là quyền lợi và nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên. Thực hiện chế độ học tập bắt buộc
nhằm nâng cao trình độ mọi mặt, bảo đảm sự thống nhất về chính trị và tư tưởng trong toàn đội ngũ cán bộ.
Những năm gần đây, cùng với việc tăng cường, củng cố đội ngũ cán bộ nói chung, Đảng và Nhà nước đã quan tâm lớn đến sự phát triển của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở. Sau khi thực hiện các Nghị định 114, 16 và 121/2003- NĐ/CP của Chính phủ về tiêu chẩn, chế độ và chính sách đối với cán bộ, công chức cơ sở, đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở yên tâm công tác, thấy rõ sự quan tâm, cố gắng của Đảng, Nhà nước ta đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở. Trên cơ sở thực hiện chế độ, chính sách chung của Đảng, Nhà nước theo từng chức danh, từng cán bộ, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo việc rà soát, tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức và bố trí lại đội ngũ cán bộ cho hợp lý, tăng cường trang thiết bị phục vụ công tác cho cán bộ cơ sở, vận dụng thực hiện chế độ phụ cấp thêm đối với đội ngũ cán bộ cơ sở, bằng nguồn ngân sách của địa phương. ở các xã miền núi, vùng cao có những chính sách ưu đãi nhằm thu hút, động viên, khuyến khích những cán bộ trẻ, có trình độ, năng lực về tham gia công tác ở cơ sở. Bên cạnh đó tỉnh đã tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở. Phần lớn các đại biểu Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn tính đến năm 2008 đã được bồi dưỡng những kiến thức cơ bản liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, nhiệm vụ và phương pháp công tác của người đại biểu Hội đồng nhân dân ở cơ sở. Trường Chính trị tỉnh và các trung tâm chính trị cấp huyện, thị xã mấy năm qua đã mở nhiều lớp bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở. Từ năm 2006 đến năm 2008 Trường Chính trị tỉnh đã mở được 9 lớp bồi dưỡng về lý luận chính trị, về quản lý nhà nước, về chức năng, nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở với tổng 463 học viên. Bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ này tỉnh cũng đã quan tâm trợ cấp tiền hàng tháng cho cán bộ đi học, sau khi được đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này thường được sử dụng, bổ nhiệm vào những chức vụ cao hơn.
Khi đội ngũ cán bộ này được nâng cao về trình độ, năng lực và có chế độ chính sách phù hợp đối với họ thì sẽ yên tâm công tác, cống hiến tài năng và trí tuệ của họ cho công việc. Khi họ có trình độ thì sẽ là điều kiện để họ xử lý mọi công việc một cách khoa học, mở rộng thế giới quan duy vật biện chứng. Bởi vậy, bồi dưỡng thế giới quan duy vật
biện chứng cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở nói chung và ở Thái Nguyên nói riêng thì phải đặc biệt quan tâm đến chế độ chính sách đãi ngộ cho đội ngũ này.
Bên cạnh đó, mỗi người cán bộ chủ chốt phải có kế hoạch thường xuyên học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn và năng lực hoạt động thực tiễn. Bồi dưỡng đạo đức cách mạng, trước hết là những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Tinh thần và kết quả học tập lý luận chính trị là một tiêu chuẩn để xem xét,đánh giá cán bộ. Để thực hiện được chủ trương, chính sách và mục tiêu nêu trên, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt cấp cơ sở ở tỉnh Thái Nguyên cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước, pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ chủ chốt cấp cơ sở và cán bộ dự nguồn chức danh này trong độ tuổi quy hoạch đủ tiêu chuẩn về trình độ học vấn, nhưng thiếu những kiến thức nêu trên hoặc bồi dưỡng cập nhật kiến thức chuyên môn cho cán bộ chủ chốt cấp cơ sở theo quy định.