Mặc dù gặp phải nhiều khó khăn từ nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như thị trường tài chính – tiền tệ Việt Nam nói riêng nhưng hoạt động bảo lãnh của Techcombank trong hai năm 2007, 2008 vẫn có sự tăng trưởng ấn tượng. Đi kèm với điều đó là chất lượng bảo lãnh đang ngày một tăng cao. Điều đó được thể hiện trong các chỉ tiêu chính sau:
- Doanh số bảo lãnh và doanh thu từ bảo lãnh: sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh số bảo lãnh năm 2008 so với năm 2007 cho thấy lượng khách hàng sử dụng dịch vụ này của ngân hàng ngày một nhiều. Điều đó thể hiện hoạt động bảo lãnh của Techcombank đã đáp ứng được các yêu cầu mà khách hàng mong đợi từ một dịch vụ, đặc biệt từ một dịch vụ sử dụng nhiều đến uy tín
của ngân hàng như hoạt động bảo lãnh. Theo thời gian, uy tín của Techcombank đã ngày càng được nâng cao trên thị trường trong nước cũng như quốc tế, hình ảnh của ngân hàng cũng được nhận biết rộng rãi hơn. Doanh số bảo lãnh tăng mạnh cũng góp phần làm tăng doanh thu từ hoạt động này cho ngân hàng.Có thể thấy hoạt động bảo lãnh đã làm thỏa mãn lợi ích của cả bên được bảo lãnh và bản thân Techcombank. Nếu nhìn vào cơ cấu doanh số bảo lãnh, có thể thấy bảo lãnh thanh toán có chất lượng cao nhất khi được khách hàng tin tưởng sử dụng với sự tăng lên mạnh nhất, tiếp theo là bảo lãnh bảo hành và bảo lãnh dự thầu. Điều này cho thấy bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của Techcombank trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng sử dụng dịch vụ, ngân hàng cũng đang mạnh dạn phát triển những loại hình bảo lãnh có rủi ro cao, thời hạn dài như bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh bảo hành… Rủi ro là tất yếu của quá trình kinh doanh. Rủi ro càng lớn thì lợi nhuận dự kiến càng cao. Nhận thức rõ điều này, Techcombank luôn xây dựng chính sách để chung sống cùng rủi ro, nâng cao năng lực quản trị rủi ro của mình nhằm đem lại lợi nhuận cao nhất cho ngân hàng đối với tất cả các hoạt động, bao gồm cả hoạt động bảo lãnh. Việc đẩy mạnh doanh số các hình thức bảo lãnh bao gồm cả các loại hình có độ rủi ro lớn trong năm 2008 đã đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân hàng: phí thu được từ bảo lãnh năm 2008 chiếm tới 10% tổng thu phí dịch vụ. Mở rộng hoạt động bảo lãnh đã giúp chuyển mạnh hoạt động của Techcombank theo hướng phát triển dịch vụ. Đây cũng là một xu thế tất yếu trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam năm 2008. Việc NHNN theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt cùng với động thái tăng lãi suất cơ bản khiến cho các ngân hàng thương mại bước vào cuộc chạy đua lãi suất, ngân hàng muốn huy động được vốn để cho vay phải chấp nhận một mức lãi suất rất cao. Do vậy, hoạt động cho vay – vốn là một hoạt động truyền thống và có khả năng sinh lời cao không còn có thể phát
triển như trước. Để đảm bảo doanh thu của mình, Techcombank buộc phải đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh không cần sử dụng nguồn vốn của ngân hàng lúc ban đầu, trong đó có hoạt động bảo lãnh.
- Lợi nhuận thu được từ hoạt động bảo lãnh: giả sử chi phí cho hoạt động bảo lãnh là cố định qua các năm, như vậy lợi nhuận từ bảo lãnh sẽ tăng tương ứng với doanh thu từ bảo lãnh. Doanh thu bảo lãnh trong 2 năm 2007 và 2008 tăng mạnh cho thấy lợi nhuận từ hoạt động bảo lãnh của Techcombank cũng có sự tăng lên đáng kể.
- Nợ quá hạn bảo lãnh và tỷ lệ Nợ quá hạn bảo lãnh/Tổng dư nợ bảo lãnh: đa phần những khoản bảo lãnh đều có hiệu quả cao khi không phát sinh nợ quá hạn bắt buộc. Do vậy có thể nói hoạt động bảo lãnh tương đối an toàn và có chất lượng tốt. Điều này có được là do sự cẩn trọng trong khâu thẩm định và các biện pháp đảm bảo của ngân hàng. Các cán bộ ngân hàng đều có kinh nghiệm trong thực hiện nghiệp vụ để có thể lựa chọn những dự án khả thi và các khách hàng có uy tín, tránh để xảy ra rủi ro khiến ngân hàng phải thực hiện nghĩa vụ trả thay cho khách hàng. Nếu tính theo quy chế xếp loại các tổ chức tín dụng cổ phần tại Việt Nam được NHNN ban hành ngày 27/8/1998, theo đó quy định nếu tổ chức tín dụng không có nợ bảo lãnh quá hạn đạt tối đa 05 điểm thì chất lượng bảo lãnh của Techcombank đạt 05 điểm.
- Tình hình tài chính của người yêu cầu bảo lãnh: đa phần khách hàng được Techcombank cấp bảo lãnh đều có tình hình tài chính lành mạnh, sản xuất kinh doanh ổn định nên năng lực thực hiện hợp đồng là rất cao. Bên cạnh đó khi xảy ra trường hợp ngân hàng phải bồi thường cho bên thứ ba đa phần các khách hàng đều đảm bảo khả năng thanh toán để bồi hoàn lại ngay cho ngân hàng. Điều đó cũng lý giải vì sao các khoản bảo lãnh của Techcombank hầu như không phát sinh nợ quá hạn bảo lãnh.
- Sự đa dạng của các khoản bảo lãnh: có thể thấy cơ cấu bảo lãnh của Techcombank không cân đối, chủ yếu tập trung vào các loại hình bảo lãnh
trong nước, các loại hình bảo lãnh khác như bảo lãnh vay vốn hầu như chưa thực hiện. Nguyên nhân một phần là do uy tín của ngân hàng trên thị trường quốc tế chưa cao. Mặt khác, những khoản bảo lãnh có giá trị lớn thường tập trung vào những khách hàng truyền thống, tổng công ty lớn và có uy tín. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro và đáp ứng mục tiêu an toàn nhưng hạn chế khả năng mở rộng tìm kiếm khách hàng của ngân hàng, do vậy làm giảm lợi nhuận từ bảo lãnh. Bên cạnh đó, phần lớn khách hàng yêu cầu hoạt động bảo lãnh của Techcombank là các doanh nghiệp Nhà nước, các công ty cổ phần, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh hoặc tham gia các dự án đầu tư tại Việt Nam. Hoạt động bảo lãnh cá nhân có thể nói là gần như không có. Nguyên nhân chính là do các cá nhân rất khó có thể đáp ứng được các điều kiện để sử dụng hoạt động bảo lãnh của Ngân hàng. Việc các cá nhân không đủ khả năng thanh toán lại cho Ngân hàng sẽ làm cho Ngân hàng gặp không ít khó khăn. Thêm vào đó, mặc dù đã có quy trình bảo lãnh thống nhất nhưng hoạt động bảo lãnh chưa được tách riêng ra một phòng mà thường được kết hợp trong phòng tín dụng. Các chuyên viên khách hàng vừa đảm nhận các khoản cho vay, giao dịch mua bán ngoại tệ... vừa thực hiện cả hoạt động bảo lãnh. Như vậy với những cán bộ không có kinh nghiệm trong thực hiện hoạt động bảo lãnh sẽ trở nên lúng túng, dễ mắc sai lầm và gây mất thiện cảm trong mắt khách hàng.