Tổng quan về ngân hàng Techcombank

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG BẢO LÃNH TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN KỸ THƯƠNG VIỆT NAM (Trang 36 - 40)

2.1.1. Lịch sử hình thành và phát triển

Ngân hàng thương mại cổ phần kỹ thương Việt Nam ( Techcombank) được thành lập ngày 27 tháng 09 năm 1993, là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên được thành lập trong bối cảnh nước ta đang trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường. Từ số vốn điều lệ 20 tỷ đồng và trụ sở chính ban đầu tại 24 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội, trải qua quá trình phát triển, tới nay Techcombank đã tăng số vốn điều lệ lên 3.165 tỷ đồng với mạng lưới trải dài 15 tỉnh thành trong cả nước và trụ sở chính hiện nay đặt tại 70-72 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội, trở thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần có số vốn điều lệ và mạng lưới lớn nhất Việt Nam.

Mặc dù mới chỉ đi vào hoạt động trong hơn 15 năm nhưng Techcombank đã ghi lại những dấu ấn rực rỡ trong lịch sử của mình. Năm 2001, Techcombank đã được mọi người thực sự chú ý khi số vốn điều lệ lúc đó chỉ hơn 100 tỷ nhưng dám đầu tư tới gần 20 tỷ cho hệ thống phần mềm ngân hàng GLOBUS của Temenos Holding NV (Thụy Sĩ). Phần mềm core banking GLOBUS này đã khiến Techcombank khẳng định được đẳng cấp về công nghệ thẻ ATM khi kết nối trực tiếp được với tài khoản tiền gửi của khách hàng. Năm 2002, Techcombank thành lập hàng loạt các chi nhánh tại Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và cũng là ngân hàng cổ phần có mạng lưới giao dịch rộng lớn nhất tại thủ đô Hà Nội. Mạng lưới bao gồm Hội sở

chính với 8 chi nhánh cùng 4 phòng giao dịch tại các thành phố lớn trong cả nước. Sau đó, Techcombank lại trở thành hiện tượng khi là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam triển khai Internet banking toàn diện cho phép chuyển tiền có giải thích nội dung qua Internet tối đa lên tới 500 triệu đồng/ngày, rồi kết nối sản phẩm ngân hàng với sản phẩm bảo hiểm… Vào năm 2005, Ngân hàng Hồng Kông – Thượng Hải HSBC đã trở thành đối tác chiến lược của Techcombank khi mua 10% cổ phần của Techcombank với tổng giá trị 17,3tr USD. Đến tháng 7/2007, con số này đã tăng lên 15% và đến tháng 9/2008 là 20%, cùng với đó là số vốn điều lệ đã tăng lên tới 3.165 tỷ đồng. Mạng lưới các chi nhánh , phòng giao dịch không ngừng được mở rộng với hoạt động ngày càng hiệu quả góp phần quan trọng trong việc tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng. Các sản phẩm, dịch vụ mới giàu chất công nghệ được ra mắt đều đặn, khẳng định thế mạnh của ngân hàng trong việc ứng dụng công nghệ.

Có thể nói, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam đạt được vị thế như ngày hôm nay một phần là do bản thân ngân hàng đã xây dựng được một chiến lược phát triển đúng đắn, rõ ràng ở từng giai đoạn và luôn luôn mạnh dạn trong việc đầu tư phát triển hệ thống công nghệ, đặc biệt là hệ thống công nghệ thông tin, tạo ra một nền tảng bền vững trong quá trình phát triển của mình.

2.1.2. Tình hình hoạt động của Ngân hàng thương mại cổ phần kỹ thương VN

Ngân hàng là một trong những tổ chức trung gian tài chính quan trọng nhất trong nền kinh tế. Nó đồng thời cũng là một doanh nghiệp đặc biệt cung cấp các dịch vụ cho công chúng và cho các doanh nghiệp khác. Các dịch vụ của Ngân hàng bao gồm mua bán ngoại tệ, nhận tiền gửi, cho vay, bảo quản vật có giá, cung cấp các tài khoản giao dịch và thực hiện thanh toán, quản lý ngân quỹ, tài trợ các hoạt động của Chính phủ ( VD như mua trái phiếu Chính phủ

hay cho vay ưu đãi theo quy định của Chính phủ…), bảo lãnh, cho thuê thiết bị trung và dài hạn, cung cấp các dịch vụ ủy thác và tư vấn, dịch vụ môi giới đầu tư chứng khoán, cung cấp các dịch vụ bảo hiểm và dịch vụ đại lý. Thông qua các sản phẩm dịch vụ này, Ngân hàng làm lợi cho các doanh nghiệp, các cá nhân và cho chính bản thân mình, từ đó thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và phát triển, góp phần ổn định xã hội.

Tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam, các hoạt động cơ bản cũng gồm tất cả các sản phẩm dịch vụ nói trên nhưng Techcombank lại phân chia các dịch vụ của mình theo đối tượng sử dụng dịch vụ: Dịch vụ Ngân hàng cá nhân và Ngân hàng doanh nghiệp. Tùy theo từng đối tượng mà ngân hàng sẽ xây dựng các chính sách về dịch vụ, sản phẩm chiến lược phục vụ cho từng đối tượng đó. Với Ngân hàng cá nhân, các dịch vụ cơ bản gồm tiết kiệm, tài khoản, tín dụng bán lẻ, dịch vụ thẻ, ngân hàng điện tử…Với Ngân hàng doanh nghiệp, do đây là nguồn thu chính của Techcombank về lãi tín dụng và phí dịch vụ nên các sản phẩm dành cho doanh nghiệp rất đa dạng và cũng mang tính đặc thù riêng. Các dịch vụ chính gồm huy động và dịch vụ tài khoản, tín dụng trong nước, tài trợ thương mại, thanh toán, bảo lãnh, Internet Banking, dịch vụ tư vấn và các sản phẩm phái sinh. Đối tượng khách hàng doanh nghiệp truyền thống và quan trọng của Techcombank là nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm tới gần 80% tổng số khách hàng doanh nghiệp của ngân hàng. Bên cạnh việc hoàn thiện các quy trình, ban hành những hướng dẫn triển khai sản phẩm cho phù hợp hơn với từng nhóm ngành, lĩnh vực (như dệt may, đóng tàu, thi công công trình …), để nâng cao chất lượng và hiệu quả phục vụ, Techcombank còn phát triển nhiều sản phẩmdịch vụ mới nhằm đáp ứng các nhu cầu từng nhóm khách hàng trong từng lĩnh vực như: Sản phẩm F@st SBank (Quản lý tài khoản tiền của nhà đầu tư chứng khoán), Tài trợ nhà cung cấp, Cổng thanh toán điện tử F@st VietPay… Mục tiêu của

Techcombank là trở thành ngân hàng có danh mục sản phẩm dịch vụ đa dạng nhất, tiên tiến nhất trên thị trường ngân hàng Việt Nam.

Nằm trong mảng dịch vụ khách hàng doanh nghiệp, hoạt động bảo lãnh tại Techcombank đang trở nên ngày càng phổ biến và chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu từ phí dịch vụ trong nước của ngân hàng. Các hình thức bảo lãnh tại Techcombank rất đa dạng, bao gồm: bảo lãnh hoàn thanh toán, bảo lãnh bảo hành, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh khác( bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh vay vốn, bảo lãnh đối ứng, đồng bảo lãnh…tùy theo nhu cầu của khách hàng). Các dịch vụ bảo lãnh của Techcombank được đánh giá cao bởi thủ tục phát hành nhanh gọn, mức phí hợp lý tương ứng từng hình thức bảo lãnh, mức ký quỹ và tài sản bảo đảm linh hoạt theo từng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, do Techcombank là một ngân hàng có uy tín lớn trong dịch vụ bảo lãnh nên thư bảo lãnh của Techcombank được nhiều ngân hàng và doanh nghiệp trong, ngoài nước chấp nhận.

Trong hai năm 2007 và 2008, mặc dù gặp phải không ít khó khăn, bất lợi từ nền kinh tế Việt Nam cũng như sự cạnh tranh gay gắt trong ngành ngân hàng nhưng Techcombank vẫn đạt được những thành tựu đáng kể. Năm 2007, tổng tài sản của Techcombank đã tăng lên đạt 39.542,5 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 2.521,3 tỷ đồng nâng tổng vốn chủ sở hữu của ngân hàng lên 3.573,42 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế lũy kế năm 2007 đạt 709,74 tỷ đồng, gần gấp đôi so với mức lợi nhuận đạt được trong năm 2006 và đứng thứ ba trong khối các ngân hàng cổ phần. Tổng thu nhập thuần năm 2007 đạt 1.216 tỷ đồng, tăng 98 ,9% so với năm 2006. Trong đó, doanh thu dịch vụ năm 2007 đạt 207 tỷ đồng – tăng 56% so với năm 2006. Vốn huy động từ khách hàng cả năm 2007 đạt 24.476,58 tỷ đồng, tăng 14.910,5 tỷ đồng so với năm 2006. Trong đó, huy động vốn từ dân cư 14.119,27 tỷ đồng, chiếm 40,17% tổng huy động. Nhìn chung nguồn vốn huy động của ngân hàng có xu hướng tăng trưởng ổn định

với cơ cấu hợp lý bảo đảm một hoạt động kinh doanh tổng thể an toàn cho ngân hàng. Năm 2008, Techcombank cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc củng cố hệ thống quản lý, nâng cao tính chuyên nghiệp và tăng trưởng nhanh. Tổng tài sản Techcombank năm 2008 là 59.360 tỷ đồng, tăng 19.818 tỷ đồng so với tháng 12/2007, đạt 93% so với kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế cả năm đạt: 1.600,348 tỷ đồng (vượt 569,348 tỷ so với kế hoạch đã được điều chỉnh), đạt 155% so kế hoạch và bằng 225% so với thực hiện năm 2007. Tổng nguồn huy động bằng 149% so với thực hiện năm 2007, đạt 98% so kế hoạch, trong đó chủ yếu do huy động từ tổ chức kinh tế bị giảm so kế hoạch nhưng vẫn bằng 101% so với thực hiện năm 2007. Mặc dù trong năm 2008 có một số chỉ số không đạt kế hoạch đề ra, về tổng tài sản, về huy động nhưng nhìn chung kết quả hoạt động trong năm 2008 của Techcombank tiếp tục có sự tăng trưởng tốt so với năm 2007, các chỉ tiêu chính đặc biệt là chỉ tiêu lợi nhuận đạt 155% so với kế hoạch đề ra và bằng 225% so năm 2007.

Bên cạnh đó, hình ảnh của ngân hàng đang được nhận biết rộng rãi trên phạm vi cả nước, cùng với sự gia tăng, mở rộng không ngừng của các chi nhánh, phòng giao dịch đang làm việc hết sức hiệu quả, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng. Có thể nói, Techcombank đang ngày càng tiến đến gần hơn với định hướng của mình là trở thành ngân hàng được ưa chuộng nhất và dẫn đầu trong một số lĩnh vực chủ chốt mà ngân hàng nhắm tới. Đó là các định hướng cơ bản để phát triển một ngân hàng thương mại đa năng.

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG BẢO LÃNH TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN KỸ THƯƠNG VIỆT NAM (Trang 36 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(84 trang)
w