Ngân hàng đã áp dụng nhiều phương pháp trong thẩm định rủi ro nhằm xác định một cách đầy đủ, toàn diện và chính xác nhất các rủi ro có khả năng xảy ra đối với dự án.
+ Phương pháp định tính xác định rủi ro xảy ra trong trường hợp nào, có ảnh hưởng như thế nào, từ đó cán bộ thẩm định có thể đưa ra được biện pháp trực tiếp và cụ thể cho từng loại rủi ro đó.
+ Đối với phương pháp định lượng bằng phân tích độ nhạy: Xác định được nhân tố nào tác động mạnh nhất đến kết quả và hiệu quả đầu tư, để từ đó có sự đánh giá phù hợp. Việc sử dụng phương pháp này đã hạn chế được những rủi ro không lường trước, cũng như hạn chế được sự tác động của các yếu tố bất định đối với dự án. Cán bộ thẩm định đánh giá rủi ro đối với dự án, bằng cách kết hợp các
khả năng khác nhau, tìm kiếm giải pháp để đạt được mục tiêu về hiệu quả nhưng phải giới hạn sự nhạy cảm đối với rủi ro.
+ Đối với phương pháp thẩm định theo trình tự: Rủi ro được đánh giá theo các bước từ chi tiết đến tổng hợp. Bằng cách đánh giá các khía cạnh của dự án như: Pháp lý, thị trường, tổng vốn đầu tư, tính khả thi của nguồn vốn, cơ cấu nguồn vốn…từ đó tổng hợp lại các nhóm rủi ro chung của dự án. Điều này đảm bảo tính chuyên sâu hơn nữa trong công tác nhận diện và đánh giá rủi ro nhất là các rủi ro tiềm ẩn, bên cạnh đó giúp tránh việc phải đánh giá lại các rủi ro. Hơn nữa, rủi ro của dự án được đánh giá một cách đầy đủ hơn, toàn diện hơn tránh việc đánh giá thiên lệch về một khía cạnh nào đó mà bỏ qua các khía cạnh khác.
Phương pháp dự báo: Cán bộ thẩm định sẽ xác định được những yếu tố ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của dự án, thông qua công tác dự báo. Từ đó, có cái nhìn tổng thể về dự án, và đưa ra những biện pháp để giảm thiểu rủi ro, để hạn chế mức tối đa mức độ ảnh hưởng của nó đến dự án.