Sự cần thiết phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở Thanh Hóa

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Thanh Hóa pdf (Trang 61 - 64)

Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở Thanh Hóa là một đòi hỏi khách quan, bởi vì:

Thứ nhất, quá trình CNH, HĐH là một xu thế tất yếu của lịch sử. CNH, HĐH

đã và đang lôi cuốn, tác động đến tất cả các nước, tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. ở những nước phát triển, hiện đại hóa là quá trình tiếp tục tạo ra và sử dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới nhất, hiện đại nhất vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội để thúc đẩy xã hội phát triển hiện đại hơn, từ đó xuất hiện nền văn minh mới, xã hội mới như xã hội thông tin, xã hội hậu công nghiệp... ở những nước đang phát triển công nghiệp gắn bó chặt chẽ với hiện đại hóa, đó là quá trình sử dụng những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại để đổi mới căn bản bộ mặt kinh tế, chính trị văn hóa, khoa học kỹ thuật và tinh thần của xã hội nhằm đưa xã hội lên trình độ hiện đại.

Đối với nước ta, từ một nền kinh tế nông nghiệp (người lao động có tri thức thấp, công cụ lao động thủ công lạc hậu, năng suất lao động thấp...) phấn đấu lên xã hội hiện đại thì không có con đường nào khác là con đường CNH, HĐH với tư cách một cuộc cách mạng toàn diện, sâu sắc trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Phải thông qua xây dựng CNH, HĐH mới "xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp, có cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh" [12 – 80]. Như vậy, đối với nước ta công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một tất yếu và hết sức bức thiết.

Thanh Hóa không nằm ngoài xu thế chung của đất nước, Thanh Hóa tất yếu phải tiến hành CNH, HĐH. Mà công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta trong giai đoạn hiện nay là nhằm chuyển đổi một cách căn bản nền sản xuất xã hội từ lao động thủ công là chính sang lao động dùng máy móc, phương tiện kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, tạo nền tảng cho sự tăng trưởng nhanh, hiệu quả cao và bền vững của toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Do đó, để thực hiện CNH, HĐH Thanh Hóa cần thiết phải có nguồn nhân lực với chất lượng cao.

Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ Thanh Hóa lần thứ XV (2001 - 2005) đã xác định mục tiêu của tỉnh là "tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, tăng tốc độ phát triển, phấn đấu và vượt chỉ tiêu trên tất cả các lĩnh vực, phát huy nội lực, khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, đặc biệt là nguồn nhân lực, ưu tiên đầu tư phát triển các ngành, các lĩnh vực có tiềm năng lợi thế của tỉnh, đáp ứng yêu cầu thị trường, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, đảm bảo tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao và bền vững, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới" [22 – 36].

Thanh Hóa tiến hành CNH, HĐH là để thực hiện mục tiêu của tỉnh Đảng bộ đề ra, đồng thời cũng chính là để thực hiện mục tiêu "xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại, có cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh [12 – 80]. Mục tiêu trên phải được thực hiện bằng chính sức mạnh của con người Việt Nam mà trong đó có sự góp sức của những con người Thanh Hóa. Điều đó cho thấy muốn thực hiện mục tiêu trên "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh" tất yếu phải tiến hành CNH, HĐH mà nhiệm vụ hàng đầu là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam nói chung như ở Thanh Hóa nói riêng.

Thứ hai là, do yêu cầu của sản xuất, việc sản xuất ra sản phẩm cho xã hội tiêu

dùng luôn xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng của con người. Nhu cầu tiêu dùng của nhân dân ngày càng phong phú đa dạng, nên sản phẩm của sản xuất ngày càng phải đạt đến

trình độ, đa dạng hóa tốt hơn. Làm được điều này chỉ có thể là lao động của những con người có trình độ, chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề cao. Việc sản xuất của Thanh Hóa cũng luôn vươn tới cái đích chung đó. Vì vậy, Thanh Hóa nhất thiết phải tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ ba là, do nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống: Tăng cường sức khỏe,

mở rộng trí thức, nâng cao tay nghề... Việc này xuất phát từ chính nhu cầu của con người, điều đó tạo điều kiện tốt cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Mong muốn của toàn Đảng, toàn dân là nâng cao chất lượng cuộc sống. Nên Đảng cộng sản Việt Nam cũng như Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đều hướng tới việc phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thứ tư, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa hiện nay thấp, chủ

yếu là sản xuất nông nghiệp chất lượng hiệu quả chưa cao, chưa đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Điều đó cho thấy nền kinh tế - xã hội Thanh Hóa muốn phát triển được thì Thanh Hóa cần phải nhanh chóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bởi nguồn lực con người là nguồn lực của mọi nguồn lực, là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển.

Thứ năm, Thanh Hóa cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vì nguồn

nhân lực ở Thanh Hóa chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH. Thanh Hóa có một đội ngũ lao động đông nhưng không mạnh, yếu về trình độ, bất cập về cơ cấu, già hóa về đội ngũ. Tỉ lệ lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở Thanh Hóa rất cao 86,80% (1625811 người), lao động đã qua đào tạo chỉ chiếm 13,20% (247 242 người). Trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên chỉ chiếm tỉ lệ rất thấp.

Với đội ngũ lao động của Thanh Hóa như hiện nay thì Thanh Hóa khó có thể tiến hành CNH, HĐH được. Trước tình hình đó Thanh Hóa cần phải đầu tư cho giáo dục - đào tạo nhằm xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, phục vụ cho CNH, HĐH.

Nhưng một thực tế đặt ra là nền kinh tế ở Thanh Hóa còn yếu kém, cơ sở vật chất thấp. Nếu Thanh Hóa đào tạo ra đội ngũ lao động chất lượng cao thì liệu có phát

huy được không (giải quyết việc làm)? Chúng ta cần phải nhận thức rằng, muốn phát triển, muốn CNH, HĐH thì phải có nền kinh tế tri thức. Hiện Thanh Hóa là tỉnh kém phát triển nên càng cần phải nắm bắt tri thức, và để nắm bắt kịp nền kinh tế tri thức thì phải phát triển đội ngũ lao động có trình độ cao. Dù cơ sở hạ tầng và dịch vụ còn thấp kém, nhưng để "đi tắt", "đón đầu" trong quá trình công nghiệp hóa, để tiến tới nền kinh tế tri thức thì trước hết Thanh Hóa phải thực hiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thứ sáu, trong điều kiện hiện nay sự giao lưu kinh tế thế giới diễn ra mạnh mẽ

với sự mở cửa, hội nhập, chuyển giao công nghệ hợp tác liên doanh, đầu tư cùng phát triển thì Thanh Hóa phải có sự chuẩn bị về nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực vừa nắm được tri thức khoa học công nghệ hiện đại, vừa có sức khỏe, vừa có tính tổ chức cao, mạnh dạn trong sáng tạo biết kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, biết tiếp thu chọn lọc những giá trị, tinh hoa văn hóa của thế giới; nguồn nhân lực chất lượng cao được chuẩn bị là để đón nhận, tranh thủ và vận dụng khoa học công nghệ vào lao động, sản xuất nhằm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Thanh Hóa pdf (Trang 61 - 64)