Đây là một nội dung quan trọng nhất trong quá trình soạn thảo dự án đầu tư. Phân tích tài chính là cơ sở để tiến hành phân tích kinh tế xã hội. Trong phân tích tài chính thì phải xây dựng công việc xác định tỷ suất chiết khấu theo đúng các luận chứng kinh tế và kỹ thuật. Một số dự án được lập có tỷ suất chiết khấu dựa vào các dự án tương tự. Do vậy các cán bộ lập dự án cần thiết phải có kiến thức cho việc tính toán tỷ suất chiết khấu để hoàn thiện nội dung này. Tính tỷ suất chiết khấu theo bình quân các nguồn huy động vốn khác nhau.
Thêm vào đó, các chỉ tiêu phân tích hiệu quả tài chính trong các dự án mà công ty lập vẫn chưa đầy đủ. Thực tế lập dự án tại công ty chỉ chú trọng vào 3 chỉ tiêu cơ bản như NPV, IRR,T. Tuy nhiên trong thực tế thì các chỉ tiêu này vẫn chưa đủ để đánh giá chính xác tính khả thi của dự án. Do đó công ty nên bổ sung thêm một số chỉ tiêu phân tích khác như chỉ tiêu B/C, chỉ tiêu suất lợi nhuận vốn đầu tư RR, vòng quay vốn lưu động, điểm hoà vốn…để đảm bảo cho tính khả thi của dự án.
Khi phân tích tài chính công ty cần tính toán thêm các chỉ tiêu đánh giá tiềm lực tài chính của dự án như: hệ số vốn tự có so với vốn đi vay, tỷ trọng vốn tự có trong tổng vốn đầu tư. Hai chỉ tiêu này nói lên tiềm lực tài chính đảm bảo cho dự án thực hiện được thuận lợi.
Ngoài ra một nội dung khá quan trọng trong phân tích tài chính dự án là đánh giá độ an toàn về mặt tài chính của dự án. Hiện nay, tại công ty nội dung này vẫn chưa được sử dụng rộng rãi trong công tác lập dự án. Hầu hết các dự án chưa phân tích độ an toàn về mặt tài chính của dự án trong BCNCKT. Do đó, để hoàn thiện khía cạnh phân tích tài chính dự án cần bổ sung thêm nội dung phân tích này.
Cụ thể, nội dung đánh gía về mặt tài chính dự án đầu tư thông qua các mặt:
An toàn về nguồn vốn: đảm bảo tỷ lệ giữa vốn tự có và vốn đi vay ≥1
An toàn về khả năng thanh toán nghĩa vụ tài chính ngắn hạn và khả năng trả nợ phải đảm bảo:
- Tỷ lệ khả năng thanh toán hiện hành= Tài sản lưu động/ nợ ngắn hạn≥1
- Tỷ số khả năng trả nợ của dự án = nguồn trả nợ hàng năm của dự án / nợ phả trả hàng năm (gốc và lãi)
Nguồn trả nợ hàng năm của dự án gồm: lợi nhuận sau thuế, khấu hao cơ bản, lãi phải trả hàng năm. Tỷ số khả năng trả nợ của dự án phải đạt mức quy định chuẩn phù hợp với từng ngành nghề. Khả năng trả nợ của dự án đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá độ an toàn về mặt tài chính của dự án đồng thời là một trong các tiêu chuẩn để chấp nhận cung cấp tín dụng cho dự án hay không.
2.2.2.5. Nghiên cứu khía cạnh kinh tế xã hội
Đối với một dự án đầu tư được cấp giấy phép đầu tư thì dự án không chỉ có tính khả thi về mặt tài chính mà còn có sự đóng góp cho nền kinh tế xã hội của đất nước. Các dự án đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, các công trình đô thị…có tác động lớn đến khía cạnh kinh tế xã hội của địa phương và cả nước. Tại công ty, công tác nghiên cứu khía cạnh kinh tế xã hội đã được tiến hành theo quy trình lập dự án tuy nhiên nội dung phân tích còn đôi chỗ thiếu sót hoặc lập sơ qua. Chủ yếu tập trung vào khía cạnh xã hội như: Tác động của dự án đến lao động, việc làm, tác động đến môi trường sinh thái, đóng góp của dự án vào ngân sách, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tác động của dự án đến phân phối thu nhập của người dân….Do đó, trong thời gian tới công ty cần bổ sung thêm các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế dự án đầu tư như: Giá trị gia tăng thuần NAV, giá trị hiện tại ròng kinh tế NPVE, B/CE.