Các KCN Đồng Nai cũng là nơi giải quyết việc làm cho người lao động, không chỉ lao động địa phương mà cả lao động từ các tỉnh khác trong cả nước. Năm 2006, các KCN Đồng Nai đã thu hút khoảng 270.000 lao động, trong đó có hơn 3000 chuyên gia và lao động người nước ngoài. Tính đến cuối năm 2007, tổng số lao động trong 24 KCN Đồng Nai khoảng 301.133 người, trong đó lao động người nước ngoài là 3.839 người. Ngoài số lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp KCN, các KCN cũng tạo thêm việc làm gián tiếp, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, cung ứng vật liệu và dịch vụ, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng phi nông nghiệp. Trong vòng 10 năm (1995-2005), lao động phi nông nghiệp trong cơ cấu lao động tăng từ 46% lên 54,3%; giai đoạn 2001-2005, trung bình mỗi năm lao động phi nông nghiệp tăng thêm được 2,6% trong cơ cấu lao động.
Cùng với sự phát triển các KCN, đội ngũ cán bộ công chức quản lý nhà nước qua thực tiễn đã nâng tầm quản lý lên một mức phù hợp về: ngoại ngữ, chuyên môn, nghiệp vụ, văn hóa giao tiếp,… đáp ứng yêu cầu đổi mới năng động từ các doanh nghiệp.
Các KCN cũng là nơi tiếp nhận và ứng dụng có hiệu quả những thành tựu phát triển của khoa học - công nghệ, kinh nghiệm và trình độ tổ chức quản lý của quốc tế vào quá trình sản xuất. Do đó, đây cũng chính là nơi người lao động được đào tạo để tiếp thu tốt nhất công nghệ sản xuất hiện đại, công nghệ
quản trị tiên tiến. Việc được trực tiếp làm việc trong môi trường có kỷ luật cao, yêu cầu tay nghề cao, đã rèn luyện được những kỹ năng và bản lĩnh làm việc, giúp người lao động thích ứng với một nền công nghiệp tiên tiến, hiện đại. Đội ngũ lao động này chính là động lực góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Quá trình phát triển các KCN Đồng Nai cũng chính là quá trình thực hiện phân công lại lao động xã hội nhằm cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tập trung khai thác tốt nhất mọi nguồn lực và những lợi thế hiện có, nâng cao sức cạnh tranh và đẩy nhanh tốc độ phát triển chung của nền kinh tế.