Quản lý hoạt động học tập của trò

Một phần của tài liệu nâng cao chất lượng dạy học ở các trường THPT huyện Krông Năng tỉnh Đắk Lắk (Trang 39 - 42)

Hoạt động học tập của học sinh là một hoạt động song song tồn tại cùng với hoạt động dạy của thầy giáo.

Vì vậy, quản lý hoạt động học tập của học sinh cần phải đạt được những yêu cầu chủ yếu sau đây:

- Phải làm cho học sinh có động cơ và thái độ đúng đắn trong học tập, rèn luyện, ham thích đến trường đến lớp, ham học các bộ môn. Tự giác tìm tòi phát hiện vấn đề, chủ động lĩnh hội kiến thức, biến quá trình giáo dục thành tự giáo dục.

- Phải tổ chức hướng dẫn học sinh học tập, giúp học sinh học tập có phương pháp, nắm được các phương pháp học tập ở từng bộ môn.

- Phải làm cho học sinh có nề nếp thói quen học tập tốt, làm cho hoạt động học tập của nhà trường có kỷ luật, trật tự.

- Kết quả điểm kiểm tra, xếp loại phản ảnh được khả năng học tập của học sinh. Kết quả này phải giúp cho học sinh nhận ra mặt mạnh, mặt hạn chế để vươn lên đồng thời nó giáo dục cho học sinh tính trung thực trong học tập, trong cuộc sống.

Việc quản lý hoạt động học tập của học sinh phải được thực hiện đầy đủ, toàn diện và mang tính giáo dục cao. Nội dung cơ bản của nó bao gồm:

a. Quản lý việc giáo dục phương pháp học tập cho học sinh

Phương pháp học tập là vấn đề hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng học tập của học sinh. Vì vậy, quản lý việc giáo dục phương pháp học tập cho học sinh cần phải đạt được những yêu cầu chủ yếu là:

- Làm cho học sinh nắm được kỹ năng chung của hoạt động học tập. - Làm cho học sinh có kỹ năng học tập phù hợp với từng bộ môn.

- Giúp học sinh có phương pháp học tập ở lớp. - Giúp cho học sinh có phương pháp học tập ở nhà.

Để đạt được những yêu cầu trên, hiệu trưởng phải tổ chức học tập nghiên cứu, bồi dưỡng để toàn thể giáo viên trong nhà trường nắm vững và thống nhất các phương pháp học tập và trách nhiệm của các đối tượng trong trường với việc hướng dẫn học tập cho học sinh, từ đó hiệu trưởng vạch ra kế hoạch chỉ đạo thực hiện và thường xuyên kiểm tra đôn đốc điều chỉnh, uốn nắn kịp thời những biểu hiện sai lệch nhằm thực hiện có hiệu quả việc giáo dục phương pháp học tập cho học sinh.

b. Quản lý nề nếp thái độ học tập cho học sinh

Nề nếp học tập, kỷ luật học tập của học sinh là những điều quy định cụ thể về tinh thần, thái độ, hành vi ứng xử nhằm làm cho hoạt động học tập được hoạt động nhịp nhàng và có hiệu quả. Nề nếp học tập sẽ quyết định nhiều đến hiệu quả học tập. Vì vậy cần phải xây dựng và hình thành được những nề nếp học tập sau đây:

- Phải xây dựng cho học sinh có tinh thần, thái độ học tập tốt, chuyên cần, chăm chỉ, có nề nếp học bài và làm bài đầy đủ.

- Giúp học sinh có nề nếp tổ chức học tập ở trường cũng như ở nhà và những nơi sinh hoạt văn hoá…

- Nề nếp sử dụng, bảo quản và chuẩn bị đồ dùng học tập.

- Xây dựng được nề nếp về khen thưởng kỷ luật, chấp hành nề nếp nội quy học tập cho học sinh.

Nề nếp học tập tốt, sẽ duy trì mọi hoạt động học tập tốt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, hiệu trưởng nhà trường phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, nhận xét tình hình thực hiện nề nếp và phân công trách nhiệm cụ thể cho các đối tượng để phối hợp thực hiện, tạo ra bầu không khí thuận lợi cho sự giáo dục của nhà trường.

c. Quản lý các hoạt động học tập, vui chơi giải trí

Đây là yêu cầu quan trọng đối với hiệu trưởng trong việc quản lý các hoạt động học tập của học sinh. Các hoạt động học tập, vui chơi giải trí phải được tổ chức một cách hợp lý, phù hợp với tâm lý và sức khoẻ của học sinh, đòi hỏi hiệu trưởng phải cân nhắc, tính toán, điều khiển sự cân đối các hoạt động học tập của học sinh, và phải được xếp đặt trước trong một chương trình hoạt động hàng tháng, học kỳ và cả năm để tránh tình trạng lôi kéo học sinh vào những hoạt động, những phong trào đề ra một cách tuỳ tiện, bất thường làm gián đoạn hoạt động học tập của học sinh, xáo trộn chương trình và kế hoạch hoạt động của nhà trường.

d. Quản lý việc phân tích đánh giá kết quả học tập của học sinh

Phân tích, đánh giá kết quả học tập của học sinh là yêu cầu cần thiết trong quản lý của hiệu trưởng. Điểm số của học sinh phải được cập nhật, các bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết trở lên phải dược trả cho học sinh đúng thời gian quy định của ngành giáo dục và giáo viên chấm kỹ có nhận xét, phát hiện những lỗi học sinh thường mắc phải, chữa tại lớp để rút kinh nghiệm.

Căn cứ vào sổ điểm, dự giờ thăm lớp, sổ đầu bài, hiệu trưởng hoặc hiệu phó, tổ trưởng phân tích đánh giá kết quả học tập của học sinh thường xuyên hàng tháng, nội dung cần tập trung vào những vấn đề chủ yếu là:

- Tình hình thực hiện nề nếp học tập, tinh thần thái độ học tập, sự chuyên cần và kỷ luật học tập.

- Chất lượng học tập của học sinh ở các môn học, về điểm số, tình hình kiểm tra, nhận xét đánh giá của giáo viên về tình hình học tập của học sinh.

- Chất lượng học tập của học sinh ở các môn học, các yêu cầu, kỹ năng đạt được của học sinh qua các môn học.

- Những kết luận sau khi phân tích sẽ giúp cho hiệu trưởng những thông tin phản hồi, để hiệu trưởng thấy rõ thêm hoạt động dạy học, trên cơ sở đó có những quyết định quản lý kịp thời, chính xác.

e. Phối hợp các lực lượng giáo dục quản lý hoạt động học tập của học sinh Hoạt động học tập của học sinh diễn ra trong không gian và thời gian tương đối rộng, bao gồm chủ yếu là học tập trên lớp và ở nhà, vì vậy hiệu trưởng cần phải tổ chức phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm, bí thư đoàn và gia đình học sinh, nhằm đưa hoạt động học tập của học sinh vào nề nếp chặt chẽ từ trong trường, lớp đến gia đình. Trong sự phối hợp này cần đặc biệt chú ý vai trò hoạt động tổ chức, đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, thông qua hoạt động tập thể, giúp các em phát huy vai trò tự giác tích cực, tự quản các hoạt động học tập của mình. Đồng thời thông qua hoạt động, cần động viên khích lệ kịp thời tinh thần học tập tiến bộ của học sinh một cách thường xuyên nhằm thúc đẩy sự cố gắng vươn lên của các em, nâng cao chất lượng học tập theo yêu cầu mục tiêu.

Mối quan hệ phối hợp với gia đình học sinh trong việc quản lý hoạt động học tập là rất cần thiết. Phải thống nhất được với gia đình các biện pháp giáo dục, thông tin qua lại kịp thời về tình hình học tập của học sinh.

Tóm lại: Quản lý hoạt động học tập của trò là yêu cầu không thể thiếu được và rất quan trọng trong quá trình quản lý dạy và học của hiệu trưởng. Nếu quản lý tốt đối tượng này sẽ tạo được cho học sinh ý thức tự giác trong học tập, rèn luyện, các em sẽ có được thái độ, động cơ học tập đúng từ đó góp phần và quyết định hiệu quả của hoạt động dạy và học nói riêng và thực hiện được mục tiêu giáo dục đề ra nói chung.

Một phần của tài liệu nâng cao chất lượng dạy học ở các trường THPT huyện Krông Năng tỉnh Đắk Lắk (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(134 trang)
w