Từ sự tương tác với với một thể loại chủ yếu (sử thi hóa hoặc tiểu thuyết hóa) đến

Một phần của tài liệu NHỮNG CHUYỂN BIẾN VỀ TƯ TƯỞNG VÀ BÚT PHÁP TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN MINH CHÂU SAU 1975 (Trang 62 - 65)

NHỮNG CHUYỂN BIẾN VỀ KĨ THUẬT THỂ LOẠI, PHƯƠNG THỨC TỰ SỰ VÀ L ỜI VĂN NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN MINH CHÂU (sau

3.1.3.Từ sự tương tác với với một thể loại chủ yếu (sử thi hóa hoặc tiểu thuyết hóa) đến

việc tăng cường thêm các yếu tố của loại kịch, loại trữ tình, các yếu tố của kí và tự

truyện…

Như đã nêu ở chương một, quá trình vận động phát triển thể loại của truyện ngắn Nguyễn Minh Châu trước và sau 1975 chủ yếu diễn ra theo hướng từ loại hình truyện ngắn sử thi hóa sang loại hình truyện ngắn tiểu thuyết hóa.

Nếu như trong những truyện ngắn sử thi hóa trước 1975, tính tổng hợp thể loại còn mờ nhạt với việc xuất hiện không nhiều các yếu tố của kịch, tiểu thuyết, tự truyện… thì ở giai đoạn sau 1975, bên cạnh xu hướng tiểu thuyết hóa, truyện ngắn của ông còn có cả xu hướng phức thể hóa. Bên cạnh việc vận dụng những yếu tố của tiểu thuyết vào truyện ngắn, đem lại cho truyện ngắn của mình những đặc điểm hình thức mới, nhà văn cũng nhìn sang các thể loại khác, vận dụng các yếu tố của kịch, của tự truyện…để tạo nên tính chất phức thể hóa cho truyện ngắn của mình. Khái niệm “phức thể hóa” chỉ sự tương tác với nhiều thể, loại trong đó bao hàm cả sự tương tác với tiểu thuyết (đã nêu ở mục trên). Trong mục này, luận văn chỉ điểm qua một số yếu tố khác như yếu tố kịch, yếu tố trữ tình, yếu tố tự truyện…có xuất hiện trong truyện ngắn của ông sau 1975.

-yếu tố của loại kịch: Nhiều ý kiến đã nói đến mối quan hệ gần gũi giữa truyện ngắn và kịch. Đó là yêu cầu về độ căng và kịch tính trong hành động cùng với một kết thúc bất ngờ. Truyện ngắn Nguyễn Minh Châu nhìn chung không có những cốt truyện đầy đủ lớp lang, trình tự như truyện ngắn cổ điển nên không có cấu trúc chặt chẽ của kịch. Yếu tố kịch trong truyện ngắn của ông nằm ở những tình thế giàu kịch tính xuất hiện trong một hoàn cảnh xung đột nào đó của truyện.

Trước 1975, trong một số truyện ngắn như Mảnh trăng cuối rừng, Người mẹ xóm nhà thờ, Mùa hè năm ấy…, kịch tính thường xuất hiện chủ yếu ở “hành động bên ngoài”, trong cuộc đối mặt với kẻ thù xâm lược. Sau 1975, những tình huống giàu kịch tính xuất hiện đa dạng hơn.

Đó có thể là sự đối lập giữa tính cách và hoàn cảnh để tạo nên một màn bi hài kịch đối với nhân vật nhà văn T. trong truyện ngắn Sắm vai. Hoặc là sự đối lập giữa hai tính cách trong những tình thế lựa chọn như trường hợp của Cơn giông. Hành động bỏ chạy sang hàng ngũ địch của Quang ngay trước mắt đồng đội, hành động phản ứng của Thăng sau đó đã không chỉ giúp khắc họa sắc nét tâm lí, tính cách nhân vật mà còn tạo cho mạch truyện độ căng cần thiết để thúc đẩy các sự kiện tiếp theo. Lần đối mặt thứ hai khi Thăng bị bắt, Quang là người ở thế chủ động, hắn muốn để Thăng chết mà không cần tốn một viên đạn. Nhưng Thăng không chết, vì thế mà tình huống đối mặt ở cuối truyện càng căng thẳng. Đẩy kịch tính lên đến đỉnh điểm để rồi cởi nút bằng sự tha thứ của Thăng, nhà văn đã nhờ vào hành động kịch mà làm bật lên tư tưởng muốn hòa giải dân tộc sau chiến tranh của truyện.

Kịch tính thường xuất hiện trong những hoàn cảnh éo le của cuộc sống như trong bi kịch của gia đình hàng chài ở Chiếc thuyền ngoài xa, có khi lại nằm trong những xung đột nội tâm của nhân vật. Tiêu biểu cho trường hợp sau là sự xung đột gay gắt trong phiên tòa tự vấn lương tâm của người họa sĩ ở truyện ngắn Bức tranh. Trong mạch trần thuật của Mùa trái cóc ở miền Nam, ta cũng bắt gặp những tình thế giàu kịch tính. Đó là giây phút bà mẹ gặp lại đứa con trai sau bao năm lưu lạc, cái giây phút đáng ra phải rất xúc động ấy, bất ngờ lại trở thành một buổi thẩm vấn mà đứa con dành cho bà mẹ tội nghiệp. Cuộc họp giữa Toàn với các đại đội trưởng cũng được xây dựng như một màn kịch nhỏ. Hoàn cảnh trước đó cùng với những đối thoại liên tiếp của các nhân vật đã đẩy tình thế đến chỗ hết sức căng thẳng, từ đó lột tả được toàn bộ tính cách của mỗi người. Những tình thế như vậy đã giúp tạo nên những điểm nhấn hết sức cần thiết trong một cốt truyện đã được tiểu thuyết hóa.

-yếu tố trữ tình:Nói đến truyện ngắn Nguyễn Minh Châu trước 1975, nhiều người đã nhận ra chất thơ trữ tình lãng mạn làm cho truyện của ông có một sắc điệu riêng, không trộn lẫn với những câu chuyện thời chiến khác. Sắc thái trữ tình trong các truyện Mảnh trăng cuối rừng, Nguồn suối,

Nhành mai… chủ yếu đến từ những đoạn văn miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên, cảnh vật gắn với

trữ tình lãng mạn của truyện hòa điệu cùng tâm hồn nhân vật, giúp soi chiếu rõ nét hơn vẻ đẹp nội tâm của những con người thời chiến.

Sau 1975, chất trữ tình lãng mạn bớt đi để nhường chỗ cho chất trữ tình triết luận. Người đọc vẫn dễ dàng tìm thấy chất trữ tình đã thành quen thuộc trong những đoạn cảm nhận về thiên nhiên, cảnh vật (Bến quê, Bên đường chiến tranh, Sống mãi với cây xanh…). Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, chất trữ tình tan hòa vào những suy tư của nhân vật, đầy ắp cảm xúc, một thứ cảm xúc lắng sâu đầy trải nghiệm. Có thể thấy điều này trong cảm xúc của Quỳ khi ngồi giữa đám cỏ xanh mượt phủ trên ngôi mộ người yêu giữa một vùng rừng Trường Sơn: “Trên đôi bàn chân trần như ngày nào tôi rón rén bước đến bên cái nắm đất lùm lùm và tôi ngồi xuống, chừng như nghe thấy được xung

quanh mình tiếng tí tách của những ngọn cỏ non đang nhú lên, hàng triệu ngọn cỏ non đang đội đất

ẩm nhú lên…Cả một vùng rừng sao mà im ắng? Lòng rừng như rộng thêm ra. Tiếng con chim nào đó hót trên cành cây nghe sao mà hoang vu…” [13, tr.188] (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc

hành). Hoặc như là cảm xúc của Lực khi ở cùng Thai bên bờ sông Đồng Vôi, đoạn cuối truyện C

lau. Cũng trong Cỏ lau và nhiều truyện ngắn khác, những đoạn suy tư giàu cảm xúc của nhân vật chính thường xen lẫn với những đoạn triết luận về nhân sinh càng làm cho tính phức thể của truyện rõ nét hơn.

Trong sự ngổn ngang, bề bộn của đời thường, chất trữ tình trong truyện của ông thấp thoáng ẩn hiện khó nhìn thấy hơn, nhiều lúc dường như bị chìm khuất sau những chi tiết khắc nghiệt của hiện thực trần trụi. Trong Chiếc thuyền ngoài xa, đằng sau câu chuyện đầy bi kịch của gia đình hàng chài, chất trữ tình đọng lại ở hình ảnh cô gái – chị của thằng Phác, có cặp mắt như “cặp mắt của đứa

trẻ lên năm... – một cặp mắt đen của chiếc thuyền mới đóng”. Hình ảnh cô gái gợi lên một niềm tin, một điều hi vọng nào đó. Tương tự như vậy là chất trữ tình kín đáo toát ra từ hình ảnh cô gái con của Tề trong Chợ Tết. Nổi lên trong bức tranh ngột ngạt, ngưng đọng đầy mỏi mệt của làng quê nghèo, hình ảnh trẻ trung, nhanh nhẹn của cô gái đem lại cho thiên truyện sự tươi mới, dù ít ỏi, để gợi lên một sự đổi thay trong tương lai.

-yếu tố tự truyện: xuất hiện rõ nét trong các truyện Khách ở quê ra, Chợ Tết. Câu chuyện của nhân vật Tôi trong các truyện này in đậm bóng dáng của tác giả. Hình ảnh một làng quê nghèo ven biển miền Trung xuất hiện nhiều trong các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu, nay trong nỗi thao thức của một người con xa quê, hình ảnh vùng quê đó hiện lên ám ảnh, day dứt hơn. Nếu trong

Khách ở quê ra, yếu tố tự truyện chỉ xuất hiện loáng thoáng qua những suy nghĩ của Định về ông

chú thì trong Chợ Tết, yếu tố tự truyện rõ nét hơn. Trong chuyến về thăm quê, những hồi ức về quê hương, về thời thơ ấu, về mối tình với cô gái quê… Mặc dù không phải là tự truyện đích thực nhưng những yếu tố đó cũng giúp hình dung thêm về hình ảnh của tác giả. Trong sự pha trộn với tự truyện, một thể loại cũng có đặc điểm “rất gần gũi với tiểu thuyết” [23, tr.390], các truyện trên cũng

gợi ra một hướng đi mới, thông qua những cảm nhận về bản thân mà phản ánh những vấn đề của cộng đồng, dân tộc.

Các tác giả công trình nghiên cứu Truyện ngắn Việt Nam, lịch sử - thi pháp – chân dungđã có lí khi cho rằng truyện ngắn Nguyễn Minh Châu có “xu hướng ôm trùm những thể loại lớn”. Sự phân tích trên đây của luận văn cũng đã cho thấy rõ nét tính chất tổng hợp thể loại trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu ở cả hai giai đoạn. Tuy nhiên, có thể thấy, so với giai đoạn trước 1975, truyện ngắn Nguyễn Minh Châu sau 1975 có tính chất tổng hợp thể loại mạnh mẽ và đa dạng hơn. Điều này đã giúp cho truyện ngắn Nguyễn Minh Châu có khả năng phản ánh đời sống một cách phong phú, linh hoạt và sâu sắc hơn. Trong quá trình tổng hợp thể loại nêu trên, xu hướng tiểu thuyết hóa là chủ yếu, có vai trò chi phối các mối quan hệ tương tác còn lại.

Một phần của tài liệu NHỮNG CHUYỂN BIẾN VỀ TƯ TƯỞNG VÀ BÚT PHÁP TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN MINH CHÂU SAU 1975 (Trang 62 - 65)