Tài nghệ của nhà văn trong việc tạo ra những tác phẩm văn học có sức lôi cuốn người đọc chẳng những ở cốt truyện, tình huống truyện mà còn chăm chút cả trong cách kết thúc. Có thể nói dư âm của tác phẩm phụ thuộc rất nhiều vào cách kết thúc. Tiểu thuyết và truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân đều có cách kết thúc bất ngờ, gieo vào lòng người đọc niềm tin vào cuộc sống. Nguyễn Văn Xuân thường viết về cuộc sống nhọc nhằn đói khổ của dân phu, của những người tha phương cầu thực, những người rơi vào hoàn cảnh éo le, những người bị xử tội tử hình….Nhìn chung tác phẩm của ông nhuốm màu sắc bi kịch của những số phận con người. Nhưng với cách kết thúc truyện độc đáo, ông đã biến những bi kịch ấy thành bi kịch lạc quan. Trở lại với tiểu thuyết Bão rừng, khi viết về cuộc phản kháng của dân phu
chống ách bóc lột của lão Mẹc, của mụ La, người đọc tưởng như nhân vật Liếng không thể nào thoát khỏi sự vây ráp, lùng sục của mật thám. Nhất là khi Liếng đã hứng chịu những trận đòn hội đồng thừa chết thiếu sống. Nhưng cuối tác phẩm, người đọc thở phào nhẹ nhõm khi thấy Liếng và Trão đã lội suối băng rừng với mo cơm thừa dự trữ bên mình. Họ đã vượt khỏi nhà ngục của lão Mẹc, bây giờ “họ hồn nhiên vui vẻ. Nhưng trong ánh mắt của họ vẫn sáng lên những cương nghị lạ lùng”
[63, tr.233]. Kết thúc đầy yếu tố bất ngờ còn thể hiện trong hàng loạt truyện ngắn của nhà văn: Rồi máu lên hương, Cây đa đồn cũ, Chạy đua với tử thần, Một cuộc
tấn công. Trong Cây đa đồn cũ, người đọc ngỡ rằng nhân vật Cát sẽ trả thù được Hương Chỉnh vì hắn đã bị trói bỏ vào bao, bị bỏ đói khát, bị chém một nhát rựa vào vai….Cát chỉ còn kể tội xong là quẳng con người ấy xuống sông, giữa dòng nước lũ chảy xiết. Nhưng khi “hét một tiếng mạnh, Cát vung tay ném Hương Chỉnh ra giữa dòng nước chảy […] Hương Chỉnh đã nhảy chồm trên hai chân theo đà tay vung của Cát, phóng hết sức mạnh của đầu vào ngực Cát làm Cát tung bắn đi” [63,
tr.392]. Trong Chạy đua với tử thần tưởng rằng chỉ có một cơ hội sống sót duy nhất
cho ai chiến thắng khi chạy dưới làn đạn bắn tỉa của quan lớn. Nhưng kết thúc truyện đã có đến hai người sống sót: một người là vô địch Giàng, còn một người nữa đã nhảy qua lan can cầu xuống nước sâu, chảy mạnh của sông Cẩm Lệ.
Đôi khi, người đọc thấy một số kết thúc bất ngờ trong truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân lại ngầm ý vị mỉa mai, châm biếm hoặc cười ra nước mắt…..Một quang cảnh rùng rợn được nhân vật tôi kể trong Một cuộc tấn công : “không biết cơ man nào họng súng cắm lưỡi lê tua tủa chĩa vòng theo khu trại. Lính Anh và thuộc địa Anh thế là đã bao vây hẳn trại chúng tôi. Nét mặt họ ngùn ngụt sát khí. Càng khủng khiếp hơn là hai chiếc xe tăng đồ sộ, lù lù tiến qua hàng rào dây thép gai vào án ngữ ngay trước mặt tiền. Các miệng súng liên thanh chĩa thẳng vào trại. Trên các chòi canh cao ngất, lính gác cũng quay mũi súng về phía chúng tôi” [63, tr.419].
Cuộc bố ráp qui mô với vũ khí tối tân, các tay súng thiện chiến của quân đội Anh là để “vây bắt” giống sâu mà“Tây thì họ gọi chúng là “bu” không kể đực cái, sống trong áo quần hay trên tóc. Còn ta thì cộc lốc gọi nó là chí, rận” [63, tr.420]. Ta có
thể tìm thấy cách kết thúc bi hài ấy trong các truyện ngắn: Thằng Thu, Con hiện sinh, Buổi tắm tất niên…..
Đọc sáng tác của Nguyễn Văn Xuân người đọc như luôn được tiếp thêm niềm tin bởi những bi kịch trong tác phẩm của ông phần lớn là những bi kịch lạc quan. Có điều lạ, ông là nhà văn thuộc bộ phận văn học yêu nước 1945 - 1975, đôi khi còn bị xem là thờ ơ với thời cuộc, nhưng cách viết truyện của ông lại tiếp cận phương pháp sáng tác của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, với nhãn quan duy vật biện chứng, theo quy luật phát triển của cuộc sống. Tác phẩm của ông đã: “mô
tả cuộc sống trong quá trình phát triển cách mạng và hướng về tương lai” [25,
tr.606]. Những nhân vật lịch sử như Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Thái Phiên, Trần Cao Vân…cuối cùng đều hi sinh cho đất nước nhưng những cái chết của họ không làm nản lòng, thoái chí người đọc, mà khơi lên bao hi vọng về một ngày mai tươi sáng, sẽ có người nối tiếp lòng trung dân ái quốc của họ, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Niềm tin ấy thể hiện trong giấc mơ của nhân vật “tôi” ở cuối truyện
Hương máu:
Đêm ấy, tôi ngủ và chiêm bao thấy hàng trăm kỵ sĩ ruổi rong khắp xóm làng tỉnh Quảng Nam mang theo những lá đại kỳ viết bằng chữ lớn, báo tin thủ lĩnh phiến loạn đã chết. Nhưng đột nhiên những kỵ sĩ áo màu kia biến mất nhường chỗ cho những người gầy gò, xanh xao. Họ chạy qua mặt tôi, lớn tiếng gọi và vẫy tay. Tôi sửng sốt chạy lại thì thấy toàn những bộ mặt rất quen mà tôi đã gặp suốt ba năm trời ở núi rừng. Nhưng khi họ trưng thẳng lá cờ, tôi không thấy hung tin mà thấy một chữ “Tiệp” rất lớn. Rồi lại thấy đoàn kỵ sĩ áo quần rực rỡ hiện ra và tất cả cùng đua nhau chạy về phía sương mù [63, tr.278].
Giáo sư Trần Hữu Tá đã nhận xét: “Có thể nói, đó là kết thúc một bi kịch lạc quan” [49, tr.105].
Tương tự cách kết thúc ấy, những con người lao động tha phương cầu thực trong Xóm mới dù bị cuốn trôi nhà cửa, tài sản nhưng ngay ngày hôm sau họ đã nương tựa vào nhau “lần lượt từ giã địa phương để tìm kế mưu sinh”[63, tr.448].
Còn người phụ nữ trong Con hiện sinh đã sắp đặt công phu trả thù “tình địch” nhưng khi gặp nhân ngãi của chồng thì lại ôm vào lòng vỗ về, ứa nước mắt vì “nhân ngãi” ấy chỉ bằng tuổi con gái mình. Cách kết thúc ấy khiến cho người đọc tin rằng với lòng yêu thương, với bản lĩnh văn hóa mà người mẹ đã tiếp nhận từ bề dày truyền thống văn hóa của dân tộc thì dù kẻ thù có dùng những thủ đoạn xâm lăng văn hóa thâm độc như thế nào, nhân dân ta cũng sẽ vượt qua.
Qua cách kết thúc tác phẩm đầy lạc quan, nhà văn gián tiếp thể hiện cảm hứng ca ngợi, lòng tin yêu đối với cuộc sống và con người nơi đầu sóng ngọn gió. Nhà văn muốn truyền niềm tin ấy cho các thế hệ người đọc, khơi dậy ý thức trách nhiệm
công dân đối với Tổ quốc. Giá trị thời đại trong sáng tác của nhà văn có thể là kết quả của: “những luồng gió mới” trong không khí toàn quốc kháng chiến thổi vào
tâm hồn ông.
3.4. Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ
Ngôn ngữ có tầm quan trọng đặc biệt trong việc phản ánh đời sống hiện thực trong sáng tác văn học. Qua ngôn ngữ người đọc hiểu về cuộc sống, tính cách con người, tài năng, sự sáng tạo của tác giả. Ngôn ngữ trong sáng tác văn chương là ngôn từ nghệ thuật“giàu tính hình tượng nhất và giàu sức biểu hiện nhất được tổ chức một cách đặc biệt để phản ánh đời sống, thể hiện tư tưởng, tình cảm và tác động thẩm mĩ tới người đọc” [25, tr.185]. Ngôn ngữ trong sáng tác văn chương vừa
tuân thủ quy tắc chung có tính chất toàn dân vừa là những nét sáng tạo riêng của mỗi nhà văn phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính, quan hệ xã hội, sự tiếp thu chiều sâu văn hóa dân tộc, nét đặc trưng riêng của từng vùng, miền…..
Giọng văn của Nguyễn Văn Xuân điềm đạm, mực thước của người từng trãi, hiểu biết sâu sắc về lịch sử, về dân tộc học, về đất Quảng Nam. Điều đó làm cho sáng tác của nhà văn vừa gần gũi với người đọc trên mọi miền đất nước vừa thể hiện được những nét riêng của một nhà văn được đồng nghiệp, bạn bè mến yêu gọi là “ông thầy Quảng”. Chất Quảng thể hiện rõ ở cách sử dụng lời ăn tiếng nói hàng
ngày: chân chất, sát thực tế, không cầu kì ước lệ mà vẫn không thô tục trong hành văn.