“Thương hồ” là một “nghề nghiệp” đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ, hiểu nôm na đó là những con người làm nghề buôn bán lặt vặt trên sông nước như bán
hàng bông, trái cây, đồăn thức uống, tạp hóa…Họ sống hẳn trên ghe và coi đó là nhà của mình. Có người cũng có nhà trên bờ, còn lại phần lớn là những người nghèo không có miếng đất cắm dùi, gia tài chỉ có chiếc ghe nhỏ vừa là nơi che mưa che nắng, vừa là phương tiện để sinh nhai. Cực khổ, rày đây mai đó, dãi nắng dầm mưa nhưng những khách thương hồ không mấy khi cảm thấy mình thiệt thòi, họ vẫn vui sống và tự hào về
cái “đạo” của mình:
“Đạo nào vui cho bằng đạo đi buôn Xuống biển lên nguồn, gạo chợ nước sông”
Chỉ trong hai câu thơ mà gói gọn được hết cái thú vui hải hồ của những con người thuộc bề sông nước này. Họ yêu sông bằng một mối tình đằm thắm kì lạ, tựa như
sông không chỉ là thiên nhiên, là môi trường sống của mình mà nó là một sinh thể có linh hồn (như con sông Đuống “nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì”
của Hoàng Cầm). Vì lẽđó mà nhân vật Giang trong truyện ngắn “Nhớ sông” dù đã có chồng và ở hẳn trên bờ nhưng vẫn không sao quên được những năm tháng sống cùng cha và em trên ghe, tuy cực khổ, chật chội nhưng ấm áp và vui vẻ. Vì vậy nên dứt khỏi sông rồi thì Giang như người mất hồn, nó sống với chồng mà “lòng dạ nó ởđâu á”, hở
ra giờ nào là nó lại hối hả chèo đi, chèo khơi khơi vậy rồi tấp vào một bụi lá nào đó, ngồi ở đó một chút rồi chèo về. Nhưng cuối cùng Giang phải vì cha mà bỏ sông, ông Chín vì tương lai con cháu mà bỏ sông, vì yêu thương nhau mà họ tự nguyện từ bỏđiều mình yêu thương. Cuộc sống thương hồ lênh đênh rày đây mai đó, chịu nhiều thiệt thòi so với những người trên bờ nhưng nó cũng có cái thú vị riêng, những tâm tình riêng mà chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu được.
Khác với “Nhớ sông”, các nhân vật nghĩ về sông như thể nó là ngôi nhà của mình, nơi lưu giữ linh hồn và tình cảm của mình, những ký ức của nhân vật “tôi” về
người phụ nữ sống trên sông (vợ của cha mình) trong truyện ngắn “Dòng nhớ” lại gợi lên cho người đọc một sự xót thương cho số phận lênh đênh, chìm nổi cay đắng của
một người đàn bà cô đơn, bị tước đoạt hạnh phúc một cách phũ phàng nhưng vẫn âm thầm chịu đựng và bao dung cho lỗi lầm của người đàn ông mình yêu.
Phần giới thiệu về người đàn bà ở đầu truyện hé mở cho người đọc hoàn cảnh chung của hàng trăm con người sống kiếp thương hồ (chứ không riêng gì ở chợ nổi 379 này): người tên Giang, ghe hàng bông, tóc dài, da ngăm ngăm, không đẹp không xấu, có chồng rồi sau đó chồng bỏ lên bờ, có con nhưng chừng bảy tháng tuổi té sông chết, từ đó một mình dưới ghe buôn bán. Rất nhiều những hoàn cảnh thương tâm, chìm nổi như thế trong thế giới của những con người trót mang kiếp thương hồ. Rồi người đàn bà ấy hiện lên rất hiền: “dì mặc chiếc áo cộc tay màu cau khô ở trong, khoác thêm chiếc aó bà ba ở ngoài, mỏng te, nhiền mụn vá. Tóc đã bạc nhiều, lơ thơ vài cọng rủ
xuống mặt. Sương gió đã làm cho khuôn mặt dì đen sạm, nhăn nheo”.
Bằng một sự quan sát tinh tế và tấm lòng nhân hậu, Nguyễn Ngọc Tưđã vẽ nên cho người đọc những chân dung tâm hồn sâu sắc và giàu cảm xúc của các nhân vật “thương hồ”. Đa phần họ đều nghèo khó, thiệt thòi về những điều kiện sống so với những con người trên bờ nhưng họ vẫn sống và yêu tha thiết dòng sông của mình như
ông Chín, như Giang… hay một đời gắn bó với sông như người đàn bà của cha nhân vật “tôi”. Bởi vì họ biết thương, biết nhớ, nên những dòng sông tưởng như vô tình ấy lúc nào cũng trôi chảy tràn trề, ăm ắp tình thương để vỗ về và cưu mang những phận người trót mang kiếp lưu lạc hải hồ.