I Nguồn vốn huy động tại ĐP 4,438,600 5,100,000 661,400 15%
2.2.4 Quản lý tính thanh khoản của nguồn vốn
Ngân hàng luôn phải đối mặt với yêu cầu về tính thanh khoản, sẵn sàng chi thanh toán khi khách hàng yêu cầu. Vì vậy công tác quản lý tính thanh khoản có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động của ngân hàng, đảm bảo tốt tính thanh khoản là một yêu cầu đối với ngân hàng, tính thanh khoản tốt sẽ gây được lòng tin của khách hàng, nâng cao uy tín của ngân hàng, đồng thời thể thiện trình độ quản lý của các nhà lãnh đạo. Ngược lại, khi khách hàng có yêu cầu mà ngân hàng không thể thanh toán, mất khả năng thanh khoản sẽ làm giảm lòng tin của khách hàng, uy tín của ngân hàng bị giảm sút, nếu nghiêm trọng có thể dẫn đến phá sản. Nguyên nhân mà ngân hàng có thể mất khả năng thanh khoản là do sự mất cân đối giữa kỳ hạn cho vay và kỳ hạn nguồn vốn. Chính vì vậy quản lý tính thanh khoản và quản lý kỳ hạn cần phải thực hiện song song với nhau.
Trong công tác xây dựng kế hoạch nguồn vốn Chi nhánh luôn xác định cầu thanh khoản để có kế hoạch huy động vốn. Phòng nguồn vốn kế hoạch tổng hợp yêu cầu các đơn vị, phòng tín dụng, các phòng có liên quan lập các yều cầu về vốn: Nhu cầu rút tiền của người gửi, nhu cầu tín dụng của khách hàng, các khoản vay đến hạn phải trả, lãi trả cho các khoản tiền gửi và tiền vay. Phòng nguồn vốn kế hoạch tổng hợp tổng hợp thống kê qua các năm,
phân tích nhu cầu thanh khoản từng thời kỳ trong năm, phân tích định lượng nhu cầu thanh khoản đối với từng loại tiền gửi, từng nhóm khách hàng, qua đó dự báo xu hướng nhu cầu thanh khoản hiện tại.
Khi đã xác định được cầu thanh khoản, chi nhánh xác định cung thanh khoản hiện tại mà họ có thể đáp ứng được, biết được chênh lệch giữa cung và cầu thanh khoản, từ đó đưa ra các biện pháp nhằm đáp ứng đủ lượng cầu nếu lượng cung < cầu, hoặc là có biện pháp sử dụng tài sản hiệu quả hơn nếu như cung > cầu.
Cung thanh khoản đầu tiên của chi nhánh đó là ngân quỹ mà chi nhánh dự trữ. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc là do ngân hàng trung ương quy định họăc do chi nhánh tự dự trữ. Theo quyết định số 187, ngày 16/01/2008 ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc như sau:
- Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam như sau:
• Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng đối với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn là 8% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc.
• Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên bằng đồng Việt Nam áp dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 4% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc.
- Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng ngoại tệ áp dụng cho các tổ chức tín dụng như sau:
- Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng bằng ngoại tệ áp dụng với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 10% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc.
- Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên bằng ngoại tệ áp dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 4% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc.
Chi nhánh Nam Hà Nội đã chấp hành đúng các quy định trên luôn đảm bảo tỷ lệ dự trữ bắt buộc đảm bảo khả năng thanh khoản cho khách hàng.
Chi nhánh Nam Hà Nội nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội nên luôn giữ mối quan hệ với các ngân hàng trên địa bàn, chính vì vậy mà chi nhánh có thể vay vốn trên thị trường liên ngân hàng khi cần thiết.
Trong điều kiện hiện nay, thị trường chứng khoán ở Việt Nam đã phát triển nhiều ngân hàng đã đầu tư một phần tài sản của họ vào thì trường này, khi cần có thể chuyển thành tiền mặt để thanh toán với khách hàng. Tuy nhiên, NHNo&PTNT Việt Nam là ngân hàng thương mại nhà nước nên việc đầu tư vào thị trường chứng khoán còn hạn chế, Chi nhánh Nam Hà Nội gửi phần tài sản dự trữ thanh khoản của mình tại NHNo, và mua trái phiếu chính phủ.