việc bày tỏ mong muốn sẽ có một hướng nghiên cứu toàn diện, đầy đủ về lịch trình văn học hiện đại Việt Nam qua thế giới nhân vật của nó trong từng thời đại, từng giai đoạn cụ thể.
Trong mỗi bước đi không giống nhau của văn học dân tộc vẫn có những điểm giao nhau giữa thế giới các hình tượng nhân vật. Xuất phát điểm để cắt nghĩa điều đó, phải chăng chính ở nội lực văn hóa, ở tâm thức dân tộc? Thêm vào đó, nếu xét tổng thể văn học thành văn Việt Nam, chúng ta không thể không thừa nhận vai trò của quá trình giao lưu văn hóa. Khẳng định điều này chính là để xác định hướng đi cho giao lưu văn hóa, văn học, để văn học và văn hóa Việt xác lập chỗ đứng trong hội nhập. Soi vào những bước đi của văn học dân tộc trong mươi năm đầu thế kỉ XXI này, chúng ta có quyền tin tưởng vào một cuộc thử sức đầy bản lĩnh của văn học Việt trong cuộc vươn mình ra thế giới. Có thể còn chưa có bề dày nhưng chính quá khứ văn học dân tộc sẽ là tiền tố, là đòn bẩy cho một nền văn chương mới ở một thế kỉ mới. Và nếu câu nói của M. Goócki “Văn học là nhân học” vẫn còn nguyên giá trị thì việc xem con người mới cũng là một nhân vật văn học cũng không phải không có ý nghĩa. Một thời kì không ngắn văn học Việt Nam đã mở ra một giai đoạn mới và là chứng nhân lịch sử của những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc, bỏ quên nó e sẽ là phiến diện, thiếu sót, thậm chí là vô tâm.
Trở lại quá khứ, vì thế, “hoàn toàn không phải vì quá khứ mà vì hiện tại và tương lai” (theo bộc bạch của Lại Nguyên Ân trong cuốn sách Sống với văn học cùng thời). Những năm gần cuối thế kỉ XX, bộ sách Ngọn lửa tuổi trẻ được xuất bản (phần lớn là các tác phẩm văn học xã hội chủ nghĩa của Xô- viết và Việt Nam một thời) đã góp phần hun đúc bản lĩnh, lý tưởng những người trẻ, việc làm đó là có ý nghĩa. Hy vọng rằng chúng ta sẽ có điều kiện hơn để giới thiệu lại và giới thiệu thêm những tác phẩm hay của nền văn học Xô-viết và Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày ấy. Đặc biệt là trong bối cảnh điều kiện sống ngày nay đã khác, một lối sống thực dụng đã nhiều phần khiến con người lãng quên nhiều thứ đáng quý. Đáng tiếc là những tác phẩm một thời được chú ý trong dư luận như Bão biển, Cái sân gạch… chỉ được in trong điều kiện có giới hạn, chỉ trưng bày ở các thư viện lớn (chúng tôi tìm thấy ở thư viện Khoa học Tổng hợp TP. HCM những hợp tuyển dày những tác phẩm đã nêu với một khung ghi chú SÁCH NHÀ NƯỚC ĐẶT HÀNG). Những người Việt trẻ chúng tôi lại càng cần đến những hiểu biết về những bước đi khác nhau của lịch sử, văn hóa (trong đó có văn học) để còn biết chung riêng, còn biết nguồn cội và biết mình sẽ phải ra sao trong tương lai. Ngày nay, khi đã ở một thời điểm khác, trong một cuộc sống khác, người đọc thế hệ sau thấy một khoảng khác biệt về tiếng nói giữa các giai đoạn văn học, nhưng cũng không nên vì thế mà khen hoặc chê tuyệt đối một bộ phận nào. Lê Ngọc Trà cũng đã từng bày tỏ về vấn đề này: “Trong những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt như chiến tranh, cách mạng, ý thức chính trị trở thành nội dung cơ bản của ý thức xã hội […] tiếng nói văn nghệ trùng với tiếng nói chính trị. Nhưng còn trong những ngày bình thường, chính trị và văn học không hát cùng một bè trong bản đồng ca một giọng mà mỗi thứ đảm nhận một bè khác nhau trong bản giao hưởng phức điệu thống nhất và đa dạng của cuộc sống” [78, tr,15].
Nói tóm lại, chúng tôi muốn bày tỏ sự trăn trở về một vẻ đẹp đã lùi vào quá khứ. Việc khẳng định lại vẻ đẹp con người thời chiến cũng là một cách học. Việc làm mới cũng có thể xuất phát từ đó. Bài học này, văn học Việt Nam học từ văn học Nga, như nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên đã trăn trở trên một tờ báo gần đây nhất: “Hơn 90 năm sau cuộc Cách mạng xã hội chủ
nghĩa tháng Mười, nước Nga đã thay đổi, thế giới đã thay đổi, những thay đổi
đau đớn và sâu sắc. Từ đó sẽ lại hình thành nên những giá trị mới […]. Và từ
kinh nghiệm nước Nga, văn hóa, văn học Việt Nam chúng ta cũng không nên một sớm một chiều ngoảnh mặt” [86]. Văn học cách mạng Việt Nam ngày ấy (cũng gần với văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô) chưa thực sự là lớn nhưng đủđể có thể khẳng định và còn để rút kinh nghiệm. Thêm nữa, nếu thừa nhận văn học và văn hóa là những yếu tố bao hàm nhau và đều kết tinh những giá trị tinh thần thì cần phải khẳng định lần nữa: nếu văn học là một bộ phận thuộc văn hóa thì văn hóa là phương diện còn lại lâu dài của các tác giả, tác phẩm, các giai đoạn văn học.