HIỆN THỰC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM 1945-1975 QUA MỘT SỐ TÁC PHẨM VĂN XUÔI TIÊU BIỂU
2.1.2. Phẩm chất của con người mới trong lao động
Buổi đầu của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhiều nước bắt đầu bằng công cuộc kiến thiết, bởi những cuộc chiến liên tiếp đã để lại sau lưng nó những đổ nát. Xác định cuộc sống lao động xã hội chủ nghĩa là một địa bàn nhiều tiềm năng, các nhà văn Xô-viết hăm hở khám phá và khai thác nó. Nhà văn Việt Nam từ khi xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc (sau 1954) cũng mang tâm thế đó.
Sôlôkhốp để lại một tiếng vang lớn với đề tài xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nông thôn với bộ tiểu thuyết hai tập Đất vỡ hoang. Thực ra viết về tài này có các tác giả khác cũng thành công không kém, như A. Platônôp, nhưng tác phẩm Hố móng của ông bị coi là tác phẩm “trật đường ray”, không tiêu biểu cho phong cách CNHT XHCN nên không được Việt Nam tiếp nhận. Học tập thủ pháp của Sôlôkhốp trong đề tài xây dựng chủ nghĩa xã hội, một số nhà văn Việt Nam cũng tạo được một vị thế cho mình như Đào Vũ với Cái sân gạch và Vụ lúa chiêm, Chu Văn với Bão biển, Nguyễn Thị Ngọc Tú với Đất làng, Buổi sáng, Nguyễn Khải với Mùa lạc, Nguyễn Tuân với bút kí Sông
Đà… Tinh thần chung của các tác phẩm là tinh thần ngợi ca những nhân tố tích cực trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cả cảm hứng phê phán những cái tiêu cực, có hại cho tập thể. Đó cũng vừa như một công thức đối với đề tài này. Con người mới lúc này mang những nét đẹp và vai trò riêng của nó.
@. Yêu nước, yêu lao động, biết quên mình trong lao động
Tiêu chuẩn trên là một dấu hiệu để khu biệt người anh hùng lao động với kiểu hiệp sĩ trong văn học trung đại.
Là một người lính rời khỏi cuộc nội chiến, Đavưđốp – nhân vật chính trong Đất vỡ hoang – đã trở thành thợ tiện, một đảng viên cộng sản nhà máy Piuchilốp, được tổ chức xếp vào “đoàn hai vạn rưỡi” đi về nông thôn tham gia
vận động tập thể hóa nông nghiệp. Anh đã tiến hành hàng loạt biện pháp nhằm đưa Grêmiátsi Lốc nơi anh đến thành một nông trang tập thể. Tinh thần dấn thân của một người lính vốn mang nhiệt thành yêu nước về với cuộc đời thường thì gắn với công cuộc xây dựng chung đã giúp Đavưđốp vượt qua nhiều khó khăn đặt ra với anh: nhiều hộ cá thể không nhiệt thành với nông trang, giai cấp kulắc sau nội chiến vẫn là một đe dọa với cách mạng, những phần tử chống phá công cuộc cải tổ chung của chính quyền Xô-viết… Cuối cùng, Đavưđốp và một đồng chí của anh, Nagunốp, đã hy sinh, nhưng Grêmiátsi Lốc ngày một tiến lên. Tinh thần quên mình trong lao động, vì lợi ích chung nơi Đavưđốp, Nagunốp, và nhiều nhân tố mới ở Grêmiátsi Lốc (như: Maiđanhikốp, Varia, bác Salưi…) đã tạo nên một cuộc hồi sinh nơi này.
Không đặt lợi ích và quyền hành của mình lên trên hết, với vai trò chủ tịch nông trang, Đavưđốp đã làm gương khi lên nương, làm đồng. Làm được điều này chính vì ở Đavưđốp mang tư thế mang tinh thần của một con người thuộc giai cấp tiên phong biết quên mình trong lao động. Nhờ đó mà anh lôi kéo về phía mình ngày một đông đảo những con người biết tin và ủng hộ cái mới. Sôlôkhốp miêu tả hình ảnh người chủ tịch nông trang tập thể trên trang viết của ông thực sự là một con người dành cho lao động: “Đavưđốp nhớ lao
động chân tay đến bần thần cả người. Thân thể mạnh khỏe cường tráng của anh khao khát lao động, thứ lao động nó làm cho chiều đến, các bắp thịt đau dần trong cái mệt bã khoan khoái…” [57, tr.24-25].
Trong cuộc đấu tranh trên mặt trận xây dựng ở nông thôn, nhiều con người mới khác được ra đời để cuối cùng, như tinh thần của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, là sự phát triển mang tính cách mạng của cái mới. Trung thành với quan điểm lí luận của văn học vô sản, theo sát truyền thống Sôlôkhốp, xuyên suốt các tác phẩm văn học Việt Nam thời kì này là hai loại hình tượng trung tâm: nhân vật cộng sản dẫn đầu công cuộc tập thể hoá, giúp
người nông dân xác lập ý thức XHCN (kiểu Đavưđốp) và nhân vật trung nông khắc phục ý thức tư hữu để đi đến khẳng định thái độ XHCN (kiểu Maiđannhicốp).
Cách xây dựng cốt truyện, xây dựng tính cách nhân vật, cách xử lí mâu thuẫn trong Bão biển (Chu Văn), Cái sân gạch, Vụ lúa chiêm (Đào Vũ), Đất làng, Buổi sáng (Nguyễn Thị Ngọc Tú),… làm người đọc dễ dàng liên hệ trực tiếp với Đất vỡ hoang (Sôlôkhốp), Vùng mỏ Đônbat (Gorbatốp), Chuyện thường ngày ở huyện (Ôveskin)…
Tiếp mạch tinh thần Đavưđốp của Sôlôkhốp, các nhà văn của ta viết về đề tài lao động xã hội chủ nghĩa đã có những nhân vật kiểu Đavưđốp. Tiệp của Chu Văn (trong Bão biển), Khái của Nguyễn Thị Ngọc Tú (trong Đất làng) đều là những người lính phục viên về làng góp phần xây dựng một hậu phương lớn trong cuộc trường chinh chống Mỹ. Tinh thần hăng hái luôn thường trực ở họ. Nhiều đêm, các nhân vật trên mất ngủ vì thôn xã đang cần đến những dự tính để thay đổi mà họ tự thấy mình phải có trách nhiệm. Tiệp và những thanh niên tiên tiến ở Sa Ngoại (như Ái, Vượng, Nhân, Thành, Huy…), đã chung tay trong tiếp cận những kĩ thuật mới áp dụng trên đồng ruộng, từng bước ổn định lòng dân, tạo niềm tin vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, đã đánh đổi cả tính mạng để có con đê tưởng chừng không thể thực hiện nổi trên bãi Mập Đớp bao nhiêu phen đón lũ. Quan trọng hơn, với tấm lòng của những người con yêu nước, tin tưởng vào cách mạng, họ đã bền bỉ đấu tranh với các lực lượng chống phá ở lĩnh vực tinh thần (Thiên chúa giáo) đối với nhân dân Sa Ngoại. Tiệp hy sinh nhưng Sa Ngoại hồi sinh. Khái, bí thư đảng ủy hợp tác xã Trung Dũng cũng đã tiến công liên tục trên mặt trận lao động sản xuất đểđưa Trung Dũng đi vào thực chất hơn là những con số được báo cáo. Anh đôn đốc cải tiến kĩ thuật trong ủ giống, trên đồng ruộng, áp dụng trồng cà vào mùa rét, hăm hở với việc thay đổi năng
suất, sản lượng lúa Trung Dũng, tiến hành xây dựng công trường chống lũ… Khái không đơn độc trong hành trình của mình. Bên anh còn có Thức, Liên, Ngát, ông Minh, cụ Hớn… Nhìn lại các tác phẩm thuộc đề tài lao động sản xuất ở nông thôn của ta và văn học Xô-viết, bao giờ người đọc cũng thấy hiện lên cả một tập thể người cứ vươn dần lên trong cuộc chiến với những trở lực tự nhiên (và cả con người) đang đe dọa quá trình xây dựng chung. Cái công thức này vẫn có ý nghĩa nhất định của nó trong quá trình xây dựng nhân vật của các tác giả. Với chúng tôi, đó là một thành công (trong một chừng mực nào đấy) của người sáng tác trong việc nêu bật sức mạnh tập thể: những con người biết quên mình trong lao động xã hội chủ nghĩa. Một dân tộc biết yêu hòa bình, yêu lao động hẳn phải có một sức mạnh tập thể và những con người đại diện cho nó thì mới có thể làm nên những thắng lợi khác nhau. Đào, Huân (trong truyện ngắn Mùa lạc) và một số nhân vật khác trong tập truyện cùng tên trên của Nguyễn Khải đều là những con người như thế. Chấm, Trọng, Quyện trong Cái sân gạch của Đào Vũ, ông lái đò trên sông nước Đà giang trong tùy bút của Nguyễn Tuân cũng vậy. Trên cái nền của cuộc sống đang hồi sinh từng ngày là những người chủ của nó. Đào Vũ dành nhiều sự quan tâm cho Chấm – nữ nhân vật chính của tác phẩm: “Từ ngày vào hợp tác xã, Chấm thấy đầu óc mở mang ra nhiều, lại thấy lòng dạ dường như hồ hởi, thanh thoát hơn. Nhất là trong lao động, hợp tác xã càng đẩy việc khoán công tiến tới thì Chấm càng lập những thành tích mới. Ở tổ khu nhà ngói, Quyện là ngọn cờ đỏ thì ở tổ 6 này, ngọn cờ ấy chính là Chấm” [82, tr.756]. Nguyễn Tuân cũng đã miêu tả cuộc vượt thác, cuộc chế ngự thiên nhiên của ông lái sông Đà thật nhẹ nhàng, ngoạn mục.
Trong các tác phẩm trên, có khi nhân vật chính phải chịu những tổn thất, hy sinh, có cả những nhân vật phụ cũng chịu số phận bi đát vì công cuộc xây dựng chung. Đó là trường hợp của Liên trong Đất làng của Nguyễn Thị Ngọc
Tú. Liên là người thanh niên mới ở Trung Dũng. Cô hy sinh trong một trận cứu cháy do bom Mỹ trút xuống làng. Một công thức được định ra với văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa là sự tổn thất nếu có được nói đến cũng chỉ là tạm thời, và với tinh thần ấy, những trường hợp như Liên, Tiệp, Đavưđốp lẽ tất phải gieo mầm sự sống. Sự sống phải được sản sinh trong tương lai. Với cha đẻ tinh thần của các tác phẩm thì, chính những nhân tố hết mình với lao động tập thể đã gieo trồng trên mảnh đất của họ những loại hoa tươi quả ngọt cho đời.
@. Tinh thần làm chủ tập thể, biết phát huy sức mạnh tập thể
Một quy định lịch sử cũng vừa là thước đo đối với con người thời chiến là tính cộng đồng, tính tập thể. Đi vào văn học thế tất phải là những con người của tập thể. Do đó, những con người mới thường là người đại diện cho tập thể.
Để những con người mới đại diện được cho tập thể, thường các nhà văn miêu tả họ đều có một vị trí nào đó, một chỗ đứng nhất định về mặt chính quyền, tổ chức. Đavưđốp là chủ tịch nông trang, bạn chiến đấu với anh, đứng cùng chiến tuyến trong công cuộc thay đổi diện mạo nông thôn – Nagunốp – là bí thư chi bộ Grêmiátsi Lốc, Tiệp là ủy viên hành chính xã, Thất là chủ tịch xã (sau này là hai chủ nhiệm hợp tác xã Sa Tiến, Sa Thắng), Khái là bí thư đảng ủy, Hân là chủ nhiệm hợp tác xã Trung Dũng v.v… Nhất thiết họ đều là đảng viên. Việc chính trị hóa văn học thể hiện rõ nhất qua những vị trí mà các nhân vật này nắm giữ.
Khi đứng trong tổ chức, tập thể, những người đứng đầu luôn là người đề xuất ý kiến về những vấn đề của nông trang, của hợp tác, thường là những ý tưởng táo bạo, lớn lao, nhiều người khác né tránh. Nhiệm vụ của anh chủ tịch Grêmiátsi Lốc là vận động một trăm phần trăm nông dân tham gia tập thể hóa; Tiệp đặt ra cho mình trách nhiệm đắp đê trên bãi Mập Đớp mà nghe ra ai
cũng dè dặt, không đồng tình, Khái lo xây dựng công trường chống lũ ở Trung Dũng… Và, để xứng đáng là người đứng đầu, họ luôn là những người đi đầu. Cha đẻ của tác phẩm, những nhà văn chiến sĩ, kết cấu cho nhân vật của mình thường đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong lao động. Để có được kết quả đầy tin tưởng, Đavưđốp, Tiệp, Khái (cùng những người bạn cùng chiến trường thôn ấp lúc ấy) được miêu tả thường ít ăn, thiếu ngủ, về đến nơi ở đã từ giữa đêm về sáng. Bằng nhiệt tình và khả năng lao về phía trước, họ đã thuyết phục, kéo về phía họ được những con người mới khác – những con người mà trước đây tư tưởng cá nhân, óc tư hữu choáng hết những suy nghĩ, tình cảm của họ (kiểu như Khái đối với Tuấn, bí thư chi đoàn thanh niên ở Trung Dũng; Tiệp đối với Thành, một thanh niên công giáo ở Sa Ngoại, gia đình lão Am đối với con đường đến với hợp tác xã của lão).
Được xem như là những người đại diện cho tập thể, những người anh hùng trên mặt trận lao động sản xuất ngoài việc đi đầu trong tất cả các hoạt động, các phát kiến, còn là những con người biết dựa vào sức mạnh tập thể, biết phát huy vai trò của tập thể. Đavưđốp chia nông trang viên Grêmiátsi Lốc thành ba đội sản xuất, Tiệp cắt đặt cho tổ bèo, tổ du kích, thanh niên địa phương… những nhiệm vụ khác nhau, có lúc anh còn được đặt trong tình huống nan giải và đã nghĩ đến sự trợ giúp của những tập thể khác, Khái phân công công việc cho Thức, Tuấn, Liên… Không khí lao động tập thể vì thế, được tái hiện trên các trang viết, rất khẩn trương, nhộn nhịp, khỏe khoắn, yêu đời. Nó giống với cảnh phá đường trong thơ Tố Hữu ngày nào. Tính cách mạng, tiến lên, hướng về phía trước tràn ngập trong không khí được mô tả ấy. Những con người mới như thấy gắn kết với nhau hơn vì lợi ích chung. Đó là tâm trạng của Đavưđốp khi đến với các đội sản xuất: “lòng xúc động khoan khoái khi thấy mọi người nhất tề đứng dậy chào anh. […]. Đến bây giờ họ đã gắn bó với anh, thực sự vui mừng khi thấy anh đến, và đón anh như đón
người nhà. Đavưđốp ý thức được ngay tất cả những điều đó và một niềm vui sâu sắc rung động tận đáy lòng anh…” [57, tr.75]. Còn đây là tâm trạng của Huân khi sống như người một nhà với những con người đến với Điện Biên: “Chiến tranh, gian khổ, năm tháng đã luyện cho tâm hồn anh một cái gì rất trong đến nỗi anh soi vào mình mà thấy được tâm tư của người khác, một nghị lực mà chỉ những lúc khó khăn mới thấy hết được sức mạnh của nó, và sự hy sinh hồn nhiên, giản dị cho lý tưởng của mình và những người khác cùng đi với mình trên một con đường” [62, tr.137].
Trong các tác phẩm trên, những cuộc họp, những liên hoan là một phần không thể thiếu. Có lẽ do yêu cầu tái hiện bản thân hiện thực một cách chính xác, trung thực (và một phần, như đã nói, trong nhiệm vụ phục vụ đường lối của Đảng) mà nhà văn đã mang những nội dung ấy vào sáng tác. Hội họp là một cách biểu dương lực lượng, một cách phát hiện sáng kiến, phát hiện con người trong cảm quan của các nhà chính trị. Với nhà văn, đó như là một sự nỗ lực để thể hiện tính đảng trong tác phẩm. Điều này có vẻ hợp thời, có vẻ lô- gích trong tác phẩm nhưng lại khiến người đọc có cảm giác nặng nề, căng thẳng khi tiếp cận. Cái mà người đọc cần là trạng thái hồi hộp khi dõi theo số phận của nhân vật hơn là những tranh luận của nhân vật mà họ biết trước là cái mới sẽ được ủng hộ. Đó lại là những cuộc họp vào ban đêm (vì ban ngày tất cả dồn tâm lực cho những sự biến của đồng ruộng, của luống cày) gây cho ta cái cảm giác dường như nó không thật, cuộc sống và con người đang được tô hồng.
Những con người đứng đầu tập thể, đại diện cho tập thể và biết phát huy sức mạnh tập thể cứ lớn mãi không ngừng về chiều kích của nó. Ngoài đấu tranh với lực lượng tự nhiên thì đấu tranh trong tư tưởng của họ, trong tư tưởng của tập thể cũng hết sức quan trọng. CảĐavưđốp và Tiệp đều có những cuộc vật lộn với chính những tình cảm thật nhất của mình. Cuộc vật lộn này
không quá cam go. Cuối cùng cả hai đều chiến thắng, họ từ bỏ tình yêu của mình bởi vì họ là những đảng viên, được sự giáo dục của Đảng. Chính môtíp “người Đảng” đã bộc lộ một khía cạnh khác của tính đảng trong văn học. Đọc lại các tác phẩm, ta nhận thấy tính đơn điệu, một giọng trong cách thể hiện nhân vật. Do tất yếu của lịch sử và đòi hỏi của văn nghệ cách mạng, nhân vật mới này không thể khác được.
@. Kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng và những phần tử bất lợi cho tập thể
Nếu như ngày trước, khi là những người lính trên chiến trường, những con người mới này chỉ có một lực lượng duy nhất để đương đầu là kẻ thù thì vào thời bình, trên trận tuyến để kiến thiết đất nước, họ có “hàng vạn thứ” phải đối mặt, giải quyết. Đó là nhiệm vụ cách mạng ở thời bình dành cho họ. Họ nhận nhiệm vụ ấy bằng cả một nhiệt tâm lớn dù biết rằng “Đây là nơi chiến đấu khó khăn nhất!”, “ở đây không được thuần như khi làm một quân