Nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HỌC XÔ VIẾT ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG HÌNH TƯỢNG CON NGƯỜI MỚI TRONG VĂN XUÔI VIỆT NAM 1945-1975 (Trang 54 - 59)

HIỆN THỰC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM 1945-1975 QUA MỘT SỐ TÁC PHẨM VĂN XUÔI TIÊU BIỂU

2.2.1. Nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình

Đến những năm nửa cuối thế kỉ XX văn học Việt Nam đã ghi nhận một thành công của mình là việc đưa người lính và đề tài chiến tranh cách mạng vào trong các sáng tác. Phải thừa nhận rằng đấy là một thành tựu. Bởi lẽ, trước đó và suốt cả một thời kì dài của văn học trung đại, đề tài kháng chiến chống ngoại xâm vẫn thường trực và hình tượng những con người yêu nước chống giặc cũng đã đi vào văn học nhưng mãi đến thế kỉ XX, bằng hai cuộc chiến thần thánh chống kẻ thù với vũ khí hiện đại, tối tân hơn thì con người đã khác về chất. Trước đó, trong sáng tác của các nhà văn Tự lực văn đoàn, hình ảnh những chàng trai ra đi vì nghĩa lớn đã phảng phất, nhưng vì còn phảng phất nên rất mơ hồ về tung tích, thân phận; có cả những thanh niên

“băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” trong thơ Tố Hữu trước Cách mạng. Tuy nhiên, dấu ấn về họ là nhạt, mờảo, khó gọi tên, khó định tính. Ngay trong kiệt tác về người nông dân của Nam Cao, Chí Phèo, chúng ta vẫn thấy cái loay hoay, bế tắc. Lùi xa hơn, trong các tác phẩm thời trung đại, làm nên kì tích là những tướng lĩnh. Chỉ một lần ở thời trung đại, vào giai đoạn cuối của nó, người nông dân cầm tầm vông, rơm con cúi đã lên ngôi trong sáng tác Đồ Chiểu. Tất cả đều chưa trở thành một hình tượng có hệ thống, chi phối văn học. Nhưng, sang giai đoạn mới, tất cả đã thay đổi, nhân dân mới thực là người làm nên kì tích. Đây là một phát hiện của bản thân nhà văn, bản thân nền văn học về hình tượng nhân vật trung tâm của mình và thực sự nó có giá trị. Nguyễn Văn Long nhận định: “Con người quần chúng là một phát hiện quan trọng bậc nhất của văn học thời kì kháng chiến chống Pháp, và nó còn tiếp tục chi phối văn học các giai đoạn sau…” [40, tr.21].

Trước một hiện thực mới, trước những lựa chọn mới, con người chỉ có thể có một tư thế mà thôi: cầm giáo mác, gậy gộc, cầm súng… Họ chỉ có thể là nông dân và binh lính mà thôi; trong công cuộc tạo dựng cơ sở vật chất cho miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam là nhân dân ở hậu phương, là công nhân ở công trường, hầm mỏ, xí nghiệp. Đi vào văn học, những hình tượng này, vì thế, là chất liệu mới mẻ cho tác phẩm, bởi dường như họ còn đang giấu trong mình một bí mật mà người cầm bút vẫn chưa hiểu hết, vẫn đang khám phá. Chỉ khi sống cùng họ, trải nghiệm cùng họ trong những giờ phút thử thách nhất, nhà văn mới hiểu hơn đối tượng mình tiếp cận. Nhưng, việc nhà văn sống cùng với những nhân vật thật của mình lúc này cũng khác trước. Ngày trước, có khi Nam Cao, Nguyễn Công Hoan chỉ dạo quanh rồi nghe ngóng, quan sát cũng “lôi cổ” được những Chí Phèo, anh Pha vào trang viết, giờ đây, họ phải lao theo những con người mới cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Trong điều kiện ngặt nghèo nhất, cái đẹp của con người mới được tỏa

sáng. Chúng ta từng thấy điều này ở người tử tù của Nguyễn Tuân, trước khi đầu lìa khỏi cổ đã biết để lại nét bút, con chữ cho đời, đã từng chứng kiến kết cục bi thảm của người nông dân từng bị xem là “con quỷ dữ của làng Vũ Đại” cũng chỉ để giữ cho mình cái đẹp của nhân cách. Nhưng, tình thế ngặt nghèo của hai cuộc chiến liên tiếp ở thế kỉ XX chính là những cuộc đọ sức không cân để giành lấy tấc đất, ngọn rau, con suối, dòng sông, cho nên phẩm chất của con người lúc này cũng phải khác. Ba mươi năm trường chinh đối diện kẻ thù hung bạo, dã tâm đã hun đúc ở những con người thời chiến một bản lĩnh khác, một tâm hồn khác. Hoàn cảnh của khoảng 30 năm ấy là phông nền điển hình để khắc họa những con người mới, là môi trường hoạt động hiệu quả, đắc lực giúp nhà văn khám phá tính cách, phẩm chất của nhân dân thời chiến. Nhưng, mỗi con người, mỗi cuộc đời trong những trận chiến lớn (khi đối diện kẻ thù, khi lao động sản xuất) không hoàn toàn giống nhau. Điều này chỉ có thể tìm thấy, nhận ra khi đặt trong những cọ xát riêng của từng con người trong hoàn cảnh riêng của họ. Dù vậy, đọc những trang viết về họ, con người thời chiến đã phần nào bắt gặp mình, con người thời bình như thấy dáng dấp cha anh mình. Chúng tôi gọi một số nhân vật lý tưởng của văn học cách mạng là những nhân vật điển hình. Chúng tôi muốn nhắc đến cụ Mết, T’nú trong

Rừng xà nu, Sứ trong Hòn Đất, Nguyệt trong Mảnh trăng cuối rừng, Chấm trong Cái sân gạch, Đào trong Mùa lạc.

Trong chiến tranh, mỗi làng quê, mỗi con người đều mang thân phận, thân phận của kẻ bị xâm lấn. Nhưng chấp nhận nó, ăn đời ở kiếp với cuộc đời đó, cam chịu vì nó thì đã khác. Một số nhân vật trong văn học giai đoạn kháng Mỹ đã vụt hiện lên, giàu sức sống và tỏa sáng lung linh như cây xà nu - rừng xà nu, như hòn đất, như mảnh trăng cuối rừng…

T’nú và cụ Mết là hai nhân vật trung tâm của Rừng xà nu, một truyện ngắn ra đời sau Đất nước đứng lên đúng 10 năm. Một bạn văn của Nguyên

Ngọc đã cho thiên truyện này là một “hịch tướng sĩ” của thời đánh Mỹ. Theo tâm sự của nhà văn thì ông được yêu cầu viết một truyện ngắn vì số báo trước ông đã viết tùy bút. Viết theo yêu cầu đã khó, lại trong không khí sôi sục những ngày chống Mỹ, thế nhưng đứa con tinh thần ấy của Nguyễn Trung Thành (nhà văn Nguyên Ngọc) đã chào đời một cách xuất chúng, xứng tầm một bài hịch. Cụ Mết, T’nú đã là người hiệu triệu của Tây Nguyên, của đất nước. Họ là những con người có thật, đi vào trang viết Nguyên Ngọc, họ càng điển hình cho khí thế xuất quân, khí thế vượt qua bất hạnh để “đứng trên đầu thù”: dần tự giác đến với cách mạng dưới sự dìu dắt của anh Quyết, T’nú vượt lên mất mát gia đình, cụ Mết vượt lên cái nghèo, cái khổ trùm kín bao đời để làm cách mạng. Họ không đơn độc trong hành trình của mình. Phía sau họ là cả một Xô Man dậy sóng với lửa xà nu, tiếng chiêng, tiếng thét “giết” dậy vang của núi rừng trước sự hung tàn của tay sai giặc Mỹ. Thế hệ sau sẽ là Dít, thằng bé Heng… Cháu con Tây Nguyên vẫn nhớ lời dặn cụ Mết: “bay còn sống phải nói lại cho con cháu: chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!”, vẫn nhớ hình ảnh T’nú: “mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc

[…] . Anh nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi. Anh không kêu lên. Anh Quyết nói: “Người cộng sản không thèm kêu van…”. T’nú không thèm, không thèm kêu van” [63, tr.46-47].

Và nếu như T’nú, cụ Mết là biểu trưng của Tây Nguyên kiêu dũng thì Sứ là hình ảnh của miền Nam thành đồng. Anh Đức đã chọn lấy một hình mẫu tiêu biểu của xứ Hòn Đất đưa vào trang viết của mình: chị Phan Thị Ràng. Mang phần nhiều cuộc đời thực của nhân vật vào tác phẩm, Anh Đức đã có một điển hình văn học về người phụ nữ Việt Nam và cách mạng miền Nam. Theo Hoài Thanh thì tác giả “đã tạo nên một trong những hình ảnh đẹp nhất, trong sáng nhất, dịu dàng nhất và kiên trinh nhất về người phụ nữ Việt Nam”,

Đọc Hòn Đất ta có thể hình dung ra cuộc chiến đấu của cả miền Nam” [dẫn theo 16, tr.46-47]. Và nếu chị Sứ là nhân vật tiêu biểu cho cốt cách kiên trinh, nhưng mộc mạc như hòn đất quê hương thì Nguyệt trong Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu đại diện cho vẻ đẹp những nữ thanh niên xung phong trên đường Trường Sơn huyền thoại một thời. Ra đi vì lý tưởng, yêu thương trong những lý tưởng và tuyệt đối tin tưởng vào tình yêu đó, cô gái vốn gốc Hà Nội đã không lẫn vào những người nữ thanh niên xung phong khác một thời nhưng cũng mang tâm hồn, tình cảm, nếp nghĩ của họ. Ở Nguyệt, “tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, cái sợi chỉ xanh óng ánh ấy, bao nhiêu bom đạn giội xuống cũng không hề đứt, không thể nào tàn phá nổi…”. Đó có thể xem là lời đáp cho câu hỏi về một thế hệ không được sinh ra trong thời bình: Họ đã sống như thế nào?

Người anh hùng trong thời chiến, như vậy, không phải chỉ có những nhân vật thuộc phái mạnh. Làm nên kì tích, như đã lý giải, chúng ta lại thấy một phần là ở những người phụ nữ. Trong đề tài lao động sản xuất ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, người đọc cũng thấy hiện lên hai gương mặt tiêu biểu trong văn học: Đào của Nguyễn Khải và Chấm của Đào Vũ.

Đào trong Mùa lạc vốn là chị Xuân trong đời thường có một lai lịch đầy đủ, đi vào truyện của Nguyễn Khải thì bằng một bộ óc tinh nhại, bằng tư duy sắc sảo, tác giả đã tải cả những buồn vui thân phận con người vào nhân vật này. Đào có cái thô ráp nhưng quyết liệt, có khi bất cần khi đến với Điện Biên chủ yếu chỉ để tìm một chốn nương sau những phong ba đời người. Nếu thế, con người ta dễ bằng lòng. Nhưng nhân vật của Nguyễn Khải đâu chỉ có thế. Chị như mang dáng dấp của những người phụ nữ có hiểu biết, chỉ vì chán ngán tình đời mà rơi vào như chạy trốn nhưng lại chính miền đất vừa mới hồi sinh sau chiến tranh đã thay đổi được cuộc đời con người. Quá trình “thay da đổi thịt” của nhân vật còn là bước đi của dân tộc một thời. Và, hình ảnh đó,

thân phận đó khi đến với Điện Biên đâu chỉ mỗi một. Dường như, trong cách cảm, cách nghĩ của nhà văn, đó còn là gương mặt đại diện cho người mẹ, người chị Việt Nam nào đó ở những bước ngoặt khác nhau trong đời.

Cuộc đổi đời của các nhân vật mới (nhất là những người phụ nữ) trong lao động sản xuất XHCN thường có công thức chung: cuộc đời nhiều bi kịch, đến với lao động, được gột rửa, hăng hái cống hiến, gạt bỏ những muộn phiền và tích cực hòa nhập ngày một tiến lên. Giống như Đào, Chấm cũng có một cuộc đời như thế. Có điều, Chấm sinh ra và lớn lên, thua thiệt rồi đổi đời ngay chính làng Cầu Quay quê cô, không phải bôn ba như Đào. Nếu chỉ vậy thì họ chẳng mấy hấp dẫn, họ lại như là chị em song sinh. Nhưng không, đọc đến những đoạn viết về họ ta vẫn không thể lẫn lộn. Chấm trẻ trung hơn, mộc mạc hơn, “chính là vì vào hợp tác xã Chấm thấy lao động của mình được đánh giá xứng đáng và cũng chính ởđây những quan hệ bạn bè và đồng chí giúp Chấm dứt khoát được với những ràng buộc bấy lâu cứ níu lấy Chấm như một mối oan khiên vừa hư vừa thực, không đâu mà tai ác” [dẫn theo 54, tr.271]. Phần nào đó, trong nhiệt tình và chính trên lập trường giai cấp, nhà văn đã thành công.

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HỌC XÔ VIẾT ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG HÌNH TƯỢNG CON NGƯỜI MỚI TRONG VĂN XUÔI VIỆT NAM 1945-1975 (Trang 54 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)