NHÌN NHẬN VÀ ĐÁNH GIÁ HÌNH TƯỢNG CON NGƯỜI MỚI TRONG VĂN XUÔI VIỆT NAM
3.1. Hình tượng con người mới – tái hiện gương người thực, việc thực
Để làm tròn vai trò là người thư kí của thời đại, một thế hệ nhà văn sinh ra và trưởng thành trong lửa đạn đã chọn cho mình hướng đi cho ngòi bút. Đối tượng (nhân vật) đã có, cái còn lại là cách tái hiện nhân vật lên trang viết. Một thời kỳ, một đất mảnh đất mà Tố Hữu gọi là “xứ sở lạ lùng”, bởi “Đến em thơ cũng hóa anh hùng/ Đến ong dại cũng thành chiến sĩ/ Và hoa trái cũng thành vũ khí”. Chỉ cần “ra ngõ” là “gặp anh hùng”, ra trận là có được sáng tác, điều này vừa khuyến khích việc nhân rộng, phát triển phong trào
sáng tác đại trà, vừa giới hạn sức sáng tạo của người cầm bút. Từ trước đến lúc đó, chưa bao giờ chúng ta có một đội ngũ cầm bút hùng hậu như vậy. Chính Nam Cao sau Cách mạng cũng thừa nhận việc tham gia vào công việc không nghệ thuật những ngày toàn quốc kháng chiến là để “sửa soạn” cho công việc mang tính nghệ thuật hơn của ông về sau. Cảm hứng về một hiện thực dồi dào tính anh hùng, tính nhân dân cho phép bất cứ ai cũng muốn cầm bút và bất cứ ai cũng trở thành đối tượng của sáng tác. Tuy nhiên, số lượng dồi dào ở đây không tỉ lệ thuận với chất lượng sáng tác. Người viết bị cuốn hút vào hiện thực ngồn ngộn, sự kiện dồn dập, không có điều kiện để thai nghén, hệ quả tất yếu là cái gì nổi rõ trong cuộc sống đều là đối tượng, là đề tài cho sáng tác. Mà, cuộc sống lúc này hiện thành hình rõ nét ở “những em thơ cũng hóa anh hùng”. Những góc khuất, những vùng chưa có điều kiện chạm đến, nhiều khi nhà văn vẫn trở thành người “đứng bên lề”.
Như đã nói, thời đại mới sản sinh những con người mới. Sức mạnh vật chất và tinh thần ở họ là sự kết tinh của sức mạnh cộng đồng, dân tộc. Ghi nhận lại bóng dáng một thế hệ cũng là cách nhà văn nêu bật được phẩm chất dân tộc. Thời cuộc lại không có những khoảng dừng giữa dòng chảy cuồn cuộn về phía trước, không cho phép người viết ngẫm nghĩ, trăn trở có chiều sâu, nhà văn chọn cho mình hình mẫu mà có thể gặp thấy hoặc nghe nói ở bất kì đâu, bất kì lúc nào – những con người, những nhân vật có tên. Không có điều kiện hình tượng hóa, các tác giả lúc này chọn cách dễ đi vào suy nghĩ, tình cảm của người đọc về thế hệ của mình, do vậy, họ tìm đến kí sự, bút kí như một tất yếu. Ngay cả trong hình thức khá thành công trong văn học kháng Pháp sau 1945 trở đi, truyện ngắn, người ta cũng phát hiện tính “già kí non truyện” của nó. Mà đã chọn kí sự thì một trong những tiêu chí của nó là việc tôn trọng sự thực. Thêm vào đó là yêu cầu miêu tả cuộc sống giống như thực nhưng cũng vừa mang tính cách mạng khiến nhà văn như bị “khuôn” vào một
quy định. Cái “thực” ở đây chính là những nhân vật, những sự việc được nêu gương, được gọi kêu cần phải học theo, làm theo lúc ấy. Truyện viết về gương người tốt việc tốt, những Chiến sĩ thi đua một thời rất được ưa chuộng. Nhiều điển hình xã hội đã trở thành điển hình văn học, đó cũng là một đóng góp cho những chuyển mình của đời sống văn học dù không phải không có những điển hình văn học ở giai đoạn này, so ra vẫn thiếu sức khái quát hơn các sáng tác hiện thực phê phán giai đoạn trước bởi tính chất ghi chép của nó. Nhìn sang đời sống văn học những năm đầu thế kỉ mới này, người thưởng thức văn học hôm nay vẫn tìm thấy sự gặp gỡ trong thể kí sự hoặc trong những quyển hồi kí giữa văn học thời bình và thời chiến. Không khó để chúng ta có thể tìm cho mình một cuốn sách viết theo kiểu hồi kí, kí sự ở những năm đầu thế kỉ XXI này. Nhu cầu bộc bạch mình của con người thời hiện đại lại càng lớn, những gương người tốt việc tốt ngày nay lại không ít cho nên những cuốn sách như thế là không hiếm. Do vậy, có thể khẳng định rằng bút pháp kí sự, cách tái hiện người thực việc thực vẫn có ý nghĩa của nó đối với những bước đi của đời sống văn chương nước nhà, dù có thể, nó vẫn chưa thực sự độc đáo, kiệt xuất như nhu cầu văn học dân tộc mong muốn.
Chất kí sự chi phối, được sự khích lệ, cổ vũ của toàn quân, toàn dân, thực hiện như những đường hướng chỉ dẫn của giới lãnh đạo về việc coi trọng tính chân thật trong sáng tác, những nhân vật văn học khác nhau về tên gọi, lai lịch nhưng lại rất giống nhau về phẩm chất, tư thế, hành động. Những đặc điểm ấy chúng tôi đã lần lượt chỉ ra ở trên. So với văn học giai đoạn trước đó (1930 – 1945), chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng văn học 30 năm đấu tranh cách mạng (1945 – 1975) rơi vào đơn điệu, rập khuôn, công thức mà nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập. Nền văn học trước Cách mạng có điểm giống với văn học lúc này về việc coi trọng tính chân thực nhưng lại rất khác về cách tái hiện bản thân cuộc sống và đã có những gương mặt, những sáng tác được xếp
vào hàng “kiệt tác”. Đến lúc này, nhiệm vụ mà nền văn học mới đặt ra cho mình đã khác, việc tái hiện lại cuộc sống và con người thời chiến, dưới sự chi phối của bút pháp kí sự có thể là cách tác giả viết về chính mình (trường hợp
Bất khuất của Nguyễn Đức Thuận), hoặc có thể là cách tác giả viết về những nhân vật hiện thành hình trong cuộc sống đang được ngưỡng phục và tôn vinh trong cộng đồng (Sống như anh của Trần Đình Vân, Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Hòn đất của Anh Đức, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi v.v…).
Cũng bằng cách ghi chép, nêu lại những người thật, việc thật thông qua những chuyến đi thực tế, văn học góp một tiếng nói lớn, hào sảng, đầy tự hào về những con người đang đáp ứng được nhu cầu cuộc sống đòi hỏi: nêu bật chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một nhiệm vụ chính trị lúc này. Văn học sát cánh cùng chính trị, con người trong các tác phẩm vì thế chỉ dừng lại ở dạng một chân dung, một gương mặt quen thuộc, nghe tiếng đã biết được người. Và do đó, có khi (trong dụng ý của mình) nhà văn dựng lên các nhân vật phản diện là để tôn vinh, bật rõ ý nghĩa, tác động của nhân vật chính diện. Các nhân vật thầy tu đội lốt trong Bão biển của Chu Văn có lẽ nằm trong ý định ấy của người cầm bút. Tuy thế, có khi ngược lại, chính các nhân vật được xem là tiêu cực lại tạo được chỗ đứng lâu hơn trong lòng độc giả. Trường hợp lão Am trong Cái sân gạch của Đào Vũ ở thập niên 60 của thế kỉ trước là một bằng chứng. Hay như Tuy Kiền trong Tầm nhìn xa của Nguyễn Khải cũng thế. Các nhân vật này, đứng dưới góc độ là những nhân vật kịch, đã là thành công của nhà đạo diễn – nhà văn, họ cũng là những nhân vật điển hình, nhờ họ mà những cuộc tranh luận trong giới nghiên cứu ngày trước đã rất hữu ích cho những bước đi còn lại của văn học.
Những chuyến đi thực tế cũng là cách để nhà văn tích lũy vốn sống, tìm kiếm chất liệu cho sáng tác, trong chừng mực nhất định, đó cũng chính là nhu
cầu tự thân của người cầm bút. Và không thể cho rằng tất cả đều không có giá trị khi thực hiện nhiệm vụ chính trị của nó. Trên trang văn Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Anh Đức, người đọc mọi thời vẫn thấy cái lung linh của những cá tính, những nỗi niềm, cái bàng bạc của những dòng sông, con suối, những cánh đồng… góp phần bộc lộ tâm hồn con người. Qua con người thời chiến trên văn học, những nhà văn mặc áo lính đã góp một tiếng nói quyết liệt, mạnh mẽ vào cuộc chiến chống kẻ thù xâm lược. Những trang văn lấp lánh vẻ đẹp của Đất Nước, con người là nơi để nhà văn gửi gắm niềm yêu tha thiết, đắm say đối với quê hương, xứ sở. Không lúc nào như lúc này văn học lại cất tiếng nói, cất lời ca về những người con yêu nước nồng nàn, thiết tha đến thế. Trong chừng mực nào đó, văn chương lúc này đã gặp gỡ văn chương giai đoạn trước nó. Tuy nhiên, cách bộc bạch tấm lòng của người nghệ sĩ ở các giai đoạn khác nhau vẫn có điểm khác. Ngày trước, những trí thức dưới nhà trường Pháp đã thể hiện tấm lòng của mình đối với quê hương, xứ sở nhưng gián tiếp, kín đáo thậm chí dè dặt. Và do đó, khí thế hào hùng, quật khởi của một giai đoạn một đi không trở lại ở thế kỉ XX chỉ có thể tìm thấy, hồi ức trong văn học dưới thời nhà Trần ở thời trung đại, thời mà cả dân tộc đã sang sảng cất lên hào khí Đông A .
Tinh thần kí sự quán xuyến đã chiếm chỗ của thể loại tùy bút, kịch, những thể loại đòi hỏi những “dụng công” khác nhau của người viết. Cả một thời gian dài, nhất là với tùy bút, ngoài Nguyễn Tuân, người đọc rất khó tìm thấy một cái tôi nào khác cho thể loại rất “cá tính” đó. Vì thế, trong các tác phẩm viết về hai đề tài lớn trong đấu tranh cách mạng của ta, một dung lượng lớn các sự kiện được ghi nhận hơn là những tư tưởng triết mỹ mang tầm nhân sinh, nhân văn. Điều này đúng như tác giả Lê Thành Nghịđã nhận xét về văn học chiến tranh: “Thiếu một tư tưởng thẩm mỹ, triết lý sâu sắc, mang ý nghĩa nhân loại, thời đại mà bản thân cuộc chiến của nhân dân ta làm ra” [20, tr.174].