NHÌN NHẬN VÀ ĐÁNH GIÁ HÌNH TƯỢNG CON NGƯỜI MỚI TRONG VĂN XUÔI VIỆT NAM
3.3. Hình tượng con người mới – những con người thiếu vắng khía cạnh đời tư
khía cạnh đời tư
Nhìn lại cách xây dựng nhân vật “con người mới” trong văn học cách mạng Việt Nam người đọc cứ thấy có một khoảng trống, một khúc lặng nào đấy. Nhất là khi xem con người là sự tổng hòa các quan hệ xã hội thì có thể thấy con người mới trong văn học HT XHCN chưa đảm bảo quy luật ấy. Đặc biệt là khi đối tượng người đọc đã thay đổi về trình độ, về nhu cầu và thị hiếu. Các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra: văn học thời chiến “trong” quá, “sáng” quá, các nhân vật thời ấy được tắm trong một bầu không khí “vô trùng”. Đây chính là một hạn chế khó tránh của một thời đại trong văn học. Nhà văn thời chiến bằng lòng (cũng có thể là phải chấp nhận bằng lòng) với nguồn cảm hứng lạc quan, ngợi ca của mình. Để, ở một lúc nào đấy, đủ điều kiện để nghiền ngẫm kĩ hơn, trách nhiệm người nghệ sĩ trước cuộc đời buộc họ cất tiếng: “Cái ác nhất của chiến tranh nằm ở hệ lụy của nó, nằm ở những khối u di căn, chứ không chỉ nơi bom rơi đạn nổ” (nhà văn Bùi Thanh Minh).
Tuy nhiên, cùng với thời gian, người đọc hôm nay đã dần nhận ra rằng khuyết điểm của ngày hôm nay có thể là sự duy trì quá lâu những ưu điểm của ngày hôm qua. Với tinh thần đó, trong nhiệt tình khẳng định tính không trùng lắp của hình tượng con người mới của văn học 30 năm cách mạng của Việt Nam, chúng tôi cũng đồng thời chỉ ra “khuyết điểm của ngày hôm qua” trong phát hiện và tái hiện về con người.
Nén lại những nỗi đau, giấu đi những hèn nhát, bội phản… của con người là cách các nhà văn thời chiến đã làm. Hầu như người đọc rất ít khi
thấy sự phản bội của đồng đội dành cho đồng đội, sự hèn nhát của người lính khi đối diện kẻ thù, những tư riêng trong thân phận, tình yêu… Con người mới không chấp nhận sự nhỏ nhen, ích kỉ, phản bội, ngụy quân tử. Họ phải lớn cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Cho nên, họ luôn nằm trong tuyến các nhân vật thiện. Cái cách “phân tuyến” này đã trở ngược về thời đại của văn học dân gian. Văn học của thời đại mới lại lùi về cái buổi mà ông bà mình chủ yếu lấy cái nghĩa để đối với nhau đã là một bước lùi. Nếu nhìn lại các nhân vật của văn học hiện thực phê phán trước đó trên trang viết Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nam Cao…, chúng ta thấy một khoảng khác biệt rất rõ: đời sống nội tâm của nhân vật là trung tâm của quá trình miêu tả, những cái xoàng xĩnh, tầm thường, nhỏ nhặt lại “lên ngôi” trên trang viết của các tác giả văn học hiện thực phê phán. Có lẽ các nhà văn cách mạng không kịp nghiền ngẫm, trăn trở, cũng có lẽ là do đòi hỏi của thời cuộc mà nhiều thứ phải bị lãng quên. Và có lẽ một phần cũng vì thế mà nhiều nhà văn thời chiến sang thời bình cảm thấy mình “mắc nợ” cuộc sống. Họ có một nhu cầu phải “trả nợ” cho đời.
Khi khuynh hướng sử thi hóa trở thành khuynh hướng sáng tác chủ lưu, trở thành đặc điểm chính thống của một giai đoạn không ngắn, nó dễ rơi vào cực đoan. Những cái “đời thường” lại trở thành vùng cấm của văn chương. Nhà văn Nguyên Ngọc cũng đã từng thổ lộ: “Trong chiến tranh, mọi quan hệ
xã hội và con người dồn lại và thu hẹp vào mỗi quan hệ duy nhất: sống – chết. Người ta phải sống phi thường […] cũng đồng thời là triệt tiêu đi bao nhiêu quan hệ bình thường mà vô cùng phong phú và phức tạp của con người,
đẩy tất cả những quan hệ ấy về phía sau. […]. Ngọn lửa chiến tranh thiêu cháy cả những nhỏ nhen nhiêu khê của cuộc sống thường ngày” [44(2), tr.220]. Vì đẩy những quan hệ phức tạp và phong phú của con người về phía sau cho nên chỉ có kẻ thù và bọn tay sai là xấu nhất, là những nhân vật phản
diện. Còn lại, nhân vật chính diện của ta là những con người mới quyết tâm từ bỏ cái cũ, thậm chí từ bỏ chính bản thân mình (thông qua việc từ bỏ tình yêu). Mà như vậy, nhân vật sẽ rơi vào đơn điệu, thiếu tính góc cạnh. Đọc đến các tác phẩm của văn học cách mạng, người đọc cứ thấy những điểm na ná nhau trong hành xử của các nhân vật mà mình yêu thích. Cá tính nhà văn cũng bị trói buộc, có muốn phá cách thì có khi được xếp vào hàng “có vấn đề”, phải bị “treo bút”. Những dư luận, những sự kiện văn học những năm 1950 – 1960 đã cho thấy rõ điều này. Ngay Nguyên Ngọc, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài cũng bị phê bình một thời. Và, trong điều kiện bất thường không thể tránh khỏi của văn học, thế giới nhân vật đã bịđóng khung, vô tình làm chững một lúc nào đó trong vai trò giúp con người khám phá chính mình, nếu xem văn học là một hình thái ý thức đặc thù. Đời sống văn học 30 năm đấu tranh cách mạng vẫn sôi động, vẫn phong phú về chiều rộng nhưng lại chưa thực sự có một bề sâu đáng kể, một đỉnh cao đột xuất nào như văn học dân tộc đã từng có ở những năm trước Cách mạng tháng Tám. Chỗ đứng của nhà văn trên văn đàn, vì thế cũng chưa thực sự là đặc biệt. Những bước đi của văn học lúc ấy cũng chưa thực sự có thể gọi là nhanh chóng về chất như Vũ Ngọc Phan đã từng nhận xét về văn học giai đoạn trước đó: “Ở nước ta, một năm có thể kể như ba mươi năm ở xứ người”. Cùng với những điều trên là bảng giá trị của nhiều phương diện trong văn học cũng bị quy định hạn hẹp, giáo điều: “Trên 30 năm chiến tranh, như trong một binh chủng mà vị trí của các Chính ủy
được xác định ở vị thế cao nhất, sự sắp xếp trong văn chương – nghệ thuật cũng chấp nhận một nguyên tắc tương tự. Những tiêu chuẩn chính trị có ưu thế so với tiêu chuẩn văn chương. Các giá trị tư tưởng được xem trọng trước giá trị nghệ thuật. Các giá trị phục vụ trước mắt có ưu thế hơn cái lâu dài. Công chúng xem ra có thẩm quyền hơn người chuyên nghiệp… Và như vậy thì những tìm tòi hình thức, để có các trường phái, phong cách khác nhau, là
chưa cần thiết, hoặc khó tránh trở nên xa lạ” [37, tr.60].
Ngay khi âm hưởng cuộc chiến của dân tộc vẫn còn vang vọng, nhiều nhà văn tâm huyết đã rất ý thức về “khoảng lặng” của văn học, họ day dứt về việc phản ánh vào tác phẩm những nội dung, tải từ tác phẩm những thông điệp thực sự đến con người về cuộc đời. Nguyễn Minh Châu là một ví dụ. Ông từng tâm sự: “thực tế đời sống chính là cái lọ nước thần, là niêu cơm ăn không bao giờ vơi, là nguồn tài liệu và nguồn cảm hứng vô tận mà bất cứ một nhà văn nào dù tài năng đến đâu cũng phải rút ra từ đấy chứ không phải chỉ trong trí tưởng tượng của mình những cốt truyện, những nhân vật, những chủ đề… Người viết văn là một người rất nặng nợ với đời” (Trang giấy trước đèn
– 1976).
Có lẽ, do “các giá trị trước mắt có ưu thế hơn cái lâu dài”, cho nên, những nhà văn mặc áo lính một thời như Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc đã phải tạm chấp nhận là kẻ nợ cuộc đời. Để, ở thời hậu chiến, họ đã tiếp tục thiên chức của người nghệ sĩ trước cuộc đời, phải trả nợ cho đời, là “người mở đường tinh anh” (cách Nguyên Ngọc nhận xét về Nguyễn Minh Châu) cho văn học thời hậu chiến. Về những năm cuối đời, chính Nguyễn Khải cũng hết sức day dứt Đi tìm cái tôi đã mất (một tạp bút). Và nếu xem văn học thời chiến thiếu những “góc khuất” thì văn học thời kì Đổi mới phần nào đã điền khuyết cho nó, để văn học dân tộc không rơi vào những bước lùi quá xa so với văn chương các nước bạn. Con người từ đây không được gọi tên như con người trong văn học của các giai đoạn trước, giới nghiên cứu cũng chưa đặt tên cho thế giới nhân vật trên những trang viết thời bình nhưng bằng việc khai thác thế giới bên trong con người bằng những khuynh hướng của chủ nghĩa hậu hiện đại, bằng những “nghịch dị”, bằng thế giới tâm linh…, người cầm bút đã xới lật được nhiều vấn đề có ý nghĩa nhân văn, nhân sinh sâu sắc.
Đến gần hết thập niên đầu thế kỉ XXI này, văn chương Việt Nam đã hồ hởi vươn mình, hào hứng nhập cuộc, đã có những gương mặt được giới văn học ngoại quốc biết đến (và dĩ nhiên cũng luôn thấy rằng mình vẫn phải chịu khó học hỏi văn chương nước bạn) nhưng dường như nó chưa đủ để thỏa mãn niềm mong mỏi như Phong Lê đã đặt ra, và cũng như, dân tộc đã đặt ra. Cũng phải thừa nhận rằng dẫu có hiện đại, có “lạ hóa” đến mấy thì văn học ta ở kỉ nguyên mới vẫn ăn sâu, bám chắc vào mảnh đất nhân đạo, nhân văn truyền thống của lịch sử văn học bao đời. Chính những cái đẹp trong những bài ca mà cuộc sống lao động, chiến đấu trong suốt bề dày lịch sử văn học, lịch sử dân tộc đã là chất xúc tác thường trực cho sáng tác nghệ thuật. Chúng tôi muốn tái khẳng định tính liên tục trong cảm hứng sáng tác của các giai đoạn khác nhau của văn học dân tộc (trong đó có văn học cách mạng Việt Nam). Trần Đình Sử cũng có lần thừa nhận vị thế của văn học cách mạng Việt Nam 1945 – 1975: “Song dù thế nào nó vẫn là một hiện tượng nghệ thuật sáng ngời của văn học dân tộc, là chiếc cầu nối liền văn minh dân tộc từ quá khứ, hướng tới tương lai và đi vào vĩnh viễn” [20, tr.37].
KẾT LUẬN
Khép lại 30 năm đấu tranh cách mạng, dân tộc Việt Nam, văn học Việt Nam đã có một thời gian dài (hơn 20 năm) của quá trình Đổi mới. Theo đó, đời sống tinh thần dân tộc đã và đang có nhiều thay đổi, đang nhập cuộc một cách tích cực vào đời sống tinh thần nhân loại.
Nhà văn Ngô Thảo, người cầm súng trước khi cầm bút, đã có lần tâm sự: “Có thể căn cứ vào thái độ đối với quá khứ mà biết một phần về con người hiện tại. Có người không dám công nhận dĩ vãng. Có người nhìn lại với tất cả
thèm muốn, tiếc xót. Có người nhìn nó với thái độ bao dung, tha thứ. Có người nhìn lại với một niềm tự hào chính đáng. Bởi anh đã có những năm tháng sống không xứng đáng, những năm tháng hoài phí, đớn hèn. Bởi anh đã giấu diếm nhiều thứ để có được cái bây giờ. Bởi anh đã cất bước đi xa hơn, cao hơn” [69, tr.79]. Văn học thời bình lẽ tất nhiên sẽ khác văn học thời chiến. Nhưng xét trên tinh thần chung thì tiếng nói trong văn học là tiếng nói của cuộc sống. Trước một khúc quanh bất thường của lịch sử, văn học Việt Nam đã vận động trong sự bất thường ấy và đã có một sản phẩm riêng: con người mới. Tuy nhiên, sản phẩm văn học này lại được chuẩn bị từ những chất liệu của Liên Xô một thời cùng đi trên con đường của chủ nghĩa xã hội. Trong khuôn khổ của đề tài, chúng tôi hướng đến một số việc sau :
1. Ghi nhận lại những đóng góp thiết thực, hữu hiệu của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa một thời đồng thời chỉ ra những biểu hiện của hình