Kiểu nhân vật chưa hoàn kết tính cách

Một phần của tài liệu DẤU ẤN TIỂU THUYẾT DOSTOIEVSKI TRONG BƯỚM TRẮNGCỦA NHẤT LINH (Trang 43 - 45)

TRONG BƯỚM TRẮNG – KẾT CẤU VÀ CỐT TRUYỆN

3.1.1. Kiểu nhân vật chưa hoàn kết tính cách

Nhân vật của Dostoievski không có tính cách định hình sẵn, là con người không theo một khuôn thước có trước. Đó không phải là loại nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, tức là hoàn cảnh xã hội nảy sinh tính cách. Đó cũng không phải là kiểu nhân vật tâm lí, được quy

định bởi một kiểu khí chất nào đó. Cũng không phải kiểu nhân vật đơn nhất một tính cách: hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc cao thượng hoặc thấp hèn; hoặc trung thực hoặc dối trá… Mà ở đây, nhân vật giống như sự phức tạp của thế giới nội tâm con người, là sự hoà trộn của các mặt sáng – tối.

Trương trong Bướm trắng cũng là kiểu nhân vật không có tính cách định hình sẵn như

Raskolnikov trong Tội ác và hình phạt. Đây là một kiểu nhân vật hoàn toàn mới trong văn học Việt Nam lúc bấy giờ. Nhân vật trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh được phân ra thành hai phe thiện – ác như trong cổ tích, tính giáo huấn đạo đức toát ra từ chúng thật rõ ràng. Nhân vật trong tiểu thuyết luận đề của Nhất Linh trước và sau Bướm trắng mang tính thuyết minh cho luận đề

tư tưởng của tác giả. Nhất Linh cũng như các nhà văn khác trong Tự lực văn đoàn chủ trương chống lễ giáo phong kiến, đấu tranh cho tình yêu tự do, cho cuộc sống mới tiến bộ, giải phóng con người cá nhân. Vì thế, nhân vật thường được chia làm hai tuyến, đại diện cho hai thế hệ: thế

hệ trẻ cấp tiến và thế hệ già bảo thủ. Các nhân vật chính thường theo một khuôn mẫu: Họ là những thanh niên Tây học, mang tư tưởng tự do; họ “tân thời” từ cách ăn mặc cho đến suy nghĩ, lời nói của họ như cái loa phát thanh tuyên truyền tư tưởng cách tân của tác giả. Nhìn chung, nhân vật ít có sắc thái cá nhân, tính cách của họđã được nhà văn quyết định ngay từ đầu trang sách.

Như trênđã viết, Trương là kiểu nhân vật hoàn toàn mới trong văn học Việt Nam. Anh ta không phải là nhân vật đạo đức, cũng không phải là kiểu người tình lí tưởng trong văn học lãng mạn, cũng không phải là kiểu thanh niên đang đi tìm con đường mới như Dũng trong Đoạn

tuyệt,… Nhân vật Trương xuất hiện gây dị ứng cho những người đọc xem nặng chức năng giáo lí của văn học, họ nhìn thấy ở Trương một kẻ sa đọa, trụy lạc, chỉ làm gương xấu cho thế hệ trẻ. Họ cho rằng đây là bước thụt lùi trong sáng tác của Nhất Linh, thể hiện tâm trạng chán chường, rã rời của ông. Nhưng có một số nhà phê bình như Bùi Xuân Bào, ĐỗĐức Hiểu,… đánh giá cao về tiểu thuyết Bướm trắng, xem đó là một bước đột phá về nghệ thuật trong sáng tác của Nhất Linh. Chúng tôi cho rằng ý kiến thứ hai thoả đáng hơn, khi đặt nhân vật trung tâm của tác phẩm trong trường nhìn của văn học thế kỉ XX.

Kiểu nhân vật như Trương không chỉ rất mới trong văn học Việt Nam, mà còn rất thật,

một tuyp người rất quyến rũ, giống như người ta thấy ở nhân vật Raskolnikov: bí hiểm, không thiết suy tính cho ngày mai, cái “ngày mai” có tính chất cụ thể, như con số trên lịch năm. Raskolnikov quyến rũ hơn nhân vật Razumikhin, Razumikhin mực thước, biết tính toán đúng

đắn quá. Cũng thế, nhân vật Dmit’ri Karamazov – một chàng trai hoang đàng, náo động – quyến rũ người đọc và người đời hơn là nhân vật Aliosa Karamazov – con người thánh hạnh, đạo đức quá đến khó tin. So với tất cả các nhân vật khác trong Bướm trắng, Trương quyến rũ, thu hút người đọc không phải bởi đó là nhân vật trung tâm duy nhất của tác phẩm, mà chủ yếu bởi kiểu người rất thật, rất đời của anh ta. Mĩ, Hợp là kiểu thanh niên sống nghiêm túc, phẳng lặng quá; Quang, Vinh, Cổn chỉ đơn giản thích ăn chơi, có vẻ hời hợt, nông nổi. Trương phức tạp hơn tất cả bọn họ cộng lại, bởi chàng được tác giả dụng công xây dựng như một nhân vật lưỡng diện. Chàng vừa chán sống, vừa rất ham sống; ngụp lặn trong trụy lạc nhưng vẫn ý thức sự nhớp nháp, dơ bẩn của cuộc sống ấy; ngập trong đời sống tình dục với gái điếm nhưng vẫn khao khát tình yêu trong sáng đẹp đẽ với con gái nhà lành; túng tiền bán nhà đất nhưng vẫn cho mẹ con cô Nhan mảnh vườn sinh sống, thụt két phải đi tù nhưng đã có nghĩa cửđẹp là giúp tiền cho cô Mùi trở lại cuộc sống lương thiện. Tưởng như cuộc sống đô thị làm tâm hồn Trương cằn cỗi, nhưng bên trong kí ức chàng vẫn lưu giữ những kỉ niệm đẹp chốn quê nhà: một vườn rau tươi mát với những chú bướm trắng dập dờn bay. Nhiều cách ứng xử của chàng có vẻ “Tây” nhưng con người chàng cũng lại “chứa đựng màu sắc, âm nhạc của tâm hồn phương Đông” [39, tr. 120].

Một con người như thế, thử hỏi làm sao không cuốn hút, không mê hoặc, hay ít ra không gây băn khoăn, tò mò của người đọc?

Nhân vật Trương cũng như nhân vật Raskolnikov là kiểu nhân vật bi kịch. Nhân vật bi kịch đúng nghĩa là những người ôm ấp một lí tưởng mang tính nhân loại, có một khát vọng lớn lao về cái đẹp, nhưng họ không thực hiện được bởi thực tại chưa chấp nhận lí tưởng ấy, vì thế

mà họ phải chiến đấu quyết liệt, thậm chí phải hi sinh để bảo vệ lí tưởng của mình. Lí tưởng cứu khổ nhân loại của Raskolnikov là tốt đẹp, nhưng phương tiện để thực hiện mục đích ấy lại quá

tàn nhẫn, không thể chấp nhận được. Vì thế mà Raskolnikov rơi vào bi kịch. Nhân vật Trương khát khao mãnh liệt về một tình yêu trong sáng, đẹp đẽ, vượt lên trên sự phân biệt vị trí thấp cao, bay bổng tự do như cánh bướm trắng dập dờn, nhưng vì bệnh tật, và quan niệm hưởng lạc gấp gáp khiến chàng ngày càng lún sâu vào lầm lạc, cho nên tình yêu ấy ngày càng xa vời, mất hút khỏi tầm với. Trương có lúc muốn giết Thu rồi tự sát để tình yêu ấy vẫn giữđược màu tươi đẹp, không héo úa và chết đi theo sự bào mòn nhân cách của mình.

Tác phẩm cuối cùng cũng đi đến hồi kết, một hồi kết dường như nhẹ nhàng và “có hậu” hơn đoạn kết Tội ác và hình phạt. Nhưng có được hồi kết ấy đâu phải là một quá trình thẳng băng đã diễn ra. Sự trở về cuộc sống lương thiện của Trương không dễ dàng. Để có được sự

chọn lựa ấy, Trương đã có sự vật lộn nội tâm, đã có những trải nghiệm ở miền tối tăm của cuộc

đời, có lúc tưởng như sẽ trượt chân và lao mãi, lao mãi xuống vực thẳm. Sự lựa chọn ấy tuy có phần nặng về lí trí, nhưng đó là lựa chọn cuối cùng của một người muốn hoàn lương. Để bắt đầu một cuộc sống mới, cũng như Raskolnikov, Trương cần có thời gian. Trương cần có thời gian để

quên được mối tình đầy giày vò của mình với Thu, quên đi phố xá với những cuộc vui thâu đêm. Bởi chưa có gì chắc chắn níu giữ bước chân của một người từng lầm lỗi. Kết thúc đó chỉ là một hướng đi, chứ chưa hoàn kết một tính cách và số phận con người.

Tóm lại, nhân vật Trương trong Bướm trắng là kiểu nhân vật chưa hoàn kết về tính cách, một kiểu con người lưỡng diện, vô cùng cô đơn trong cuộc sống hiện đại. Nhất Linh hẳn đã có sự đồng điệu với Dostoievski khi xây dựng nên nhân vật nam chính của mình trong tác phẩm này.

Một phần của tài liệu DẤU ẤN TIỂU THUYẾT DOSTOIEVSKI TRONG BƯỚM TRẮNGCỦA NHẤT LINH (Trang 43 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(67 trang)