10. Đội thuế liên xã, phường ,thị trấn.
2.1.2.1. Khái niệm, đặc điểm, vai trò của kinh tế cá thể Khái niệm :
Khái niệm :
Việt Nam là nước có nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; các thành phần kinh tế được tự do phát triển trong đó thành phần kinh tế cá thể chiếm một vị trí rất quan trọng.
Kinh tế cá thể là thành phần kinh tế dựa trên tư hữu nhỏ về tư liệu sản xuất và khả năng lao động của bản thân người lao động và gia đình.
Kinh tế cá thể có đặc điểm:
- Là loại hình có số lượng lao động tham gia đông hơn hẳn so với những loại hình tổ chức sản xuất khác. Bản thân số lượng này không phải là yếu tố quyết định song lại là cơ sở hình thành tính phong phú đa dạng không đồng nhất của hoạt động kinh tế diễn ra ở tất cả các hộ kinh doanh cá thể.
- Phạm vi hoạt động kinh tế cá thể tương đối rộng lớn và đa dạng, được phát triển ở mọi ngành nghề, phân bổ rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi...và diễn ra trên mọi lĩnh vực sản xuất thương nghiệp dịch vụ. Điều này chứng tỏ Nhà nước có số thu thuế từ khu vực kinh tế cá thể trên phạm vi rộng.
- Kinh tế cá thể có thể tồn tại độc lập hoặc cũng có thể tham gia vào các lĩnh vực khác như: Hợp tác xã, liên doanh liên kết... Quy mô của các hộ kinh tế nhìn chung không lớn khoảng trung bình từ 5 đến 6 lao động.
- Kinh tế cá thể dù có cố gắng đến bao nhiêu cũng không loại bỏ được những hạn chế vốn có như: Tính tự phát, manh mún hạn chế về kỹ thuật
Vai trò của thành phần kinh tế cá thể :
Cùng với sự phát triển của các thành phần kinh tế khác, kinh tế cá thể được coi là bộ phận hỗ trợ hết sức quan trọng đối với nền kinh tế. Kinh tế cá thể tồn tại là một tất yếu khách quan xuất phát từ yêu cầu của xã hội và ngày càng khẳng định vai trò to lớn của nó:
- Kinh tế cá thể đã và sẽ tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm cho xã hội, đáp ứng cho nhu cầu đời sống sinh hoạt của nhân dân, cung cấp các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất, làm cầu nối giữa sản xuất và lưu thông tiêu dùng, tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hoá tiền tệ trong nền kinh tế nhanh chóng và có hiệu quả. Tham gia hỗ trợ những mặt mà kinh tế quốc doanh và các thành phần kinh tế khác chưa giải quyết được.
- Kinh tế cá thể đã góp phần to lớn để tạo công ăn việc làm. Khu vực quốc doanh ở nước ta tạo việc làm cho khoảng 11% trong tổng số lực lượng lao động. Gần 90% lao động làm việc ở khu vực ngoài quốc doanh. Có nhiều hình thức thu hút lao động ngoài quốc doanh: Doanh nghiệp tư nhân, cá nhân tự tạo việc làm, lao động làm thuê theo vụ việc, mùa vụ... song cho tới nay phổ biến nhất vẫn là hộ kinh tế cá thể. Hiện nay ở nước ta có khoảng 1,5 triệu hộ cá thể. Nếu cứ tính trung bình mỗi hộ sử dụng 2 lao động thì tổng cộng đã giải quyết được 3 triệu lao động. Điều này, không chỉ đơn thuần đảm bảo thu nhập sinh hoạt cho người lao động mà còn có tác động đến vấn đề an ninh xã hội và gánh nặng chi tiêu của Nhà nước, để giải quyết vấn đề thất nghiệp và tệ nạn xã hội do không có việc làm tạo nên.
- Kinh tế cá thể ngày càng phát triển góp phần làm tăng tổng sản phẩm xã hội và đã đóng một phần thu nhập vào Ngân sách Nhà nước đáp ứng cho nhu cầu chi tiêu ngày càng lớn của Nhà nước.
Kinh tế cá thể nắm giữ một khối lượng vốn lớn trong nền kinh tế và có khả năng huy động được nhiều vốn. Nếu như lượng vốn này được tham gia vào sản xuất kinh doanh thì hiệu quả kinh tế của xã hội tăng lên, thúc đẩy mở rộng sản xuất, kích thích tiêu dùng, từ đó thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác. Bên cạnh những mặt tích cực kinh tế cá thể có một số hạn chế dẫn đến việc tổ chức, quản lý đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn. Với nguồn vốn huy động tuỳ thuộc vào ngành nghề và mặt hàng sản xuất kinh doanh đã tạo nên sự đa dạng trong nguồn vốn dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý thu thuế đối với hộ kinh tế cá thể và góp phần không nhỏ trong việc làm tăng số lượng thuế bị thất thu, vì khó xác định được một cách chính xác quy mô vốn và quy mô kinh doanh.
Bên cạnh đó, trình độ quản lý của cán bộ thuế chưa cao dẫn tới hiệu quả quản lý thu kém. Đây là yếu điểm khó tránh khỏi bởi hộ kinh tế cá thể có đặc điểm mang tính gia đình, khó kiểm soát chặt chẽ, và ý thức chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật thuế nói riêng của hộ cá thể chưa tốt đã gây cản trở cho cán bộ thuế trong công tác quản lý. Để công tác thu thuế có hiệu quả hơn đòi hỏi phải có biện pháp phát huy những mặt mạnh của kinh tế cá thể, và khắc phục được những hạn chế vốn có.