Thuật ngữ “cổ mẫu” được dịch từ từ gốc “archétype”. Ở Việt Nam, cổ mẫu còn được biết đến dưới nhiều cách định danh khác như mẫu gốc, nguyên (sơ) tượng, nguyên mẫu hay siêu mẫu, siêu tượng,… Với những ai trót một lần bị quyến rũ bởi cuộc hành trình tìm về cội rễ huyền thoại thì hẳn sẽ không cảm thấy bỡ ngỡ trước khái niệm khá mới mẻ này. Nếu ví huyền thoại như chiếc cầu gắn kết các nền văn hóa, làm cho mọi thời đại tiếp nối nhau một cách liền lạc thì cổ mẫu chính là những nhịp dẫn hình thành nên chiếc cầu huyền thoại.
“Cổ mẫu” vốn là một trong những khái niệm trung tâm của trường phái “tâm lí học phân tích” do nhà tâm lí học Thụy Sĩ C. G. Jung đề xuất. Quả thực với những phát hiện về vị trí trung tâm của cổ mẫu trong sự đối sánh với huyền thoại và vai trò của chúng đối với sự hình thành các cơ tầng văn hóa trong đời sống của nhân loại, người học trò của Freud đã gợi mở rất nhiều điều thú vị cho những ai đang loay
hoay trong cuộc hành trình tìm về với huyền thoại. Theo Jung, “cổ mẫu” chính là
“sự lặp đi lặp lại trong văn học những đề tài và hình tượng manh tính hằng số
qua những dị bản có sự chế ước lịch sử” [27, tr. 364]. Các cổ mẫu giống như “những nguyên mẫu của các tập hợp biểu tượng ăn sâu trong vô thức đến nỗi chúng trở thành như một cấu trúc, như những kí tích” [08, tr. xx-xxi]. Đó là những
tập hợp có tính biểu hiện và có tính gây xúc động được cấu trúc hóa, giàu tính năng động sáng tạo.
Trong quá trình tiếp cận và phân tích văn bản, chúng tôi cho rằng chỉ có thể xác định đâu là cổ mẫu khi đã hình thành nên một ý niệm tương đối rõ ràng về chúng vì nếu không cẩn trọng sẽ rất dễ dẫn đến ngộ nhận. Tuy nhiên một thách thức không nhỏ đặt ra đối với những “nhà thăm dò cổ mẫu” là không dễ để đưa ra một định nghĩa về cổ mẫu, bởi lẽ phát hiện cổ mẫu là phát hiện cá nhân, gắn liền với những trải nghiệm của bản thân mỗi người và quan trọng hơn là cổ mẫu vốn không tuân theo một khuôn khổ định sẵn nào cả. Chúng ta không thể đòi hỏi cùng một ý nghĩa đối với nhiều người mà cổ mẫu gợi lên vì như thế chẳng khác nào tước đi tính huyền nhiệm của các cổ mẫu, biến những biểu tượng vốn linh động trở thành những hình ảnh mang nghĩa chết. Jung đã nhiều lần khẳng định: Cổ mẫu “vừa là hình ảnh lại vừa là xúc động” [29, tr. 142] và một hình ảnh chỉ có thể là cổ mẫu khi hội tụ
đầy đủ cả hai tính chất trên. Trạng thái cảm xúc mà cổ mẫu khơi dậy trong ta được Jung đặc biệt chú ý và xem đó là “phương diện tình cảm đặc biệt”, là “bí ẩn của những siêu mẫu” đòi hỏi ta phải khám phá.
Cổ mẫu là sản phẩm của vô thức tập thể và chế ngự ý thức. Đây cũng được xem là một trong những tiêu chuẩn để nhận diện cổ mẫu. Theo Jung: “tác phẩm hiện ra trước chúng ta là hình tượng được chế tác hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ
này. Hình tượng này có thể phân tích được chừng nào chúng ta có khả năng nhận biết biểu tượng trong nó” [28, tr. 77]. Như vậy có thể hiểu đọc tác phẩm theo tinh
thần cổ mẫu là đi từ hình tượng đến biểu tượng, các biểu tượng sẽ là cổ mẫu khi chúng được chưng cất từ những ý niệm đầu tiên của nhân loại, mang tính tiên thiên, di truyền và chi phối hành vi, thói quen của con người qua các thế hệ. Cổ mẫu bao
gồm các hình ảnh (tính Mẫu, Đấng Sáng thế, Mặt trăng, Mặt trời,…) hoặc các motif (tội loạn luân, tái sinh, hiến tế, …) được hình thành trong những thần thoại gốc (monomyth), đề tài vĩnh cửu (monotheme), nguyên hình thần thoại,… Với một số lượng hạn chế, các đề tài và hình tượng ấy không ngừng tái sinh trong những tác phẩm văn học về sau, có khi nguyên vẹn hình hài, có khi đã được biến cải. Có ý kiến cho rằng lịch sử văn học luân chuyển theo một chu trình khép kín. Văn học lúc đầu tách ra khỏi huyền thoại, sau đó lại trở về với huyền thoại (huynh hướng huyền thoại hóa trong văn học xuất hiện vào cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX). Lúc bấy giờ huyền thoại sẽ được tái hiện thông qua các cổ mẫu. Đọc tác phẩm mang màu sắc huyền thoại cũng có nghĩa là “đọc cổ mẫu”, “dò tìm cổ mẫu” và đây mới chính là thử thách lớn nhất với những ai có ý định khai quật những tầng lớp ý nghĩa ẩn sau các con chữ. Biểu tượng không bao giờ hiển hiện với dáng vẻ ban đầu của nó, hơn nữa con đường đến với cổ mẫu không cho ta những phương hướng cụ thể, vẫn biết rằng “biểu tượng nhô lên như một lời trách cứ thường xuyên đối với khả năng suy xét và cảm nhận của chúng ta” và cũng vì thế mà hiểu được rằng quả thật không dễ
nắm bắt những thời khắc thiêng liêng ấy. Jean Chevalier và Alain Gheerbrant – tác giả của công trình nổi tiếng Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới [08] – trong quá trình tập hợp, hệ thống các biểu tượng văn hóa và làm rõ ý nghĩa của chúng, đã giới thuyết khá tường tận về biểu tượng (tương đương với thuật ngữ cổ mẫu mà Jung
đưa ra) cũng như phân biệt với các thuật ngữ khác dễ gây nhầm lẫn như: biểu hiệu, vật hiệu, phúng dụ, dấu hiệu,... Theo ông, biểu tượng mang những đặc tính sau:
-Tính ổn định: lúc nào giữa cái biểu trưng và cái được biểu trưng cũng có
một mối gắn kết đặc biệt. Người nghiên cứu sẽ phát hiện cổ mẫu bằng cách nhận diện được mối quan hệ đó.
- Khả năng thâm nhập lẫn nhau giữa các biểu tượng: có vô số hình thức và
cơ sở với cái siêu nghiệm trong cùng một mối liên hệ, chẳng hạn cổ mẫu “cây” sẽ gợi lên mối liên hệ về biểu tượng thập tự. Đặc tính này được Jung gọi là “quan hệ
- Tính đa chiều: trong cùng một hình ảnh cái chén miệng ngửa lên trời hay
úp xuống đất sẽ biểu đạt nhiều mối quan hệ : đất – trời, không gian – thời gian, nội tại – siêu tại, …Vì đặc tính này mà tùy theo trải nghiệm và sự đa dạng trong nhận thức của mỗi người, một biểu tượng sẽ trở nên thiêng liêng hay chỉ là một hình ảnh phàm tục.
Những đặc tính trên đã hình thành nên bản chất sống động và khó xác định của biểu tượng. Nhận diện cổ mẫu là một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và đôi khi là cả cơ duyên mới có thể “gặp mặt”. Và nhiều khi trong cuộc hành trình khám phá cổ mẫu, không phải cứ “tìm là thấy” bởi cổ mẫu không bao giờ ở trạng thái tĩnh mà luôn động, không đứng yên cho ta chiêm ngưỡng mà luôn biến hóa khôn lường bởi tính gợi nghĩa bất tận, bởi biểu tượng luôn “ứ tràn ra khỏi những dạng thức, những cơ chế, những khái niệm , những biểu hiện làm cột chống cho nó” [08, tr. xxvi].
Chính vì vậy mà theo Jung, thời khắc phát hiện cổ mẫu mang đến cho ta một cảm giác vô cùng vi diệu
được đánh dấu bằng cường độ cảm xúc đặc biệt: dường như trong ta có những dây đàn không ai ngờ là có và bao lâu nay im tiếng bây giờ được chạm đến (…), cảm thấy được giải phóng triệt để, thấy mình như mọc cánh bay, hoặc như có một sức mạnh không sao cưỡng nổi túm lấy ta”. Khi ấy, “ta không còn là những thực thể cá nhân nữa, chúng ta – là loài giống, giọng nói của toàn nhân loại thức dậy trong ta. [28, tr. 81]
Jung gọi đó là “sự trở về huyền bí”.
Với sự hấp dẫn cũng như thách thức mà cổ mẫu mang đến, trong quá trình tìm hiểu, các nhà khoa học đã rất nỗ lực trong việc hệ thống và phân loại cổ mẫu. Tất cả đều không nằm ngoài mục đích hình thành nên một cái khung để việc trình bày trở nên khoa học hơn. Có khá nhiều cách phân loại, có khi tương đồng, có khi khác biệt. Nếu như A. H. Krappe và Mircea Eliade qui biểu tượng về hai cực: các biểu tượng về trời (bầu trời, trăng, sao,…) và các biểu tượng về đất (nước, đá, đất,…) thì Gaston Bachelard lại phân phối biểu tượng xung quanh bốn yếu tố: đất, lửa, nước, không khí. Nghiên cứu cổ mẫu, Jung phân ra làm hai loại: cổ mẫu “tự nhiên” và cổ
mẫu “văn hóa”. Theo ông, dưới góc độ của một nhà tâm lí học, “loại thứ nhất thoát thai từ nội dung phi ý thức của cái psyché (chữ được Jung dùng để chỉ toàn bộ những tác động tri thức vào tiềm thức, được hiểu theo nghĩa rộng hơn từ “tâm thần” – người viết chú thích), như thế nó biến đổi ra biết bao nhiêu hình ảnh có tính cách biểu tượng chính yếu khác”. Loại thứ hai, cổ mẫu “văn hóa” “là những biểu tượng dùng để diễn tả những “chân lí vĩnh cửu” [29, tr. 135]. Gilbert Durand mượn các
nguyên tắc phân loại từ khoa nhân loại học cấu trúc. Theo đó, ông phân biệt hai chế độ biểu tượng, đó là chế độ ngày, gồm những biểu tượng thuộc ưu trội tư thế như: công nghệ vũ khí, xã hội học về vị chúa tể là thầy pháp và chiến binh, các nghi thức siêu tôn và thanh tẩy, …và chế độ đêm, gồm những biểu tượng thuộc ưu trội về
tiêu hóa và nối liền hoặc tuần hoàn như: các kĩ thuật về vật chứa và nơi cư trú, các
giá trị thực phẩm và tiêu hóa, các kĩ thuật về chu kì, các huyền thoại và các bi kịch về vũ trụ - sinh học, … Tỏ ra không mấy hứng thú với ý tưởng phân loại cổ mẫu, C. Lévi – Strauss từ chối “nhốt công trình của mình vào khuôn khổ của một kiểu phân
loại” vì theo ông như thế chẳng khác nào giới hạn sức tưởng tượng vào một khuôn
mẫu cứng nhắc...
Tóm lại, xung quanh thao tác hệ thống và phân loại cổ mẫu còn có rất nhiều nhận định, nhiều phương pháp phân loại dựa trên những tiêu chí khác nhau. Trong tiểu thuyết Người yêu dấu, dựa trên kết quả phân tích được, chúng tôi xin phân loại cổ mẫu thành các hình ảnh và các motif, điều này cũng giúp cho vấn đề được trình bày hệ thống và dễ nắm bắt hơn. Trên cuộc hành trình tìm kiếm cổ mẫu trong tác phẩm, chúng tôi hiểu rằng khoảnh khắc “nhìn thấy” cổ mẫu mang đến cho ta một sự trải nghiệm đặc biệt về cảm xúc nhưng điều này không đồng nghĩa với việc nhà nghiên cứu đã nắm bắt được hoàn toàn sự vi diệu của cổ mẫu. Phát hiện cổ mẫu là một cuộc hành trình không có điểm kết thúc, chỉ có những trạm dừng chân, để củng cố tinh thần tiếp tục tìm kiếm nếu chưa “đối diện” hoặc để đắm chìm vào cảm giác hạnh phúc của những lần hạnh ngộ hiếm hoi, rồi sau đó lại tiếp tục với những cuộc thâm nhập mới vào lực hút đa chiều của cổ mẫu.