Những người nông dân thuần chất được phát hiện dưới nhiều góc độ

Một phần của tài liệu NÔNG THÔN VIỆT NAM TRONG CÁC TIỂU THUYẾT TỪ 1986-2000 (Trang 92 - 98)

tâm lí khác nhau làm nên sựđa dạng nhưng cũng đầy phức tạp của cuộc sống sau luỹ tre làng.

Con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội. Tình trạng xã hội chi phối rất mạnh mẽ đến con người. Đất nước có chiến tranh, con người sống theo hoàn cảnh thời chiến. Đất nước hoà bình, yên ổn, con người sống khác. Xã hội đơn giản, bình dị, con người cũng đơn giản, chất phác. Xã hội sôi động, phức tạp, con người cũng phức tạp. Theo từng bước chuyển mình của xã hội, tâm lí, tình cảm của con người cũng dần biến đổi, dần thêm phức tạp.

Ba tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu, Bến không chồng của Dương Hướng, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường phản ánh xã hội nông thôn trong suốt một thời kì dài từ buổi chiến tranh đến lúc hoà bình, nên để khám phá những chuyển biến tâm lí của người nông dân trong những bước chuyển mình của xã hội có lẽ sẽ hứa hẹn nhiều điều thú vị.

Về cơ bản, hầu hết những con người được nói đến trong ba tiểu thuyết này đều mang những đặc điểm thường gặp khi nói về người nông dân, đó là sự thật thà, chất phác, sống tình cảm, yêu mến cuộc sống bình dị, thích sự yên ổn... Đọc ba tiểu thuyết, ta vẫn tìm thấy những đặc điểm ấy trong số đông những con người như chú Vạn, ông bà Khiên, bà Nhân, Nghĩa, Hạnh, Dâu, Thắm, Cúc, Thành... (Bến không chồng); ông bà đồ Khang, Sài, chị Tính...(Thời xa vắng); bà Son, bà Cả, bà Sang, bà Dần, cô Luyến, chú Chỉnh, Đào, Tùng...(Mảnh đất lắm người nhiều ma). Họ thèm khát, yên tâm với một cuộc sống bình dị trong đó vợ chồng cha con được đoàn tụ, sống đạm bạc nhưng vui vẻ bên nhau. Họ luôn cố gắng giữ gìn nề nếp gia phong, truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ. Họ luôn biết điều tiết bản thân mình trong mọi mối quan hệ để đảm bảo tình cảm, sự yên ấm, tránh làm phiền lòng, làm ảnh hưởng tới người khác... Thật vậy. Và trong đời sống thường ngày, những bản chất, tình cảm ấy qui định ở họ một số nét tâm lí thường gặp.

Đầu tiên, có thể kể đó là tâm lí luôn quí trọng và đề cao gia đình mình. Có lẽ, đối với bất cứ con người Việt Nam nào, gia đình cũng luôn là điều thiêng liêng, quan trọng. Với các nhân vật này cũng vậy. Gia đình là lẽ sống của họ. Gia đình là báu vật cần phải nâng niu giữ gìn. Gia đình là thứ mà họ có thể hi sinh tất cả, kể cả bản thân mình để bảo vệ nó. Đó là tâm lí chung.

Đối với những con người chịu ảnh hưởng mạnh nền học vấn nho học thì nét tâm lí này thể hiện cụ thể bằng việc luôn cố gắng giữ gìn nề nếp gia phong, chèo chống gia đình sao cho trên dưới thuận hòa, vui vẻ, đầm ấm. Chẳng hạn như ông Khiên (Bến không chồng), gánh trên vai trách nhiệm trưởng tộc, ông luôn điều hành gia đình theo những nền nếp được coi là chuẩn mực cho xứng với danh tiếng

của dòng họ Nguyễn to nhất làng Đông mà từ trước đến nay luôn được dân làng nể trọng. Có cậu con trai duy nhất là người thừa tự cơ nghiệp của ông cũng như của dòng họ Nguyễn nhà ông, ông ra sức kèm cặp, dạy dỗ văn chương, nhạc, hoạ... với sự kỳ vọng con trai sẽ làm cả nhà, cả dòng họ mở mày, mở mặt. Đến khi con trai có nguy cơ sẽ phải đi bộ đội, dù hiểu rõ trách nhiệm của người dân đối với sự an nguy của tổ quốc, dù không muốn cả gia đình vợ chồng, cha con đều mang tiếng hèn nhát, nhưng ông vẫn phải đau khổ van xin cho Nghĩa được ở nhà, ông sợ nhà ông, dòng họ ông mất người nối dõi, như vậy là có tội với tổ tiên, dòng họ... Hay như ông đồ Khang (Mảnh đất lắm người nhiều ma), cả đời ông nỗ lực để giữ gìn sự gia giáo của gia đình, trên dưới rõ ràng, cha ra cha, con ra con, chồng ra chồng, vợ ra vợ. Ngay cả khi ông thật nể cậu con trai thứ hai vì nó làm lớn, vì nó tiếp thu nền giáo dục mới nên nó quyết đoán, quyết định việc gì cũng lanh lẹ và hợp lý hơn ông..., nhưng trong những vấn đề lớn, ông vẫn tỏ ra là người có quyền to nhất, là người quyết định tất cả. Ví dụ như chuyện lấy vợ cho thằng con trai út ở tuổi lên mười, dù cho em trai và con trai quyết liệt phản đối, ông vẫn bắt Sài lấy Tuyết. Hay khi đánh đuổi Sài vì Sài dám đuổi vợ, dù thương con, xót con đứt ruột nhưng sợ mang tiếng là “họ nhà tôm” với thông gia, với hàng xóm nên ông đành bỏ mặc, không đi tìm..

Tư tưởng nho giáo ăn sâu bén rễ vào đời sống của những người nông dân nên dù già hay trẻ, dù đàn ông hay đàn bà cũng mặc nhiên thừa nhận những đạo lí mà nó vạch ra. Thế nên, bên cạnh những nền nếp được giữ gìn bền vững, cũng có lắm vấn đề nảy sinh. Chẳng hạn như thói gia trưởng. Trong cả ba tiểu thuyết, người đọc đều được chứng kiến cảnh mâm trên mâm dưới ở các gia đình, cảnh những người chồng người cha ngồi ung dung, sai khiến vợ con. Song hành với những cảnh ấy là hình ảnh những người phụ nữ như bà Khiên (Bến không chồng), bà đồ Khang, chị Tính (Thời xa vắng), bà Son, bà Dần, chị Luyến (Mảnh đất lắm người nhiều ma)..., những người phụ nữ này tính cách hiền dữ khác nhau nhưng gặp nhau ở một điểm, đó là đức nhẫn nhịn hi sinh, một lòng cúc cung tận tuỵ cho chồng cho con. Cuộc sống của họ diễn ra đúng như đạo đức nho

giáo truyền thống qui định “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Trong cuộc sống gia đình, họ chịu kiếp dây leo, phụ thuộc hoàn toàn vào người đàn ông của họ, dù rằng họ cũng vẫn tự sống, tự lao động sản xuất với tư cách là những lao động chính trong gia đình. Những bà Khiên, bà Khang, bà Son, chị Tính, chị Luyến cả đời không dám cãi chồng một câu, chỉ nep nép nhìn thái độ của chồng để cư xử cho khéo. Những bà Dần, chị Luyến nghe đồn chồng trăng hoa vẫn giả lả nói cười, cắn răng chịu đựng mà không dám tỏ thái độ gì. Bà Son không yêu chồng, nhưng đã về làm vợ ông, bà vẫn cố im lặng chấp nhận thói gia trưởng, chấp nhận những tính toán bủn xỉn của ông Hàm với vợ con, chấp nhận sự bạc đãi của chồng với gia đình mình, chấp nhận cả những đêm ân ái miễn cưỡng không chút mùi vị tình yêu... Có thể thấy rằng không biết bắt đầu từ bao giờ và đến bao giờ mới kết thúc, nhưng trong suy nghĩ của người phụ nữ Việt Nam nói chung và đặc biệt là những người phụ nữ nông thôn nói riêng luôn có tâm lí cam chịu, nhẫn nhục vì chồng vì con, họ không biết, hay nói đúng hơn là không dám đòi hỏi quyền lợi gì cho bản thân mình. Người ta luôn ca ngợi những điều ấy ở người phụ nữ. Nhưng chính điều ấy lại đem những thiệt thòi, bất hạnh đến cho họ. Nhìn chung, trong những giai đoạn nhất định của lịch sử xã hội thì thói gia trưởng của người đàn ông, sự nhẫn nhịn, cam chịu của người đàn bà chính là biểu hiện cao nhất sự bền chặt của gia đình truyền thống.

Chính từ cái ý thức về gia đình như vậy nên trong con người ta ai cũng có tính ích kỉ, thủ lợi cá nhân, chỉ lo chăm chăm bảo vệ gia đình người thân mà không màng đến người khác, không màng đến lẽ phải, đến đạo đức ở đời. Trong

Mảnh đất lắm người nhiều ma, ông Hàm đã vì những cạnh tranh giữa dòng họ nhà ông với dòng họ Vũ Đình mà táng tận lương tâm đi đào mộ người ta lên để trù ếm cho gia đình đối thủ lụn bại, ba đời không ngóc đầu lên được.

Cô Đào, con gái ông Hàm, biết rõ cha mình sai nhưng vẫn nằng nặc bảo vệ, vẫn sẵn sàng chanh chua với những kẻ buông lời rèm pha, vẫn ương bướng đòi người chú có chức quyền cứu cha mình ra bằng được và kiên quyết từ mặt người

yêu, kẻ đã làm cha mình bị bắt. Cô cũng hùng hổ đòi sấn ra chửi nhau tay đôi với hàng xóm khi bà Dần chửi mẹ cô vu vạ cho chồng bà tội quan hệ bất chính.

Cũng cần nói thêm một chút, khi ông Phúc ngoại tình thật, bà Dần không hề chửi rủa, gây gổ gì với tình địch, chỉ chửi đổng một câu: “Rõ đồ quạ mổ! Không nhịn được nữa hay sao mà đâm đầu đi theo người đã có vợ, cho nó chết!” [trang 97]; vậy mà khi chồng bị vu vạ cho tội quan hệ bất chính, quên cả sĩ diện, không hề xấu hổ, bà ra giữa làng mà chửi. Chứng tỏ bà chửi không phải chỉ để thoả cái ghen, cái tức của bản thân mà bà chửi còn để bảo vệ danh dự gia đình, bảo vệ chồng bà.

Cái tâm lí đề cao quan hệ gia đình trong mọi trường hợp rất phổ biến nên khi em gái làm thủ kho mắc tội ăn cắp thì Nẫm, nguyên phó chủ tịch xã kiêm trưởng ban công an đã dám tuyên bố một câu xanh rờn: “dù mất chức, mất quyền, mất đảng, chứ tôi không cho ai động đến người nhà của tôi” [52, tr.134]. Bởi vậy ở làng ấy người ta luôn tự hiểu với nhau một điều là: “Dân gốc vùng này hễ động đến họ hàng ruột thịt của họ, là họ dễ nổi điên lên lắm” [52, tr.134]. Hiện tượng này diễn ra nhiều ở các làng quê. Chính cái tâm lí bảo thủ ấy khiến cho cuộc sống nơi thôn dã diễn ra vừa rất tình cảm, thân thiện, vừa vô phép tắc, có khi cay nghiệt đến mức vô đạo đức.

Cũng xuất phát từ tính tự tôn gia đình, dòng họ. Người dân quê luôn muốn gia đình mình được xóm làng nể trọng, hoặc ít nhất là không bị khinh thường. Và họ tìm cách để gia đình mình được nể trọng ở các khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Có gia đình tự tôn vinh mình ở góc độ tinh thần, tức là làm cho dân làng ngưỡng mộ truyền thống, nề nếp gia đình, nuôi dạy con cái ngoan ngoãn, thành đạt..., ví dụ như nhà ông Khiên, nhà ông đồ Khang. Có gia đình lại trang sức cho mình bằng sự khá giả, sang trọng với sa-lông, sập gụ, tủ chè, với những bữa cơm cầu kì mang vẻ chuyên nghiệp... như nhà ông Hàm, nhà anh Tính. Với quan niệm “hơn nhau tấm áo manh quần, đến khi ở trần ai cũng như ai” nên không chỉ có những nhà tương đối có tiền có của như nhà ông Hàm, anh Tính thích phô trương mà những gia đình dân chay, chạy ăn từng bữa cũng lo sắm sanh đồ đạc, bởi “đói

mà được ngồi sa-lông gỗ lát cũng vênh vang” và như thế mới “mở mày mở mặt với xóm làng”.

Cuộc sống của người nông dân thuần tuý vốn dĩ gắn bó với con trâu, cái cày, cái cuốc, với đồng ruộng...Mỗi ngày của họ trôi qua bình dị giản đơn, việc nhà ai nhà ấy làm, cơm nhà ai nhà ấy ăn, thỉnh thoảng có việc gì lớn hàng xóm xúm lại đỡ đần nhau chút ít, không bon chen, không vụ lợi... Thế nhưng, từ khi nông thôn mở rộng sản xuất theo mô hình những hợp tác xã nông nghiệp mở rộng với qui mô sản xuất lớn hơn thì xã hội nông thôn có nhiều biến đổi, phân hoá rõ rệt, điều này chi phối rất lớn đến tâm lí, tình cảm của người nông dân. Từ không bon chen, không màng thế sự, họ trở nên tham vọng hơn. Từ lối sống chất phác, đơn giản, họ nảy sinh mánh khoé, sự ti tiện. Những tố chất dân dã dần dần phai nhạt, nhất là trong những con người có trong tay chút quyền hành, địa vị. Trong sự đổi thay của xã hội, cái xóm Giếng Chùa cũng ngỡ ngàng trước những đổi thay của con người. Trước hết là ở những con người nông dân thấp cổ bé họng, chân lấm tay bùn, những con người chất phác, thật thà như đếm ấy đứng trước cuộc sống khó khăn, thóc cao gạo kém đã trở nên mánh khoé, mưu mô. Họ biết trữ lại thóc, không trả nợ cho hợp tác xã trong ngày mùa để giữ lại miếng ăn. Họ biết dùng những câu chuyện tếu để đánh lạc hướng chú ý của nhà cầm quyền, biết nghĩ ra cách gửi thóc vào những nhà giàu có, những nhà có chức có quyền không bao giờ thiếu miếng ăn để che mắt những nhà quản lí nông thôn. Họ đã thay đổi để thích nghi với cuộc sống vốn đang thay đổi, không dễ dàng, thực dụng, thủ lợi cá nhân...Trong làng Giếng Chùa cũng đã xuất hiện những con người đam mê quyền lực, sẵn sàng đạp lên đầu lên cổ người khác, quên đi danh dự bản thân, làm mọi chuyện thượng vàng hạ cám để “giành một cái ghế ngồi không to hơn cái vẩy ốc, chen một chỗ đứng không cao hơn cái đế dép thường ngày” [52, tr.87]. Đấy là những con người như Vũ Đình Phúc, suốt ngày lo thảo đơn từ kiện tụng nhằm hạ địch thủ. Đấy là những con người như Trịnh Bá Thủ suốt ngày lo tính toán, mưu mô để giữ ghế bí thư, để củng cố quyền lực và để khống chế, loại bỏ đối thủ của mình. Thủ không từ một thủ đoạn nào, kể cả những thủ đoạn bỉ ổi nhất để đạt

được mục đích. Hay những người như Trần Văn Sửu, chấp nhận là cái bóng, là tay sai, là con chó phản chủ cũng chỉ vì muốn giữ cho mình một vị trí và nuôi tham vọng có một vị trí cao hơn.

Xuôi theo tiến trình phát triển xã hội, con người thích nghi và tiến tới làm chủ hoàn cảnh, làm chủ xã hội. Chính vì thế mà tư tưởng, tình cảm, tâm lí của con người cũng dần thay đổi để thích ứng với cuộc sống. Dĩ nhiên, đổi mới chưa hẳn đồng nghĩa với hoàn toàn tốt, nhất là sự đổi mới ấy mới đang đi những bước đầu chập chững, dò dẫm. Bên cạnh cái không khí mới, nhịp sống mới, cung cách quản lí và sản xuất mới... khiến con người hoạt bát, khả năng thích ứng cao hơn, chính nó cũng khiến con người trở nên chai sạn hơn, lạnh lùng hơn, hám lợi và hãnh tiến hơn. Nhưng mâu thuẫn là cơ sở của sự phát triển. Những sự phức tạp nảy sinh trong tâm lí người nông dân chính là sự phản ánh những chuyển biến, những phức tạp trong các quan hệ xã hội Việt Nam thời đổi mới, trong đó những cái xấu, cái lạc hậu, những cái làm cho xã hội trì trệ, những con người, những quan điểm không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội sẽ dần bị tẩy chay, loại bỏ. Chính vì thế, xã hội hứa hẹn một thực trạng mới tươi sáng hơn, phát triển hơn. Phải chăng đấy chính là những điều các tác giả Lê Lựu, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường muốn phản ánh.

Một phần của tài liệu NÔNG THÔN VIỆT NAM TRONG CÁC TIỂU THUYẾT TỪ 1986-2000 (Trang 92 - 98)