Quan hệ lao động sản xuất đầy khắc nghiệt

Một phần của tài liệu NÔNG THÔN VIỆT NAM TRONG CÁC TIỂU THUYẾT TỪ 1986-2000 (Trang 35 - 42)

Những thay đổi trong tiến trình lịch sử của đất nước quy định rất lớn đến quá trình phát triển và phân hoá xã hội. Ba cuốn tiểu thuyết đều phản ánh hiện thực nông thôn Việt Nam trong suốt một quá trình dài đầy nhạy cảm của lịch sử: từ khi đất nước mới dành được độc lập, đến giai đoạn xây dựng và kháng chiến thống nhất nước nhà và cả công cuộc kiến thiết xã hội sau khi đất nước hoàn toàn độc lập theo một mô hình mới, mô hình kinh tế tập thể theo định hướng chủ nghĩa xã hội, biểu hiện cụ thể là các hợp tác xã nông nghiệp mở rộng. Sự thay đổi của tình hình lịch sử xã hội, hình thái xã hội, cơ cấu quản lý nhà nước đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển xã hội, đặc biệt là quan hệ sản xuất trong xã hội.

Với đặc trưng là một nước nông nghiệp lạc hậu, lại thêm hơn một ngàn năm chịu sự đô hộ của các quốc gia phương Bắc và thực dân Pháp, nên khi đất nước ta giành được độc lập, trong cái không khí hồ hởi của một quốc gia mới giành được

quyền làm chủ bắt tay vào xây dựng đất nước, khôi phục kinh tế, cũng song tồn không ít những lúng túng, những bế tắc trong việc giải quyết những vấn đề của thời đại.

Bởi trải qua suốt một thời kỳ dài hết chịu sự áp bức của phong kiến đến thực dân nên việc đầu tiên mà nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà làm là tìm cách xóa bỏ tư hữu, xóa bỏ quan hệ chủ tớ tồn tại ở Việt Nam suốt bao đời. Cụ thể là chủ trương phát hiện và đấu tố địa chủ, cường hào ác bá, tay sai... Chủ trương có thể không sai nhưng đường lối thực hiện nảy sinh nhiều vấn đề. Cả nước đã tốn rất nhiều thời gian cho công việc đấu tố, xét xử những người bị kết tội là địa chủ, cường hào ác bá, tay sai. Thậm chí, người ta giao chỉ tiêu cho các địa phương thực hiện. Bao nhiêu tiền của, tài sản đã bị tiêu huỷ, phá bỏ. Biết bao con người đã bị xử bắn. Chưa khi nào như lúc này, người ta hãnh diện về sự nghèo khó, ngưỡng mộ, kính nể sự nghèo khó. Người ta hào hứng, hùng hổ tố những kẻ giàu có bóc lột nhân dân, những kẻ mang cái tội “bán nước hại dân”. Người ta lợi dụng việc đấu tố để thanh toán những ân oán cá nhân với nhà giàu. Và cũng chưa bao giờ lịch sử xã hội Việt Nam lại có thể xoay vần, thay đổi số phận con người nhanh như lúc này như lúc này. Lần tìm trong hai tiểu thuyết Bến không chồng

Mảnh đất lắm người nhiều ma ta sẽ thấy phần nào thực trạng đó.

Đã có một thời kỳ, cái làng Đông (Bến không chồng) do chủ tịch Đột, người trước đây sống bằng nghề đơm rạm, không biết lấy một chữ bẻ đôi, cầm lá đơn còn cầm ngược đứng đầu. Và tối tối, từ người già đến trẻ con trong làng họp nhau lại để ôn nghèo kể khổ, đấu tố địa chủ, phát giác những hoạt động của bọn Quốc dân Đảng. Trong những cuộc đấu tố như thế, người ta đã suy diễn ra nhiều chuyện phản động lớn tày đình: Chuyện Xèng và Xình đi đặt mìn đánh cá nhưng đã bị kết tội đặt mìn phá Cống Linh. Chuyện Xình cho thằng Nghĩa mượn cái thuổng đi đào chuột, thằng Nghĩa nghịch ngợm vẽ cây thánh giá trên đường đi để trêu đoàn rước cha của nhà thờ thượng, rồi lười biếng kéo rê chiếc thuổng trên đường đem trả. Hành động vô tư của đứa trẻ mới mươi tuổi ấy đã vô tình gây tội ác. Vì nó mà Xình bị dân làng kết tội làm tay sai chỉ điểm cho bọn Quốc dân

Đảng. Nhà anh Hinh chỉ vì vội đi họp không kịp hút thuốc lào, thèm quá tiện tay cuốn miếng lá chuối làm kèn, mà lại thổi ngay cổng nhà xóm trưởng, thế là bị dân quân ập đến bắt, thế là bị kết tội Việt gian... Và trong các cuộc đấu tố như vậy, những nhà giàu như nhà địa chủ Hào cũng bị đông đảo nhân dân phẫn nộ, đấu tố. Những kẻ bị “các ông bà nông dân” kết tội là Việt gian, là địa chủ bóc lột nhân dân lao động đều bị chịu một kết cục chung: bị xử bắn. Riêng tài sản của địa chủ thì phân chia cho từng nhà trong làng, tuỳ theo mức độ cống hiến.

Những toà án đấu tố, xét xử những kẻ phản động, cường hào ác bá không chỉ diễn ra ở những người lớn, những con người có lập trường chính trị rõ ràng mà nó còn diễn ra sôi nổi trong cuộc chơi của trẻ nhỏ, những đứa trẻ chưa hề biết phản động là như thế nào? cường hào ác bá là gì? Chúng chỉ biết một điều: cha bị kết tội là địa chủ thì con cũng là địa chủ, và cũng phải bị xử như cha, ông chúng. Chính vì thế mà cháu nội của địa chủ Hào đã bị đám trẻ chăn trâu trong làng đem ra xử tội. Bọn trẻ đã thi nhau “đào tận gốc rễ bọn địa chủ” bằng cách phá tan hoang khu vườn của địa chủ Hào. Sự bài trừ giai cấp địa chủ lúc này diễn ra khắc nghiệt đến nỗi mụ Hơn, người làm dâu con của địa chủ, còn duy nhất một thằng con trai làm chỗ dựa, đã phải khấn lạy mà hứa rằng : “Con cắn cỏ con lạy ông bà nông dân...con hứa với ông bà nông dân cố gắng nuôi dạy nó thành người nghèo khổ” [18, tr.51]...

Rồi như trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma, Vũ Đình Đại bị kết tội là địa chủ chỉ vì “có 5 mẫu ruộng, 3 trâu cày, ngày mùa ngày vụ dám thuê gần chục nhân công làm cho nhanh” [52, tr.26], dù cho tên Đại sống cũng chẳng có gì gọi là xa hoa khác người, cũng ngày hai bữa cơm đèn, làm quần quật như trâu. Nhưng theo nhận định của đội trưởng đội cải cách Hùng Cường, một cán bộ thuộc “thành phần cơ bản”, “bố mẹ đều giai cấp cốt cán”, tức là có cha mẹ thường đi đội thuê đội mướn để kiếm ăn, thì “đấy chính là âm mưu của nó” và “nó làm để ốp những người không có tư liệu sản xuất phải đi làm thuê làm mướn kiếm ăn, nhưng đã bị những tên cường hào như những cái vòi của con bạch tuộc bóc lột đến tận xương tuỷ” [52, tr.26]. Thế là cả làng xúm nhau vào đấu tố, đả đảo. Đến

Phúc, người con trai trưởng, sự kỳ vọng lớn nhất trong những niềm hi vọng của đời ông: Đại – Sang – Phúc – Quý – Lộc – Tài, cùng với vợ nó, đã trở thành người đấu tố ông hùng hổ, đanh thép nhất. Người con trai yêu quý ấy đã xưng “mày – tao” với cha nó để chứng tỏ nó đã dứt bỏ được giai cấp phi vô sản...

Có lẽ nhiều năm sau, dân ta vẫn không hết đau xót về những trang sử u ám này. Và rồi nhiều năm sau ta vẫn không thể không mỉm cười chua xót cho một thời kỳ chuộng cái nghèo, một thời kỳ người ta ra sức làm cho mình nghèo đi, chứng minh sự khốn khó của mình cho hợp thời đại. Cũng nhiều năm sau nữa, dân tộc ta vẫn chưa hết ám ảnh về cái thời buổi “nhiễu nhương, trắng đen lẫn lộn, cóc ngoé nhảy lên làm người”, để cho những kẻ ngu dốt như chủ tịch Đột, những kẻ đạo đức giả, hoang dâm như đội trưởng Hùng Cường được thời vinh danh; và cũng có biết bao người như địa chủ Hào, Vũ Đình Đại... bị chết oan, bị phế bỏ, chịu ngang trái dưới tay những người lãnh đạo như thế. Chủ trương xoá bỏ sự phân biệt giai cấp bị những con người có trình độ quá hạn chế triển khai, thành ra, xã hội đã phân hoá lại càng phân hoá, đã phức tạp lại càng thêm phức tạp. Cũng may, cái buổi nhiễu nhương ấy diễn ra trong một thời gian không quá dài. Người ta đã dần nhận ra kẻ không biết một chữ bẻ đôi không thể nào lãnh đạo được chính quyền. Người ta cũng nhận ra rằng với một người lãnh đạo giỏi, tiêu chí đầu tiên để đánh giá họ không phải là họ có thực sự “vô sản” hay không, thực sự ... trắng tay, thực sự nghèo không, mà là họ làm được những gì cho cộng đồng.

Sau cái thời khủng hoảng đầy đen tối ấy của lịch sử nước nhà, nhà nước ta tiến hành cải cách ruộng đất, áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung theo hình thức hợp tác xã. Mỗi gia đình được phân chia một chút đất phần trăm để trồng màu, còn ruộng đất là của hợp tác xã. Mục tiêu của việc xây dựng hợp tác xã là muốn xoá bỏ hình thức kinh tế cá thể và tư hữu trong lao động sản xuất. Ở các làng, các xã, người ta đi làm theo tiếng kẻng của hợp tác xã, làm chung, cuối mùa thu hoạch chung và chia sản phẩm theo công điểm. Bởi thế, hàng ngày người ta đi làm đông vui như đi hội, và cũng đủng đỉnh như đi hội. Chẳng thế mà cánh đồng làng Hạ Vị (Thời xa vắng) quanh năm ròn rã tiếng cười, tiếng nói. Mỗi ngày

người ta ra đồng làm việc theo qui củ giờ giấc của hợp tác xã. Và vì thế, sau mỗi bữa sáng và trưa, trong mỗi gia đình, ta sẽ thấy hai thái độ lao động hoàn toàn khác nhau: “Ai làm đất “phần trăm” thì tự ý mà ra ruộng ngay. Ai theo công điểm với đội ra ngồi ở bờ tre đầu nhà ông đồ Khang tập trung. Cũng như mọi ngày, mọi buổi, phải chờ đợi tiếng rưỡi, hai tiếng đồng hồ những người đến trước thả sức tán chuyện trên giời và dưới đất, chuyện thanh cao và chuyện trần tục đến lúc van vãn mới tập trung đầy đủ theo người trong ban chỉ huy đội đi làm công việc gì đó. Cả khi đi và về làm công việc gì được nhiều hay ít còn phải làm nữa hay không, đã có “ông đội”. Không biết. Chỉ biết cười đùa và tán tỉnh” [30, tr.113]. Đúng là “cha chung không ai khóc”. Đất riêng thì làm tất bật, chăm chỉ, không đợi ai phải nhắc, phải thúc, không kể giờ giấc sớm muộn. Còn khi làm ruộng công thì đủng đỉnh, làm cho có để lấy công điểm. Thế nên, cái làng ven đê phù sa màu mỡ mà lúc nào cũng quẩn quanh với khoai, dong luộc, bánh đúc ngô... Thế nên, cái xã này, huyện toàn phải ra tay vực nó dậy, giúp đẩy nó “đi lên” và trong báo cáo của xã cũng không năm nào chịu “đi xuống”. Sự quan liêu và bệnh “thành tích”, “lạc quan tếu” trong quản lí và đánh giá tình hình địa phương đã khiến cho làng xã không thể tiến bộ lên được ở tất cả mọi mặt, đặc biệt là mặt kinh tế. Đấy là một thực trạng không chỉ tồn tại trong một thời kỳ mà tồn tại lâu dài, thậm chí, cho đến tận ngày nay. Cũng là phát triển theo hình thức hợp tác xã, nhưng xóm Giếng Chùa (Mảnh đất lắm người nhiều ma) đã bước sang một trang khác, chủ động hơn, tích cực hơn. Đấy là một xã hội nông thôn trong thời kỳ mới, đất nước hoàn toàn thống nhất, đang triển khai theo định hướng xã hội xã hội chủ nghĩa. Lúc này, các hợp tác xã vẫn tồn tại nhưng đóng một vai trò hoàn toàn mới. Ruộng đất đã được giao trực tiếp đến tay nông dân theo hình thức khoán sản phẩm, người nông dân làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít, hợp tác xã chỉ đóng vai trò định hướng, quản lý chung, thu thuế ruộng đất của nông dân theo mùa vụ. Chính vì thế, đời sống của nông dân cũng được tương đối khởi sắc. Họ được làm, được sống bằng chính công sức mà họ bỏ ra và thành quả lao động mà họ đạt được. Vì thế trong làng có người giàu, người nghèo, chứ không còn tình trạng “nghèo đều” nữa. Và cũng vì thế mà

cơ cấu xã hội trở nên phức tạp hơn, quan hệ trong cơ cấu lãnh đạo chính quyền và giữa chính quyền với nông dân nảy sinh nhiều tiêu cực, mâu thuẫn.

Những năm sau chiến tranh, ruộng đất bị thu lại làm tài sản chung, làm chung, hưởng chung. Sau này đổi mới, người ta lại đem phân chia ra cho từng hộ gia đình. Và vì thế, bao nhiêu ruộng đất hương hoả cha ông để lại của các gia đình đã thuộc về tay người khác. Khi thực hiện chủ trương triệt tiêu sở hữu cá nhân, việc biến tài sản, mồ hôi nước mắt của gia đình, tổ tiên mình thành tài sản chung của cộng đồng, những người nông dân dù không thực sự tán đồng nhưng vẫn có thể miễn cưỡng chấp nhận. Nhưng khi nhà nước đã giao trả lại đất mà họ vẫn bị mất đi những thửa ruộng hương hoả, những thửa ruộng “thượng đẳng điền” cha ông họ để lại thì dễ mấy ai chấp nhận. Chính vì thế, những xung đột quanh chuyện ruộng đất ở các thôn xã liên tục xảy ra. Người giàu có giành lại đất để khỏi có lỗi với tổ tiên ông bà. Người nghèo khổ giành lại đất để giành lại bát gạo, giành lại miếng ăn... Vì mảnh đất hương hoả ấy mà Trịnh Bá Hàm giàu có, già gần sáu mươi tuổi phải đích thân ra tay xô xát để đòi lại. Cũng vì miếng đất “thượng đẳng điền” được hợp tác xã phân nay có kẻ đòi lại mà một người mẹ liệt sĩ trước giờ không gây gổ cùng ai nay phải đôi co, lời qua tiếng lại giữa đông đảo bà con đang chứng kiến. Vì mối lợi ấy mà người dân phẫn nộ buộc phải lên án chính quyền cái tội: “bao nhiêu ruộng tốt là cán bộ với những người thân tín giấm dúi chia nhau, còn lại đầu trâu mõm bò để lại cho dân” [52, tr.431]... Mà những lời tố cáo của dân đều là sự thật. Thậm chí sự thật còn to lớn, bê bối hơn nhiều. Bởi cán bộ xã không chỉ ăn chặn, bớt xén của nông dân, những người còn đang sống, đang lao động sản xuất, mà còn ăn chặn, bớt xén phần người chết. Đấy là việc cắt xén gạo hỗ trợ cho gia đình chính sách, không gia đình chính sách nào trong xã nhận được số thóc hỗ trợ ấy, trừ những nhà có người làm lãnh đạo “mỗi suất liệt sĩ được 632 đồng một tháng nhưng lại lĩnh theo quý. Còn số thóc mua theo giá điều hoà, theo chính sách ưu tiên, thì làng này chỉ có nhà ông Bỉnh được mua đầy đủ vì ông có thế ở anh con cả hiện đang là trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ” [52, tr.72]. Và nếu như khách trên tỉnh, trên huyện về hỏi thăm tình hình đền ơn đáp nghĩa ở địa phương

thì cán bộ xã cũng chỉ “đưa đến nhà ông Bỉnh vì ở đấy nhà cửa khang trang, còn những gia đình liệt sĩ khác đã túng bấn quá, lại thóc ưu tiên cũng bị cắt đầu cắt đuôi, nên những ông bà ấy thường hay nói ngang cành bứa với xã” [52, tr.72] nên cấp trên không thể biết được thực chất tình hình địa phương. Hơn thế nữa, cán bộ xã còn nhập nhằng biểu thuế diện tích đất canh tác giáp ranh giữa trung du và đồng bằng vì mức thuế giữa hai vùng chênh lệch khá cao, “một mét vuông của đồng bằng đóng cao hơn một mét vuông của trung du đến bốn lạng thóc” [52, tr.286], để tham ô số thóc dôi ra, kiểu tham ô này vừa tinh vi, vừa hợp pháp; cán bộ xã cũng chỉ đạo cho thủ quỹ lấy tiền của xã đem chia ra gửi tiết kiệm cho mỗi cán bộ xã một sổ để hưởng lãi hàng tháng; ngoài ra, còn tham ô tiền thuỷ lợi, tiền trại giống... Có thể thấy, ở cái xóm Giếng Chùa này, ai có quyền là có tiền, ngay cả những con người như Quàng bình thường cũng bóc ngắn cắn dài nhưng “kể từ ngày Quàng được giữ chân quỹ tín dụng của xã thì khấm khá dần lên” [52, tr.9]. Nhìn chung, bề nổi của xóm Giếng Chùa thật thanh bình, nhưng trong nó chất chứa bao mâu thuẫn, bất hoà. Mâu thuẫn giữa nông dân với chính quyền và cả mâu thuẫn trong nội bộ lãnh đạo.

Trong nội bộ lãnh đạo, tư tưởng bè phái nảy sinh và phát triển mạnh mẽ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó. Một mặt, do sự ăn chia không đều

Một phần của tài liệu NÔNG THÔN VIỆT NAM TRONG CÁC TIỂU THUYẾT TỪ 1986-2000 (Trang 35 - 42)