Con người ở mọi thời đại đều luôn mang một khát khao có một vị trí nhất định trong xã hội, một vị trí có thể đem lại những quyền hành, lợi ích cho bản thân và khiến người khác phải nể trọng, ngưỡng mộ. Dân gian có câu: “Một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp”, hay: “đầu gà còn hơn đít voi”...Trong cái gọi là tinh thần tiểu nông tồn tại ở nông thôn Việt Nam từ xưa tới nay thì tâm lý trọng vọng kẻ có chức có quyền lại càng thúc đẩy người ta cố gắng phải dành được một vị trí nào đấy trong chính quyền. Mỗi dòng họ đều phấn đấu có càng nhiều người nằm trong cơ cấu cán bộ ở địa phương càng tốt. Vì thế nảy sinh đua tranh. Vì thế nảy sinh thủ đoạn. Vì thế họ chia bè phái. Vì thế họ tìm cách thanh toán, hạ bệ nhau...
Tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma đã phản ánh cực kỳ sinh động cuộc đấu đá không ngừng để tranh giành quyền lực ở xóm Giếng Chùa. Cuộc đấu đá ấy diễn ra triền miên từ đời này sang đời khác giữa hai dòng họ Trịnh Bá và Vũ Đình.
Trước là cuộc tranh giành địa vị giữa Trịnh Bá Hoành và Vũ Đình Đại. Hai con người này dồn tất cả vật chất lẫn tinh thần để tranh nhau “chuyện đất, chuyện chức, cái chức lý trưởng dù nhỏ, nhưng đấy là chuyện danh dự, là chuyện được thua giữa hai dòng họ, là phân đầu gà má lợn, là chỗ ngồi chiếu nhất giữa đình làng” [52, tr.30]. Cuối cùng, chiến thắng thuộc về Vũ Đình Đại, dù chỉ được một thời gian ngắn. Còn Trịnh Bá Hoành thì nhà gỗ, ruộng thượng đẳng điền, lợn đàn, trâu nái... ra đi gần hết, cái còn lại là một nỗi hận, nỗi căm thù tột đỉnh dành cho địch thủ.
Hai người cha hết thời không chỉ truyền lại cho đời con mối thù dằng dẵng ấy, mà còn truyền lại cho con nguyên vẹn tính háo thắng, niềm đam mê quyền lực. Sau hai người cha đến hai người con, Trịnh Bá Thủ và Vũ Đình Phúc, những con người được xem là bộ não trí tuệ của cả họ. Ta hãy theo dõi con đường tiến thân của hai con người này.
Vũ Đình Phúc đã từng tham gia du kích và làm bí thư đoàn thanh niên toàn xã. Để đảm bảo vị trí của mình, thời cải cách ruộng đất, Phúc đã phải từ bỏ rất nhiều thứ để chứng tỏ “mình không bị giai cấp địa chủ nhuộm đen”. Phúc thoát ly gia đình, ly khai nguồn gốc xuất thân và đứng ra đấu tố chính cha đẻ của mình. Cha của Phúc, ông Vũ Đình Đại, bị kết tội là: “tên địa chủ có 5 mẫu ruộng, 3 trâu cày, ngày mùa ngày vụ dám thuê gần chục nhân công làm cho nhanh. Mặc dù tên Đại cũng hai bữa cơm đèn, làm quần quật như trâu, nhưng đấy chính là âm mưu của nó, ta không được mơ hồ lẫn lộn, vì nó làm để ốp những người vô sản không có tư liệu sản xuất phải đi làm thuê làm mướn kiếm ăn, nhưng đã bị những tên cường hào như những cái vòi của con bạch tuộc bóc lột đến tận xương tuỷ. Ta phải vạch trần tư tưởng đen tối của chúng ra.” [52, tr.26]. Và, khi đội cải cách tiến hành đấu tố tên địa chủ Đại, vợ chồng Phúc đã rất tiến bộ, “ có tinh thần kiên quyết dứt bỏ được giai cấp phi vô sản, tự nguyện phục vụ sự nghiệp của giai cấp công nông.”, đứng ra đấu tố cha mình cực kỳ sôi nổi. Phúc thì dõng dạc hỏi cha: “Địa chủ Đại, mày có biết tao là ai không?”. Còn vợ Phúc thì “cái mỏ liềm cứ mổ trước mặt Vũ Đình Đại, vừa mổ chị vừa kể tội bọn chúng đã bóc lột đè nén mình ra sao” [52, tr.26-27]. Hơn thế nữa, Phúc còn phải luôn “bám riết đội trưởng Hùng Cường”, phải đứng ra bảo vệ đồng chí Hùng Cường, kiểm điểm đám thanh niên tếu táo đã bàn luận chuyện: “bắt gặp đồng chí Hùng Cường đi sâu đi sát quần chúng, đến bắt rễ với cô Tý con bà Tẹo ở cuối xóm. Nhà chỉ có hai mẹ con, bà Tẹo lại vừa hỏng mắt lẫn hỏng tai, chỉ có cô Tý tuy xấu người nhưng được cái phốp pháp, dễ dãi. Họ bảo thấy đồng chí Hùng Cường đến bắt rễ cốt cán để tìm hiểu tình hình của làng, đã ăn cơm thịt gà rồi ngủ luôn ở đấy đến sáng hôm sau đi cổng ngách về trụ sở” [52, tr.25]. Nhờ thế Phúc thăng tiến và đã làm đến chức chủ
nhiệm xã . Sự thăng tiến của Phúc được đổi bằng cả cái chữ “hiếu” to lớn của một gia đình nho giáo. Sự thăng tiến ấy còn được đánh đổi bằng cả nhân cách, đạo đức của một người thầy giáo. Nhưng Phúc tình nguyện đánh đổi, hài lòng về sự đánh đổi ấy, bởi “thời bấy giờ nó nhiễu nhương, trắng đen lẫn lộn, cóc ngoé nhảy lên làm người! Muốn có chỗ đứng thì phải biết lựa” [52, tr.29]. Thế mới biết, để có chỗ đứng trong xã hội, để đạt được một chức vị nào đó, con người ta có thể dễ dàng chấp nhận từ bỏ hàng ngũ con người để đứng xuống hàng cóc ngoé.
Còn Trịnh Bá Thủ chật vật mãi mới vào Đảng, bởi “có điều tiếng trong thời gian yêu đương”và dám “vặn vẹo cãi lí với cả Đảng uỷ” để trình bày ý kiến, quan điểm của mình, nên Thủ nghiệm ra một điều: “Thái độ, cái điều tưởng là nhỏ nhặt, nhưng nhiều anh đã bị mờ đời chỉ vì thái độ” [52, tr.156]. Chính vì vậy, Thủ đã cực kỳ thận trọng, khôn khéo từng bước đi lên: “Vừa học xong một khoá đào tạo cán bộ cho cơ sở, thì đúng dịp xã đại hội Đảng bộ. Thế là hắn lao vào làm đủ mọi việc thượng vàng hạ cám. Từ việc trang trí, lên huyện mời đội bóng, rồi tiếp khách ở xa, giúp ông Đáng bí thư viết báo cáo. Chỗ nào người ta cũng gọi anh Thủ, đồng chí Thủ, việc này lại phải đồng chí Thủ! Hắn có mặt ở khắp mọi nơi, kể cả việc nấu nướng, hắn cũng sắn tay nhảy vào chỉ đạo. Thế là ai cũng trầm trồ: Anh Thủ vừa đi học một năm rưỡi ở trường Đảng tỉnh về đấy. Đến là giản dị, xông xáo và quần chúng quá thể. Hắn đã tự quảng cáo trước khi bầu ấy mà! Trong đại hội ấy, chỉ trừ hắn còn tất cả những người ở Giếng Chùa đều mất phiếu. Thế là hắn muốn nói hắn là bộ óc của cả Giếng Chùa chứ gì?” [52, tr.394]. Dường như vì con đường đến với địa vị của Thủ không được suôn sẻ nên hơn ai hết, Thủ ý thức rất rõ giá trị của “góc chiếu giữa làng”.
Thủ và Phúc, mỗi người có một cách tiến thân khác nhau, nhưng cả hai đều có niềm khát vọng cháy bỏng về quyền lực. Vì thế, họ “chiến đấu” với nhau. Chiến đấu cho bản thân. Chiến đấu vì danh giá dòng họ mình.
Cuộc chiến ấy mở đầu khi Trịnh Bá Thủ và họ hàng vận động cho Thủ trúng chức bí thư xã, còn Vũ Đình Phúc mất ghế chủ nhiệm cùng với chân Đảng uỷ. Nó diễn ra cả trong suy nghĩ lẫn hành động. Bị phế truất, Vũ Đình Phúc lồng
lộn cay cú. Việc đầu tiên mà Phúc làm là tìm mọi cách phải đón bằng được người cha đã từ mặt Phúc từ khi bị vợ chồng Phúc đấu tố, bởi “phe cánh nhà Trịnh Bá đang lăm le chiếm hết quyền hành cái xã này. Nó dám nói chi họ Vũ Đình quanh năm lục đục thì còn lãnh đạo ai!” [52, tr.20]. Tiếp theo đó, Phúc và phe cánh luôn theo dõi, thu nhặt thông tin để chống đối và kiện cáo Thủ. Những lá đơn liên tiếp được gửi lên huyện tố cáo chính quyền xã: từ việc chôn cất lão Quềnh – một người cô quả – không cẩn thận; đến việc cấp thóc ưu đãi cho gia đình chính sách không đầy đủ; đến việc quản lý, sử dụng tiền quỹ của xã không minh bạch; đến việc gộp các xã lại để hưởng phần lợi nhuận do nhập nhằng giữa hai mức thuế khác nhau... Dĩ nhiên chính quyền xã ở đây là Thủ, do Thủ đứng đầu, do Thủ chỉ đạo. Và, dĩ nhiên, Thủ đoán dược những lá đơn ấy là của “tay Phúc chứ ai”. Với cái đầu khôn ngoan, bình tĩnh có thừa, Thủ đã lần lượt bẻ gãy từng âm mưu của Phúc. Tố cáo ngược đãi cái chết của người cô quả thì Thủ cho đào lên chôn lại. Tố cáo việc sử dụng tiền quỹ xã gửi tiết kiệm lấy tiền lãi chia cho cán bộ xã, Thủ trả lại tiền và giải thích là cho mượn tên cá nhân để thu lợi cho địa phương. Việc thu thuế nhập nhằng, Thủ lôi luôn Phúc vào, vì Phúc cũng từng làm chủ nhiệm... Thậm chí, sau cái vụ ông Hàm đào trộm mả, Thủ sính quýnh, tưởng đâu không gỡ nổi rắc rối, vậy mà Thủ đã khiến Phúc gậy ông đập lưng ông, phải tự nguyện rút đơn tố cáo về để tránh bị làm rùm beng chuyện gặp gỡ một cách “không trong sáng” với bà Son, mà người đạo diễn buổi gặp gỡ ấy lại chính là Thủ. Dù cho phe của Phúc có thêm ba đảng viên kì cựu là hai người em rể của Phúc mới về hưu và Tùng, thằng cháu mới giải ngũ về địa phương thì sức mạnh vẫn thuộc về Thủ. Bởi Thủ đang có thực quyền trong tay.Chỉ cần một cái nhíu mày, chau mặt, một câu nhắc nhở mát mẻ của Thủ cũng khiến bao kẻ cuống cuồng lo lắng, run sợ. Đến nỗi, người ta khiến Thủ hình thành một thói quen thưởng thức uy quyền của mình: “Hằng ngày đến đây là Thủ có niềm thích thú là được nhấm nháp, được ngắm vuốt cái quyền của mình nó hiện ra qua những săn đón, cung phụng ở xung quanh”. Với Thủ, “có khi nhấm nháp quyền lực nó còn râm ran thấm thía hơn cả ăn nhậu” và sự kính nể, cung phụng của mọi người xung quanh chính là “bầu
không khí để anh hít thở”.
Nhìn chung, hai con người này tìm ra mọi chuyện, dù to dù nhỏ, sử dụng làm vũ khí thanh toán, loại trừ nhau. Hết những chuyện liên quan đến việc công, họ lấy cả chuyện riêng, lấy người thân ra phục vụ cho cuộc chiến của mình. Nạn nhân của họ là bà Son, người tình cũ của Phúc, chị dâu của Thủ. Lợi dụng mối thâm tình cũ của chị dâu, Thủ yêu cầu bà Son gặp Phúc để xin tha tội cho ông Hàm. Nhưng, Thủ đã lợi dụng cuộc gặp gỡ này để vu cho Phúc tội quan hệ bất chính, ép Phúc phải đứng ra xin thả anh mình. Không những thế, để loại bỏ Phúc hoàn toàn trong bộ máy chính quyền xã, Thủ đã bàn với ông Hàm ép bà Son đứng ra tố cáo Phúc nài ép bà quan hệ bất chính. Sợ bà Son không làm điều dối trá, Thủ đã cùng Cao, phó công an xã, cháu vợ của mình đón đường giả làm ông Phúc tìm cách cưỡng đoạt bà Son trong đêm tối để trả thù tội vu vạ. Hành động ấy của Thủ đã đẩy người chị dâu tìm đến cái chết vì nhục, vì uất ức. Vì mải mê bảo vệ cái ghế của mình, Thủ không ngờ mình đã giết người, mà người đó chính là chị dâu của Thủ. Đúng là “ trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết”. Những con người lãnh đạo chính quyền đánh nhau, những con người trụ cột của hai dòng họ đánh nhau, những người đàn ông đường hoàng, nho nhã đánh nhau; để một thân phận mỏng manh, liễu yếu như bà Son gánh lấy mọi ấm ức, bất hạnh. Cái chết oan của bà Son gây một chút day dứt cho Thủ. Cái chết của bà Son gây một chút bàng hoàng cho Phúc. Thế nhưng, cái ấy chưa có tác dụng thức tỉnh, chưa làm chấm rứt cuộc chiến khốc liệt giữa hai con người này. Trái lại, thù càng thêm thù. Ông Phúc vẫn miệt mài với những toan tính cùng hai người em rể và những lá đơn nặc danh tố cáo, khiếu nại Thủ và lãnh đạo xã. Thủ thì như con hổ rình mồi, lúc nào cũng sử dụng tiếng cười và cách nói đầy thuyết phục của mình để làm chủ tình thế, chờ con mồi sơ hở mới nhảy lên chộp. Thủ và Phúc, cả hai đều làm những việc không trong sạch và lợi dụng việc triển khai nghị quyết 04 – nghị quyết làm trong sạch Đảng – để hạ bệ nhau. Những việc này dân làng Giếng Chùa ai cũng biết. Mối thù giữa hai dòng họ ai cũng biết. Mối hiềm khích giữa Thủ và Phúc ai cũng biết. Nhưng ai cũng sợ vì đấy là hai con người thuộc hai phe mạnh trong làng. Cuộc chiến giữa
họ là một mất một còn, dân làng chỉ biết chứng kiến và dạt theo chiều gió. Khi những người trẻ tuổi như Tùng, Đào, Minh, những người thuộc thế hệ con cháu, thức tỉnh trước những mưu mô xảo quyệt của người lớn, họ đã quyết định vào cuộc. Dù Tùng bị những kẻ lạ mặt chặn đường đánh cho một trận lên thân, nhưng đến cuối cuốn tiểu thuyết, người đọc vẫn có thể hình dung được kết cục của hai con chiến mã bất kham đã đến lúc hết thời.
Ngoài những nhân vật kể trên, một số nhân vật khác trong cuốn tiểu thuyết này cũng rơi vào sức quyến rũ mãnh liệt của vầng hào quang quyền lực. Đó là Cao, phó trưởng công an xã, cháu vợ, kẻ sai vặt đắc lực cuả Thủ. Được ông chú đặt vào cái ghế ấy, Cao rất hãnh diện. Để thêm phần oai vệ, Cao đã tự đầu tư cho mình xe máy, quần áo, kính, mũ...Và bất cứ khi nào có công việc thì “dù vội mấy, Cao cũng phải đóng đúng mốt một nhà chức trách rất bảnh. Bộ bò mốc mua đến hai nồi thóc, mũ lơ-vít, kính râm mắt to, giày cao cổ, súng ngắn đeo trễ bên hông. Có hôm lại cố ý không cần bao, mà giắt khẩu súng đen sì dưới bụng, rồi nhảy lên chiếc Ba-bét-ta đã tróc hết cả sơn lẫn mạ, vậy mà vẫn phải đổi hết bốn tạ thóc giữa lúc gạo đắt như vàng, khiến cả mẹ và vợ Cao như bị cắt từng khúc ruột” [52, tr.224-225], lại còn kèm theo cuốn sổ có ghi chữ “mật”. Cao luôn tự hào về “cái dáng hiên ngang của người cầm pháp luật, mà vẫn đủ dáng dấp một thám tử trong những phim phản gián giật gân” [52, tr.225] khiến cho “vô số những gã trai làng nhìn Cao thèm muốn”. Những gì Cao có khiến ta có cảm giác anh ta như một Đông-ki-sốt của xóm Giếng Chùa.
Đó là ông Sửu, “trai, cò đánh nhau ngư ông đắc lợi”, Sửu trúng chức chủ tịch xã là nhờ hai họ Trịnh Bá và Vũ Đình muốn loại bỏ đối thủ nên dồn phiếu cho kẻ thứ ba. Dù trình độ quản lí kém, dù luôn chịu chi phối bởi Thủ, dù không có thực quyền, nhưng anh chàng ngụ cư gặp may ấy vẫn bị say tước vị. Chịu ơn đề bạt của Thủ, nhưng một mặt, Sửu tuân thủ, cúc cung tận tụy với Thủ, mặt khác lại tìm mọi cách thoát ra khỏi sự chi phối của Thủ, thậm chí hạ uy tín của Thủ bằng những thông tin ỡm ờ, vu vơ. Nhân vụ anh em Thủ đào trộm mả, Sửu cố gắng góp phần hạ bệ Thủ, nhưng khi Thủ bình an, Sửu lại tiếp tục săn soe lấy
lòng. Sửu như một con chó hư bên Thủ, sẵn sàng ve vẩy đuôi mừng nhưng cũng không biết nhảy vào cắn chủ khi nào.
Cũng là khát vọng về quyền lực, nhưng không phải là thứ quyền lực cụ thể, thứ quyền lực dùng để sai khiến, chèn ép người khác, tiểu thuyết Thời xa vắng và
Bến không chồng đề cập đến một loại khát vọng quyền lực khác, quyền lực mang ý nghĩa danh dự, danh vị.
Anh cu Sài trong Thời xa vắng rất ghét vợ. Sài tìm mọi cách để không ăn chung với cô vợ của mình. Bất đắc dĩ phải ngồi chung mâm, nhất định Sài không ngồi đối diện với vợ. Bát tương nào Tuyết chấm thì Sài không chấm mà tìm bát rót tương khác chấm riêng. Và tối tối, khi có một mình với “con bé ấy”, khi trước mặt không còn quyền lực đáng sợ nào nữa, thì Sài kiên trì hoặc không chịu ngủ trong cái buồng ấy, hoặc có bị khoá trái của cũng nhất quyết nằm dưới đất dăm