II- Hệ thống thuế đối với người lao động
2.3.2. Nguyên nhân của những tồn tại trong việc sử dụng công cụ thuế
Khi sử dụng công cụ thuế, Nhà nước đã không ngừng cải tiến, sửa đổi và bổ sung nhưng chưa thể hoàn thiện. Trên thực tế những tồn tại và hạn chế này xảy ra rất đa dạng, nguyên nhân của những tồn tại đó là:
- Trình độ quản lý trong quản lý nhà nước đối với các DNNQD còn chưa thống nhất. Vai trò quản lý nhà nước đối với DNCNNQD ở Việt nam hiện nay chưa được thực hiện đồng bộ. Thực tế cho thấy chủ trương đúng nhưng chính sách và các vận hành chưa
đúng sẽ không phát huy hiệu quả. Nghị quyết trung ương 5 khóa IX đã đưa ra chính sách kinh tế nhiều thành phần trong tiến trình đổi mới, huy động tốt nhất mọi tiềm năng trong cả nước. Trên cơ sở đó Bộ Tài chính đã đưa ra kế hoạch cụ thể như:
Tạo điều kiện thuận lợi cho huy động nguồn lực từ bên ngoài mang lại cho nền kinh tế nước ta phát triển. Mọi giải pháp thuế và tài chính phải hàm chứa và tính đến các yếu tố chính trị, kinh tế xã hội, xuất phát từ cuộc sống và phải giải quyết những vẫn đề của cuộc sống đặt ra. Công tác tài chính phải bám sát thực tế, mọi giải pháp tài chính cần được thực tế kiểm nghiệm và đánh giá. Cần nhanh nhạy, linh hoạt triển khai và điều chỉnh các chủ trương, giải pháp tài chính, đồng thời cân nhắc và tính toán mọi yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội trong từng giải pháp, từng quyết sách. Hoạch định chính sách thuế và chính sách tài chính quốc gia là một nghệ thuật [38].
Mặc dù vậy, những nguyên nhân trong quá trình vận hành đã nảy sinh là:
+ Bước đầu hệ thống luật được ban hành đã phát huy hiệu quả nhưng chế tài chưa cao. Các doanh nghiệp vẫn làm ăn chụp giật, lách luật, trốn thuế, lợi dụng ưu đãi của Nhà nước để kiếm lời.
+ Các cơ quan quản lý nhà nước vẫn cồng kềnh và không thực sự chuyển đổi mục tiêu quản lý nhà nước theo đúng chức năng, trách nhiệm do thiếu tính linh hoạt.
+ Các công cụ của quản lý nhà nước về kinh tế chưa thống nhất, chức năng định hướng rõ ràng nhưng chức năng quản lý còn quan liêu, chồng chéo. Các công cụ không phát huy hết hiệu quả của chúng. Đa phần các công cụ tiền tệ giá cả, tiền lương còn bấp bênh. Nhiều vụ vi phạm về kinh tế của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh xảy ra rất nghiêm trọng.
+ Môi trường kinh doanh còn bất ổn, tiềm năng chưa khai thác hết, nhiều lúc và nhiều nơi còn duy trì cung cách quản lý cũ hoặc có xu hướng buông xuôi quản lý. Tình hình quản lý nhà nước đối với thành phần kinh tế NQD dễ nhận thấy nhất thông qua các con số thống kê về tình hình tăng trưởng và phần đóng góp vào ngân sách của thành phần kinh tế này. Thành phần kinh tế này chiếm hơn 90% số cơ sở sản xuất, 60% tổng sản phẩm
xã hội nhưng lại đóng góp chưa đến 20% cho NSNN. Do đó việc quản lý nhà nước đối với thành phần kinh tế NQD còn rất yếu.
- Chế độ đãi ngộ và bồi dưỡng các cán bộ quản lý nhà nước, đặc biệt là các cán bộ ngành thuế vẫn chưa thỏa đáng. Nhiều vụ gian lận thuế, trốn thuế có sự tiếp tay hoặc câu kết giữa DN và cán bộ thuế. Chính vì vậy, Nhà nước cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng hơn cho đội ngũ cán bộ ngành thuế. Phải có chính sách thu hút người có đức, có tài nhằm đảm bảo đội ngũ ngành thuế nghiêm minh; bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ cho cả Nhà nước lẫn các DN. Mọi thành bại đều do con người quyết định. Chế độ đãi ngộ tốt sẽ có tác dụng phát huy bản năng trong sáng và tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ ngành thuế và các cán bộ quản lý, do đó chính họ sẽ trở thành những tế bào tạo nên bộ máy quản lý tốt. Như vậy, Nhà nước mới thực hiện được các chủ trương chính sách đúng đắn của mình và thúc đẩy kinh tế phát triển. Đội ngũ cán bộ đó mới tạo dựng chiến lược tài chính quốc gia có mục tiêu, định hướng rõ ràng, với những giải pháp tài chính mang tính tổng thể, liên hoàn, đồng bộ hơn. Chủ trương của Đảng ta là đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước nhưng cụ thể hóa phải bằng các chiến lược bộ phận như chiến lược tài chính, chiến lược kinh tế v.v...
Lực lượng cán bộ ngành thuế vừa chuyên sâu vừa có tâm huyết với nghề bằng các công việc thể hiện qua chủ trương của ngành như sau:
Những chiến lược cụ thể phải mang tính đồng bộ. Trong mọi hoàn cảnh phải kiên trì tính chiến lược, thiết lập cho được hệ thống tài chính tiền tệ, các loại thị trường và đặc biệt là thị trường vốn năng động, an toàn, hiệu quả. Giải pháp tình thế phải nằm trong chiến lược tổng thể và phải phục vụ cho mục tiêu chiến lược. Tuyệt đối không vì những chính sách tài chính cụ thể trong động viên thu nhập, trong chi tiêu ngân sách, trong tài chính doanh nghiệp... làm phá vỡ cơ cấu, định hướng, chiến lược. Do đó, phải luôn chủ động trong vị thế mới, lựa chọn những mục tiêu cụ thể cho phép khai thác tốt nhất mọi lợi thế so sánh của đất nước. Mục tiêu lâu dài của chính sách thuế là động viên hợp lý, đảm bảo công bằng xã hội, đảm bảo cho nông dân Việt Nam được dùng hàng rẻ, hàng tốt. Có lúc phải chấp nhận nhiều sắc thuế, nhiều thuế suất, chấp nhận sự bảo hộ sản xuất trong nước còn nhiều, còn tình trạng bao cấp trong chi NSNN.
Nhưng phải chủ động, tỉnh táo, có bước đi và cách làm cho từng mục tiêu chiến lược, sách lược, cho từng nhóm giải pháp cụ thể [38].
Những tình huống này chỉ có thể do con người tạo ra và phải do chính họ mới có giải pháp hữu hiệu. Nếu không coi trọng nhân tố con người tất yếu không thể phát triển chiến lược tài chính ổn định được. Do đó, nhân tố con người là nhân tố chính trong việc vận dụng công cụ thuế.
- Các DNCNNQD ở Việt Nam còn non trẻ, định hướng phát triển chưa rõ ràng, đặc biệt là rất yếu về chiến lược kinh doanh dẫn đến tình trạng kinh doanh chụp giật, luồn lách trốn thuế. Thậm chí, nhiều nhà kinh doanh vẫn có tư tưởng coi việc trốn thuế là nghệ thuật kinh doanh. ý thức chấp hành pháp luật kinh doanh của các DNNQD vẫn còn kém, thiếu tôn trọng và tuân thủ nguyên tắc, nhiều việc vô kỷ luật, chấp hành không nghiêm chỉnh các quy định về thu, chi, điều tiết ngân sách Nhà nước. Chủ trương trong chính sách tài chính là xử lý tốt mối quan hệ giữa động viên và thu nhập, huy động nguồn lực và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu; xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo hộ sản xuất trong nước và yêu cầu nâng cao sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp; giữa tài chính Nhà nước, tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư; đồng thời đảm bảo nguyên tắc cân bằng giữa khuyến khích các tổ chức tài chính nhưng không có nghĩa là buông lơi quản lý doanh nghiệp phát triển tự do.
- Thiếu cơ chế vận hành kiểm tra, kiểm soát đối với toàn bộ nền kinh tế. Yêu cầu của tài chính trong nền kinh tế mở là an ninh, an toàn và lành mạnh. Nguy cơ của những tiêu cực, những đổ vỡ về tài chính trong nền kinh tế thị trường luôn luôn tồn tại bên cạnh những thời cơ và tính năng động của nền tài chính quốc gia. Ngoài việc thiết lập các khuôn khổ pháp lý về thuế, cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hệ thống giám sát bằng nghiệp vụ, bằng tổ chức có sẵn trong bản thân công tác quản lý thuế. Thường xuyên rà soát, thiết lập mới các quy trình, các cơ cấu tổ chức nhằm ngăn chặn các hành vi và việc làm gây tổn hại đến Nhà nước. Nâng cao tính hiệu lực của hệ thống giám sát nội bộ, bộ máy và quy trình kiểm soát nội bộ; đảm bảo mọi hoạt động luân chuyển của từng dòng tiền của Nhà nước. Các hệ thống thanh tra, kiểm tra từ bên ngoài, từ trên xuống cần có sự sắp xếp hợp
lý, coi trọng thực chất hơn là hình thức. Thanh tra, kiểm tra có trọng điểm, có chủ định, xử lý dứt điểm mọi sai phạm do thanh tra phát hiện mới giữ nghiêm kỷ cương phép nước.
- Công tác nghiên cứu và hoạch định chiến lược ngành thuế còn thiếu phương pháp khoa học tiên tiến, thiếu thông tin hữu ích. Hầu hết các nước phát triển đều nghiên cứu hệ thống thuế một cách tỷ mỉ, trên nhiều khía cạnh khác nhau. Việc nghiên cứu này hoàn toàn mang tính định lượng và rút ta nhiều thông tin hữu ích phục vụ công tác quản lý cũng như công tác hoạch định chính sách phát triển. ở nước ta, việc phân tích hầu như bị xem nhẹ hoặc phân tích mang tính định tính khó có số liệu minh chứng nên không tạo điều kiện cho việc quản lý và xây dựng chính sách thuế hợp lý. Mặt khác, nước ta còn thiếu các phương pháp nghiên cứu khoa học đồng thời cán bộ chịu trách nhiệm và trang thiết bị phục vụ cho công tác này cũng còn bất cập. Phần lớn các cán bộ quản lý dựa vào kinh nghiệm bản thân và cũng thường từ kinh nghiệm đi lên. Thiếu những bài bản và kế hoạch cụ thể trong nghiên cứu về thuế nên việc quản lý rất thụ động, manh mún và đôi khi giải quyết được hậu quả nhiều hơn là giải quyết tận gốc những nguyên nhân cơ bản. Giữa công tác nghiên cứu với công tác quản lý thực tế cũng khó ăn nhập, do tính chất và trách nhiệm của hai lĩnh vực này chưa được chú trọng. Việc nghiên cứu chỉ mang tính tham khảo tra cứu, còn việc quản lý mang tính kinh nghiệm nên từng cán bộ có thể nhận thức sâu, kinh nghiệm tốt nhưng không thể phối kết hợp tạo nên sức mạnh toàn ngành.
Chương 3
Giải pháp hoàn thiện sử dụng công cụ thuế trong quản lý nhà nước đối với
doanh nghiệp công nghiệp ngoài quốc doanh