Trong quản lý thì không thể thiếu công tác kiểm tra, kiểm tra kế toán nội bộ được xem là một hệ thống các biện pháp kiểm tra về tài chính kế toán và các mặt khác, do ban lãnh đạo đặt ra, nhằm thực hiện việc quản lý kinh doanh của doanh nghiệp một cách có quy củ và có hiệu quả, đảm bảo chắc chắn việc tuân thủ triệt để các chính sách quản lý, bảo vệ tài sản và đảm bảo ghi chép sổ sách đầy đủ và trung thực hợp lý.
Kiểm tra kế toán nội bộ là một trong những yêu cầu không thể thiếu trong việc tổ chức khoa học và hợp lý công tác kế toán ở doanh nghiệp. Trong những năm qua, bên cạnh những yếu tố tích cực của cơ chế thị trường tác động tác động đến môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp thương mại – du lịch, bên cạnh đó còn có không ít yếu tố tiêu cực tác động đến quá trình quản lý sản xuất kinh doanh. Vì vậy , vấn đề kiểm tra nội bộ càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn. Trên thực tế nhiều doanh nghiệp đã chú ý đến công tác kiểm tra nội bộ. Tuy nhiên, cũng còn nhiều doanh nghiệp coi nhẹ công tác này, làm cho công tác quản lý vốn, tài sản, vật tư , hàng hoá, lao động chưa đi vào nề nếp cần phải chấn chỉnh.
Do đặc điểm của ngành thương mại – du lịch phải xây dựng mạng lưới cửa hàng, nhà hàng, chi nhánh, đại lý phân phối tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ trên địa
bàn rộng. Việc giám sát và quản lý của các cấp lãnh đạo từ công ty chính xuống các cơ sở phụ thuộc không được thường xuyên liên tục như những doanh nghiệp vừa và nhỏ có mô hình tổ chức kế toán tập trung. Nên việc tổ chức kiểm tra kế toán nội bộ các cơ sở trực thuộc là một trong những công tác quan trọng hàng đầu trong công tác quản lý doanh nghiệp. Để góp phần hoàn thiện mô hình tổ chức kế toán có qui mô lớn, doanh nghiệp phải thực hiện các vấn đề sau:
Thứ nhất : Xây dựng kế hoạch kiểm tra nội bộ
Các doanh nghiệp phải căn cứ vào tình hình kinh doanh cụ thể của mình để xây dựng kế hoạch kiểm tra nội bộ thật hợp lý. Trong kế hoạch kiểm tra nội bộ phải xác định rõ những người chịu trách nhiệm kiểm tra từng khâu công việc, nội dung và thời gian kiểm tra. Những doanh nghiệp có qui mô kinh doanh lớn thường tổ chức bộ phận kiểm tra riêng , đó là tổ chức kiểm toán nội bộ. Bộ phận kiểm toán nội bộ có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ các qui định của doanh nghiệp trong việc hạch toán kế toán.
Kế hoạch kiểm tra nội bộ phải gắng với chế độ tài chính, kế toán hiện hành và các qui định, quy chế của Cty về quản lý tài chính, kế toán. Đồng thời kiểm tra việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị. Như vậy, ngay từ đầu năm doanh nghiệp phải xây dựng cho mình kế hoạch sản xuất kinh doanh chi tiết như : Doanh thu và cơ cấu doanh thu của từng nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; xây dựng tỉ lệ lãi gộp cũng theo từng nhóm doanh thu; xây dựng kế hoạch chi phí và kế hoạch lợi nhuận cho từng nhóm riêng để tiện trong việc kiểm tra phát hiện và có giải pháp chấn chỉnh kịp thời.
Thứ hai:Nội dung và phương pháp kiểm tra
Nội dung kiểm tra nội bộ gồm:
- Kiểm tra định kỳ:là kiểm tra toàn bộ các khâu công việc liên quan đến
công tác kế toán như kiểm tra việc lập và luân chuyển chứng từ, kiểm tra việc chấp hành chế độ ghi chép ban đầu , kiểm tra tình hình ghi chép kế toán và kiểm tra việc lập báo cáo kế toán, ..vv... Kiểm tra chứng từ phải kiểm tra tính hợp lý , hợp lệ, và hợp pháp của chứng từ kế toán, kiểm tra các yếu tố của chứng từ như : số chứng từ, ngày lập chứng từ, chữ ký của những người có liên quan, nôi dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh, kiểm tra việc định khoản kế toán phù hợp với nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh, ... Kiểm tra tình hình lập báo cáo kế toán phải xem xét việc tổng hợp số liệu, tài liệu từ các sổ kế toán có liên quan vào các báo cáo kế toán theo các chuẩn mực kế toán; kiểm tra , đối chiếu các chỉ
tiêu phản ánh trong các báo cáo kế toán khác nhau có đảm bảo sự thống nhất không .
- Kiểm tra đột xuất: Kiểm tra tồn quỹ, tồn kho hàng hóa. Đối chiếu số dư tồn quỹ, tồn kho trên sổ sách kế toán với việc kiểm kê thực tế quỹ trong két của thủ quỹ, và hàng hóa trong kho.
Thứ ba: Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác kiểm tra.
Đội ngũ cán bộ phải có trình độ nghiệp vụ cao, am hiểu về các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, có đạo đức nghề nghiệp và khả năng làm việc độc lập.