Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phải trên cơ sở kế thừa có chọn lọc truyền thống dân tộc và kinh nghiệm của các nước trong việc trọng dụng nhân tài
Trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc, ông cha ta đã sớm biết trọng dụng những người tài năng của đất nước, coi "hiền tài là nguyên khí quốc gia", có vai trò quyết định đến sự thịnh, suy của đất nước. Do đó, những bậc minh quân trong lịch sử của dân tộc, khi cai trị đất nước đều lấy việc chọn hiền tài làm kế lâu bền của sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Tuy mỗi triều đại đều có những tiêu chuẩn riêng để tuyển chọn hiền tại, nhưng đều dựa trên tài năng, trí tuệ và đức độ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - một nhà lãnh đạo thiên tài của dân tộc ta - đã hiểu rất rõ tầm quan trọng của đội ngũ trí thức đối với tiến trình phát triển của xã hội, đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng và giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Do đó, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, chủ tịch Hồ Chí Minh luôn rất coi trọng trí thức yêu nước. Người khẳng định: "Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc". Vì vậy, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Người đã kêu gọi tìm người tài đức ra giúp kiến thiết đất nước. Trong bài "Nhân tài và kiến quốc" (viết năm 1945), Người đã nhấn mạnh: Vậy chúng tôi mong rằng đồng bào ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Tiếp đến, năm 1946, Người lại một lần nữa khẳng định trong bài "Tìm người tài đức": Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức", "E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận".
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện và sử dụng nhân tài bằng lòng kính trọng và sự phát huy chứ không phải bằng danh lợi. Nghệ thuật thu hút nhân tài của Người chính là luôn biết động viên, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước và tin dùng họ, trao cho họ những nhiệm vụ quan trọng.
Cách trọng dụng hiền tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh là khách quan, khoa học, căn cứ vào năng lực, sở trường để giao nhiệm vụ. Người cho rằng, việc dùng nhân tài không nên căn cứ vào những điều quá khắt khe, miễn là không phản lại quyền lợi của dân chúng... có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Chính vì vậy, Người đã
chủ động thu hút trí thức xuất thân từ nhiều nguồn gốc khác nhau, có cả trí thức thuộc chế độ cũ…
Không chỉ phát huy tài năng của những trí thức hiện có, với tầm nhìn chiến lược của một nhà lãnh đạo thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chủ trương xây dựng đội ngũ trí thức mới thông qua việc "Đào tạo trí thức mới. Cải tạo trí thức cũ. Công nông trí thức hóa. Trí thức công nông hóa".
Có thể nói, tư tưởng và phương pháp xây dựng, trọng dụng trí thức của Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần, bài học quý báu cho việc vận dụng để xây dựng, sử dụng đội ngũ trí thức thuộc Liên hiệp Hội ở nước ta hiện nay.
Ngoài kế thừa những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc, trong điều kiện hiện nay, kinh nghiệm về đào tạo, sử dụng, đãi ngộ trí thức của các nước trong khu vực và trên thế giới cũng cần phải được Đảng và Nhà nước ta nghiên cứu, tiếp thu những yếu tố tiến bộ và hợp lý. Một số nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Singapo... đã rất thành công trong việc khai thác, thu hút nguồn lực "chất xám" trong nước và của các nước khác trên thế giới. Phương thức phổ biến của các nước này là thực hiện chế độ đãi ngộ xứng đáng cùng với những điều kiện làm việc hết sức thuận lợi cho lao động của người trí thức.
Với điều kiện kinh tế - xã hội còn chậm phát triển như nước ta, chúng ta không thể rập khuôn máy móc mô hình thu hút đội ngũ trí thức mà các nước này đã thực hiện. Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận rằng, trong bối cảnh hiện nay, nếu không xây dựng cho mình một đội ngũ những chuyên gia, nhà khoa học có trình độ cao, tương đương với trình độ phát triển KH&CN của thế giới thì rất khó có thể đạt được mục tiêu mà Đảng ta đã đề ra trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Do vậy, để xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức thuộc Liên hiệp Hội đạt hiệu quả, Đảng và Nhà nước cần nghiên cứu và kế thừa có chọn lọc những kinh nghiệm đào tạo, thu hút và sử dụng đội ngũ trí thức của các nước trên thế giới và vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta hiện nay.
Nhìn chung, đội ngũ trí thức thuộc Liên hiệp Hội đều có tinh thần yêu nước, mong muốn đóng góp sức lực và trí tuệ của mình cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, đó
là "vốn liếng" quý báu của dân tộc ta hiện nay. Vì vậy, để xây dựng và phát huy nguồn lực trí tuệ này đạt hiệu quả cao thì những chính sách liên quan đến đội ngũ trí thức ở nước ta cần phải được thực hiện dựa trên việc học tập kinh nghiệm về "chiêu hiền, đãi sĩ", sử dụng nhân tài trong lịch sử dân tộc và của các nước khác trên thế giới.