Đội ngũ trí thức thuộc Liên hiệp Hội có vai trò tích cực trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước. Những đóng góp của đội ngũ này trước hết thể hiện ở việc trực tiếp tham gia soạn thảo hoặc đóng góp ý kiến cho các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước, các dự luật và chiến lược phát triển, các dự án lớn về kinh tế - xã hội, KH&CN, GD&ĐT. Nhiều ý kiến của các nhà khoa học thông qua Liên hiệp Hội đã được lắng nghe và đánh giá cao. Trong số các văn kiện quan trọng mà các nhà khoa học thuộc Liên hiệp Hội đã đóng góp ý kiến, tiêu biểu như Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội IX, Hiến pháp 1992 (sửa đổi), chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010, các văn kiện Hội nghị Trung ương Đảng (khóa IX); đóng góp ý kiến với dự thảo văn kiện Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) về vai trò của trí thức trong liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức và các văn kiện quan trọng khác.
Không chỉ tham gia đóng góp ý kiến trong những văn kiện quan trọng trên, ở lĩnh vực ngành, đội ngũ trí thức thuộc Liên hiệp Hội thông qua hoạt động tư vấn, phản biện và
giám định xã hội cũng có những đóng góp nhất định, làm cho quy trình ban hành quyết
định của Nhà nước đúng đắn, chính xác hơn. Đội ngũ trí thức thuộc Hội Luật gia Việt
Nam đã tham gia góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Dự án Tổng quan về vấn đề phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em trong pháp luật Việt Nam, trí thức thuộc Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng Việt Nam góp ý kiến cho Luật xây dựng, Luật khoa học công nghệ, Nghị định và Điều lệ đầu tư xây dựng, đấu thầu xây dựng, v.v...
Những hoạt động chính trị - xã hội của đội ngũ này còn thể hiện rõ nét trong việc tham gia các hoạt động chuẩn bị và tổ chức bầu cử Quốc hội khóa IX, X, XI. Trong số những người ra ứng cử và được đề cử thông qua Liên hiệp Hội, hầu hết đều được bầu vào Quốc hội. Với vai trò là đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học đã có những đóng góp trực tiếp vào các quyết sách quan trọng của đất nước cũng như các địa phương khác trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời việc nghiên cứu quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng được tổ chức thực hiện kịp thời và có sự tham gia tích cực của đội ngũ trí thức thuộc Liên hiệp Hội, đặc biệt là những văn kiện liên quan đến KH&CN, GD&ĐT. Bên cạnh đó, Câu lạc bộ Thời sự - Khoa học được tổ chức thường xuyên với chương trình, nội dung phong phú giúp cho hội viên nắm bắt kịp thời những thông tin quan trọng về chính trị - xã hội của đất nước cũng như trong khu vực và trên thế giới. Những hoạt động này đã có ý nghĩa tích cực góp phần giáo dục tư tưởng chính trị cho đội ngũ trí thức.
Thông qua Đảng đoàn của Liên hiệp Hội, với tinh thần và trách nhiệm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trí thức thuộc Liên hiệp Hội đã phát huy tinh thần dân chủ, thẳng thắn phát biểu ý kiến về những vấn đề hệ trọng liên quan đến quốc kế, dân sinh, cũng như mạnh dạn đề đạt ý kiến của mình trong việc xây dựng và thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Điều đó không chỉ thể hiện trách nhiệm của nhà khoa học với đất nước mà đó còn là tình yêu, sự gắn bó sâu sắc với dân tộc - một yếu tố rất quan trọng và cần được phát huy tốt trong giai đoạn hiện nay, không chỉ với trí thức ở trong nước mà cả những trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài.
Là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đội ngũ trí thức thuộc Liên hiệp Hội đã hưởng ứng các hoạt động do Mặt trận phát động như đóng góp xây dựng "Quỹ Vì người nghèo", "Quỹ Phòng chống thiên tai", các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", "Xây dựng nhà tình nghĩa"; khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người thuộc diện chính sách, ở vùng sâu, vùng xa; tư vấn pháp lý miễn phí cho người nghèo... Những đóng góp này đã góp phần không nhỏ trong thực hiện các mục tiêu chính trị - xã hội của Đảng và Nhà nước, củng cố vững chắc hơn khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bên cạnh những kết quả trên, việc thực hiện nhiệm vụ này còn gặp một số khó khăn và bộc lộ một số yếu kém cần khắc phục. Việc bồi dưỡng, giáo dục tư tưởng chính trị cho đội ngũ trí thức thuộc Liên hiệp Hội chưa thực sự được coi trọng đúng mức. Hội viên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam là hình thức biểu hiện kết quả trưởng thành về ý thức chính trị, nhưng số này không nhiều, chỉ có 213 đảng viên trong tổng số hơn 40 vạn trí thức.
Những hạn chế trên là do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Trước hết do nhận thức về tính chất chính trị - xã hội của tổ chức này thiếu sự thống nhất cần thiết, nhiều cơ quan, đơn vị còn coi Liên hiệp Hội như một tổ chức xã hội - nghề nghiệp chưa thực sự đối xử ngang bằng với các tổ chức như Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Mặt khác, bản thân đội ngũ này cũng chưa ý thức rõ nhiệm vụ của mình khi tham gia vào một tổ chức chính trị - xã hội, thậm chí còn có tâm lý coi đây giống như các tổ chức phi chính phủ của nước ngoài.
Hạn chế của công tác này một phần còn do Đảng Đoàn của cơ quan Trung ương Liên hiệp Hội hoạt động kém hiệu quả nhất là công tác phát triển đảng. Việc nghiên cứu, tìm hiểu các môn khoa học Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh còn chưa được chú trọng trong Liên hiệp Hội.