Giáo dục đạo đức lối sống

Một phần của tài liệu Khảo sát văn khắc Hán Nôm tại xã Thuỷ Dương, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 152 - 157)

上上高高高宣祖特進輔國上 將軍錦衣衛副首領 陳貴公謚廩敦

3.1.3. Giáo dục đạo đức lối sống

Dân tộc ta từ xưa đã chuộng nền đạo đức lễ nghĩa, chú trọng đến việc giáo dục và xây dựng nên một lối sống tốt đẹp để lưu truyền cho con cháu mai sau. Đây là một nét đẹp, một nghĩa cử rất cao cả và tự hào trong truyền thống mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam ta. Phần văn khắc chữ Hán ở xã Thuỷ Dương chứa đựng rất nhiều giá trị trong nội dung này, chủ yếu là những bức hoành phi đại tự và các câu đối ở trong các nhà thờ dòng họ.

Đằng sau những câu chữ đó là cả tiếng lòng của cha ông từ ngàn xưa vọng lại, nhắc nhở chúng ta về cội nguồn xa xưa của dân tộc:

Mộc xuất thiên chi do hữu bản Thủy lưu vạn phái tố tòng nguyên

Cây mọc ngàn cành do có gốc Nước chảy đi muôn dòng bởi có nguồn

(Nhà thờ họ Nguyễn Diên) Câu đối trên với những hình ảnh quen thuộc như lời khẳng định về dòng giống tiên rồng của dân tộc. Dù trải qua thời gian, hình thành nên nhiều dòng họ, hình thành nên nhiều địa phương với những nét văn hoá khác nhau nhưng phải luôn luôn ghi nhớ rằng nguồn gốc của mình vẫn là một, như cây có cội, như nước có nguồn. Để từ đó con người thương yêu nhau hơn, đoàn kết nhất trí vượt qua khó khăn gian khổ để làm nên những điều lớn lao:

Ý thuận nan hóa dị Tâm hòa thiểu thành đa

Ý thuận, khó nên dễ Tâm hòa, ít thành nhiều

(Nhờ thờ họ Lê Thúc, Bá, Trọng, Quý) Thấm nhuần tư tưởng tốt đẹp của tam giáo, chắt lọc những điều hay lẽ phải làm giàu thêm cho truyền thống đạo đức lễ nghĩa. Ông cha ta đề cao chữ Hiếu, xem đó là bắt đầu của mọi đức tính tốt đẹp khác:

Phật môn hiếu vi bản Nho đạo hiếu vi tiên

Cửa Phật hiếu là gốc Đạo Nho hiếu là đầu

(Nhà thờ họ Lê Thúc, Bá, Tro ̣ng, Quý) Lịch sử dân tộc ta rất chú ý đề cao phạm trù hiếu đễ bởi đây là phẩm chất đầu tiên phải có. Muốn trở thành người có nhân có đức ngoài xã hội thì trước hết trong gia đình phải là một người con hiếu thảo với cha mẹ, đễ kính với anh chị, làm cho gia đình được hoà thuận ấm êm:

Phụ từ tử hiếu, vạn cổ nhân luân

Anh hòa em thuận êm ấm một nhà Cha từ con hiếu là đạo người muôn thuở

(Nhà thờ họ Nguyễn)

Cận giả duyệt, viễn giả lai, mục hòa gia huấn Nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, lễ nghĩa môn phong

Người gần thì vui lòng, kẻ xa thì tới, hòa thuận với giáo huấn gia đình Vào thì hiếu, ra thì đễ, lễ nghĩa gia phong

(Nhà thờ họ Lê Viết) Không chỉ đề cao hiếu đễ, ông cha còn dạy dỗ nhắc nhở con cháu về những mối quan hệ rộng hơn trong xã hội:

Tam cương vi trọng đạo Ngũ thường đạt nhân luân

Tam cương là đạo nặng Ngũ thường ấy nhân luân

(Nhà thờ họ Ngô) Tam cương là ba mối quan hệ lớn trong xã hội: vua tôi, cha con và vợ chồng và ngũ thường là năm đức thường của một con người: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Đây chính là những phạm trù cơ bản của Nho giáo nhằm xây dựng nên một con người có đức và một xã hội trật tự. Điều đó khẳng định việc trau dồi đức độ, xây dựng nếp sống tốt đẹp sẽ là một tấm gương sáng chói cả ngàn năm:

Thần trung tử hiếu thiên thu giám Tổ đức tôn công vạn thế cơ

Tôi trung con hiếu là tấm gương soi ngàn năm Công đức tổ tôn là cái nền muôn thuở

(Chùa Nam Sơn) Mong muốn có một xã hội tốt đẹp với cha từ con hiếu nền nếp gia phong, với vua sáng tôi hiền cùng nhau xây dựng nên đất nước thái bình thịnh trị luôn là khát khao cháy bỏng từ xưa. Tất cả những gì tốt đẹp nhất mà con cháu ngày nay đạt được đều nhờ vào công đức của tổ tiên tích tụ từ

bao đời. Bởi vậy những thế hệ đi sau phải luôn giữ gìn và phát huy những đức tính tốt đẹp mà tổ tiên đã nhắn nhủ:

Bách kế bất như nhân nghĩa thiện Thiên kim mạc nhược tử tôn hiền

Trăm kế chẳng bằng nhân nghĩa thiện Ngàn vàng sao tỉ con cháu hiền

(Nhà thờ họ Phan) Lời của tổ tiên ấy là cả tấm lòng từ ngàn xưa vọng lại, có ý nghĩa nêu cao tinh thần nhân nghĩa, chuộng lành bỏ dữ. Thế hệ đi sau phải tiếp tục tiếp nối những giá trị cao đẹp ấy:

Đức mỹ công cao, thế thế tương thừa minh hiếu nghĩa Thượng hòa hạ mục, nhân nhân khắc thiệu thể tôn vinh

Đức đẹp công lớn, đời đời nối nhau làm sáng nghĩa hiếu Trên hòa dưới thuận, người người tiếp nối vẻ tôn vinh

(Nhà thờ họ Nguyễn) Từng câu từng chữ như cả một niềm hy vọng lớn lao mà ông cha gửi gắm từ ngàn xưa vọng tới. Và đây cũng chính là những tâm tư tình cảm mà thế hệ hôm nay tiếp tục gửi gắm đến cho con cháu trong tương lai sắp tới, một thông điệp mang dấu ấn thời gian của biết bao nhiêu thế hệ con người.

3..2. Giá trị nghệ thuật 3.2.1. Nghệ thuật trang trí

Nếu như đặc điểm của nền nghệ thuật trang trí ở các công trình tín ngưỡng tôn giáo phương tây là hội hoạ thì ở các nước thuộc vòng văn hoá Trung Hoa đó chính là chữ Hán. Do đặc điểm gắn liền trên các chất liệu

cứng nên hình thức này được gọi là văn khắc. Chữ Hán với đặc điểm nổi bật là kết cấu ô vuông lại chứa đựng tính hình tượng và biểu thị ý nghĩa thông qua chính hình thể chữ. Bởi vậy chữ Hán mang thêm trong mình tính thẩm mỹ. Đặc biệt đây được xem là thứ chữ thánh hiền cao quý, chuyển tải cái đạo học sâu xa uyên bác nên chữ Hán là thứ chữ được coi là thứ văn tự chính thức không thể thay thế được trong nền văn hoá phương đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Do đó, dù có đi bất cứ nơi đâu trên khắp mọi

miền của đất nước chúng ta đều thấy sự xuất hiện của chữ Hán trên những công trình kiến trúc truyền thống mang đậm dấu ấn văn hoá dân tộc. Văn khắc ở xã Thuỷ Dương cũng chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật mà đặc biệt là nghệ thuật trang trí.

Văn khắc chữ Hán chủ yếu là những câu đối và hoành phi được khắc gỗ hoặc nề trên các chất liệu cứng như gỗ, đồng, sắt hay xi măng. Đối với công trình kiến trúc văn hoá truyền thống, ngay khi đi đến tam quan ta đã thấy những bức hoành phi đại tự to được đặt ở chính giữa, phía dưới là đôi câu đối đặt dọc, ở hai bên cổng phụ cũng tương tự như vậy. Phía sau tam quan hoặc trụ biểu cũng đều được nề câu đối. Từ đầu, những bức hoành phi và câu đối đã làm nên vẻ trang nghiêm và thanh tịnh, tạo ra những ấn tượng sâu lắng cho người chiêm ngưỡng. Đi vào chính điện, nghệ thuật trang trí được thể hiện rõ nét hơn qua cách bài trí các hoành phi và các câu đối. Thông thường, ở mỗi công trình phần chính điện thường có ba gian hoặc năm gian, đầu mỗi gian đều treo các bức hoành phi. Gian giữa là bức hoành phi chính, ghi tên hoặc những mĩ tự với nội dung giới thiệu hoặc ca ngợi tổng quát cho toàn bộ. Trên mỗi bức đó còn có những dòng chữ nhỏ gọi là lạc khoản, dòng chữ này để phụ chú thêm gồm ngày tháng đề chữ, địa điểm đề chữ và người đề chữ. Chính những dòng chữ nhỏ này kết hợp với những chữ to làm cho bức hoành phi trở nên sinh động và đẹp mắt hơn, những dòng chữ to nhỏ hoà đều với nhau trong một tổng thể tạo nên tính thẩm mỹ rất cao, tạo trong lòng người xem một cảm giác lý thú. Bên dưới các hoành phi là cặp câu đối, bên cạnh những chữ Hán vẫn là những dòng chữ lạc khoản hoặc đôi khi được tạc thêm hình hoa lá uốn lượn trên mỗi góc làm tăng thêm tính cân đối, hài hoà cho cả câu đối. Hai bên gian giữa cũng có kết cấu tương tự như vậy. Đa số những hoành phi và câu đối được khắc chữ theo kiểu chữ chân nên rất rõ ràng, cân đối, làm toát lên được vẻ linh thiêng, trang trọng. Mặc dù là chữ khắc nhưng vẫn thể hiện rõ những nét đẹp cơ bản của chữ Hán, những nét móc, nét mác đều được thể hiện đúng như tính thực vốn có của nó. Theo phong cách truyền thống, hoành phi được viết từ phải sang trái và các câu đối cũng được đọc từ phải sang trái.

Đây là một đặc điểm bài trí hết sức độc đáo, mang đậm dấu ấn và cá tính dân tộc, đem lại cho người thưởng thức một ấn tượng đặc biệt thú vị.

Ngoài phần hoành phi và câu đối còn có phần văn khắc trên bia đá và chuông đồng. Tại xã Thuỷ Dương chỉ có một tấm văn bia duy nhất tại nhà thờ họ Lê Bá Thúc Trọng Quý. Bia rất nhỏ khắc năm 2000, gồm 432 chữ được khắc theo lối chữ chân phương, ngôn ngữ hiện đại. Cả hai mặt bia đều được khắc chữ, mặt trước chữ Hán và mặt sau là bản dịch bằng chữ quốc ngữ. Nội dung chủ yếu giới thiệu và ca ngợi về ngài thuỷ tổ của dòng họ. Vì bia dựng thời hiện đại nên không có phần hoa văn cũng như các trang trí theo kiểu truyền thống. Chuông đồng tại xã Thuỷ Dương chiếm số lượng rất ít và nội dung đều giống như nhau là đều khắc bài minh chung và văn chung. Nghệ thuật trang trí cũng không có gì đặc sắc bởi các chuông đều được đúc ở giai đoạn sau này. Chính vì vậy phần văn chuông và văn bia tại xã Thuỷ Dương đều không nổi bật về giá trị nghệ thuật cả về trang trí lẫn văn học mà chỉ có phần câu đối mới thể hiện được rõ ràng và đầy đủ nhất.

Một phần của tài liệu Khảo sát văn khắc Hán Nôm tại xã Thuỷ Dương, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 152 - 157)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(169 trang)
w