Giải pháp về hoạt động cho vay

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giải pháp đổi mới hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Nam potx (Trang 66 - 72)

Phạm vi cho vay của NHCSXH được quy định tại Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/0/2002 bao gồm: Hộ nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng vay vốn để giải quyết việc làm theo Nghị định 120/HDDBT, các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, các tổ chức kinh tế và hộ sản xuất - kinh doanh thuộc hải đảo, khu vực II, III miền núi và các xã thuộc chương trình 135, các đối tượng khác khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đối tượng cho vay của NHCSXH tương đối rộng, đại bộ phận hộ nghèo và các đối tượng chính sách đều cư trú ở nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, nơi có môi trường sản xuất kinh doanh không thuận lợi, lại chịu sự tác động lớn của diều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Chính vì vậy, để đồng vốn tín dụng đầu tư cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phát huy được hiệu quả cả về kinh tế và xã hội, cần phải được tổ chức lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia và an sinh xã hội. Bởi lẽ việc hỗ trợ tài chính cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua “con đường” tín dụng chỉ mới là

điều kiện “cần”, ví như trao cho họ “chiếc cần câu”, còn việc “câu” ở đâu và bằng cách nào để “câu” được nhiều “cá”, đó là trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành, mà quan trọng là vai trò của công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao công nghệ, ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất - kinh doanh, hướng dẫn cách làm ăn cho người nghèo và các đối tượng chính sách.

Cơ chế cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trước tiên nó phải tuân theo nguyên tắc của tín dụng, nhưng đồng thời nó phải phù hợp với đặc điểm của khách hàng là người nghèo và các đối tượng chính sách.

Giải pháp về cơ chế cho vay cụ thể như sau:

* Về phương thức cho vay

Tiếp tục duy trì, củng cố phương thức cho vay uỷ thác từng phần qua các tổ chức hội, đoàn thể vì các tổ chức này đã có mạng lưới sẵn ở khắp các xã, phường, thôn, bản, vùng sâu, vùng xa, cánh tay đắc lực giúp NHCS XH thực hiện có kết quả nhiệm vụ của Chính Phủ giao. Với phương thức này Nhà nước không phải cấp kinh phí để mở rộng mạng lưới, tăng thêm cán bộ nên có thể tiết kiệm được chi phí cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng hoạt động uỷ thác của các tổ chức chính trị - xã hội phải không ngừng nâng cao công tác đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ đoàn thể thực hiện công tác này. Bên cạnh công tác đào tạo tập huấn cần xây dựng các mô hình thí điểm trình diễn để học tập phổ biến kinh nghiệm giữa các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện việc ủy thác cho vay, giữa các địa phương trong toàn quốc.

* Về điều kiện cho vay

Để nguồn vốn vay có hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ba nhà, NHCSXH (đầu tư vốn), Trung tâm khuyến nông, khuyến lâm (hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi,trồng trọt) và các tổ chức hội đoàn thể (quản lý vốn vay, chuyển giao kỹ thuật…)giúp hộ nghèo nắm vững kỹ thuật ngành nghề mà họ bỏ vốn đầu tư. Từ đó vốn đầu tư có hiệu quả hơn, tăng thu nhập cho hộ nghèo, thời gian xoá đói giảm nghèo được rút ngắn hơn.

Để dự án tín dụng cho người nghèo có hiệu quả, đảm bảo sự giám sát của xã hội, của cộng đồng đúng với mục tiêu của dự án thì việc điều tra, phân loại hộ nghèo tại các địa phương thông qua việc củng cố Ban xoá đói giảm nghèo của xã, Huyện là việc làm rất

quan trọng và cần thiết. Điều tra phân loại rõ từng nguyên nhân dẫn đến đói nghèo của từng hộ để có những giải pháp phù hợp, chẳng hạn những hộ đói nghèo không có sức lao động do già cả, tàn tật, neo đơn… phải dùng các biện pháp hỗ trợ khác chứ không thể dùng phương pháp tiếp cận bằng vốn tín dụng được. Hoặc những hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa mà ở những nơi đó chưa có cơ sở hạ tầng, không có chợ, sức mua hạn chế… thì trước khi được sử dụng vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội phải được hỗ trợ từ các giải pháp khác phù hợp.

Vì vậy, hộ thuộc diện đói nghèo không đồng nghĩa với việc nhất thiết phải được cung cấp vốn tín dụng.

Việc phân loại đúng đối tượng đòi hỏi trách nhiệm cao của các cơ quan chức năng để đạt được mục đích vốn đến đúng đối tượng. Mặt khác, không lấn sân sang các đối tượng kinh doanh của các Ngân hàng thương mại.

Về nguyên tắc hộ nghèo vay vốn không phải đảm bảo bằng tài sản nhưng đối với hộ vay món lớn, dự án nhóm hộ gia đình, thời hạn cho vay dài, NHCSXH có thể yêu cầu hộ vay vốn bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay.

Về cho vay giải quyết việc làm nên sữa đổi cơ chế giao cho NHCSXH chịu trách nhiệm thẩm định, cho vay bảo toàn vốn, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ thực hiện chức năng ban hành cơ chế và giám sát hoạt động không tham gia trực tiếp thẩm định và quyết định cho vay như hiện nay.

Đối với cho vay xuất khẩu lao động đề nghị Chính Phủ tăng mức cho vay đối với người lao động thuộc vùng có điều kiện khó khăn lên mức 100% chi phí phục vụ cho XKLĐ và có biện pháp mở rộng loại vay này tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tăng thu nhập, xói đói giảm nghèo.

Đối với cho vay HSSV nên chuyển sang cho vay thông qua hộ gia đình và cải tiến quy trình cho vay thích hợp, không nên gộp chung với hộ nghèo như hiện nay là chưa hợp lý.

* Về lãi suất cho vay

Qua kinh nghiệm tại một số nước cho thấy, lãi suất cho vay hộ nghèo của họ ngang bằng mức lãi suất thị trường và họ cho rằng khi thực hiện cho vay hộ nghèo với

mức lãi suất như vậy có nhiều tác dụng tích cực hơn như: đối với người nghèo sẽ có tác dụng làm cho họ có ý thức tiết kiệm giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành, không chủ quan ỷ lại, đối với ngân sách không phải tốn một khoản kinh phí hàng năm để cấp bù cho những tổ chức tín dụng làm dịch vụ cho vay hộ nghèo; đối với tổ chức tín dụng cho vay hộ nghèo có thể huy động được nguồn vốn trong xã hội, thực hiện đầy đủ chức năng của một tổ chức tín dụng.

Riêng đối với Việt Nam đang trong quá trình đổi mới, còn nhiều tổ chức, nhiều thành phần trong xã hội chưa quen với cơ chế thị trường nhất là những hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, kỹ thuật sản xuất lạc hậu, họ cần được sự hỗ trợ nhiều mặt trong đó có hỗ trợ lãi suất vì vậy từ những kinh nghiệm của nhiều nước và từ thực tiễn kinh tế - xã hội Việt Nam nên có những quy định về lãi suất phù hợp. Trong những năm đầu chúng ta nên hỗ trợ hộ nghèo vay vốn với lãi suất thấp, sau đó nâng dần lãi suất lên ngang bằng với mức lãi suất thị trường

Lãi suất cho vay vốn đối với hộ nghèo nên từng bước theo hướng lãi suất thị trường, bởi vì:

Một mặt, việc áp dụng lãi suất ưu đãi không tránh khỏi hiện tượng người không nghèo lại được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Mặt khác, người nghèo được nhận vốn vay ưu đãi họ dễ hiểu lầm đó là nguồn trợ cấp và đôi khi họ dùng vốn đó để cho vay lại các đối tượng khác hoặc gửi tiền tiết kiệm để kiếm chênh lệch.

Cũng chính từ chính sách ưu đãi tín dụng là người nghèo được bao cấp qua lãi suất nên gây ra tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước, họ chưa nhận thức rõ được đấy là sự trợ giúp của Nhà nước để cho họ tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra nó còn làm tăng nhu cầu vay vốn đây là một nhược điểm của tín dụng ưu đãi.

Để được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi này, vấn đề người nghèo quan tâm đó là được vay vốn một cách thuận lợi, được vay nhiều lần và kèm theo đó là được tiếp nhận các dịch vụ chuyển giao kỹ thuật, tiếp thu cách thức làm ăn và chỉ dấn thị trường tiêu thụ sản phẩm làm ra từ các tổ chức hỗ trợ khác nhau.

Quan điểm của tác giả cho rằng, lãi suất cho vay đối với hộ nghèo ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay không nên áp dụng mức lãi suất ưu đãi quá ưu đãi nhưng cũng

không nên áp dụng lãi suất tính đủ mà nên thống nhất hài hoà giữa lãi suất cho vay người nghèo và lãi suất cho vay thông thường của các Ngân hàng thương mại và có thể áp dụng các hình thức giảm lãi suất như là đòn bẩy khuyến khích người vay trả nợ, trả lãi. Hoặc có thể quy định mức lãi suất thấp hơn mức lãi suất thị trường một chút. Song về lâu dài, để hoạt động của ngân hàng bền vững thì mức lãi suất cho vay cũng cần tính đủ các yếu tố đầu vào.

* Về mức cho vay

Nhu cầu vốn cho vay đối với hộ nghèo rất phong phú và đa dạng tuỳ thuộc vào điều kiện và khả năng canh tác của từng vùng và của từng địa phương. Đối với các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc…mà điều kiện cơ sở hạ tầng thấp và hầu như chưa có, điều kiện sinh hoạt rất khó khăn, đất đai canh tác ít, trình độ thâm canh thấp, chủ yếu thực hiện việc chăm bón theo thời vụ hoặc theo từng công đoạn của cây trồng theo kinh nghiệm cổ truyền. Họ ít chú trọng đến việc thâm canh, đầu tư chiều sâu. Do đó, vốn đầu tư vào sản xuất của hộ nghèo còn ở mức thấp. Nhưng về lâu dài, khi năng lực sản xuất, kỹ thuật thâm canh của hộ nghèo tăng lên thì ngân hàng cũng cần phải nâng mức cho vay tối đa đối với một hộ nghèo tăng lên, khắc phục tình trạng cho vay có tính cân bằng, thời gian cho vay không phù hợp với khả năng trả nợ của người vay như hiện nay.

Hiện nay mức cho vay tối đa đối với một hộ nghèo là 7 triệu đồng. Đối với những hộ nghèo có điều kiện đầu tư vào những đối tượng như: chăn nuôi đại gia súc lấy thịt, lấy sữa, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày, nuôi trồng đánh bắt thuỷ hải sản, cải tạo chuồng trại, đầu tư phát triển ngành nghề thì có thể được đầu tư đến 10 triệu đồng một hộ. Về lâu dài đối với những đối tượng này có thể nâng mức cho vay tối đa lên 15 triệu đồng một hộ nhưng kèm theo đó cũng cần có những điều kiện nhất định như phải có dự án cụ thể, phải nằm trong vùng quy hoạch kinh tế trên địa bàn, phải có cấp có thẩm quyền phê duyệt…

* Đơn giản hoá thủ tục và quy trình cho vay

Hộ nghèo và hộ chính sách phần lớn cư trú ở những vùng sâu, vùng xa do phương tiện đi lại, thông tin liên lạc khó khăn tốn kém, số tiền vay không lớn, chưa làm quen với thủ tục giấy tờ hành chính do đó để tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ chính sách dễ dàng tiếp

cận được nguồn vốn cho vay trước hết ngân hàng phải thực hiện nghiêm túc việc giao dịch tại xã phường, để người dân thuận tiện đi lại.

- Về thủ tục cho vay cần đảm bảo tính nguyên tắc nhưng phải hết sức đơn giản để phù hợp với trình độ dân trí của hộ nghèo. Hộ nghèo chỉ cần làm đơn xin vay do ngân hàng in sẵn phát cho từng hộ vay, hộ vay chỉ cần điền những chi tiết cần thiết như họ tên, địa chỉ, mục đích xin vay, số tiền xin vay và thời hạn vay vốn.

- Phê duyệt cho vay: việc phê duyệt cho vay cần đảm bảo nguyên tắc xác định đúng đối tượng cho vay là hộ nghèo, xác định đúng mục đích xin vay, nhu cầu vay vốn phù hợp với mục đích xin vay của hộ nghèo nhưng phải tránh gây phiền hà cho hộ nghèo.

- Việc cung ứng vốn cho hộ nghèo cần kịp thời và thuận tiện: đây là yêu cầu cơ bản và cần thiết vì với bản chất của người nghèo là thật thà, chất phác song cũng rất tự trọng. Khi thiếu vốn họ tha thiết được vay ngân hàng một cách nhanh chóng, đơn giản và thuận tiện để phục vụ kịp thời nhu cầu của sản xuất. Họ rất e ngại và cảm thấy phiền hà khi phải đến ngân hàng nhiều lần để làm các thủ tục vay vốn phức tạp và khó khăn. Trong thực tế, hộ gia đình nghèo sẵn sàng chấp nhận vay tư nhân với lãi suất cao vì nhu cầu vốn của họ được đáp ứng kịp thời, nhanh chóng, đơn giản, thuận tiện còn hơn là phải chờ đợi để nhận được vốn rẻ của ngân hàng khi cơ hội kinh doanh đã mất và thời vụ sản xuất đã qua.

Để đảm bảo cung ứng vốn kịp thời và thuận tiện cho hộ nghèo vay vốn NHCSXH cần phải:

+ Chủ động phân bổ vốn kế hoạch cho các Chi nhánh ngay từ đầu năm.

+ Đơn giản hoá quy trình và thủ tục vay vốn, đảm bảo cho hộ nghèo vay vốn dễ nhớ, dễ hiểu và dễ thực hiện.

+ Đội ngũ cán bộ ngân hàng phải có lòng nhiệt tình, tận tuỵ, sẵn sàng vượt khó khăn để đến với hộ nghèo, đồng thời phải có kiến thức về sản xuất, về khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn cách thức làm ăn cho hộ nghèo và cách sử dụng vốn vay có hiệu quả…

* Xây dựng mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn

Thực hiện cơ chế cho vay trực tiếp đến người vay thông qua tổ, nhóm là phương thức cho vay phù hợp với điều kiện về mô hình tổ chức và số lượng biên chế cán bộ của

Ngân hàng Chính sách xã hội hiện nay. Chính vì vậy, việc xây dựng và củng cố mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động có chất lượng là yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến việc mở rộng hoạt động tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn.

Tổ vay vốn phải được thành lập trên cơ sở tự nguyện và bầu ra Ban quản lý tổ (từ 1 đến 3 người), Ban quản lý tổ, nhất là tổ trưởng có vai trò quan trọng trong việc tư vấn cho Ngân hàng về việc bình xét và đề nghị cho vay, giám sát việc sử dụng tiền vay của các tổ viên, vận động các tổ viên tham gia gởi tiền tiết kiệm, đôn đốc các thành viên trả nợ gốc, lãi đúng thời hạn, cùng với ngân hàng xử lý những vấn đề phát sinh trong công tác tín dụng.

Do vậy, để hình thành được mạng lưới, Ban quản lý tổ phải hoạt động có hiệu quả, thật sự là cầu nối hữu hiệu giữa ngân hàng và người vay. Ngân hàng Chính sách sách xã hội phải phối hợp với UBND, Ban xói đói giảm nghèo, hội đoàn thể xã, phường để làm tốt việc thành lập tổ và bầu ban quản lý tổ. Mặt khác phải thực hiện tốt việc chi trả tiền hoa hồng cho Ban quản lý tổ trên cơ sở khối lượng tín dụng quản lý và kết quả đạt được trong thu nợ, thu lãi, nhằm tạo động lực và tăng cường mối quan hệ giữa ngân hàng với ban quản lý tổ vay vốn.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giải pháp đổi mới hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Nam potx (Trang 66 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)