Từ khi xuất hiện hình thức cấp tín dụng cho người nghèo vào năm 1976, do Ngân hàng Grameen thực hiện, những người nghèo ở đây được hưởng một chương trình trợ giúp có nhiều hiệu quả. Băng-la-đet là một nước có nền kinh tế nông nghiệp, có hơn 80% trong khoảng 120 triệu dân sinh sống tại các vùng nông thôn, chủ yếu bằng nghề nông. Tuy nhiên, có hơn 50% số hộ nông dân không có ruộng đất, phần lớn trong số họ có cuộc sống dưới mức nghèo khổ. Từ khi giáo sư Yumus, thuộc trường Đại học kinh tế Băng-la-đét, có sáng kiến thực hiện chương trình tín dụng đối với người nghèo thông qua ngân hàng Grameen đã giúp cho người nghèo có vốn khai thác nhiều ngành nghề từ đó có thu nhập, ổn định cuộc sống hơn so với trước. Đến năm 1995, Ngân hàng Grameen đã có hơn 2 triệu thành viên, đặc biệt đa số là thành viên nữ chiếm tỉ lệ 94%, vốn điều lệ của Ngân hàng Grameen tăng lên đạt gần 4 triệu USD.
Cơ chế hoạt động của Ngân hàng Grameen cho phép bất cứ người nông dân nào không có đất canh tác, thu nhập dưới 2500 taka/năm (tương đương 100 USD) đều được vay vốn, không cần phải thế chấp, cầm cố tài sản để đảm bảo nợ vay. Mức tiền vay thấp nhất là 5000 taka (tương đương 200 USD). Cho vay theo lãi suất thị trường. Hoạt động của Ngân hàng Grameen rất kiên trì mục tiêu phục vụ và khai thác triệt để những đặc điểm của người nghèo, khơi dậy tính tích cực từ bản năng vượt nghèo của họ.
Kinh nghiệm thành công từ hoạt động Ngân hàng Grameen đó là: xác định mục tiêu hoạt động của ngân hàng là vì người nghèo, đặc biệt quan tâm đến tầng lớp thấp nhất của xã hội, biết khai thác mặt tích cực của người nghèo, khẳng định mục
tiêu chiến lược của tín dụng là giúp người nghèo thoát cảnh cùng cực, đối tượng phục vụ trước hết là phụ nữ, vì người nghèo khổ nhất ở nông thôn Băng-la-đét là phụ nữ. Tiếp đến việc cho vay của Ngân hàng Grameen thông qua tổ nhóm vay vốn, nhằm quản lý giám sát lẫn nhau, hạn chế tình trạng sử dụng vốn vay không đúng mục đích, ngoài ra thông qua hoạt động tổ vay vốn đã huy động tiết kiệm bắt buộc mỗi tuần 1 taka, như thế vừa huy động được nguồn vốn, vừa tạo cho người vay có nguồn trả nợ khi gặp khó khăn và nhất là tạo thói quen tiết kiệm trong cộng đồng người nghèo. Một kinh nghiệm khác đối với hoạt động Ngân hàng Grameen đó là cho vay hộ nghèo theo lãi suất thị trường, tỷ lệ nợ quá hạn là một trong những ngân hàng thấp nhất ở Băng-la-đét, điều đó chứng tỏ việc cho vay người nghèo theo lãi suất thị trường có tác dụng thúc đẩy người nghèo hoà vào cơ chế kinh tế thị trường, chủ động cân đối chi phí sản xuất và giá thành để có lãi, có khả năng trả nợ gốc và lãi tốt.