Các quan điểm phát triển

Một phần của tài liệu Những giải pháp phát triển cây ngô thương phẩm năng suất cao của Việt Nam đến năm 2010 (Trang 33 - 35)

I. Phương hướng phát triển cây ngô Việt Nam đến năm 2010

1.Các quan điểm phát triển

1.1. Quan điểm sản xuất ngô thay thế hàng nhập khẩu

Đây là một quan điểm đúng đắn trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, hạn chế việc sử dụng ngoại tệ nhập khẩu ngô làm nguyên

liệu cho sản xuất. Quan điểm này nhấn mạnh việc tự sản xuất ngô đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, hạn chế dần nhập khẩu ngô nguyên liệu và tiến tới xuất khẩu.

1.2. Quan điểm sản xuất hàng hoá

Quan điểm này coi ngô là một loại hàng hoá cũng giống như các loại hàng hoá khác. Do đó, để mang lại hiệu quả cần đảm bảo chất lượng, hạ giá thành để có thể cạnh tranh với các nước sản xuất ngô trên thế giới, trước hết là trong khu vực. Có như vậy mới khắc phục được xu hướng tự phát, tự cung tự cấp, phân tán nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn ở nước ta hiện nay. Quan điểm sản xuất hàng hoá luôn đặt ra yêu cầu sản xuất sản phẩm nào, số lượng bao nhiêu, chất lượng và chủng loại ra sao phải do thị trường quyết định, không phải do khả năng đất đai, lao động, khí hậu, kinh nghiệm của người sản xuất quyết định.

1.3. Quan điểm hiệu quả kinh tế - xã hội.

Để có thể duy trì và triển khai tiếp việc phát triển cây ngô, cần phải tính đến hiệu quả kinh tế - xã hội của nó đối với người sản xuất, đối với mục tiêu tăng thu nhập quốc dân. Sản xuất hàng hoá trong cơ chế thị trường chỉ tồn tại được khi sản phẩm có tính cạnh tranh cao và khi đó tất yếu sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, việc đạt được hiệu quả kinh tế cũng góp phần thực hiện được một số các mục tiêu xã hội như giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo...

1.4. Quan điểm kết hợp truyền thống và hiện đại

Trong quá trình phát triển cây ngô ở nước ta hiện nay, một mặt phải kế thừa những kinh nghiệm truyền thống trong sản xuất nông nghiệp; mặt khác phải tiếp cận với xu thế hiện đại của thế giới và khu vực, thực hiện phương châm “đi tắt đón đầu”, nhanh chóng ứng dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật và quy trình công nghệ tiên tiến vào sản xuất ngô hàng hoá. Quan điểm này đánh dấu một bước phát triển mới của sản xuất ngô nước ta trong nền kinh tế hiện đại.

1.5. Quan điểm phát triển toàn diện và tăng trưởng bền vững

Phát triển cây ngô phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khoẻ của người dân và của cả người tiêu dùng. Phải khắc phục tình trạng chạy theo tốc độ tăng trưởng cao trên cơ sở khai thác kiệt quệ tài nguyên môi trường, nhất là môi trường đất, nước, rừng, biển; gắn tăng trưởng kinh tế với ổn định xã hội nông thôn - nền tảng của nền kinh tế xã hội.

Một phần của tài liệu Những giải pháp phát triển cây ngô thương phẩm năng suất cao của Việt Nam đến năm 2010 (Trang 33 - 35)