Về thẩm định tổng vốn đầu tư và cơ cấu nguồn vốn
Trong quá trình thẩm định dự án, cán bộ tín dụng thường đồng ý với tổng vốn đầu tư mà khách hàng đưa ra mà chưa có sự xem xét tính chính xác và hợp lý của nguồn vốn này. Để nâng cao chất lượng thẩm định TCDA thì các cán bộ tín dụng cần phải thẩm định chính xác quy mô và cơ cấu của tổng vốn đầu tư của dự án. Cán bộ tín dụng cần so sánh quy mô và cơ cấu tổng vốn đầu tư với các dự án cùng lĩnh vực, ngành nghề hoặc các dự án tương tự được tiến hành ở các doanh nghiệp khác. Đặc biệt cán bộ tín dụng cần xác định mức dự phòng hợp lý trên cơ sở phân tích những yếu tố liên quan như tỷ giá, lạm phát…
Ngoài ra khi tính tổng vốn đầu tư, cán bộ tín dụng cũng cần phải xem xét tới yếu tố vốn lưu động. Nếu như dự án bỏ qua phần vốn lưu động
khi soạn thảo, thì ngân hàng cũng phải làm tôt khâu tư vấn, giúp chủ dự án có thể bổ sung, hoàn thiện phần vốn này vào dự án của mình.
Khi thẩm định nguồn tài trợ của dự án, ngân hàng cần phải đánh giá kỹ tính khả thi của từng nguồn vốn tài trợ, đặc biệt phải thẩm định kỹ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp trên cơ sở phân tích tình hình tài chính, tình hình sản xuất kinh doanh trên cơ sở các báo cáo tài chính trung thực gửi đến ngân hàng
Về thẩm định doanh thu, chi phí
Dự án vay vốn thường được triển khai trong một khoảng thời gian dài, chính vì vậy các dự án luôn chịu sự tác động của các yếu tố vĩ mô như lạm phát, tỷ giá…hay sự biến động của môi trường kinh tế. Những thay đổi này đôi khi ảnh hưởng rất lớn tới chi phí của dự án, hay tới doanh thu của dự án. Do đó khi tiến hành thẩm định, cán bộ tín dụng cần chú ý tới sự tác động của các yếu tố này, từ đó đưa ra các dự tính sát với thực tế.
Ngoài ra, khi tính toán chi phí, cán bộ tín dụng cũng cần chú ý tới việc xác định mức khấu hao hợp lý. Hiện nay hầu hết các ngân hàng đều sử dụng phương pháp khấu hao đều. Tuy nhiên việc áp dụng phương pháp này đối với hầu hết các loại tài sản, các dự án là điều không hợp lý, do các TSCĐ càng về cuối dự án, mức độ khấu hao càng tăng. Điều này sẽ ảnh hưởng tới tính chính xác trong việc tính toán các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả tài chính của dự án. Chính vì vậy các cán bộ tín dụng cần nghiên cứu nhiều phương pháp khấu hao khác nhau và lựa chọn phương pháp hợp lý nhất đối với từng loại TSCĐ của từng dự án.
Dù cán bộ tín dụng có lựa chọn phương pháp khấu hao nào đi nữa thì cũng cần phải đảm bảo rằng tổng mức khấu hao qua các năm phải bằng nguyên giá TSCĐ.
Thực tế có rất nhiều các dự án mà các TSCĐ có tuổi thọ dài hơn rất nhiều so với vòng đời của dự án. Mặc dù giá trị của TSCĐ đã được tính khấu hao hết trong các năm, nhưng giá trị thanh lý của tài sản này khi dự án kết thúc lại không nhỏ. Chính vì vậy khi xác định dòng tiền, cán bộ tín dụng cần phải đưa giá trị thanh lý TSCĐ vào tính toán dòng tiền. Ngoài ra, cán bộ tín dụng cũng cần phải tính đến chi phí cơ hội và giá trị thu hồi vốn lưu động ròng. Có như vậy việc tính toán dòng tiền mới đầy đủ và chính xác.
Mặt khác, đối với các dự án có vốn đầu tư dàn trải trong nhiều năm thì cán bộ thẩm định nên xác định lượng vốn cụ thể chi ra trong từng thời kỳ, sau đó tiến hành quy về năm 0, không nên tính toán tất cả vốn đầu tư chỉ được chi ra tại thời điểm năm 0.
Về thẩm định lãi suất chiết khấu
Việc áp dụng lãi suất chiết khấu cần được thống nhất theo một quan điểm chung để có thể đánh giá so sánh các dự án với nhau.Đối với các dự án vay vốn tại SHB, có cấu vốn là hỗn hợp, vì vậy lãi suất chiết khấu áp dụng cho dự án là chi phí vốn bình quân gia quyền WACC
WACC=Wd*Kd * ( 1-T) + Ws*Ks Trong đó:
- Wd là tỷ trọng vốn vay trong tổng nguồn vốn - Kd là chi phí vốn vay ( lãi vay)
- Ws là tỷ trọng vốn chủ sở hữu trong tổng nguồn vốn - Ks là chi phí vốn chủ sở hữu
- T là thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp
Tuy nhiên trong điều kiện kinh tế hiện nay, khi mà các doanh nghiệp xin vay vốn đều chưa thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán thì việc tính toán chi phí vốn chủ sở hữu Ks là rất khó khăn. Chính vì vậy ngân hàng có thể dùng lãi suất cho vay áp dụng với dự án cộng thêm phần bù rủi ro. Phần bù này phải được xác định dựa trên mức độ rủi ro, thời hạn của dự
án. Việc xác định này nhằm tạo ra cơ sở thống nhất trong cách xác định lãi suất chiết khấu.
Về phân tích rủi ro của dự án
Hiện nay, khi phân tích rủi ro của dự án, ngân hàng thường sử dụng phương pháp phân tích độ nhạy khi cho một biến số thay đổi. Tuy nhiên trên thực tế, rất ít khi có trường hợp một yếu tố thay đổi, vì vậy ngân hàng nên xem xét sự biến động của các chỉ tiêu tài chính (NPV, IRR) dưới tác động đồng thời của nhiều yếu tố.
Mặt khác phương pháp phân tích độ nhạy không lượng hóa được cơ bản các chỉ tiêu hiệu quả tài chính trong trường hợp tốt nhất và xấu nhất sau đó so với cơ sở, do sự phân tích chỉ bằng cách thay đổi các biến trong phạm vi có thể và không được tính toán dựa trên sự phân bố xác suất. Chính vì vậy để đánh giá rủi ro của dự án một cách toàn diện và chính xác hơn, ngân hàng nên áp dụng thêm phương pháp phân tích tình huống và phương pháp phân tích mô phỏng. Tuy nhiên việc để đưa vào và áp dụng phương pháp này ngân hàng cần phải có những lộ trình cụ thể trong việc nghiên cứu và ứng dụng, sau đó đào tạo, hướng dẫn cán bộ tín dụng sử dụng. Phương pháp phân tích tình huống và mô phỏng có thể giúp ngân hàng đánh giá rủi ro một cách toàn chính xác hơn phương pháp phân tích độ nhạy, nhưng nó cũng đòi hỏi cán bộ tín dụng phải có trình độ cao và phải được nghiên cứu và áp dụng trong từng ngân hàng.
Về phương pháp thẩm định
Hiện nay các phương pháp thẩm định tại ngân hàng còn sơ sài, mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá TCDA thông qua chỉ tiêu cơ bản là NPV, IRR và PP. Ngân hàng cần nghiên cứu, bổ sung thêm các phương pháp khác như phương pháp chỉ số lợi nhuận (PI), hay điểm hòa vốn cả đời dự án... Mặc dù có thể đánh giá hiệu quả TCDA nếu không có các chỉ tiêu này,
nhưng nếu sự có mặt của chúng di kèm với các phương pháp cũ thì việc đánh giá hiệu quả dự án sẽ đầy đủ và chính xác hơn.