- Quan điểm của Liên Hợp Quốc về giáo dục quyền con người: Ngay từ khi ra đời,
1.2.1.2. Đối tượng của giáo dục quyền con người, quyền công dân
Đối tượng của giáo dục quyền con người, quyền công dân là một trong những vấn đề cơ bản của lý luận giáo dục. Cũng như các dạng giáo dục khác, việc xác định nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục thích hợp nhằm thu được hiệu quả giáo dục cao phụ thuộc rất nhiều vào việc nghiên cứu, đánh giá đúng đắn, toàn diện về đối tượng giáo dục nói chung và giáo dục quyền con người, quyền công dân.
- Đối tượng của giáo dục quyền con người, quyền công dân trước hết bao gồm toàn bộ cá nhân đang tồn tại trong cộng đồng nhân loại; bao gồm tất cả các dân tộc trong mối quan hệ quốc tế. Trong mỗi dân tộc cụ thể, đối tượng của giáo dục quyền con người, quyền công dân là những cá nhân công dân, những nhóm, cộng đồng xã hội cụ thể tiếp nhận những tác động của các hoạt động giáo dục quyền con người, quyền công dân vừa mang tính quốc tế, vừa mang tính quốc gia mà ý thức và hành vi của họ là khách thể của giáo dục quyền con người, quyền công dân. Đối tượng giáo dục quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam vừa mang những đặc điểm chung của cộng đồng nhân loại, vừa có những đặc điểm riêng biệt. Đối tượng giáo dục quyền con người, quyền công dân ở Việt
Nam rất phong phú, đa dạng và có thể phân loại thành các nhóm dựa trên các cơ sở, yếu tố, phản ánh trạng thái, địa vị pháp lý, điều kiện kinh tế, môi trường sống, việc làm, truyền thống văn hóa, đạo đức, tôn giáo của từng đối tượng giáo dục này. Các chủ thể giáo dục sẽ lựa chọn các nội dung, hình thức, giáo dục phù hợp nhằm làm cho từng đối tượng giáo dục tiếp thu được những tri thức cần thiết về quyền con người, quyền công dân để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, thích ứng với vai trò, địa vị của họ trong quan hệ với cộng đồng, với công dân khác.
Trong điều kiện hiện nay ở nước ta, cần phân loại các nhóm đối tượng để phục vụ cho hoạt động giáo dục quyền con người , quyền công dân. Có thể tập trung vào các nhóm đối tượng sau đây:
+ Nhóm đối tượng thứ nhất, là đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức của Đảng, trong các cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và tư pháp.
+ Nhóm đối tượng thứ hai, là các thành viên của các tổ chức đoàn thể quần chúng, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp.
+ Nhóm đối tượng thứ ba, là đội ngũ học sinh, sinh viên đang học trong các nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
+ Nhóm đối tượng thứ tư, là những người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân.
+ Nhóm đối tượng thứ năm, là người lao động ở khu vực nông thôn.
+ Nhóm đối tượng thứ sáu, là những người đã quá tuổi lao động, những người đã về hưu.
+ Nhóm đối tượng thứ bảy, là những người có những đặc điểm tự nhiên cần được nhà nước đặc biệt quan tâm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của họ để bảo đảm cho sự phát triển tự nhiên của họ như phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, trẻ em lang thang, phạm nhân.
+ Nhóm đối tượng thứ tám, là những người công tác trong lĩnh vực giáo dục mà đặc biệt là những người trực tiếp làm công tác giáo dục quyền con người, quyền công dân.
Việc phân loại đối tượng giáo dục quyền con người, quyền công dân nêu trên được căn cứ theo sự tương đồng về chuyên môn, nhiệm vụ, nghề nghiệp, vị thế xã hội, giới, hoàn cảnh điều kiện sống...
Đối với từng nhóm đối tượng giáo dục quyền con người, quyền công dân nêu trên, cần có sự nghiên cứu đầy đủ những đặc điểm của họ về tâm lý, tuổi tác, trình độ văn hóa, tôn giáo, giới tính, điều kiện sống để xác định nội dung, phương pháp giáo dục thích hợp.