- Về kết quả xét xử các vụ án về các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình:
2.2.3. Các cơ quan bảo vệ pháp luật còn bộc lộ nhiều thiếu sót, yếu kém trong đấu tranh phòng, chống các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình
đấu tranh phòng, chống các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình
Xử lý hành chính các hành vi vi phạm chế độ HN&GĐ và xử lý hình sự các tội xâm phạm chế độ HN&GĐ có mối quan hệ hữu cơ, chặt chẽ với nhau. Việc xử lý hành chính đúng đắn, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật HN&GĐ sẽ tạo điều kiện ngăn ngừa người đã có hành vi vi phạm hành chính nói trên tiếp tục vi phạm và có thể trở thành người phạm các tội xâm phạm chế độ HN&GĐ. Mặt khác, việc xử lý về hình sự đúng đắn, nghiêm minh các hành vi phạm các tội xâm phạm chế độ HN&GĐ sẽ có tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa, làm giảm đáng kể các vụ xử phạt hành chính hành vi vi phạm chế độ HN&GĐ.
Thực tiễn đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật HN&GĐ và các tội xâm phạm chế độ HN&GĐ ở nước ta trong thời gian qua cho thấy, việc xử lý hành chính và xử lý hình sự đối với các hành vi tương ứng nêu trên còn ở tình trạng thiếu nghiêm minh, không triệt để, đã bỏ lọt nhiều hành vi phạm tội và người phạm tội, cũng như đã bỏ lọt, xử lý không nghiêm nhiều hành vi vi phạm hành chính.
Tình hình các tội xâm phạm chế độ HN&GĐ đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp, tài sản, sức khỏe của nhân dân, ảnh hưởng xấu đến truyền thống, chuẩn mực đạo đức của dân tộc ta, ngày càng trở nên nhức nhối, trở thành vấn đề quan tâm sâu sắc của toàn xã hội, có nhiều nguyên nhân và điều kiện, trong đó có nguyên nhân và điều kiện từ chính các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Trước hết, nhận thức của nhiều cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật và các cơ quan có liên quan chưa quán triệt đầy đủ của các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chống vi phạm chế độ HN&GĐ, các tội xâm phạm chế độ HN&GĐ, chưa thấy hết ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc đấu tranh này với việc thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, ý thức pháp luật của một số cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật và các cơ quan trong đấu tranh phòng, chống vi phạm chế độ HN&GĐ, các tội xâm phạm chế độ HN&GĐ còn chưa cao, vẫn còn sự tùy tiện, bỏ lọt nhiều vụ phạm tội; hành chính hóa tràn lan các vụ phạm các tội xâm phạm chế độ HN&GĐ. Trong đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này, chất lượng điều tra còn thấp, nhiều vụ án còn kéo dài, xử lý không kịp thời, không nghiêm.
Trên thực tế, loại tội phạm này xảy ra rất nhiều, nhưng việc xử lý hình sự còn nhiều hạn chế do sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng. Các hành vi vi phạm chế độ HN&GĐ được thực hiện một cách công khai hoặc bán công khai mà không có sự can thiệp nào của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tình hình này đã tồn tại trong một thời gian khá dài và tạo nên tâm lý khinh nhờn, coi thường phép nước.
Công tác phòng ngừa các tội xâm phạm chế độ HN&GĐ của các cơ quan bảo vệ pháp luật do chưa có sự phân công, phân nhiệm cụ thể, chưa chuyên sâu, cho nên hiệu quả hoạt động chưa cao; ít tổng kết, nghiên cứu thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo chuyên đề, cấp cơ sở ít quan tâm, cho nên chưa rút ra được quy luật, đặc trưng hoạt động của những người phạm các tội xâm phạm chế độ HN&GĐ trên từng địa bàn, khu vực; công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tiến hành các biện pháp phòng ngừa ở một số địa bàn còn hạn chế. Trong lực lượng Công an, chưa có quy định cụ thể về sự phối hợp giữa các lực lượng làm công tác đấu tranh phòng, chống các tội xâm phạm chế độ HN&GĐ, dẫn tới một số biện pháp phòng ngừa của Cảnh sát khu vực và các lực lượng ở nhiều địa bàn còn chồng chéo; các ngành Tòa án, VKS cũng chưa có bộ phận nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này. Và ngay trong những hội nghị tập huấn, rút kinh nghiệm xét xử nội dung này cũng chưa được quan tâm đúng mức. Đây là những vấn đề cần khắc phục kịp thời để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này trong thời gian tới ở nước ta.