THIÊN NHIÊN NHƯ LÀ BẢN CHẤT – SỰ THUẦN PHÁC CỦA CÁC NHÂN V Ậ T
3.3.1. Sự thuần phác và chuyện phiêu lưu 1 Thái độđối với tiền bạc
Điểm giống nhau giữa Huck và Tom chính là sự ưa thích chuyện phiêu lưu, mạo hiểm, dù rằng trong chuyện này Huck luôn chỉ biết làm theo những “sáng kiến” của Tom. Vì thế chúng từng cùng nhau đi làm hải tặc ở trên đảo Jackson, rồi lại làm lục lâm trong rừng Sherwood và cả cùng nhau đi tìm kho báu ở khắp nơi, từ căn nhà có ma, đến quán trọ và tận trong hang sâu. Trong những chuyến phiêu lưu hấp dẫn ấy, nhiều lần Huck thể hiện thái độ của mình đối với tiền bạc. Trong chuyến phiêu lưu cuối cùng ở cuốn Tom Sawyer, dù hăm hở đi tìm kho báu là để trở nên giàu có nhưng trước viễn cảnh do Tom vẽ ra :
… đào được một cái nồi đồng trong đó có một trăm đồng đô la hoen gỉ… hay một cái hòm gỗ mục đầy kim cương. [64, (2), tr.107 – 108].
thì Huck lập tức nhận phần mình là “chỗ một trăm đồng đô la kia thôi” còn kim cương thì “nhường” cho Tom vì “tao không cần”. Trong xã hội công nghiệp, khi mà đồng tiền đã xác lập vị trí số một của mình thì thái độ ấy của Huck khiến nó đối lập hẳn với số đông. Thế cũng có nghĩa là sự thuần phác sẽ không có chỗ trong cái xã hội ấy. Sự chất phác của Huck còn hiện ra rõ hơn khi cậu bé bày tỏ ước mơ
Tao sẽ ngày nào cũng ăn patê và uống một cốc sôđa và gánh xiếc nào qua đây tao cũng đi xem. [64, (2), tr.110 – 111].
khi Tom hỏi sẽ làm gì nếu may mắn tìm được của chôn giấu. Điều ấy thật khác xa với thái độ của người lớn khi chúng ta so sánh cái cách mà những người dân trong thị trấn đối xử với Huck và Tom sau khi biết chúng vớ được tới “trên mười hai ngàn đôla” :
Tom và Huck đi đến đâu cũng được người ta săn đón vồ vập, trố mắt nhìn tỏ vẻ hết sức thán phục. Chúng không còn nhớ được những câu phát biểu của mình trước kia có một giá trị gì không; nhưng giờ đây mỗi lời nói của chúng đều được người ta vồ
lấy và quí như vàng, được người ta nhắc đi nhắc lại mãi. [64, (2), tr.265].
Trong cái xã hội ấy, đồng tiền khiến người ta nghiễm nhiên trở thành thần tượng bất kể quá khứ có ra sao. Sự săn đón vồ vập của những người lớn đã biểu thị rõ thái độ đối với tiền. Thế nhưng với Huck, cuộc sống mới giàu sang cùng sự ngưỡng mộ, trọng vọng của mọi người lại làm cậu bé khổ sở. Sau ba tuần “dũng cảm chịu đựng những đau khổ ấy”, Huck bỏ trốn. Khi Tom tìm được nó trong “mấy thùng rượu bỏ không ở phía đằng sau lò sát sinh cũ” [64, (2), tr.269], Huck tâm sự với thằng bạn chí cốt như sau :
Mày thử nghĩ mà xem, thật thế, giàu sang không phải như người ta vẫn thường khoe, giàu sang chỉ là mua lấy cái khổ, cái vất vả vào thân, lúc nào cũng chỉ muốn chết đi cho rảnh… Tom ạ, nếu không có món tiền chết tiệt kia thì tao đâu có đến nỗi phải chịu những chuyện khổ sở như thế này; thôi mày lấy nốt cái phần của tao đi, rồi thỉnh thoảng cho tao một hào… [64, (2), tr.272].
Một đứa bé “vô giáo dục” như Huck Finn, đối diện với đồng tiền bỗng trở thành triết gia khi đưa ra những nhận xét hết sức chí lí về tiền và những hệ lụy của nó. Những lời tâm sự trên quả thật rất phù hợp với bản chất của Huck , đứa trẻ mà sự thuần phác còn chưa bị lòng tham làm cho mất đi. Nhưng thái độ ấy sẽ rất buồn cười nếu ta nhìn nó bằng những con mắt của của người lớn. Thái độ đối với tiền bạc của Huck sẽ bị xem là “ba xạo” và nó sẽ bị gọi là một chi tiết “khiên cưỡng” trong tác phẩm nếu chúng ta không xem xét nó trong mối liên hệ giữa việc đề cao bản chất thuần phác của nhân vật với cảm thức của chính nhà văn về thời đại. Bởi sau này trong cuốn Huckleberry Finn, ông còn tiếp tục để Huck đối diện với tiền bằng tâm hồn trong sáng như pha lê ấy. Khi buộc phải theo lão Vua đến nhà Peter Wilk, Huck một lần nữa lại được tận mắt nhìn thấy rất nhiều tiền. Đó là sáu ngàn đô la tiền mặt mà ông Peter Wilk quá cố để lại cho các con gái nhưng đang bị Vua và Quận Công chiếm đoạt. Khi tìm ra chỗ giấu số tiền ấy, cầm nó trên tay, giữa đêm khuya không ai biết nhưng trong đầu Huck không mảy may nghĩ đến việc chiếm nó cho riêng mình mà chỉ lo làm sao
có thể giấu những kẻ lừa đảo kia và lúc thích hợp thì sẽ báo cho các cô gái cả tin tội nghiệp kia. Trong đầu óc thuần phác của Huck không có chỗ của lòng tham, sự ti tiện.
Thái độ ấy của Huck đối với tiền cũng giống hệt như thái độ của Tom đối với quyền lực mà chúng tôi đã nêu ở phần trước đó. Tom thích làm Robin Hood hơn làm tổng thống Mĩ; Huck thì chọn cuộc sống tự do và dứt khoát từ bỏ tiền bạc. Sự kết hợp hai thái độ ấy của các cậu bé sẽ giúp chúng ta hình dung đầy đủ hơn một khía cạnh của vấn đề bản chất thuần phác. Như vậy từ cuốn Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer đến cuốn Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn thái độ phủ nhận của nhà văn đối với những giá trị vật chất mà xã hội đương thời công nhận cũng hoàn chỉnh hơn, rõ ràng hơn.