Thiên nhiên vũ trụ

Một phần của tài liệu Thiên nhiên trong tiểu thuyết của Mark Twain (Trang 34 - 37)

Cũng chịu ảnh hưởng của Chủ nghĩa Siêu nghiệm như Thoreau nhưng cách nhìn thiên nhiên, cụ thể là biển cả, của Melvill (1819 – 1891) trong Moby Dick còn thể hiện cả thái độ phản bác. Các nhân vật của ông cũng được trực giác dẫn dắt hoà nhập với thiên nhiên. Nhưng ông không cho rằng con người có thể hiểu được tự nhiên. Hành trình săn cá voi được thuật lại rất hấp dẫn trong suốt cuốn sách này “là một ẩn dụ lớn về khát vọng hiểu

biết” [68, 99]. Vì thế bản thân biển rộng lớn và Moby Dick là tượng trưng cho vũ trụ. Và hành trình của Ahab cùng Ishmael là hành trình khám phá bí ẩn vũ trụ theo hai cách khác nhau : hành động (Ahab), trầm tưởng (Ishmael). Đào ngọc Chương khi xem xét kết cấu của tác phẩm Moby Dick đã nhận xét :

Hành trình của Ahab là để chứng minh sức mạnh của con người và thực hiện khát vọng. Còn hành trình của Ishmael là khám phá bí ẩn của thế giới và chỗđứng khiêm nhường như của kẻ bên lề, người ngoài cuộc, một thực thể chẳng lấy gì làm quan trọng trong thiên nhiên. [12, tr.83].

Sự gục ngã của Ahab ở cuối tác phẩm vì thế tượng trưng cho sự thất bại của khát vọng ấy trước những nguy hiểm chết người luôn ẩn chứa trong thiên nhiên. Tuy nhiên hành trình khám phá ấy không vì thế mà kết thúc bởi cuối tác phẩm, nhờ chiếc quan tài của Queequeg mà Ishmael được cứu sống và điều đó có nghĩa là một cuộc khám phá thiên nhiên khác lại bắt đầu. Thiên nhiên vì thế còn tượng trưng cho những thử thách mà con người luôn tìm cách vượt qua. Nó thể hiện chất nổi loạn tư tưởng, một đặc điểm của văn học lãng mạn Mĩ. Đặc điểm này sẽ được Mark Twain tiếp tục trong kiệt tác Những cuộc phiêu lưu của Hucklebery Finn với hành trình đi tìm tự do của hai nhân vật Huck và Jim.

Tất nhiên bên cạnh những ý nghĩa tượng trưng nói trên, trong cuốn Moby Dick chúng ta cũng bắt gặp những bức tranh cảnh vật rất đẹp trên biển cả. Nó là một không gian khác nữa trong bối cảnh thiên nhiên rộng lớn của nước Mĩ bên cạnh vẻ đẹp của rừng núi, sông hồ mà chúng tôi đã điểm qua ở trên. Vẻ đẹp của đại dương thường được nhà văn miêu tả kèm với những hình ảnh so sánh mang tính chất khoa trương thường gặp trong sử thi. Kiểu như :

Một ngày tươi sáng, nền trời xanh thẳm không một gợn mây, êm ái như một thiếu nữ

mơ màng, trong khi biển rộng như một chàng thanh niên đang say sưa trong giấc mộng yêu đương. Trên không trung, vài cánh chim điểm trắng nền trời tựa như linh hồn cao cả của không gian…[42, tr.254].

Hỡi vẻ đẹp tuyệt diệu kia, dung nhan của người yêu không đẹp bằng ngươi. Nhưng khốn thay, cá mập lại sống trong lòng ngươi. [42, tr.217].

Vẻ đẹp của cảnh vật vì thế cũng mang ý nghĩa tượng trưng chứ không chi tiết, nên thơ như những trang viết của Thoraeu. Mặc dù vậy nó tỏ ra rất phù hợp với một tác phẩm mà thiên nhiên được nâng lên thành biểu tượng ngang tầm với vũ trụ.

Như vậy có thể thấy, trong văn học lãng mạn Mĩ, thiên nhiên với ý nghĩa là tự nhiên được quan tâm đặc biệt. Bên cạnh ý nghĩa là không gian sống và hành động của các nhân vật như trong bất kì tác phẩm văn chương nào, thiên nhiên trong các tác phẩm lãng mạn của Mĩ còn chứa đựng những ý nghĩa tượng trưng sâu sắc mà qua đó các nhà văn thể hiện được quan điểm của mình trước những vấn đề xã hội cụ thể.

Các ý nghĩa đó của thiên nhiên sau này sẽ được tiếp tục trong văn học hiện thực Mĩ tất nhiên là gắn với những bối cảnh xã hội nửa sau thế kỉ XIX. Khi mà nước Mĩ, sau cuộc nội chiến kéo dài bốn năm (1861 – 1865), với sự chiến thắng của các tiểu bang công nghiệp miền Bắc, bước vào giai đoạn phát triển với tốc độ chóng mặt. Sự bành trướng lãnh thổ diễn ra từ đầu thế kỉ XIX đến thời nội chiến đã đem lại cho quốc gia này một diện tích khổng lồ, cùng với nó là sự vô tận về tài nguyên. Đây được xem là một nhân tố quan trọng khiến canh nông, kĩ nghệ, thương mại thời kì này đều phát triển. Những thành tựu to lớn của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật ở Mĩ nửa cuối thế kỉ XIX là biểu hiện cao nhất của sự phát triển tư bản chủ nghĩa. Điều này mang lại nhiều thay đổi tích cực và cả tiêu cực. Việc thiên nhiên có nguy cơ bị tàn phá nghiêm trọng cùng với sự phát triển là một minh chứng. Cùng với hành trình Tây tiến, những vùng đất hoang sơ nơi biên cương miền Tây ngày càng bị thu hẹp. Chính thực tế này đã tác động vào sự ra đời của những tác phẩm hiện thực và đem lại những ý nghĩa mới cho yếu tố thiên nhiên trong các tác phẩm thời kì này. Thiên nhiên trong tiểu thuyết của Mark Twain đánh dấu giai đoạn phát triển mới mẻ, mang tính hiện đại này của văn học Mĩ.

Chương 2

THIÊN NHIÊN NHƯ LÀ T NHIÊN –

KHÔNG GIAN PHIÊU LƯU

Một phần của tài liệu Thiên nhiên trong tiểu thuyết của Mark Twain (Trang 34 - 37)