Thiên nhiên như là chốn ẩn cư

Một phần của tài liệu Thiên nhiên trong tiểu thuyết của Mark Twain (Trang 33 - 34)

Henry David Thoreau (1817 – 1862) vẫn được coi là nhà Siêu nghiệm tiêu biểu nhất. Hưởng ứng lời kêu gọi quay về với thiên nhiên của Emerson, ông không chỉ dùng ngòi bút mà còn dọn đến vùng thiên nhiên hẻo lánh Walden Pond để sống một mình, trong một túp lều giữa thiên nhiên, cảm nhận và viết về nó. Những trải nghiệm về cuộc sống ở nơi thiên nhiên hoang vu ấy được kể lại trong tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Walden. Thiên nhiên trong cuốn sách này là hiện thân của chốn ẩn cư bởi nó hiện ra với những nét thân thiết, bình dị như một người bạn của tác giả, qua ngòi bút miêu tả chi tiết, chính xác và một văn phong mượt mà, nên thơ. Hình ảnh trung tâm trong tác phẩm là hồ Walden được tác giả lần lượt miêu tả ở cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, với những chân dung khác nhau ở và cảm nhận cũng với nhiều ý nghĩa. Đây là cảnh hồ vào cuối mùa hạ :

This small lake was of most value as a neighbor in the intervals of a gentle rain- storm in August, when, both air and water being perfectly still, but the sky overcast, mid-afternoon had all the serenity of evening, and the wood thrush sang around, and was heard from shore to shore. A lake like this is never smoother than such a time; and the clear portion of the air above it being, shallow and darkened by clouds, the water, full of light and reflections, becomes a lower heaven itself so much the more important. [73, tr.47 – 48].

Cảnh vật hiện ra với nhiều chi tiết gợi tả sự thay đổi của cảnh vật bởi cơn mưa cuối hè. Tác giả tập trung quan sát và miêu tả rất kĩ bề mặt hồ. Từ sự phẳng lặng (smooth) đến cảm giác nông và tối (shallow and dark)… Tất cả khiến ta hình dung tác giả như đang chìm đắm hoàn toàn vào cảnh vật. Có rất nhiều bức tranh như thế trong tác phẩm. Chúng giới

thiệu một đặc điểm nữa cũng hấp dẫn không kém cảnh vật miền biên cương ở tác phẩm của Cooper hay Mark Twain trong toàn bộ bối cảnh Mĩ : vẻ nên thơ, êm đềm.

Cách cảm nhận thiên nhiên như thế, đã cho thấy Thoreau chịu ảnh hưởng của phương pháp Thiền định ở châu Á. Điều này không có gì ngạc nhiên bởi Chủ nghĩa Siêu nghiệm có tiếp nhận ảnh hưởng từ Hindu giáo. Điều quan trọng là bằng cách nhìn thiên nhiên ấy của mình, nhà văn đã khiến cho mọi người cũng có cái nhìn yêu thích ấy trước thiên nhiên nước Mĩ. Nói như Emerson thì :

Thoreau đã dành thiên tài của mình để viết một cách say sưa về các cánh đồng, các quả đồi, các sông hồ của thành phố quê hương, nên ông đã làm cho tất cả các độc giả Mĩ hiểu biết và mê thích chúng. [44, tr.244 – 245].

Cũng thông qua việc hoà nhập với thiên nhiên, Thoreau còn cảm nhận vai trò “dẫn dắt” của nó đối với nhận thức của con người. Cảm nhận ấy thể hiện qua việc đặc tả cảnh hồ chỉ bằng một so sánh rất độc đáo :

A lake is the landscape’s most beautiful and expressive feature. It is earth’s eye; looking into which beholder measures the depth of his own nature. The fluviatile trees next to the shore are the slender eyelashes which fringe it, anh the wooded hills and cliffs around are its overhanging brows. [73, tr.105].

Khi hình dung hồ như con mắt nhìn với đầy vẻ trong sáng, mượt mà của hàng cây ven hồ như bờ mi, của đồi, dốc bao quanh như đôi chân mày lơ lửng, Thoreau không chỉ gây ấn tượng về vẻ đẹp thiên nhiên mà còn tạo ra một liên tưởng về chiều sâu của bản chất, của tâm hồn, điều mà con người có thể cảm nhận dễ dàng hơn khi ở giữa thiên nhiên. Cuốn

Walden đã khiến Thoreau trở thành một tác giả siêu nghiệm được yêu quí nhất có lẽ cũng vì quan niệm ấy của ông về thiên nhiên.

Một phần của tài liệu Thiên nhiên trong tiểu thuyết của Mark Twain (Trang 33 - 34)