3.3.1. Khái niệm hiện thực:
Mệnh đề văn học phản ánh hiện thực vốn gây nhiều tranh cãi. Cách hiểu về
hiện thực khác nhau cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến quan điểm khác nhau. Trong Về nội dung khái niệm chủ nghĩa hiện thực trong văn học, Nguyễn Văn Hạnh có viết: “Trong ngôn ngữ của ta, “hiện thực” có lúc được dùng như đồng nghĩa với “thực tế”, “cuộc sống”. Chẳng hạn ta nói: “văn nghệ phản ánh hiện
thực”, hoặc “biến khả năng thành hiện thực”. Trong ngôn ngữ nhiều nước khác, ví như trong nước Pháp, thì “hiện thực” ở đây không phải là “réaliste”hay “réalisme”, mà là “réel”, “réalité”. Sở dĩ phải nói điều này vì ở ta đôi lúc trong nhận thức thông thường, có khi cả trong nghiên cứu văn học, đã có sự lẫn lộn như
vậy” [36, tr.58]. Trong bài Nhìn chủ nghĩa hiện thực trong sự vận động lịch sử, Lại Nguyên Ân cũng nói: “từ “hiện thực” ở đây (như cách dùng khá phổ biến lâu nay) vừa trỏ đối tượng, vừa trỏ cách tiếp cận nó của chủ thể nên dễ gây lầm lẫn. Theo chúng tôi, nên dùng các từ “thực tại” hoặc “thực tế” để trỏ đối tượng của nghệ
thuật (tương đương với các từ “réel”, “réalité” trong tiếng Pháp, realnost, deistvitelnost ở tiếng Nga) và danh từ “hiện thực”(chủ nghĩa, tính chất) để chỉ kiểu thức tiếp cận nó của chủ thể nghệ thuật (tương đương với các từ “réalisme” ở tiếng Pháp, realizm ở tiếng Nga)” [2, tr.132]. Trong khi chờ đề xuất của các nhà nghiên cứu được chấp nhận và trở thành thói quen sử dụng thì từ hiện thực vẫn được sử
dụng theo nhiều cách hiểu. Ở đây, nếu hiểu đó là đối tượng của nghệ thuật thì trong nội bộ quan điểm ấy cũng có những bất đồng.
Trong các văn bản và ý kiến chỉ đạo sáng tác văn học thời kỳ trước, hiện thực
được nêu lên cho nhà văn miêu tả là hiện thực chính trị, hiện thực cách mạng. Theo Trường Chinh, “Đảng đề nghị các đồng chí và các bạn luôn đến với công nông binh và lao động trí óc đang xây dựng và bảo vệ đất nước”, “Đó là cái mới, là những tính cách và hiện tượng quan trọng và nổi bật nhất trong cuộc sống” [32, tr.43]. Theo Phạm Văn Đồng thì “Hiện thực mới của văn học là cái mới, cái nụ, cái chồi, cái bông hoa mới của chủ nghĩa xã hội. Hiện thực đó là Tổ quốc ta tươi đẹp, nhân dân ta anh hùng, sự nghiệp ta quang vinh. Hiện thực ấy kết tinh ở những người anh hùng, người tiên tiến. Đó là hiện thực lớn, tươi đẹp, dâng sẵn, đón chờ, lộng gió, lộng màu sắc và hương thơm thời đại” [32, tr.43]. Còn đối với Tố Hữu,
“Hiện thực miền Bắc là cuộc đấu tranh giữa hai con đường, là cuộc đấu tranh giữa tập thể và cá thể, giữa cái chung và cái riêng” [32, tr.43]. Tuy nhiên, trong bài Về
vấn đề văn học phản ánh hiện thực, Trần Đình Sử và Lê Hồng Vân đã cho rằng quan niệm này “đã bị chính trị hóa”, “thu hẹp vào cái khung chính trị, theo một
quan niệm chính trị nhất định. Đó là chỗ mạnh, cái làm nên sự thống nhất, tính chiến đấu của dòng văn học này. Nhưng đó cũng là chỗ yếu của nó. Những gì ngoài chính trị, khác với chính trị đều bị xem là vụn vặt, riêng lẻ, không có ý nghĩa. Những tình cảm khác, không phù hợp với yêu cầu của cuộc chiến đấu, cách mạng, bị xem là không chính đáng” [32, tr.45]. Chỉ sau cuộc đổi mới tư duy, quan niệm này mới được nhận thức lại và đổi mới. Đó là một quan niệm chính trị “theo nghĩa rộng”, một hiện thực “nhân bản nhân tính được thừa nhận trên cơ sở tư tưởng nhân văn”. Cũng theo hai nhà nghiên cứu, “Xét về mặt triết học, chúng ta chưa có một quan niệm triết học sâu sắc về hiện thực, phân chia hiện thực một cách siêu hình thành hai mặt chủđạo, cái cơ bản và cái không cơ bản, cái bản chất và hiện tượng, cái tất yếu và cái ngẫu nhiên”. Cho nên không phải cái chủ đạo, bản chất, tất yếu, cái cơ bản mới là hiện thực mà “thế giới có nhiều bản chất, những bọt nước cũng là thể hiện của bản chất”. Do đó, nếu chỉ tập trung vào hiện thực chính trị thì chỉ mới “chú ý đến một phần hiện thực, chứ không phải hiện thực trong sự toàn vẹn, chỉnh thể nhiều mặt của nó” [32, tr.46].
Theo Trần Đình Sử và Lê Hồng Vân “nhược điểm thứ hai trong quan niệm về
hiện thực là hình như toàn bộ quy luật khách quan của xã hội và lịch sử đều đã
được chủ nghĩa Mác - Lênin phát hiện trong triết học duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng, toàn bộ tất yếu của xã hội đều đã phát hiện, và hiện thực không còn gì phải tìm tòi, không còn chỗ nào mờ tối nữa. Nhiệm vụ còn lại là hành động
để thực hiện cái tất yếu ấy, theo một khả năng duy nhất. Hiện thực không bao hàm cái chưa biết, và những khả năng khác bất ngờ, mà tất cả quy luật đời thường đã rõ như lòng bàn tay”. Trước thực tế đó, họ cho rằng: “Với quan niệm đó, “phản ánh hiện thực”, “thâm nhập đời sống” trên một phương diện chủ yếu chỉ còn có ý nghĩa minh họa mà thôi! Nhiều lắm chỉ là phát hiện những biểu hiện phong phú, cụ thể, bất ngờ để hiểu thêm lý luận đã có sẵn, về cái hiện thực đã biết. Đồng thời đấu tranh để bảo vệ cái hiện thực đó, chống lại mọi cách hiểu khác về hiện thực đó”
[32, tr.46]. Theo họ, khi xác định vật chất bên ngoài ý thức, độc lập với ý thức chỉ
có ý nghĩa để giải quyết vấn đề cơ bản của triết học về tính thứ nhất của vật chất,
chỉ ra cội nguồn vật chất của ý thức. Cho nên, nói hiện thực xã hội tồn tại khách quan, bên ngoài ý thức, độc lập với ý thức con người không có nghĩa là hiện thực luôn ở bên ngoài, đối lập với ý thức mà hiện thực có thể nhận thức được và con người phải luôn đổi mới cái chủ quan mới có thể thâm nhập sâu vào hiện thực.
Điểm cuối cùng, hai nhà nghiên cứu đã cho rằng hiện thực không đồng nhất mà cao hơn so với tồn tại xã hội. Họ đã đồng tình với Lê Xuân Vũ khi ông nói:
“hiện thực trong mệnh đề “văn học phản ánh hiện thực” mà chúng ta luôn nghe nhắc đi nhắc lại đó phải được hiểu là cuộc sống của con người với tất cả sự phong phú đa dạng của nó, bản chất và quy luật phát triển của nó, chứ không phải chỉ là các sự kiện, hiện tượng, các chi tiết ngẫu nhiên, hoạt động bên ngoài của con người” [32, tr.47]. Cũng đề cập đến hiện thực trong mối quan hệ với con người, Hoàng Ngọc Hiến cho rằng: “Hiện thực là phản ánh những vấn đề phải giải quyết. Có thể hiểu đây là những vấn đềđược đặt ra trong cuộc sống mà ta chưa giải quyết
được”, “Hơn nữa, đó là những vấn đề mình phải giải quyết, mình chứ không phải ai khác. Mình là phương diện chủ thể của con người”, “Phản ánh hiện thực, nhà văn nhất thiết phải có mong muốn về hiện thực, phải có ham muốn cải tạo hiện thực, tức là ham muốn giải quyết tích cực những vấn đề được đặt ra trong hiện thực cuộc sống” [32, tr.47]. Rõ ràng, hiện thực sẽ chỉ là tồn tại xã hội nếu nó không liên quan đến con người. Tuy nhiên, Trần Đình Sử và Lê Hồng Vân cũng cảnh báo rằng hiện thực ấy cũng không phải chỉ là những cái con người đã biết và cũng không phải chỉ là những vấn đề thực dụng, buộc văn học phải tháo gỡ các vấn đề thuộc về
phong trào, chính sách.
Vượt qua những quan niệm thô sơ về hiện thực, quan niệm về một hiện thực rộng lớn, phong phú, đa dạng, gắn bó với đời sống con người đã được nhiều người thừa nhận. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã nói về hiện thực cuộc sống, như nói về
một điều vĩđại và thiêng liêng: “Thực tếđời sống chính là cái lọ nước thần, là niêu cơm ăn không bao giờ vơi, là nguồn tài liệu và nguồn cảm hứng vô tận mà bất cứ
một nhà văn nào dù tài năng đến đâu cũng phải rút ra từ đấy chứ không phải chỉ
trong trí tưởng tượng của mình những cốt truyện, những nhân vật, những chủ đề”
[47, tr.40].
Tất nhiên, khi quan niệm về một hiện thực vô tận, nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng cho rằng một tác phẩm văn học bao giờ cũng phải đảm bảo tính chân thật, cụ thể là vừa đầy đủ, toàn diện, không tô hồng, bôi đen, bóp méo hay né tránh, vừa là một hiện thực đã được khái quát, chắt lọc, tái tạo lại, chứ không phải là hiện thực ở dạng sao chép. Nhưng khi nhà văn sáng tác, thì “đó cũng là lúc cuộc sống thật chung quanh đã trở thành hư ảo và bị lãng quên. Trước mặt anh ta chỉ còn cuộc sống do trí tưởng tượng hết sức mãnh liệt của anh ta tạo nên và đắp vào dần dần”, nên “Một lần nữa, người viết lại phải căn cứ vào cuộc sống thật để kiểm nghiệm lại toàn bộ cái cuộc sống tưởng tượng ấy” [47, tr.47]. Quan niệm của Nguyễn Minh Châu vừa quan tâm đến hiện thực khách quan vừa chú ý đến sự nhào nặn hiện thực trong quá trình sáng tác là đúng đắn, việc dùng cuộc sống thật để
kiểm nghiệm sự tưởng tượng, xét đến cùng cũng không nằm ngoài quy luật của sự
sáng tạo. Tuy nhiên, do chỗ một số người đã quá đặt nặng việc đưa vào tác phẩm một hiện thực rộng lớn, ham kể chuyện chứ không quan tâm đến kể thế nào cho hay, qua đó thể hiện được vấn đề tư tưởng gì nên đã dẫn đến sự ra đời của những tác phẩm minh họa, “suy tư tưởng” và nghèo giá trị nghệ thuật.
Từ thực tế đó, nhiều người đã chỉ trích quan niệm về một “hiện thực lớn”. Trong Phản ánh hiện thực là chức năng hay thuộc tính của văn học? (Lược thuật cuộc Hội thảo bàn tròn về “văn học và hiện thực”), nhà nghiên cứu Tất Thắng cho rằng: “Không biết từ lúc nào đó, do chỗ ta vì quá sùng bái - tạm gọi như thế - các khái niệm hiện thực trong văn học, mà gán cho nó một hàm nghĩa rộng lớn hơn bản thân nó. Hiện thực được hiểu như là cuộc sống, toàn bộ cuộc sống. Và cái cuộc sống vô bờ về chiều rộng của không gian, khôn cùng về chiều dài của thời gian ấy
được xem là một hiện thực mẫu để đem đối chiếu nó với cái hiện thực – được miêu tả trong văn học. Nhưng khuôn khổ của tấm gương bao giờ cũng nhỏ bé hơn cái thế
giới mà nó phản ánh” (F.Đen-nhin-kla-u-xơ). Theo chúng tôi, chúng ta cũng nên nhớ câu này để đừng bao giờđòi hỏi văn học phải phản ánh đầy đủ hiện thực cuộc
sống. Vì đó là một đòi hỏi mang tính không tưởng”, “Nếu ta hiểu hiện thực trong ý nghĩa khái quát hơn, cô đọng hơn: sự thật, thì ta nên đòi hỏi văn học phải nói lên
đầy đủ sự thật (…). Mỗi tác phẩm có thể không phản ánh đầy đủ hiện thực, nhưng phải nói được đầy đủ sự thật” [98, tr.20].
Lê Ngọc Trà cũng cho rằng: “Nhiều người bị ám ảnh bởi tâm lý về “hiện thực lớn”, chỉ lo mình không diễn tả, truyền đạt hết được, phần đông ngợp và thỏa mãn trong “vùng tư liệu của mình”, nghĩ rằng chỉ cần nói lên một phần những điều mình biết, ghi chép được cũng đã là quý lắm rồi”, “Nói cho công bằng, dù nhà văn có cố phản ánh “hiện thực lớn” đến đâu, cũng khó ai dám chắc được rằng nhờ thế
mà văn học ta sẽ có tác phẩm lớn” [87, tr.36-38].
Quả thật, quan niệm về một hiện thực rộng lớn không sai nhưng đòi hỏi đưa toàn bộ hiện thực ấy vào trong tác phẩm thì không cần thiết, lấy hiện thực ấy làm thước đo định giá tác phẩm lại càng không nên. Trên tinh thần ấy, việc quan niệm lại thế nào là hiện thực là một việc cần làm.
Một hiện thực chính trị, hiện thực cách mạng hay hiện thực lớn đều là những hiện thực bên ngoài, tồn tại độc lập tương đối với con người. Bên cạnh đó, còn có một thứ hiện thực khác được không ít nhà nghiên cứu quan tâm, đó là hiện thực bên trong, hiện thực tâm hồn của con người. L.Tônxtôi từng nhận định: “Mục đích chính của nghệ thuật, nếu như nghệ thuật có mục đích, là thể hiện và nói ra những bí mật tâm hồn của mình bằng lời đơn giản không thể nói ra được…Nghệ thuật xuất phát từ những cái đó. Nghệ thuật là một loại kính hiển vi được người nghệ sĩ soi vào những bí mật tâm hồn mình và chỉ cho mọi người thấy những bí mật chung”
[63, tr.37]. Là một trào lưu nghệ thuật, chủ nghĩa hiện thực không nằm ngoài quy luật đó. Đôxtôievxki, một nhà văn hiện thực vĩđại từng tuyên bố: “Trong chủ nghĩa hiện thực đầy đủ phải tìm thấy con người trong con người…Người ta gọi tôi là nhà tâm lý: không đúng, tôi chỉ là nhà hiện thực chủ nghĩa trong ý nghĩa cao nhất, tức là tôi miêu tả các chiều sâu của tâm hồn con người” [63, tr.37]. Như vậy, tâm hồn con người chính là đối tượng quan trọng bậc nhất của nghệ thuật nói chung và chủ
nghĩa hiện thực nói riêng. Nhà lý luận B.Xuscôp từng nói: “Việc dựa vào sự phân
tích xã hội tuy vậy không biến chủ nghĩa hiện thực thành một trào lưu nghệ thuật chỉ làm công việc miêu tả những phương diện xã hội của cuộc sống và khép kín chủ
nghĩa hiện thực trong giới hạn những đề tài xã hội. Nhờ vào những đặc điểm của một phương pháp sáng tác dựa trên nguyên tắc mô tả con người trong những liên hệ thực và phong phú với lịch sử sống, với thực tế cụ thể, nghệ thuật chủ nghĩa hiện thực nghiên cứu một cách đầy đủ và đa diện lĩnh vực của tình cảm con người, tính phức tạp thực sự của những thể nghiệm tâm lý của con người. Sự phân tích tâm lý mà làm giàu cho nó và bao hàm nó như là một yếu tố quan trọng của con người, tương quan của nó với thế giới khách quan, với những con người và xã hội” [99, tr.63]. Nhà nghiên cứu Phùng Quý Nhâm cũng xem tinh thần phân tích tâm linh là một đặc trưng của chủ nghĩa hiện thực. Ông nói: “Quan tâm đến đời sống tâm linh, thế giới tâm hồn của nhân vật, khai thác những quy luật thầm lặng, những mạch ngầm trong đời sống tâm linh của con người, các nghệ sĩ hiện thực sẽ khắc phục tính phiến diện, đơn giản trong việc xây dựng, miêu tả tâm lý, tính cách nhân vật vốn là đặc điểm của sáng tác trước chủ nghĩa hiện thực” [63, tr.38]. Theo ông, “Ra
đời và phát triển trong hoàn cảnh xã hội có những thay đổi quan trọng, khi mà con người ý thức được sự tồn tại của chính mình, khi mà cá nhân được khẳng định như
một bản ngã tích cực, chủ nghĩa hiện thực đòi hỏi các nhà văn quan tâm đến đời tư,
đến cuộc sống tâm linh, thế giới tâm hồn của nhân vật, chú ý miêu tả những chi tiết nhỏ nhất trong ý nghĩ, trong tư tưởng, cảm xúc của con người” [63, tr.39]. Ông cũng lưu ý là “nguyên tắc quyết định tâm lý này luôn gắn với nguyên tắc quyết định xã hội. Điều này cũng làm cho sự phân tích tâm linh, tâm lý của con người luôn mang tính xã hội” [63, tr.40].
Một khi chấp nhận thế giới bên trong con người cũng là một hiện thực thì khái niệm hiện thực giờ đây có nội hàm rộng hơn. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã phát hiện: “Hình như trong ý niệm sâu xa của người Việt Nam chúng ta, hiện thực của văn học có khi không phải là cái hiện thực đang tồn tại, mà là cái hiện thực mọi người đang hi vọng, đang mơ ước. Có lẽ nhân loại ít có một dân tộc nào lúc nào cũng canh cánh ước mơ như chúng ta” [47, tr.62].
Trong Suy nghĩ về một vài hướng tìm tòi đổi mới trong văn học, Hà Minh Đức