Theo ngữ pháp chức năng

Một phần của tài liệu Câu quan hệ có từ "là " trong tiếng Việt (Trang 25 - 28)

Chương 1: NHỮNG CƠ SỞ LÝ THUYẾT 1.1.Khái niệm câu

1.1.2. Theo ngữ pháp chức năng

Ngữ pháp chức năng là một trào lưu ngữ pháp được kế thừa di sản chủ yếu của ba trường phái:

Trường Prague (The Prague School) đứng đầu là ba nhà ngôn ngữ

người Nga: N.S.Trobeckoj, R.O. Jackobson, và Karccuski (học trò của F. de .Saussure) và những nhà ngôn ngữ Tiệp Khắc: V. Mathesius, J. Vachk.

Trường London (The London School) với những tên tuổi như J.R. Firth, V. Malinonski, M.A.K. Halliday …

Lý thuyết của C.S. Peirce về ba bình diện của ký hiệu (trong đó có bình diện dụng pháp hay dụng học).

Ngữ pháp chức năng là một hệ lý thuyết và hệ phương pháp được xây dựng trên quan niệm coi ngôn ngữ là một phương tiện thực hiện sự giao tiếp giữa người và người” [13, 11]. “Ngữ pháp chức năng tự đặt cho mình cái nhiệm vụ nghiên cứu, miêu tả và giải thích các quy tắc chi phối hoạt động của ngôn ngữ trên các bình diện của mặt hình thức và nội dung trong mối liên hệ có tính chức năng (trong mối liên hệ giữa những phương tiện và những mục đích) thông qua việc quan sát cách sử dụng ngôn ngữ trong những tình huống giao tế hiện thực … để theo dõi cách hành chức của ngôn ngữ qua các biểu hiện sinh động của nó trong khi sử dụng.” [13, 16].

Khác với ngôn ngữ học truyền thống, khi bàn về nghĩa, người ta chỉ nói

đến nghĩa của từ chứ không bàn về nghĩa của câu. Câu theo quan niệm của ngữ pháp chức năng được định nghĩa như sau: “… Câu là sản phẩm của ba quá trình biểu nghĩa diễn ra đồng thời. Nó vừa là một sự trao đổi có tính chất tác động lẫn nhau, vừa là một thông điệp.” [13, 24].

Cũng theo ngữ pháp chức năng, câu là đơn vị nhỏ nhất của ngôn ngữ

mà đơn vị nhỏ nhất ấy được đặt trên ba bình diện khác nhau: bình diện ngữ

nghĩa- bình diện cú pháp - bình diện dụng pháp, các bình diện này có quan hệ

Theo M.A.K. Halliday, câu và từ là hai đơn vị ngữ pháp không được ngăn cách nhau rõ ràng lắm, cụm từ - group, cú đoạn – phrase là các đơn vị

trung gian giữa câu-từ. Ông cho rằng cú phức là đơn vị ngữ pháp duy nhất trên cú được công nhận, vì vậy không nhất thiết phải đưa ra một khái niệm câu tách biệt. Một câu sẽ được định nghĩa như một cú phức, dùng đơn thuần

để chỉ một đơn vị văn tự nằm giữa hai dấu chấm. “… Trong ngữ pháp chức năng, cú ở bất kỳ chỗ nào cũng giống nhau, cho dù nó đóng chức năng một mình (như một câu đơn) hay một phần của cú phức (câu phức/câu ghép)”.

Cao Xuân Hạo cho rằng “lời nói hay ngôn từ, phát ngôn, văn bản ngắn nhất là câu”, tuy nhiên ông cũng công nhận không phải câu nào cũng có thể độc lập làm thành một văn bản hay một ngôn từ. Có những câu tự nó đã mang

được một ý nghĩa trọn vẹn mà không cần sự bổ sung nghĩa của các câu khác gọi là “câu tự lập”. Bên cạnh đó cũng có những câu chỉ trọn vẹn ý nghĩa khi có sự hỗ trợ ý nghĩa từ những câu kế cận nó (câu tỉnh lược, câu chứa các từ

ngữ hồi chỉ hay khứ chỉ…) là những câu liên đới hoặc là câu ứng tiếp. Những câu như vậy bao giờ cũng giả định một câu kế cận và không tự mình làm thành một văn bản, một ngôn từ độc lập. Trong giao tiếp hàng ngày, muốn khôi phục dạng trọn vẹn và độc lập cho các câu ứng tiếp chúng ta thêm cho nó những từ ngữ bị tỉnh lược, thay thế những từ ngữ hồi chỉ bằng những ngữ đoạn đồng sở chỉ và tách riêng các kết từ.

Khi thực hiện một hoạt động giao tiếp, cái đơn vị cơ bản nhất mà mỗi

đối tượng tham gia giao tiếp phải sử dụng chính là câu. Bản thân mỗi câu không chỉ là một đơn vị giao tiếp mà nó còn có khả năng độc lập về mặt ngữ

pháp. Nguyễn Thị Ly Kha khẳng định “Việc định nghĩa câu nan giải không khác gì việc định nghĩa từ mặc dù ta vẫn cảm nhận được sự hiện hữu của nó” nên khi định nghĩa câu các nhà ngôn ngữ học luôn phải thể hiện được bốn yếu tố quan trọng nhất, đó là yếu tố hình thức (Câu có cấu tạo ngữ pháp nhất định,

có tính tự lập, có ngữ điệu kết thúc), yếu tố nội dung (câu biểu thị một nội dung sự tình nhất định, và có thể kèm theo thái độ của người nói, tình cảm của người nói), yếu tố tiếp theo là yếu tố chức năng (vì câu là đơn vị thông báo nhỏ nhất, các chức năng như hình thành –biểu hiện –truyền đạt tư tưởng – tình cảm phải được thể hiện rõ ràng trong câu), yếu tố cuối cùng là câu là đối tượng nghiên cứu của ngữ pháp học nên nó thuộc lĩnh vực nghiên cứu. Từ đó, tác giả đưa ra định nghĩa : “Câu là đơn vị lời nói có cấu tạo ngữ pháp nhất định, mang một ý nghĩa tương đối trọn vẹn, giúp hình thành và biểu hiện, truyền đạt tư tưởng, tình cảm. Câu đồng thời là đơn vị lời nói nhỏ nhất có chức năng thông báo.”…

Như vậy, với ngữ pháp chức năng, câu và những vấn đề hữu quan của nó được đem ra xem xét, nghiên cứu dưới cả ba bình diện : nghĩa, cú pháp và dụng pháp chứ không chỉ đơn thuần qua tâm tới mặt cấu trúc hình thức. Đặc biệt, ở mặt nghĩa thì nghĩa miêu tả của câu (hay còn gọi là nghĩa phản ánh một sự tình được nói đến trong câu) được quan tâm hơn hết.

Một phần của tài liệu Câu quan hệ có từ "là " trong tiếng Việt (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(146 trang)