3.2.5.1 Hoàn thiện bộ phận làm công tác lao động, tiền lương
Trong một tổ chức hay một doanh nghiệp thì bộ phận làm lao động, tiền lương có ảnh hưởng rất đáng kể đến hoạt động của Công ty. Tiền lương có hai vai trò cưc kỳ quan trọng đó là vai trò đòn bẩy kinh tế và là công cụ quản lý. Để tiền lương phát huy được hai vai trò này thì công tác quản lý tiền lương phải được thực hiện tốt. Để công tác quản lý tiền lương đạt hiệu quả cao thì người phụ trách công
tác này phải có năng lực và trình độ chuyên môn cao. Chính vì vậy trong thời gian tới Công ty cần chú trọng đến bộ phận này. Hiện nay tại Công ty mới có 3 người làm trong bộ phận này, trong khi đó các vấn đề cần giải quyết là rất nhiều vì vậy Công ty cần bổ sung thêm lao động đúng chuyên môn cho bộ phận này. Đồng thời Công ty cần quan tâm đến công tác đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn cho những người làm về lao động tiền lương, để họ hoàn thành tốt công việc của mình góp phần vào việc quản lý và sử dụng có hiệu quả quỹ lương của Công ty cũng như lựa chọn được hình thức trả lương cho người lao động sao cho phù hợp và phản ánh được một cách chính xác nhất giá trị sức lao động mà họ bỏ ra. Như vậy, đã gắn tiền lương với năng suất lao động, tạo động lực to lớn cho người lao động làm việc một cách hiệu quả nhất và yên tâm gắn bó với Công ty lâu dài.
3.2.5.2 Đối với công tác quản lý lao động
Hiện nay ở Công ty chưa chú trọng đến việc theo dõi chấm ngày công làm việc của người lao động đặc biệt là lao động gián tiếp. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do có sự nể nang. Chính điều này đã tạo ra sự mất công bằng trong việc trả lương cho người lao động vì những người chấp hành tốt quy định về thời gian làm việc của Công ty và những người chấp hành không tốt quy định về thời gian làm việc đều được tính là số ngày công thực tế bằng nhau. Do đó, cần phải điều chỉnh lại công tác chấm công, cụ thể là những người chấm công sẽ bị xử lý trước tiên nếu có hiện tượng người lao động nghỉ nhiều giờ trong ngày hoặc nghỉ việc mà vẫn được chấm công, để nâng cao tinh thần trách nhiệm của người chấm công. Việc chấm công nên giao cho một người phụ trách Công đoàn trong đơn vị thực hiện vì Công đoàn vừa là người bảo vệ quyền lợi của người lao động nhưng đồng thời Công đoàn cũng là người có trách nhiệm nhắc nhở người lao động thực hiện đúng theo quy định của Công ty. Bên cạnh đó, Công ty sẽ phải trừ lương của những người không tuân thủ đúng số giờ làm việc trong ngày, có như vậy người lao động mới có ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định của Công ty. Không chỉ chấm theo ngày công mà Công ty có thể chấm theo số giờ công để tránh tính trạng đi muộn về sớm ở một số người lao động, hay tình trạng đi việc riêng trong giờ làm việc để phản ánh đúng thực trạng này.