Chức năng này được biểu hiện bằng các bộ phận: bụng, đầu, gan, mép, ruột, tai, óc.
i) Bụng
Trước hết, theo quan niệm dân gian, bụng là nơi chứa đựng trí tuệ, tư duy của con người. Bụng cũng là cơ quan suy nghĩ như não hay óc vậy. Cho nên có nhiều cách nói như: nghĩ thầm trong bụng, định bụng sẽ đi ngay. Điều này cũng được thể hiện rất rõ trong thành ngữ. Chẳng hạn như câu thành ngữ “
bụng bảo dạ” có nghĩa là “ tự nghĩ trong bụng, tự nhắc nhở mình, tự bảo mình”. Hay câu “ bụng nát dạ” là “tự huyễn hoặc rồi gây ra nỗi sợ hãi cho
chính bản thân mình”. Không những vậy, bụng còn là nơi chứa đựng những suy nghĩ của con người. Một người “đi guốc trong bụng” người khác là người biết hết mọi suy nghĩ, ý đồ, ý định của người đó, suy bụng ta ra bụng người là chủ quan gán ghép những suy nghĩ, tư tưởng, thường là xấu xa của mình cho người khác, cho rằng mình suy nghĩ, nhận thức, đánh giá, mong muốn điều gì thì người khác ắt cũng như vậy.
Ví dụ 7: Gặp nhau ở V.League vòng 3, Thể Công giống như vòng bi không có trục còn ĐKVĐ Becamex Bình Dương thì lộ hết sở trường vì bị đi guốc trong bụng. (Tinmoi)
ii) Đầu, óc
Trong thành ngữ BPCT tiếng Việt, chỉ có 4 thành ngữ liên quan đến thành tố đầu, óc. Thành ngữ đau đầu buốt óc và đau đầu nhức óc thể hiện việc suy nghĩ một cách dữ dội, cân nhắc kĩ lưỡng, cẩn thận; thành ngữ nghĩa
lớn đầu to cái dại chỉ những người lớn tuổi hoặc có địa vị cao lại làm những việc dại dột, mang hậu quả lớn, bị nhiều người chê cười; thành ngữ vặn đầu vặn tai thể hiện việc suy nghĩ, cố tìm cách giải quyết khó khăn.
Ví dụ 8: Ban đầu, Bongiovi và các cộng sự lắp ráp một thiết bị sử dụng các linh kiện analog để tạo ra hiệu ứng âm thanh, tuy nhiên thiết bị này to phải bằng cái tủ lạnh. Đau đầu buốt óc, Bongiovi cầu cứu Glenn Zelniker, một chuyên gia về xử lý tín hiệu số, nhờ ông này lập trình ra một con chip có chức năng nói trên. (Vietbao)
iii) Gan, ruột
Trong thành ngữ Việt, gan, ruột cũng được sử dụng để nói về suy nghĩ, trí nhớ như thành ngữ lú gan lú ruột là muốn nói về người đoảng, hay quên, hay lẫn. Việc suy nghĩ cũng tác động rất nhiều đến ruột, có thể làm thay đổi trạng thái của nó, chẳng hạn: lo rối ruột, nghĩ thối ruột thối gan, v.v.
Ví dụ 9: Trên nền gạch vụn của ngôi nhà đổ nát, chị Nguyễn Thị Chinh (thôn Yến Nê 1, xã Hòa Tiến) đang lo rối ruột tính chuyện cái ăn cho tụi nhỏ
cầm hơi thì hàng cứu trợ vừa đến, “mừng như trời phật giúp”. (Tuổi trẻ
Online)
iv) Mép, lòng bàn tay, tai
Ở đây, thành tố mép và lòng bàn tay, tai có ý nghĩa biểu trưng không rõ nét, nó phụ thuộc vào sự kết hợp với các thành tố khác: thành ngữ thuộc như lòng bàn tay chỉ việc nắm vững, nhớ rõ mọi ngõ ngách của đường đi lối lại của các địa hình, địa vật ví như nhớ từng chi tiết nhỏ trong lòng bàn tay của chính mình, thành ngữ con ruồi đậu mép không biết đuổi chỉ sự ngờ nghệch, dốt nát ngu si quá mức, ví như kẻ mất hết lí tính, hết cảm giác, đến con ruồi
đậu ở mép rất khó chịu cũng không biết xua đuổi.
Ví dụ 10: Hai năm lăn lộn với địa bàn, với hàng trăm buổi ngược xuôi từ
Vinh lên những bản làng heo hút, hiểm trở nhất nên Thúy thuộc như lòng bàn tay các điểm ma túy.(Nhân dân Online)
v) Dạ, mắt
Thành tốdạ, mắt được dùng để nói tới nhận thức của con người.
Khi nói trẻ người non dạ, nhẹ dạ cả tin là nói về nhận thức của một người còn nông nổi, dễ tin người, làm theo, nghe theo ai một cách dại dột.
Ví dụ 11: Do trước đây Trường làm công nhân lâm trường Kơ Tu, Kbang, Gia Lai, biết rõ sự nhẹ dạ cả tin của các cô gái Tây Nguyên nên y vào tổ chức đường dây buôn người sang biên giới. (Tiền Phong Online)
Mắt là cơ quan để nhìn của người hay động vật, thường được coi là biểu tượng của cái nhìn của con người. Theo tri nhận của người Việt, mắt còn là cơ quan có thể nhận thức. Thành ngữ sáng mắt ra có nghĩa là hiểu được, nhận ra được sự thật, lẽ phải mà trước đó còn nhầm lẫn, mê muội, không nhận thấy; trắng mắt ra là thấy rõ ràng là thua kém, thiệt hại hoặc sai lầm; mắt
thánh tai hiền là sáng suốt, có sự am hiểu sâu rộng về nhiều mặt trong cuộc sống.