Bước vào thế kỷ XXI, thế giới đang chứng kiến một xu thế phát triển mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hoá, xu thế tăng cường liên kết giữa các tổ chức kinh tế quốc tế và khu vực, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các quốc gia trên tất cả lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh và quốc phòng. Những dự báo của tương lai thật khó lường, rất nhiều diễn biến phức tạp đã và đang xảy ra làm bất ngờ ngay cả những chuyên gia dự báo.
LB Nga bước vào thế kỷ mới với những mục tiêu và nhiệm vụ rất nặng nề, với nhiều khó khăn và phức tạp còn tồn tại trong thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Di sản mà vị Tổng thống tiền nhiệm B.Yeltsin để lại là một nước Nga với những khoảng tối bao trùm - một thực trạng kinh tế - xã hội “đổ nát và hoang tàn”. Ngay từ khi nắm quyền Tổng thống (31/12/1999) và chính thức trở thành Tổng thống thứ hai của Cộng hoà Liên bang Nga sau cuộc bầu cử (3/2000) với 53% số phiếu bầu, V.Putin đã thể hiện quyết tâm khôi phục nền kinh tế - xã hội LB Nga.
Lịch sử đã sang trang, năm 2000 được đánh dấu là một điểm mốc cực kỳ quan trọng, là bước ngoặt chuyển nước Nga sang một giai đoạn phát triển mới với đường lối lãnh đạo của Tống thống V.Putin. Mục tiêu tổng quát bao trùm cần thực hiện là tiếp tục xây dựng xã hội dân chủ, nhà nước pháp quyền, từng bước tìm kiếm lại vị trí quốc tế của LB Nga với tư cách là cường quốc trên thế giới.
Trong Thông điệp Liên bang đầu tiên trình bày trước Quốc hội LB Nga ngày 8/7/2000, V.Putin đã khẳng định:“Nga cần một hệ thống kinh tế có khả năng cạnh tranh, có hiệu quả, công bằng về xã hội, điều đó sẽ đảm bảo cho sự phát triển ổn định. Nền kinh tế ổn định là bảo đảm chủ yếu cho xã hội dân chủ và là cơ sở của mọi nền tảng cho Nhà nước hưng thịnh và được kính trọng trên thế giới” [26]. Việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước Nga được xác định là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong chính sách của Tổng thống V.Putin. Ông khẳng định, nước Nga cần phải có chiến lược cho sự phát triển dài hạn, có những mục tiêu và biện pháp rõ ràng.
Đường lối cải cách của V.Putin trước hết vẫn khẳng định tiếp tục công cuộc cải cách kinh tế thị trường mà người tiền nhiệm B.Yeltsin đã tiến hành, nhưng bước đi và phương pháp tiến hành thận trọng hơn, tăng cường vai trò điều tiết vĩ mô của nhà nước, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, duy trì sự ổn định chính trị để phát triển kinh tế. Trong đó ổn định kinh tế là nhiệm vụ chủ chốt nhất, là việc trọng tâm hàng đầu của đất nước.
Trong suốt hai nhiệm kỳ cầm quyền của mình, các Thông điệp Liên bang hàng năm đều được Tổng thống V.Putin nhấn mạnh đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là nhằm khôi phục tiềm lực kinh tế, vị thế quốc tế của LB Nga mà trước hết là xây dựng xã hội dân chủ, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Tổng thống V.Putin cho rằng: “Chúng ta quen nhìn Nga như là hệ thống các cơ quan quyền lực hay như là một cơ cấu kinh tế. Nhưng trước tiên nước Nga là những con người, những người coi Nga là ngôi nhà của mình. Sự bình an và cuộc sống xứng đáng cho họ là nhiệm vụ chủ yếu của chính quyền, của bất cứ chính quyền nào” [28] và “chúng ta cần phải biến nước Nga thành một nước hưng thịnh và no đủ, để mọi người được sống trong đầy đủ và an toàn, để mọi người dân được tự do lao động, không bị
hạn chế bởi sự hạn chế và lo sợ nào, làm việc cho mình và cho con cháu mình”
[31].
Kết thúc nhiệm kỳ thứ nhất với những thành công bước đầu bằng các chỉ số tăng trưởng kinh tế và giải quyết cơ bản các vấn đề xã hội đặt ra, V.Putin tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai với 71,2% phiếu bầu. Và trong Thông điệp Liên bang đầu tiên đọc trước Quốc hội ngày 27/5/2004, một lần nữa khẳng định các mục tiêu chiến lược của đường lối phát triển kinh tế - xã hội mà các nhà lãnh đạo Nga đã và đang theo đuổi:
“Những mục tiêu của chúng ta hoàn toàn rõ ràng. Đó là mức sống cao, cuộc sống an toàn và đầy đủ tiện nghi. Đó là nền dân chủ chín muồi và một xã hội công dân phát triển. Đó là củng cố vị trí của nước Nga trên thế giới…”
[32].
Trong các Thông điệp Liên bang hàng năm từ 2000 đến 2008 nêu rõ: Về tổng thể, đường lối phát triển kinh tế trước mắt và lâu dài của LB Nga vẫn là tiếp tục chuyển đổi nền kinh tế, nhưng theo quỹ đạo phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế thị trường theo phương thức mới, định hướng theo sự đảm bảo cân bằng các chỉ số kinh tế - xã hội để nền sản xuất đạt hiệu quả cao. Mục tiêu hồi phục kinh tế, tăng trưởng kinh tế được xem là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của chính sách kinh tế trong chiến lược phát triển dài hạn 2000 - 2010.
Về xã hội, mục tiêu quan trọng nhất luôn được nhấn mạnh trong các Thông điệp Liên bang hàng năm của Tổng thống và trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2000 - 2010) của Chính phủ là không ngừng nâng cao mức sống của người dân, xây dựng một xã hội tự do, dân chủ, ổn định.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, ban lãnh đạo LB Nga đã vạch ra những biện pháp cụ thể về kinh tế và xã hội. Đó là kích thích tăng trưởng kinh tế; phát triển các ngành kỹ thuật cao; xây dựng kết cấu kinh tế hợp lý; xây
dựng hệ thống tiền tệ hiệu quả; xoá bỏ kinh tế ngầm, thủ tiêu các tổ chức tội phạm kinh tế; đẩy nhanh hội nhập kinh tế quốc tế; hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn… Còn về mặt xã hội, muốn đạt được các mục tiêu chỉ có thể được bảo đảm trên cơ sở thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế. Trong đó chú trọng vào các biện pháp là: ưu tiên phát triển lĩnh vực y tế, giáo dục và văn hoá; củng cố sự ổn định tài chính cho hệ thống trợ cấp an sinh xã hội. Các biện pháp này được thực hiện “theo nguyên tắc tất cả mọi công dân LB Nga đều có quyền sử dụng các phúc lợi xã hội cơ bản và chất lượng của các phúc lợi xã hội đó là có thể chấp nhận” [28].
Quá trình thực hiện đường lối phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội dưới sự lãnh đạo của Tổng thống V.Putin trong suốt hai nhiệm kỳ cầm quyền đã thể hiện rõ mục tiêu chiến lược nhằm biến LB Nga trở thành một cường quốc TBCN trên thế giới.